Dấu ấn của đại học này còn là cao trào sinh viên tranh đấu vì là nôi sinh của phong trào đòi tự do phát biểu quan điểm chính trị trong khuôn viên trường – Free Speech Movement (FSM).
Nhắc đến Berkeley nhiều người thường biết đây là một thành phố đại học, ở đó có trường U.C. Berkeley thành lập năm 1868 nổi tiếng với những khám phá của các giáo sư đoạt giải Nobel trong ban giảng huấn, nhiều nhất về khoa học tự nhiên từ thập niên 1960, sau còn thêm những giải Nobel về văn chương và kinh tế.
Dấu ấn của đại học này còn là cao trào sinh viên tranh đấu vì là nôi sinh của phong trào đòi tự do phát biểu quan điểm chính trị trong khuôn viên trường – Free Speech Movement (FSM). Theo sau là phong trào chống chiến tranh Việt Nam đã để lại những kí ức tương phản trong tâm thức người Mỹ cũng như người Việt.
|
Sinh viên bãi khoá, biểu tình chống tăng học phí tại Sproul Plaza, Đại học Berkeley ngày 15-11-2011. (ảnh Bùi Văn Phú)
|
|
Biểu tình kêu gọi thế giới cứu giúp thuyền nhân vượt biển tại Sproul Plaza, Đại học Berkeley tháng 11-1979. (ảnh Bùi Văn Phú)
|
|
Thư ngỏ của 100 trí thức Mỹ gửi Hà Nội yêu cầu thả tù cải tạo và tôn trọng nhân quyền đăng trên các nhật báo lớn như New York Times, Los Angeles Times, San Francisco Chronicle ngày 30-5-1979. (ảnh Bùi Văn Phú)
|
|
Tranh tường ở góc đường Haste và Telegraph ghi lại hình ảnh tranh đấu của sinh viên Đại học Berkeley trong thập niên 1960 và 70. (ảnh Bùi Văn Phú) |
Ngày mới từ trại tị nạn đến Berkeley định cư, nghe một người Mỹ nói ở đây có “Hồ Chí Minh Park” làm tôi tự hỏi Hoa Kỳ với cộng sản Bắc Việt đánh nhau như thế sao lại có một công viên vinh danh lãnh tụ Việt Nam trên đất nước này.
Hai tiếng “Việt Nam” được người Mỹ biết đến là qua cuộc chiến, sâu đậm nhất kể từ 1965 trở về sau. Trước đó, cuối thập niên 1950 Việt Nam còn xa lạ lắm. Tôi nhớ đọc được trong một tạp chí, khi nhắc đến “Vietnamese” có người Mỹ tưởng là người “Viennese” bên trời Âu. Trong thế giới đối đầu lưỡng cực của cuộc chiến tranh lạnh thời bấy giờ, dân chúng nói chung ủng hộ chủ trương của Tổng thống John F. Kennedy tại Đông nam Á qua việc gửi cố vấn quân sự sang giúp chính quyền và quốc gia Việt Nam Cộng hoà mới được thành hình.
Tháng 3-1962, trong diễn văn tại lễ kỉ niệm 94 năm thành lập Đại học Berkeley, Tổng thống Kennedy nhấn mạnh: “Thế giới đang vươn lên này không hợp với trật tự thế giới cộng sản”. Ông nhắc đến những trí thức tốt nghiệp từ Đại học Berkeley giữ chức vụ quan trọng trong nội các đang góp phần vào việc hình thành chính sách của Hoa Kỳ: Bộ trưởng Quốc phòng (Robert McNamara), Ngoại giao (Dean Rusk), Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (Glenn Seaborg), Giám đốc CIA (John McCone).
Chủ trương của Mỹ trong thập niên 1960 là ngăn chặn làn sóng cộng sản. Nam Việt Nam được coi như tuyến đầu ở Đông nam Á để chắn giữ Trung Hoa đỏ. Tây Âu là tiền đồn phòng thủ ngăn chặn Liên Xô ở châu Âu. Lịch sử cận đại cho thấy Hoa Kỳ thành công ở Đông Âu, nhưng thất bại ở Đông Á. Đầu thập niên 1990 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã thừa nhận cuộc chiến Việt Nam là một “sai lầm khủng khiếp”.
Trong những năm đầu của quan hệ Mỹ và Việt Nam Cộng hoà đã có đại diện miền Nam đến diễn thuyết ở Đại học Berkeley. Mùa hè 1963 bà Ngô Đình Nhu đến để giải thích chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm đang bị dư luận và truyền thông Mỹ tố cáo đàn áp tôn giáo. Trong khi giáo sư Robert Scalapino, chủ nhiệm khoa chính trị học, giới thiệu Madame Nhu với sinh viên trong thao trường, bên ngoài có biểu tình phản đối và sinh viên đã xung đột với cảnh sát sau buổi nói chuyện.
Khi đó tại miền Nam phong trào sinh viên chống chính phủ cũng bùng lên tại các đại học từ Sài Gòn ra Huế. Theo năm tháng và tùy vào tình hình chính trị, sinh viên có những mục tiêu khác nhau: chống độc tài, quân phiệt; đòi tự trị đại học, tự do báo chí, chấm dứt chiến tranh, cải thiện chế độ lao tù; đòi quyền dân tộc tự quyết, thống nhất đất nước; chống tham nhũng v.v… Sinh viên kéo nhau từ trường văn khoa, nông lâm súc qua Dinh Thủ tướng, đến Hạ viện; từ trường luật kéo đến công trường Quách Thị Trang tức bùng binh Bến Thành, từ sân cỏ trước Bộ Tổng tham mưu qua Công trường Dân Chủ, từ nhà thờ Tân Sa Châu lên Đại học Vạn Hạnh. Sinh viên miền Nam đã đi tiên phong ở Đông Á trong việc phát động biểu tình, kêu gọi xuống đường chống chính phủ.
Sau nhiều năm hoạt động bên ngoài khuôn viên đại học, FSM do Mario Savio lãnh đạo chính thức được phát động từ sân trường Đại học Berkeley vào mùa thu 1964 bằng tranh đấu quyết liệt qua nhiều cuộc biểu tình, bãi khoá và chiếm đóng Sproul Plaza. Ban quản trị đại học đã phải thay đổi chính sách để sinh viên cũng như giáo sư được tự do phát biểu quan điểm mà không sợ bị đuổi học hay mất chức. Phim tài liệu “Berkeley in the 60s” (Mark Kitchell, 1990) ghi lại đầy đủ những hoạt động của phong trào sinh viên tranh đấu ở Berkeley từ 1964 đến 74.
Sự thành công của FSM kéo theo phong trào chống chiến tranh Việt Nam. Thời gian đó sinh viên thường xuyên biểu tình, đem cờ xanh đỏ của Mặt trận Giải phóng miền Nam xuống đường phản đối sự can dự của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đòi rút quân, chấm dứt chiến tranh, trả lại quyền định đoạt tương lai chính trị cho dân Việt.
Nơi tụ họp trước khi xuống đường là mảnh đất ở góc đường Hillegass và Derby được thành phố Berkeley qui hoạch làm công viên từ năm 1971. Theo cổng thông tin của thành phố, khi cuộc chiến ở Việt Nam lên cao độ và làn sóng phản chiến lan rộng, những nhà hoạt động cộng đồng gọi nơi này là “Hồ Chí Minh Park”.
Thời đó, một thủ lãnh sinh viên Sài Gòn là Đoàn Văn Toại đã đến Berkeley diễn thuyết về phong trào đấu tranh của sinh viên miền Nam với những mục đích không khác với sinh viên Mỹ. Năm 1980 có dịp gặp anh ở Đại học Berkeley và được nghe kể rằng khi đi diễn thuyết, đến nhà trọ sinh viên thấy treo hình ông Hồ Chí Minh, cờ Mặt trận mới biết ông Hồ được coi trọng và sinh viên có nhiều cảm tình với Mặt trận.
Sau khi Hoa Kỳ rút hết quân vào năm 1973 và với chiến thắng của miền Bắc Việt Nam vào năm 1975, sân trường không còn biểu tình chống chiến tranh nữa.
Nhưng cảm tình dành cho Hà Nội và Mặt trận sau ngày 30-4-1975 dần bị phai mờ vì những nhà tù cải tạo và đàn áp được nhiều nhân chứng kể lại, như Đoàn Văn Toại với tác phẩm Vietnamese Gulag. Nhiều trí thức không còn ủng hộ Hà Nội. Tháng 5-1979, cả trăm người đã kí tên vào một thư ngỏ do ca sĩ Joan Baez khởi xướng đăng trên các báo lớn ở Mỹ kêu gọi Hà Nội thả tù cải tạo, chấm dứt đàn áp trí thức, văn nghệ sĩ.
Sân trường thỉnh thoảng vẫn có sinh hoạt liên quan đến Việt Nam như chiếu phim “Chiến thắng năm Mão”, “79 mùa xuân của Bác Hồ”, “Hearts and Minds” (Peter Davis, 1974), “Vietnam: an American Journey” (Robert Richter, 1979) hay diễn thuyết của Don Luce, John Spragen - người đã dịch tác phẩm Đại thắng mùa Xuân của Tướng Văn Tiến Dũng sang Anh ngữ - sau những chuyến đi Việt Nam; của Joan Baez về nhân quyền và người tị nạn Đông Dương, của các giáo sư Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu đến từ Việt Nam nói về toán học và khoa học. Các buổi chiếu phim Việt bị người tị nạn phá nên phải ngừng. Các diễn giả thường bị chất vấn về tình trạng nhân quyền và những đàn áp ở Việt Nam.
Đầu năm 1979 Hội Sinh viên Việt Nam (VSA) tại Đại học Berkeley chính thức ra đời nên khuôn viên trường có nhiều sinh hoạt văn hoá, xã hội, thể thao, hội thảo nhân quyền.
Cùng năm 1979 thành phố Berkeley bầu chọn thị trưởng mới là Eugene Gus Newport, một người cực tả - được cư dân Berkeley cho là rất tiến bộ - và đã chọn ngày May Day 1-5 để nhận chức. Trong thời gian lãnh đạo thành phố ông đi thăm Cuba dù Hoa Kỳ cấm vận. Dịp kỉ niệm 5 năm chiến thắng của Bắc Việt ông gửi thư chúc mừng đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhưng với hình ảnh Việt Nam hậu chiến ngày càng xấu đi về nhân quyền, thiếu tự do nên cảm tình cư dân cũng giảm đi nhiều. Tháng 5-1982, nơi đã xuất phát biểu tình chống chiến tranh được đặt tên nhưng những nhà hoạt động không thể giữ tên “Hồ Chí Minh Park” như họ thường gọi trước đó. Thành phố chính thức đặt tên cho công viên này là “Willard Park” để vinh danh Frances Willard (1839-1898) một nhà giáo dục và là người tranh đấu cho quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ.
Cũng cần nói thêm, ở Berkeley có một công viên khác mang tên Peoples Park mà có người lầm tưởng là “Hồ Chí Minh Park” vì gần công viên này, nơi góc đường Haste và Telegraph có tranh tường vẽ lại hoạt động của FSM, của phong trào phản chiến với cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam trên đó.
Peoples Park – Công viên Nhân dân - nằm gần đại học hơn, rất nổi tiếng vì nhà trường nhiều lần muốn dùng làm nơi đậu xe hay xây kí túc xá nhưng luôn gặp sự phản đối rất mạnh của những nhà hoạt động cộng đồng. Nơi đây xảy ra nhiều xung đột giữa dân với cảnh sát và vệ binh quốc gia từ thập niên 1960 kéo dài đến 1990.
Công viên này đúng là biểu hiệu sức mạnh của cư dân Berkeley, thành phố đã từng được gọi là “People”s Repbulic of Berkeley” - Cộng hoà Nhân dân Berkeley. Gọi vui thế thôi. Berkeley tuy theo khuynh hướng cực tả nhưng không cộng sản chút nào vì cộng sản thì làm gì có biểu tình hay tự do phát biểu. Mọi chính quyền Mỹ đều bị chống đối nơi sân trường Berkeley vì quan điểm chung ở đây là không muốn Hoa Kỳ trở thành sen đầm thế giới. Nhưng cũng ở đó bạn sẽ thấy bàn sinh hoạt của sinh viên theo đảng Dân chủ lẫn Cộng hoà, của Iran và Iraq, thấy Do Thái bên cạnh Palestines.
Ở đây chủ nghĩa Marx chẳng hấp dẫn được nhiều người. Đầu tháng trước có hội thảo quốc tế về Marx trong Evans Hall, thu hút hơn 50 người. Vài tuần trước ngoài Sproul Plaza có biểu tình chống tăng học phí, chống cắt giảm ngân sách giáo dục, thu thuế bất công. Buổi tối chia nhóm thảo luận chỉ 10 người theo nhóm xã hội chủ nghĩa International Socialist Organization. Còn lại vài trăm theo “Occupy Cal”.
Thời còn đi học, một sinh viên ban tiến sĩ mới từ Trung Quốc qua du học thấy biểu tình nơi thường có nơi sân trường, anh nói với tôi biểu tình nhiều thế là loạn mất. Tôi bảo không loạn đâu vì đó là phản ánh của một nước Mỹ tự do.
Gần đây lãnh đạo trong nước và các nhà ngoại giao Việt Nam nói muốn nâng quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm chiến lược. Với vị trí địa lý của Việt Nam, khi nào người dân Việt được tự do biểu tình, phát biểu chính kiến, lựa chọn lãnh đạo khi đó quan hệ với Hoa Kỳ sẽ ở tầm chiến lược.
Cứ nhìn vào quan hệ của Hoa Kỳ và các nước láng giềng với Việt Nam, trừ Trung Quốc, là biết.
|