Không chỉ ở Mỹ, các quốc gia khác cũng phải đối phó với tình trạng gian lận 'high-tech.'
Với các phương tiện, máy móc điện tử ngày càng tinh vi và thông dụng hơn, các nhà giáo dục nay cũng phải đối đầu với những hình thức gian lận 'high-tech' rất mới ở nơi học đường.
Nay học sinh thay vì chép lời giải vào mảnh giấy với các hàng chữ nhỏ li ti thì có thể dùng phương tiện in ấn sẵn có để đưa các dữ kiện này lên trên nhãn của lon soda để trước mặt, hay 'texting' các câu trả lời cho nhau. Giới trẻ đang ngày càng kiếm ra nhiều cách gian lận mà các thầy cô chưa nghĩ tới được. Chỉ riêng trên YouTube người ta cũng có thể kiếm được hàng chục đoạn video chỉ dẫn chi tiết cách gian lận tinh vi. Có một đoạn dài khoảng ba phút chỉ cho cách làm sao 'scan' nhãn của một lon soda, rồi dùng nhu liệu chỉnh sửa hình ảnh để xóa các dữ kiện về dinh dưỡng và thay thế bằng các câu trả lời hay công thức khó nhớ. Ðoạn video này đến nay đã có khoảng 7 triệu lượt người vào xem. “Ðang có tình trạng dịch gian lận,” theo lời ông Robert Bramucci, phó khoa trưởng đặc trách kỹ thuật và học tập tại học khu Ðại Học Cộng Ðồng South Orange ở Mission Viejo, tiểu bang California. “Chúng tôi không bắt được các vụ gian lận này. Và chúng tôi nhiều khi cũng phân vân không chắc là có xảy ra gian lận hay không.” Một số công ty chuyên cung cấp các dụng cụ dùng trong lãnh vực điều tra, dọ thám như Spycheatstuff.com, cũng có bán các món giúp biến máy điện thoại di động hay iPod thành phương tiện gian lận, với các máy nghe nhỏ li ti nhét vào trong tai, giúp người đang làm bài trong phòng thi có thể liên lạc với người ở ngoài qua điện thoại, trong khi hai tay vẫn để trên bàn, vẫn hí hoáy viết. Một công ty ở Toronto, có tên ExamEar, phải đóng trang web của mình sau khi giới hữu trách điều tra việc họ bán các dụng cụ giá khoảng $300, sử dụng kỹ thuật Bluetooth, để các thí sinh có thể gian lận. Common Sense Media, một tổ chức bất vụ lợi, cho hay có hơn 35% trong giới từ 13 đến 17 tuổi, có điện thoại di động, đã dùng phương tiện này để gian lận trong các kỳ thi. Có đến hơn một nửa (khoảng 52%) thú nhận là từng gian lận qua Internet, và nhiều người trong số này không coi đó là điều quan trọng.
Chỉ có khoảng 41% coi việc trữ dữ kiện trong điện thoại di động để lấy ra xem trong khi thi là “tội nặng.” Có gần một phần tư (khoảng 23%) chẳng coi đây là gian lận. Ðể đối phó, giới hữu trách nay đang ngày càng có biện pháp cứng rắn hơn đối với kẻ gian lận thi cử.
Cảnh sát ở quận Nassau County, New York, mới đây đã bắt giữ hơn 20 học sinh ở năm trường công lập và tư thục tại Long Island nằm trong đường dây gian lận thi SAT.
Có năm người bị cáo buộc đi thi thuê SAT và ACT cho các học sinh khác với giá lên tới $3,600 cho kỳ thi, theo giới hữu trách. Tại quận Orange County, tiểu bang California, một sinh viên hồi Tháng Ba đã nhận tội đánh cắp tài liệu thi AP và thay đổi học bạ đại học. Công tố viện cho hay Omar Shahid Khan, 21 tuổi, đã lấy được mật khẩu của giáo sư để vào hệ thống ghi điểm thi bằng cách cài đặt nhu liệu do thám trong máy điện toán tại văn phòng. Không chỉ ở Mỹ, các quốc gia khác cũng phải đối phó với tình trạng gian lận 'high-tech.' Trong một vụ xảy ra năm 2007, hai học sinh ở Trung Quốc dùng dụng cụ vô tuyến điện để gian lận kỳ thi Anh Văn, nhưng sau đó phải vào bệnh viện vì máy nghe quá nhỏ lọt sâu vào tai, không lấy ra được, theo tờ China Daily. “Ðây chính là vấn đề liên quan đến các sức ép mà trẻ nhỏ đang phải chịu đựng ở trường,” theo lời Jill Madenberg, một nhà tư vấn đại học ở thành phố Great Neck, New York. “Sức ép phải có điểm cao, phải vào được một trường đại học danh tiếng.” Bà nói rằng các vụ gian lận như vừa thấy ở Long Island không phải là những trường hợp hiếm thấy. “Ðiều này đang xảy ra khắp nước Mỹ - cũng giống như một trận dịch.” Bà Madenberg cho hay có lẽ điều tích cực nhất rút ra từ vụ tai tiếng này là sự nhìn lại về các sức ép mà học sinh Mỹ phải chịu đựng. Trong khi đó, các chuyên gia giáo dục cho hay các phương tiện tối tân chưa chắc đã tạo ra nhiều thêm các vụ gian lận. Nhưng sẽ khiến việc khám phá khó khăn hơn. “Có những người ngây thơ cho rằng từ trước đến nay không hề có vấn đề gian lận trong học đường ở Mỹ,” theo ông Bramucci. “Ðây vẫn luôn là một vấn đề.” Sự khó khăn trong việc khám phá gian lận là điều mà nhà Tâm Lý Học từng đoạt giải Nobel Daniel Kahneman gọi là “định kiến trong nhận thức.” Nếu các giáo sư không nhìn thấy sự gian lận, họ không nghĩ rằng có gian lận và sẽ không có nỗ lực để ngăn ngừa gian lận. Thêm vào đó, ông Bramucci cũng cho hay “các nhà giáo rất dở trong việc khám phá gian lận.” Ðể chứng tỏ điều này, vài năm trước đây ông đưa một số sinh viên đến tham dự một kỳ thi giả, trong đó họ được yêu cầu gian lận qua nhiều cách khác nhau. Và tất cả những điều này xảy ra trước sự canh chừng trong phòng thi của các giáo sư South Orange. “Họ không bắt được tới một phần ba những người gian lận, ngay cả khi họ biết rằng tình trạng gian lận đang diễn ra và ở ngay trước mắt họ,” ông Bramucci cho hay.
|