Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Bảo tồn di tích các trại tỵ nạn

Bảo tồn di tích các trại tỵ nạn PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Quang, RFA   
Thứ Tư, 30 Tháng 9 Năm 2009 14:30

Một phái đoàn người Việt hải ngoại yêu cầu chính quyền sở tại duy trì Galang như là khu di tích lịch sử.  

Vào 12 tháng 10 này, một phái đòan người Việt hải ngọai, do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (trụ sở tại Australia) tổ chức, sẽ trở về thăm trại tị nạn Galang của thuyền nhân Việt Nam trước đây ở Indonesia, mang theo một Thỉnh Nguyện Thư với nội dung yêu cầu chính quyền sở tại duy trì Galang như là khu di tích lịch sử. 

 
 Tượng đài tưởng niệm những người đã bỏ minh vì tự do trên biển ở Bidong

Bức Thỉnh Nguyện Thư của người Việt hải ngoại

Thỉnh Nguyện Thư cũng đề cập tới việc xin UNESCO công nhận trại tị nạn ấy là di sản thế giới. Thanh Quang tìm hiểu vấn đề này qua cuộc trao đổi với ông Trần Đông, Giám Đốc VKTNVN, và được ông cho biết như sau:

Ông Trần Đông : Vào ngày 12 tới đây, phái đoàn Người Việt Hải Ngoại sẽ đến Indonesia để trình Thỉnh Nguyện Thư, và một số quý thính giả cũng đã biết là hiện giờ thì Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam đã có một trang Thình Nguyện Thư ở trên Internet và nếu quý vị vào trang web của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, trong đó có đường link đến trang thỉnh nguyện thư này.

Và đến sáng ngày hôm nay thì chúng tôi cũng đã có được 1.151 chữ ký, và trang thình nguyện thư này sẽ khoá sổ vào cuối tuần này để chúng tôi đúc kết và trình cho chính phủ Indonesia về Nguyện Vọng của Người Việt Hải Ngoại chúng ta là muốn chính quyền Indonesia giữ lại di tích Galang, bởi vì đó là di tích tượng trưng cho, thể hiện (cho) lòng nhân đạo của chính phủ và người dân Indonesia, đồng thời cũng thể hiện lòng nhân đạo của quốc tế đối với lại công tác tị nạn, đồng thời nó cũng có một ý nghĩa khác, đó là một cái di sản về công tác tị nạn có tầm vóc quốc tế đó.

Và bên cạnh cái link của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam thì chúng tôi cũng có một cái link của một thân hữu khác cũng đã có 622 chữ ký, và trang thỉnh nguyện thư này đó là do tổ chức của Hội Liên Hiệp Người Việt ở Hoa Kỳ phối hợp với lại Hội Liên Hiệp Người Việt ở Canada, cùng với lại Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu, tức là Canada - Hoa Kỳ và Úc Châu cũng với lại Âu Châu để thực hiện Thỉnh Nguyện Thư này. Do đó mà ý nghĩa quan trọng của kỳ trình Thỉnh Nguyện Thư này coi như là đại biểu đại diện cho Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại.

Thanh Quang : Thưa ông, ông có nghĩ đến vấn đề giới cầm quyền Hà Nội sẽ áp lực chính quyền Indonesia không tiếp Phái Đoàn Người Việt hải Ngoại khi trình Thỉnh Nguyện Thư hay không ạ?

Cản trở của Hà Nội

Ông Trần Đông : Về vấn đề đi thăm Galang thì chúng ta là du khách đến thăm Galang thì họ không có lý do gì để không cho chúng ta đến, cho nên vấn đề đến thăm Galang thì không có vấn đề trở ngại, nhưng mà họ tiếp chính thức phái đoàn thì có thể là họ không tiếp, có thể họ viện dẫn lý do này lý do kia (mà) họ không tiếp, nếu mà bị áp lực của chính quyền Hà Nội. Áp lực này đã có từ năm 2005, thì cái chuyến đi vào năm 2005 đó là chuyến đi rất là lớn và cũng đã được sự đón tiếp rất là nồng nhiệt của Indonesia và Malaysia, nhưng mà sau đó thì họ cũng cho chúng tôi biết đó là do áp lực của Hà Nội cho nên họ không thể tiếp tục tổ chức lễ tiếp đón như vậy ở trong tương lai.

Thì lần này có thể là họ sẽ không tiếp đón chúng tôi một cách long trọng, tuy nhiên, chúng tôi cũng có rất nhiều cách, tại vì chúng tôi là khách quốc tế cho nên là chúng tôi đến thăm cơ quan này cơ quan nọ, chúng tôi có thể gỏ cửa vào gặp người này người kia một cách trực tiếp và qua đó chúng tôi có thể trình Thỉnh Nguyện Thư của chúng tôi.

Chúng tôi cũng đã có dự trù về những vấn đề này. và một vấn đề nữa đó là nếu mà chúng tôi bị làm khó trong vấn đề này vì áp lực của Hà Nội thì chúng tôi cũng đã nghĩ đến một chuyện khác là chúng tôi sẽ làm nhiều bản copy của bản Thỉnh Nguyện Thư và trình đi nhiều chỗ hơn, rộng rãi hơn , không phải chỉ riêng ở Indonesia mà là các toà tổng lãnh sự, các toà lãnh sự, các toà đại sứ của Indonesia ở tất cả các nơi ở trên thế giới.

Kêu gọi UNESCO công nhận trại tị nạn là di sản thế giới

Thanh Quang : Thưa ông, ở trong Thỉnh Nguyện Thư trên Internet như ông vừa trình bày, thì Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (mà) chúng tôi được biết là có đề cập tới việc xin cơ quan UNESCO công nhận trại tị nạn cũ Galang của thuyền nhân Việt Nam là di sản thế giới. Thế thì triển vọng của vấn đề này có thể ra sao ?

Ông Trần Đông : Về vấn đề trình cho UNESCO thì vấn đề này có vẻ khó, tuy nhiên vấn đề trình cho UNESCO để công nhận Galang là di sản của thế giới thì đó là niềm mơ ước của người Việt hải ngoại chúng ta, và từ mơ ước cho tới hiện thực thì có một khoảng cách không nhỏ.

Chúng ta biết đối tượng chánh của UNESCO là chính quyền hợp pháp của các quốc gia, trong khi đó chúng ta không phải là đối tượng chánh, chúng ta chỉ là những tổ chức phi chính phủ cho nên không dễ thực hiện vấn đề này. Chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này và hiện thì cũng chưa tìm được một giải pháp nào hữu hiệu và thoả đáng.

Thì quý thân hữu, quý thân hào nhân sĩ ở tất cả các nơi trong cộng đồng người Việt hải ngoại của chúng ta, nếu quý vị biết rõ thủ tục này thì xin vui lòng hướng dẫn chúng tôi, và quý vị có thể liên lạc với chúng tôi một cách dễ dàng qua e-mail hoặc là qua điện thoại trên trang web của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, đó là http://www.vktnvn.com/www.vnbp.org , mà trong đó có địa chỉ của chúng tôi, và chúng tôi mong muốn là được sự hướng dẫn của quý vị về thủ tục này.

Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu kỹ về vấn đề và sẽ đeo đuỗi vấn đề trình UNESCO, bởi vì vấn đề trình UNESCO để công nhận Bidong và Galang trở thành di sản quốc tế về lòng nhân đạo, về tị nạn, thì đó là điều rất là tốt và nhờ đó mà Galang và Bidong có thể được tồn tại lâu dài hơn, và đồng thời đó cũng là niềm hãnh diện của Malaysia của Indonesia và của Người Việt Hải Ngoại chúng ta nữa, thưa quý vị.

Thanh Quang : Xin cảm ơn ông Trần Đông, Giám Đốc Văn khố Thuyền Nhân Việt Nam, trụ sở tại Australia.

Ông Trần Đông : Xin cảm ơn quý thính giả Đài Á Châu Tự Do