Bốn nhà chính trị gốc Việt tâm sự nhân Ngày Dành Cho Cha |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt | |||
Thứ Sáu, 19 Tháng 6 Năm 2009 03:55 | |||
Thursday, June 18, 2009 Những tâm sự và kí ức về hình ảnh người cha
Hình 2: Ứng cử viên dân biểu liên bang Phạm Xuân Quang, “Ba tôi là một phi công, ba đi bay suốt.” Thế nhưng “bài học đầu tiên tôi học được từ ba tôi chính là việc đặt sự an toàn yên ổn (safety and security) của vợ con lên hàng đầu.”
Hình 3: Dân Biểu Tiểu Bang California Trần Thái Văn, “Ba tôi là một người rất hiền, bao dung, và đạo đức. Ông là một người gốc nhà giáo, một học giả, chứ không phải là một nhà hùng biện. Ông có nhiều sự suy nghĩ, và tôi học hỏi nhiều ở ba tôi sự sống nội tâm.”
Hình 4: Nghị viên thành phố Garden Grove Andrew Đỗ, “Ba tôi là người cha có trách nhiệm, bao giờ cũng để ý đến miếng ăn, nhà cửa, quần áo và chuyện học hành của con cái. Ông quan niệm phải đặt gia đình lên hàng đầu, chăm lo tốt cho gia đình thì mới có thể gánh vác chuyện xã hội.” ‘Dù làm gì đi nữa, tôi vẫn là một người con, một người cha bình thường’
Lời tòa soạn: “Cha tôi là một người anh hùng.” Ðó là câu trả lời của vị dân cử cao cấp nhất người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ với phóng viên Người Việt khi được hỏi, “Cảm nghĩ đầu tiên của anh là gì khi nói về cha của mình?” Trên tinh thần muốn đi tìm hiểu thêm về những khía cạnh đời thường của những nhân vật hoạt động chính trị xã hội người Mỹ gốc Việt được mọi người quan tâm, nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông báo chí, chúng tôi đã có được những góc nhìn mới mẻ về những suy nghĩ riêng tư của họ trong mối quan hệ gia đình với cha mẹ và con cái. Bài viết sẽ được đăng trong hai kỳ Thứ Sáu và Thứ Bảy để gửi đến quí độc giả nhân ngày Father's Day 2009. Một tình cờ ngẫu nhiên mà bốn nhân vật tôi muốn tìm hiểu - vừa là những người hoạt động chính trị, vừa là những người con trai trong gia đình, đồng thời lại là những ông bố trong hiện tại - lại có những sự trùng hợp thú vị: hai người có cha tham gia trong quân đội VNCH, và cả hai đều gặp lại cha trên vùng đất này sau mười mấy năm xa cách. Ðó là Dân Biểu Liên Bang, Luật Sư Cao Quang Ánh, người Mỹ gốc Việt đầu tiên có mặt trong Quốc Hội Hoa Kỳ, và ứng cử viên dân biểu liên bang, cựu đại úy phi công thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, nhà văn Phạm Xuân Quang. Hai người còn lại theo cha sang Mỹ từ năm 1975, không phải chứng kiến cảnh chia li và trùng phùng, nhưng lại cũng có những nét rất riêng trong mối quan hệ cùng bố. Ðó là Dân Biểu Tiểu Bang California, Luật Sư Trần Thái Văn và nghị viên thành phố Garden Grove, Luật Sư Andrew Ðỗ. “Trước năm 1975, ba tôi là một sĩ quan trong quân đội VNCH. Ông là một người yêu nước nên sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, ông không muốn bỏ nước ra đi dù gia đình có giấy tờ sang Mỹ. Ông ở lại Việt Nam và bị đi tù bảy năm. Mẹ tôi ở lại cùng ba tôi. Tôi rời Việt Nam sang Mỹ cùng một người anh trai và một người chị gái, khi ấy tôi tám tuổi.” Tám tuổi sống xa cha mẹ trên một vùng đất mới, xa lạ hoàn toàn cả về cảnh vật, con người, giọng nói, quả là điều không đơn giản đối với một đứa bé. Dẫu rằng “khi còn nhỏ ở Việt Nam, một năm chỉ gặp bố được hai, ba lần trong thời gian khoảng hai, ba tuần” nhưng “điều đó vẫn không ngăn được một đứa bé tám tuổi không có lúc nhớ đến bố mẹ được.” Ðiều may mắn của Luật Sư Cao là anh có người cậu chăm sóc và lo lắng cho anh như con ruột của mình. “Tuy vậy sự thiếu thốn tình cảm cha mẹ vẫn là điều chắc chắn,” Joseph Cao kể về kí ức tuổi thơ mình như thế. Trong khi đó, ứng cử viên Dân Biểu Liên Bang Phạm Xuân Quang có cái may mắn hơn là tuy không có cha tháp tùng trong chuyến bay rời khỏi Sài Gòn năm 75, khi ấy anh được mười tuổi, nhưng đã có mẹ bên cạnh cùng hai chị và người em gái. Trong trí nhớ chật hẹp của một đứa bé lên mười, khi hồi tưởng về ba, anh chỉ có thể nhớ “ba tôi là một phi công, ba đi bay suốt.” Thế nhưng “bài học đầu tiên tôi học được từ ba tôi chính là việc đặt sự an toàn yên ổn của vợ con lên hàng đầu.” Bài học đó anh cảm nhận được qua việc ba anh gửi cả gia đình sang Mỹ trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến vì sự an toàn và tương lai cho con cái, trong khi ông ở lại vì những lý do riêng của mình mà cho đến tận một năm sau khi ông mất, cựu Thiếu Úy Phi Công Phạm Xuân Quang mới có dịp tìm hiểu qua đoạn băng ghi âm cuộc phỏng vấn của một nhà văn Mỹ với ba anh, Thiếu Tá Phi Công Phạm Văn Hòa. Thêm nữa, khi sang đến Mỹ, anh chỉ tâm niệm câu mẹ anh nói, “Không cần biết ba đang ở đâu, ở Việt Nam hay ở tù, chỉ cần nhớ rằng ba đã cho các con cơ hội sang Mỹ thì phải làm nên điều gì đó, nếu không ba sẽ rất ‘sùng’!” Chính vì ý nguyện đó mà trong suốt thời gian 18 năm vắng ba, Phạm Xuân Quang đã luôn cố gắng bằng tất cả sức mình “để không bao giờ để ba bị thất vọng.” Với Dân Biểu Tiểu Bang California Trần Thái Văn thì, “Ba tôi là một người rất hiền, bao dung, và đạo đức. Ông là một người gốc nhà giáo, một học giả, chứ không phải là một nhà hùng biện. Ông có nhiều sự suy nghĩ, và tôi học hỏi nhiều ở ba tôi sự sống nội tâm.” Luật Sư Trần có diễm phúc hơn là anh có cơ hội gần gũi và gắn bó với ba mình từ lúc thơ ấu cho đến tận ngày hôm nay, “khi ba mẹ đã ở tuổi vàng” vì thế anh có nhiều thời gian để tâm sự với ba anh về nhiều vấn đề. Sự mẫu mực và tôn nghiêm của một nhà giáo không khiến anh cảm thấy sợ và xa cách với ba mình, bởi anh hiểu “ba tôi không nói nhiều, ông chỉ nói khi cần nói. Tôi không sợ ba tôi vì ông rất hiền. Ông không phải là nhà võ biện. Ông đúng là một nhà giáo phong kiến: nghiêm khắc khi cần thiết, bảo thủ khi cần thiết nhưng vẫn có lòng khoan dung. Ba tôi không hề ngăn cản khi thấy tôi muốn theo đuổi ngành luật, theo đuổi chính trị. Bởi ông rất thông cảm. Ông chỉ nhắc nhở tôi hãy làm đúng theo sở thích, nhưng làm điều gì cũng phải cố gắng hết mình.” “Ở Mỹ có nhiều cơ hội để tiến thân, dù là lao động chân tay hay học giả trí thức, nhưng đã làm thì phải cố gắng hết sức để giỏi ở lãnh vực mà mình đã chọn,” đó chính là một trong những bài học mà Trần Thái Văn có được từ ba mình. Bằng giọng nói và thái độ rất cởi mở, Nghị Viên thành phố Garden Grove Andrew Ðỗ nói những suy nghĩ đầu tiên của anh về ba của mình, “Ba tôi là người cha có trách nhiệm, bao giờ cũng để ý đến miếng ăn, nhà cửa, quần áo và chuyện học hành của con cái. Ông quan niệm phải đặt gia đình lên hàng đầu, chăm lo tốt cho gia đình thì mới có thể gánh vác chuyện xã hội.” Theo Luật Sư Ðỗ thì trước đây ba anh làm việc trong phủ thủ tướng nhưng không phải làm chính trị. Ông theo cả nhà sang Mỹ từ năm 1975. Ðể có thể hòa nhập vào cuộc sống mới, ba anh đã theo học ngành tiện (CNC), và nay ở tuổi 75, ông vẫn muốn có cuộc sống tự do riêng của hai vợ chồng già, không muốn ảnh hưởng đến con cái. Có lẽ tính độc lập đó đã có ảnh hưởng rất lớn đến cá tính của người nghị viên này, khi anh cho biết anh “không bao giờ để ai có thể tác động đến mình,” và như anh thừa nhận, “Tôi ảnh hưởng của ba tôi rất nhiều.” Anh tâm sự thẳng thắn, “Qua Mỹ, ba tôi cũng như nhiều người lớn tuổi không rành xã hội, tất cả mọi cái đều mới, vì thế ông và những người lớn tuổi khác mất đi vai trò hướng dẫn cho con cái. Nhưng điều lớn nhất tôi học từ ba tôi chính là sự quan tâm chăm sóc hàng ngày, điều đó thể hiện rõ trách nhiệm và tình thương của ông đối với gia đình.”
|