Trở lại với mẹ con cụ Tấn, cụ Tấn hỏi con: “Hôm nay con tính đi đâu vậy?”...
Một buổi sáng thứ bảy đẹp trời. Những tia nắng vàng rực rỡ đầu tiên đã trải nhẹ lên những ngọn thông xanh cao nghệu trong thành phố. Xe cộ còn thưa thớt nên đó đây chỉ nghe tiếng chim ríu rít trong những lùm cây xanh rì rậm rạp bên đường. Vài ông bà già Mỹ dắt chó ra những công viên sớm, ý chừng để được hưởng một ít không khí trong lành buổi sớm mai.
Cư xá còn êm như tờ nhưng hai mẹ con bà Lụa đã dậy. Những công tác vệ sinh cá nhân đã xong, cụ Tấn ngồi ở bàn, tay nọ nắn bóp cho bàn tay kia vì ít lâu nay cái bàn tay phải của cụ giở chứng. Cái ngón giữa tự nhiên nắm vào không giở ra được nữa. Bà Lụa đã đưa mẹ đi bác sĩ, bác sĩ bảo nó từ bệnh thấp khớp (arthritis), cho thuốc uống nhưng bảo cụ phải tập cho nó hằng ngày như người tập thể dục để máu huyết lưu thông, may ra có đỡ chăng. Như người trẻ thì bác sĩ đề nghị giải phẫu nhưng cụ đã lớn tuổi, e vết thương lâu lành và đau nhức nhiều, thôi cứ để thế và tập thể dục, bất đắc dĩ mới phải mổ.
Bà Lụa đang đun nước pha trà. Hai mẹ con có thói quen uống trà buổi sớm mai từ hồi còn ở Ðà nẵng. Trước kia hai mẹ con bà uống trà Blao, Lâm Ðồng, khá ngon; bây giờ trà mạn sen ở Việt Nam không thiếu nên thỉnh thoảng hai mẹ con lại nhận được một gói trà từ người em dâu cụ Tấn, bà Thủ, từ Sàigòn gửi qua.
Ông Thủ là con trai út trong gia đình bố mẹ cụ Tấn, ông Thủ thua cụ Tấn đến hơn một giáp. Ông Thủ mất đã lâu nhưng vợ ông không tái giá, ở vậy lo cho một đàn con 5 đứa. Bà Thủ vẫn kính yêu nhà chồng như hồi nào vì khi ông Thủ còn sống, ông dạy vợ con rất kĩ về đạo làm người.
Cả đời ông Thủ, ông kính yêu cha mẹ hết lòng. Ông thường bảo với người trong gia đình và vợ con ông, cái thứ người bất hiếu, bất đễ còn thua súc vật. Hiếu là bổn phận con đối với cha mẹ; đễ, thương yêu anh chị em. Bất hiếu với cha mẹ thì cái con người đó còn làm được gì cho nhân quần xã hội? Trong đạo tu thân của Khổng tử, chữ Hiếu chiếm phần quan trọng bởi “quân tử hữu vạn sự nhi tác, hiếu vi tiên” người quân tử có cả chục ngàn công việc để làm, nhưng chữ Hiếu là đầu.
Người Phật tử thường kể chuyện một người đàn bà ở thôn quê, một bữa thấy buồng chuối trong vườn có một nải chín rộ, mầu vàng tươi, rất đẹp, rất ngon. Chị vội cắt buồng chuối, cắt rời nải chuối chín, cho vào cái rổ trên phủ lá chuối đem lên chùa cúng Phật tỏ lòng thành.
Vì là ngày thường nên chùa vắng, chị đi thẳng vào cổng rồi ra phía bếp. Chị thấy một chú điệu đang dùng cát đánh cái lư đồng.
“Chú cho tôi mượn cái đĩa lớn để bỏ nải chuối cúng Phật.” chị bảo chú điệu.
Chú điệu bỏ cái lư đồng đó, đứng lên kiếm cái đĩa sành lớn trao cho chị. Chị bỏ nải chuối vàng ươm vào đĩa có vẻ rất hài lòng rồi đưa lên chính điện.
Khi chị đốt hai cây hương, thành khẩn niệm hương sau khi đã đặt nải chuối trên bệ thờ xong, đứng lâm râm khấn những điều chị muốn, vái ba vái rồi quay ra thì gặp sư cụ trụ trì đang đứng ở sân chùa. Chị lễ phép chào nhà sư. Sư cụ đáp lễ xong, hỏi:
“Thí chủ có chuyện gì cần mà lên chùa sớm vậy?”
“Bạch hòa thượng, kẻ đệ tử có nải chuối vừa chín tới rất ngon, rất đẹp đem lên lễ Phật.” Chị trả lời, hai tay chắp lại kính cẩn.
“Thế thí chủ để chuối ở đâu?”
“Bạch thầy, đệ tử để ở trên ngai thờ nơi kia.” Nói xong chị chỉ vào chỗ để chuối.
Nhà sư quay vào chính điện, đến gần bệ thờ coi, người đàn bà cũng bước theo. Khi thấy nải chuối cùng với hai cây hương mới thắp, sư cụ quay lại người đàn bà:
“Thí chủ có lòng thành cúng Phật; điều đó rất đáng khen. Tuy nhiên, nếu ta nhớ không lầm thì hình như thí chủ còn một ông bố và bà mẹ ở với, ông bố thì liệt lào, còn bà mẹ bị lòa và đau yếu đã lâu, có phải vậy chăng?”
“Bạch thầy, phải.”
“Thế thí chủ đã có nải chuối nào cho ông bà ấy ăn chưa?”
Người đàn bà tỏ ra luống cuống:
“Bạch thầy ...chưa. Mai mốt mấy nải kia chín, kẻ đệ tử sẽ dành cho bố mẹ.”
Thật ra chị nói dối vì chị tính số chuối còn lại sẽ đem ra chợ bán.
Vị hòa thượng ôn tồn:
“Có người nói đến tai ta, là thí chủ rất khe khắt với bố mẹ, lại dùng những lời nói bất xứng, trái bổn phận làm con. Cha mẹ thí chủ chính là Phật tại gia của thí chủ đó, thí chủ hãy mang nải chuối này về dâng cho cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo. Chỉ khi nào thí chủ làm xong bổn phận đối với các đấng sinh thành, rồi đến lễ Phật thì Phật mới nhận.”
Nói xong, sư cụ cầm nải chuối trao cho người đàn bà. Chị tiu nghỉu bỏ nải chuối vào rổ, đậy vỉ lại rồi ngượng ngùng bỏ đi.
Cụ Tấn thỉnh thoảng vẫn kể chuyện đó cho con, cháu nghe. Cụ cũng nói, lòng hiếu kính đối với cha mẹ phải phát xuất từ thâm tâm mỗi người bởi đó là nhân đạo, cái đạo làm người, trước nhất phải chu toàn. Nếu bị ép buộc hoặc phải kêu gọi mới làm thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Còn chuyện ông Thủ thì có nhiều. Cụ Tấn đôi khi kể cho các con nghe rằng, khi bố cụ là cụ Chánh tổng Vi còn sống, có lần giận ông Thủ, bắt nọc ra giường đánh bằng roi mây, ông Thủ vẫn ngoan ngoãn nằm ngay cho bố đánh mặc dù lúc đó ông Thủ đã ngoài hai mươi tuổi, đã có vợ con.
Ðến đời ông Thủ, ông cũng rất nghiêm khắc với các con ông. Con cái phải một niềm đối với cha mẹ. Cha mẹ sinh ra, nuôi khôn lớn, dạy dỗ thành người. Khi cha mẹ già yếu, phải trông sóc, nuôi dưỡng cho hết lòng để báo đáp ân sâu và làm tròn nghĩa vụ con người. Theo ông Thủ, ngoài Thượng Ðế và các đấng thần linh về tôn giáo mà người ta thờ phượng, tôn kính - theo một khía cạnh khác, khía cạnh tâm linh của đời sống – thì người với người là những vật thụ tạo, không ai đáng cho ta kính mến và tôn thờ bằng cha mẹ ta:
Một lòng kính mẹ thờ cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con!
(Ca dao)
Hoặc là:
Phải nghĩa mẹ, nước trong nguồn
Còn công cha dẫy Trường Sơn, Ba Vì?
Làm con bất hiếu, bất nghì
Thì sao xứng đáng được ghi là người?
Là hàng cầm thú vậy thôi!(TÐN)
Vì thấy nhiều người, do thiếu ý thức, hoặc tình cảm lạc lõng, đã trọng cha hơn mẹ hoặc ngược lại; ông Thủ dạy con phải coi cha mẹ như nhau; yêu mến cha thế nào thì mến yêu mẹ như thế, thờ cha làm sao thì thờ mẹ như vậy. Có thể săn sóc hơn khi một người bị đau yếu, liệt lào nhưng tựu trung lúc nào cũng phải hết sức trong bổn phận của người con. Nếu cha hoặc mẹ có lỗi lầm chi đó là lỗi với nhau, lỗi với luật pháp, hoặc với Thượng Ðế chứ không có lỗi với mình. Chớ xét nét cha hoặc mẹ để làm giảm lòng thương yêu kính trọng.
Ông Thủ cũng thêm, tôn kính thương yêu cha mẹ là làm gương cho con mình để chúng biết bổn phận làm con của chúng. Tục ngữ Việt có câu:”Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” Người bội bạc với cha mẹ ắt con cái sẽ bội bạc với mình.
Nhà tư tưởng Thalès de Milet đã viết:”Bạn đối xử với song thân của bạn như thế nào thì con cái bạn sẽ đối xử với bạn y như vậy.”
Ðạo Nho dạy một trăm ngàn điều nhưng hơn phân nửa là về chữ Hiếu bởi nếu con người không tròn chữ Hiếu thì không một điều gì con người ấy có thể làm tròn.”Quân tử hữu vạn sự nhi tác, hiếu vi tiên”. Người quân tử có cả vạn điều để làm, đạo hiếu là đầu. Thiên Chúa giáo lấy điều răn thứ tư để dạy con người đối với cha mẹ, chỉ sau Thượng Ðế gồm ba điều kia, nhưng ba điều này cũng chỉ tóm lại có một ý nghĩa duy nhất: tôn kính Thượng Ðế. Như vậy, ngay sau Thượng Ðế, không ai khác hơn là cha mẹ.
Có những người siêng năng đi chùa, đi nhà thờ - như chị dâng chuối nói trên – yêu vợ, yêu con, yêu chồng, yêu cả người láng giềng nhưng đối với cha mẹ thì tệ bạc. Ðiều đó chứng tỏ con người đã mất căn bản luân lí, bỏ quên cội nguồn, dày đạp nhân luân. Như thế, đâu có xứng gọi là người?
Một câu tục ngữ khi xưa, nay ta có thể sửa lại như sau:
“Hãy cho tôi biết anh/chị đối với cha mẹ như thế nào, tôi sẽ nói anh/chị là hạng người gì.”
Cũng có những trường hợp, tự đứa con, nó không tệ bạc với cha hoặc mẹ nó nhưng do mẹ/cha xúi giục nó làm bậy. Ðiều này rất thường xẩy ra nơi một số phụ nữ vốn lòng dạ thiếu quảng đại. Kinh thánh viết đại ý:”Nếu bay đầu têu cho trẻ nít phạm tội thì chẳng thà buộc đá vào cổ nó mà đẩy xuống biển.”
Chẳng những bắt con cái phải giữ lễ với cha mẹ, ông Thủ cũng xét nét con khi chúng giao tiếp với người xung quanh.
Khi nghe một bà cô, ông chú trong gia đình hoặc một người lớn tuổi hàng xóm mách với ông rằng có đứa nào đó con ông không chịu chào hỏi lễ phép là ông hỏi cho ra lẽ và đánh đòn, bắt nó phải lại xin lỗi những người đó. Vì vậy những đứa con ông tuy sống nghèo sau khi ông mất, nhưng trong làng, ngoài xóm vẫn khen chúng là những đứa trẻ hiếu hạnh, lễ phép.
Trà đã ngấm, bà Lụa rót ra cái chén tống, xong chuyên từ chén tống sang hai chén quân, bà đổ thêm nước sôi vào bình trà.
“Nước đây mẹ.” bà Lụa đặt cái đĩa đựng tách trà trước mặt cụ Tấn.
“Con uống đi.” Cụ Tấn đưa tách trà lên môi nhấp một chút nhưng thấy còn hơi nóng, cụ lại bỏ xuống. Hồi còn trẻ, nóng thế này chứ nóng nữa cụ vẫn uống được, cảm thấy ngon là khác. Nhưng cao tuổi lên, hình như sức chịu đựng yếu đi, lạnh quá, nóng quá đều không được mà cứ phải êm êm, nhẹ nhẹ.
Hết hai tuần trà, cả hai mẹ con đều cảm thấy sảng khoái tinh thần. Vị trà thơm mùi sen từ những cái hồ đầy hoa ở Việt Nam vẫn còn đọng ở khứu giác, ở trong cổ mà không thức uống gì khác có thể cho cái mùi đặc biệt Việt Nam như thế. Thảo nào, ông Tú Vị Xuyên đã mê nó từ khi còn thiếu thời, mặc dù ông vẫn chỉ coi nó là cái thứ lăng nhăng:
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà!
Vâng thưa ông Tú, ông khôn lắm, nhưng nếu ông không chừa cả ba cái “lăng nhăng” đó đi thì chỉ tội cho bà Tú là trước nhất, rồi đến những cái ô tây, những đôi giầy “dôn” bỗng nhiên không cánh mà bay, khi sáng ra:
“Anh dậy em vẫn còn nằm trơ trơ
Hỏi ô, ô mất bao giờ.
Hỏi em, em cứ ỡm ờ chẳng thưa” thì mệt lắm!
Tôi đã đi hơi xa đề tài vì nói đến trà mà không nói đến ông Tú cùng quê với tôi ở Nam định một tí thì áy náy. Nhất là cả ba cái thứ “lăng nhăng” ông Tú và nhiều người đàn ông ghiền thì cũng có tôi, càng khẩn trương những khi cần chất xúc tác để gọi mấy vần thơ ương ngạnh không chịu ra trình diện sớm để hoàn thành bài thơ đang sẵn hứng.
Trở lại với mẹ con cụ Tấn, cụ Tấn hỏi con:
“Hôm nay con tính đi đâu vậy?”
“Hôm nay con đưa mẹ tới hội quán Việt Nam trong thành phố. Ngày hôm nay hội phụ nữ thành phố tổ chức buổi họp giúp những người mù ở quê nhà. Mẹ biết không, Việt Nam mình là nước có nhiều người mù nhất thế giới; toàn quốc có hơn nửa triệu người mù.”
“Thế thì mình phải làm gì?”
“Trong buổi họp người ta sẽ nói mẹ à. Mẹ ăn chút cereal với sữa rồi hãy đi nhé.”
Bà Lụa đến tủ để chén bát, lấy hai cái bát nhỏ và hai cái muỗng nhựa. Bà đưa lại bàn, mở hộp cereal trút ra mỗi bát một ít, xong lại tủ lạnh lấy ga-lông sữa fat free. Bà đổ sữa vào mỗi bát và ngồi vào ghế:
“Mẹ ăn đi.”
“Mấy giờ phải có mặt vậy con?”
“Mười giờ mới bắt đầu mẹ à, nhưng mình phải đến trước mươi phút. Con sợ đến trễ rồi người ta nhìn chòng chọc vào mặt mình, kì lắm.”
“Phải đấy con ạ. Người Việt mình có tiếng đi trễ. Ðám cưới, đám hỏi, hội họp, cứ đến sát nút mới chạy, vừa nguy hiểm xe cộ, vừa làm mất thì giờ người khác. Mẹ không ưa cái thói đó.”
Bà Lụa đặt vào tay mẹ một viên thuốc bổ và một viên calcium như mỗi sáng:
“Mẹ chiêu với sữa đi. Con cũng uống đây. Mẹ biết không, như bác sĩ nói đó, những người từ tuổi con trở lên bị thiếu calcium dễ bị sốp xương, gẫy xương lắm mẹ. Ở Mỹ cả chục triệu người bị rỗng xương mỗi năm đó.”
Hai mẹ con sửa soạn xong là chín giờ mười lăm. Bà Lụa đưa mẹ ra ga-ra, mở cửa xe cho mẹ ngồi vào, cột dây an toàn tử tế rồi mới ngồi vào tay lái. Bà chưa quen đi freeway nên chỉ đi đường trong, dù thế cũng không chậm bao nhiêu.
Hai mẹ con bà Lụa vào đến phòng hội thì đã có mươi lăm người đến trước, dăm ba người quen lại chào hỏi cụ Tấn và bà Lụa.
“Cụ nhớ cháu không? Chị nhớ em không” Một người đàn bà trung niên hỏi cụ Tấn và bà Lụa.
Hai mẹ con nhìn người đàn bà ăn mặc lịch sự, ngờ ngợ.
“Cháu ở Ðà Nẵng đây cụ. Thỉnh thoảng cháu vẫn đến mua bánh cuốn Thanh Trì của cụ đó. Lúc ấy cháu còn con gái, bây giờ cháu đã có gia đình, chồng cháu là bác sĩ P.”
Bà Lụa tiếp lời:
“À, thế ra buổi họp này cô là người tổ chức?”
Bà P. nhũn nhặn:
“Không phải mình em, chị ạ. Tụi em một nhóm cả mười mấy người, chia nhau đi các nơi có cộng đồng Việt để xin sự giúp đỡ cho những đồng bào đáng thương tại quê nhà. Thành phố này em phụ trách, sau đó em đi với các chị khác đến những nơi khác.”
Người đến dự đông dần. Ðúng 10:00 giờ, cô P. khai mạc, nói lí do buổi họp. Cô nói, cô đã về Việt Nam nhìn thấy những đồng bào mù. Có những người chỉ cần giải phẫu với số tiền 300 – 400 đô-la là thấy ánh sáng. Bà con hải ngoại kẻ ít người nhiều góp sức thì Hội Phụ nữ của cô sẽ có thêm phương tiện làm cho những người khiếm thị được nhìn thấy ánh sáng. Ngay những quí vị không cho tiền mà cho gọng kính cũ hay kính cũ, Hội của cô cũng nhận để làm kính cho đồng bào.
Cô P. chỉ giải thích trong nửa giờ sau đó để cử tọa nêu thắc mắc. Cuối buổi họp là ghi sổ vàng những ân nhân quyên góp. Cuộc họp chấm dứt lúc 12:00 với kết quả khả quan. Bà Lụa lấy cuốn sổ nhà băng, ghi cho hai mẹ con tặng $50, trao check cho cô thủ quĩ. Số tiền quyên góp ngay tại chỗ được hơn 50,000 đô-la; còn một số hứa sẽ gửi check và gọng kính tới.
Lúc chào nhau ra về, cô P. hỏi bà Lụa:
“Em nhờ chị điều này, nếu được thì chị giúp, không thì thôi nhé.”
“Ðược, cô cứ nói.”
“Em muốn nhờ chị, nếu có quen ai làm được món ăn, giới thiệu giùm em. Em có tiệm bán các thức ăn nấu sẵn ở trung tâm thành phố cần thêm người...”
“Phải tiệm “Món ngon Ðà Nẵng” không?”
“Ðúng đấy chị. Sao chị biết?”
“Một người bạn đã rủ tôi tới mua. Thức ăn làm khá lắm mà giá cũng được.” Quay qua mẹ, bà Lụa nói:”Mấy món mặn, món chay con đưa về hôm nọ là từ tiêm cô P. đấy.”
Cụ Tấn trầm trồ:
“Món ăn ngon lắm. Món nào cũng vừa miệng.”
“Cám ơn cụ và chị. Chị đã biết ý em rồi. Ðây số phone của em, khi có người chị kêu cho em, nhé chị. Giờ em phải đi vì có mấy chị chờ em. Cháu chào cụ. Em gặp lại chị sau nhé.”
Tuần sau đó, bà Lụa không giới thiệu ai mà bà nói với cô P. để bà làm thử, ngày đầu là từ thứ hai 9 tây.
Cô P. rất mừng:
“Em được chị giúp thì chẳng còn gì bằng. Ðể em sắp giờ cho chị nhé!”
“Món ngon Ðà Nẵng” để bà Lụa làm tuần 25 giờ với số lương khởi sự 8 đồng/giờ. Lương tối thiểu lúc đó mới $5.25/giờ, cô P. nói vì bà Lụa làm giỏi nên cô trả cao hơn những người khác.
Bà Lụa chỉ còn học mỗi ngày 2 giờ ESL vào buổi chiều thay vì 4 giờ như trước kia. Bà không có ý định học lấy bằng cấp vì bà nghĩ, với số tuổi 60 như bà, có bằng cấp cũng chẳng kiếm được việc. Học để có thể giao dịch chút ít, hiểu và nói được những câu thông thường là cũng tạm đủ. Tiền già còn phải mấy năm nữa mà hiện tại, bà không muốn nhờ vả con e thêm gánh nặng cho chúng. Với 25 giờ làm, mỗi tháng bà Lụa có thể đem về 700 đô-la sau khi đã trừ thuế lợi tức cá nhân.
Chỉ sau hai tháng làm việc, cô P. giao hết những việc nấu nướng cho bà Lụa, đặt bà như một Supervisor, dưới tay có cả chục người làm chuyên cung cấp thức ăn chay, mặn cho thực khách và cho cả những party lớn nhỏ trong thành phố. Nhờ đã có kinh nghiệm mở tiệm cà-phê, bánh cuốn khi xưa cộng với tài tổ chức, sắp xếp rất thứ tự ngăn nắp, bà Lụa đưa “Món ngon Ðà Nẵng” từ một lợi tức trung bình lên môt lợi tức khá cao. Nhưng cái đáng nói phải là sự tín nhiệm của thực khách trong thành phố vì những phương châm bà Lụa theo sát, đó là: “Tinh khiết, Tươi ngon, Bổ dưỡng” mà bà đề nghị cô P. cho kẻ một cái bảng lớn treo dưới tên hiệu. Y như nhà hàng và Pharmacy Mỹ, bà Lụa huấn luyện nhân viên giúp việc dùng bao tay cao-su và khẩu trang khi làm thức ăn, mỗi khi các nhân viên này vào restroom, trước khi ra phải rửa tay với xà-phòng cẩn thận.
*********
Năm cụ Tấn 87 tuổi, cụ bị sưng phổi phải nằm bệnh viện gần một tuần.
Hơn tuần sau khi cụ được cho về nhà, sở Xã hội quận Cam mời bà Lụa tới làm việc.
“Mời chị ngồi,” cô cán sự xã hội bảo bà Lụa,”hôm nay sở xã hội muốn đề nghị với chị giúp chúng tôi bằng cách săn sóc cho cụ Tấn...”
Bà Lụa hơi ngạc nhiên, xen vào:
“Thì tôi vẫn săn sóc cho mẹ tôi đấy thôi.”
“Không, chị để tôi nói hết cho chị nghe đã. Theo luật lệ xã hội Huê kỳ, sở Xã hội chúng tôi có bổn phận săn sóc những người cao niên như cụ Tấn, lúc đau, lúc khoẻ và cả việc hậu sự khi họ qua đời.
Ðúng ra chúng tôi đã mời chị lên nói chuyện này từ lâu nhưng vì nhiều lí do chị không cần tìm hiểu, hôm nay chúng tôi muốn trả chị lương giờ một số giờ trong tuần để chị săn sóc cho bà cụ với điều kiện chị điền cái đon này và nộp lại cho chúng tôi.
Chúng tôi sẽ thảo luận với chị về số giờ chị cần để săn sóc cụ sau khi chúng tôi xét đon và chấp thuận bởi Supervisor của chúng tôi. Ðây đơn đây. Chị muốn đưa về nhà điền rồi lên nộp sau hay muốn điền tại đây?”
Bà Lụa có vẻ hơi bỡ ngỡ vì chưa nghe ai nói về vụ săn sóc người nhà mình lại được chính phủ trả lương:
“Thưa cô, tôi chưa biết ất giáp việc này ra sao. Xin cô giải thích lại và cho tôi mang đơn về điền, vài ngày sau nếu thuận tiện, tôi sẽ gọi điện thoại cho cô xin hẹn và lên nộp đơn.”
Cô cán sự không ngạc nhiên. Cô giải thích lại cặn kẽ hơn, xong nói:
“Số phone của tôi đây. Chị gọi xin hẹn khi chị điền xong đơn”
Về đến nhà, bà Lụa trình bày cho mẹ hay. Cụ Tấn cũng không biết hơn gì bà Lụa. Buổi tối đến trường, bà hỏi mấy người bạn cùng học. Có vài người hiểu biết, họ cũng nói như cô cán sự, nghĩa là thay vì mọi khi bà Lụa săn sóc, phục vụ “free”cho cụ Tấn, nay sở Xã hội trả lương cho bà. Bà Lụa, cho chắc ăn, hỏi cả bà giáo Mỹ giờ ra chơi. Bà giáo Mỹ cũng nói y như thế. Bà giáo Mỹ còn giải thích thêm, vì ở Mỹ ai cũng phải lo cho đời sống riêng của mình nên nhiều người không thể phục vụ cha mẹ vì rời job ra là đói, là không có tiền nhà. Hơn nữa, Sở Xã hội có bổn phận săn sóc người cao niên và trẻ nít, những người không thể làm việc để tự nuôi sống. Bà Lụa săn sóc cụ Tấn là mẹ, hay một người cao niên khác cũng vậy thôi, tức bà Lụa không thể làm việc để được phát lương thì sở Xã hội phải trả cho bà Lụa chỗ thiệt thòi đó để bà Lụa sống. Giản dị vậy thôi. Tiền chính phủ trả cho bà Lụa chính là tiền nhân dân Mỹ đóng thuế, trong đó có tiền thuế của bà Lụa và các con bà Lụa.
Bà giáo Mỹ giải thích kĩ lưỡng, lại thêm một cô giáo Việt cùng dạy với bà thông dịch, bà Lụa nhìn rõ vấn đề, lấy làm phấn khởi.
Vì tiệm Ðà Nẵng bận tíu tít, mãi hơn tuần sau bà Lụa mới xin hẹn được với cô cán sự để lên nộp đơn.
Cô cán sự bảo bà Lụa kí vào một tờ giao kèo, môt bên là Supervisor của cô cán sự, đại diện sở Xã hội; một bên là bà Lụa, con của người đươc thụ hưỏng.
Giao kèo ấn định mỗi tuần bà Lụa được trả 20 giờX5.25 = 105 đô-laX4 = 420+35 đô la = 455 đô-la /tháng (Tháng = 4 tuần + 1/3 tuần). Check sẽ gửi bằng bưu điện đến địa chỉ bà Lụa mỗi tháng.
Từ vụ săn sóc cho mẹ có trả lương tối thiểu, bà Lụa phải nói với cô P. xin bớt giờ nhưng vì thời gian này, cô P. vừa phải giúp việc cho văn phòng bác sĩ của chồng, vừa lo công tác giúp đỡ người mù tại Việt Nam, cô quá bận. Cô nói cô sẽ mướn thêm người và để bà Lụa làm ít giờ hơn vì mỗi buổi tối bà Lụa còn đi học Anh ngữ.
Kể từ đó, cụ Tấn cũng được sở Xã hội phát bơ, sữa Ensure, sữa bột, cheese, nui (nouille), mì gói, cereal v.v...mỗi tháng. Hai mẹ con đâu có dùng hết lại đem đến những nơi phân phát cho người nghèo.
Mỗi năm vài kì, Sở Bưu điện toàn Hoa kỳ lại tổ chức tuần lễ gửi thức ăn cho những người nghèo. Bà Lụa và cụ Tấn gom tất cả những đồ hộp, mì gói, cereal, gạo, bánh... nghĩa là những thứ để lâu không bị hư mà không cần tủ lạnh, bỏ vào hai, ba cái bịch lớn, đúng ngày, để ngay cạnh thùng thư, người mailman đưa thư hôm đó sẽ thu lấy đem về sở Bưu điện. Họ sẽ đóng thùng gửi đi các cô nhi viện, các nơi nuôi trẻ bụi đời theo sự phân phối của một cơ quan phối trí. Cũng có khi, vì nhu cầu, thực phẩm này được hòa nhập với các thực phẩm gửi cho các nạn nhân ở bên ngoài Hoa kỳ, thí dụ các nạn nhân vụ Sóng Thần tháng 12-2004. Nhờ thế thực phẩm thặng dư đã được phân phối một cách hợp lí cho những người đang cần.
*******
Ðám con bà Lụa, cả dâu rể, trai gái, ngoại trừ những đứa ở xa, đều đến thăm mẹ và bà ngoại mỗi tuần hoặc vài tuần.
Ở Mỹ, ai cũng bận rộn. Ngay như các đứa trẻ đang cắp sách đến trường, ngoài một buổi học ở trường, về nhà đứa nào cũng phải làm homework. Xong homework, có những gia đình cho con coi TV hay chơi game điện tử vài giờ. Những đứa từ 12 tuổi trở lên còn đi dượt banh với bạn: bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, bóng chầy v.v...Những bé trai hoặc gái từ 6-7 tuổi lại đi học dương cầm, hồ cầm, học nhạc lí, học bơi lội; từ 16 tuổi học lái xe do trường cung cấp huấn luyện viên và xe, xăng free...nên chúng đều bận.
Một buổi chiều thứ bảy tạnh nắng, hai mẹ con cụ Tấn đang ngồi nghe môt đĩa nhạc Việt Nam, nhạc tiền chiến với những bài của Hoàng Giác, Văn Cao, Đoàn Chuẩn ...thì Yêm, con trai lớn của bà Lụa và vợ là Martha cùng đứa con trai ba tuổi tới. (Mời vào Trang Thơ vienxumagazine1.com)
Yêm có job Computer ở New York, mới xin hoán chuyển với một người bạn để về gần mẹ và bà ngoại tại quận Cam, CA từ hai tháng nay.
Bà Lụa kéo thằng cháu đích tôn lại, bế nó ngồi lên lòng.
“Dê-cập hôm nay có ngoan với ba với má không?”
Nó nghe hiểu nhưng chỉ gật đầu.
“Không chỉ gật đầu. Bà nội muốn Jacob nói nữa kia.” Má nó thêm.
Nó nghe nhiều có vẻ không hiểu. Má nó phải nhắc:
“Jacob trả lời bà nội là : Thưa, con ngoan.”
Nó nhắc lại bằng cái giọng lạ lạ nghe tức cười:
“Thưa, con ngoan.”
Bà Lụa lại hỏi nó:
“Thế nội Dê-cập đâu? Dê-cập chỉ vào bà nội của Dê-cập đi.”
Nó cười cười ra cái điều câu này nó thuộc lòng:
“Nội Dê-cập đây.” Dùng một ngón tay, nó chỉ vào ngực bà Lụa.
“Thế ai đây?” Bà Lụa chỉ vào cụ Tấn.
Nó nhìn cụ Tấn nhưng chưa nhớ ra đáp số. Có lẽ nó nghe câu này hơi ít. Bà Lụa bảo nó:
“Ðây là bà cố của con. Dê-cập nói đi. Ðây là bà cố!”
“Ðây nhà bà chố.” Nó nhắc lại ngọng nghịu làm cả nhà cười.
Cụ Tấn gọi nó:
“Dê-cập lại đây với cố, cố coi tay Dê-cập đẹp không nào?” Nhưng nó không lại mà cứ nhìn trân vào cái miệng móm của cố. Bà Lụa bảo nó:
“Con lại với cố đi. Cố gọi con đấy!”
Nhưng nó vẫn không nhúc nhích mà cứ nhìn vào mặt cụ. Có lẽ nó chưa từng thấy người già móm mém như vậy bao giờ.
Martha bỏ vài món đồ trong cái túi xách ra, hai tay trao cho cụ Tấn một món.
“Tụi con biếu bà ngoại cái khăn len này để trùm đầu về mùa lạnh cho ấm. Còn cái này tụi con biếu mẹ.”
Cụ Tấn mở gói giấy, vân vê cái khăn len có vẻ thích. Còn bà Lụa cầm cái hộp nhỏ nhưng không biết là cái gì.
“Cái gì đây, các con?”
Yêm làm bộ bí mật:
“Mẹ thử đoán xem nó là cái gì?”
Bà Lụa nhìn cái hộp nhỏ có bao giấy mầu thật đẹp. Bà đoán có lẽ là đồ trang sức hay son phấn, hai đứa con mua làm dáng cho mẹ:
“Dây chuyền, phải không?”
“Không phải đâu mẹ.”
“Son phấn?”
“Tụi con biết mẹ chẳng dùng mấy thứ này nhiều.”
“Ðồng hồ đeo tay?”
“Tụi con nghĩ mẹ đã có một cái rồi.”
“Thế thì cái gì? Tao chịu đấy.”
Mẹ không đoán ra được thì mẹ bóc giấy ra coi.”
Bà Lụa trao cái hộp cho thằng Jacob:
“Jacob mở giùm bà nội coi.”
Nó chẳng biết làm sao, bà Lụa phải chỉ vào mép giấy bảo nó xé. Nó xé toạc ra. Hết lượt giấy mầu, nó mở cái nắp hộp. Một cái điện thoại AT&T cầm tay mới tinh với các đồ phụ tùng trong đó. Bà Lụa reo lên:
“Cell phone! Mẹ đang cần. Cám ơn các con.”
Jacob thấy cái phone, nó cầm lên đặt vào tai, miệng bi bô:”Hello! Hello!” làm cả nhà cười.
“Thôi bây giờ tụi con mời bà ngoại với mẹ đi ăn tối.”
“Khoan”, bà Lụa bảo con, “Ðể mẹ lấy thuốc cho bà uống đã kẻo lại quên.”