Cộng Ðồng chúng ta hãy nhiệt tình hơn nữa trong nỗ lực chống CSVN và những tên tay sai ... 1. Cuộc chiến sau cuộc chiến 1954-1975 Việt Nam Cộng Hòa chúng ta bị quân Cộng Sản nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây chiến tranh từ năm 1954. Sau 21 năm với khoảng 10,000,000 thanh niên “sinh Bắc tử Nam”, họ đã chiếm Việt Nam Cộng Hòa chúng ta vào ngày 30 Tháng 4 Năm 1975 (con số này trích đoạn bà Lê Duẩn trả lời phỏng vấn của phóng viên Xuân Hồng đài BBC ngày 23 Tháng Mười Hai 2008). Từ đó, chúng ta mất tự do! Mất tự do là mất tất cả trên quê hương Việt Nam! Từ những đợt di tản đầu tiên (1975) đặt chân trên những xứ sở đón nhận chúng ta Tỵ Nạn Cộng Sản, lần lượt 20 năm kế tiếp (1976-1995) với làn sóng ào ạt vượt biên vượt biển và các chương trình đoàn tụ gia đình, H.O., con lai, nhân đạo, đến nay (2009) ước tính cộng đồng chúng ta trên khắp thế giới vào khoảng 3,000,000 người mà đa số đã trở thành công dân bản xứ. Ngoài bổn phận với quê hương thứ hai, chúng ta còn bổn phận với quê hương Việt Nam cội nguồn. Ðó là bổn phận góp phần dân chủ hóa chế độ trên quê hương Việt Nam để giành lại quyền làm người cho 86 triệu đồng bào. Ðây là cuộc chiến có tính cách toàn diện, một cuộc chiến mà mọi sinh hoạt xã hội đều là “vũ khí” trong cuộc chiến này và “truyền thông và vận động chinh trị tại các quê hương thứ hai” là vũ khí quan trọng nhất. Sau 34 năm (1975-2009) nhìn lại những gì cộng đồng chúng ta trên khắp thế giới có hay không có kết quả trong cuộc chiến tiếp tục chống CSVN. Tôi nói “tiếp tục chống Cộng Sản” vì sau khi bị Cộng Sản Việt Nam cai trị (1975) với chế độ độc tài, tôi quan niệm những hành động: (1) Không chấp nhận giao nhà cửa tài sản cho chúng để đi khu kinh tế mới là hành động chống Cộng Sản. (2) Vượt biên vượt biển để chạy trốn chế độ độc tài tàn bạo là hành động chống Cộng Sản. (3) Với những cách phản kháng quân đội và công an trong những trại tập trung (họ gọi là trại cải tạo) là hành động chống Cộng Sản. (4) Những người ra đi trong các chương trình “đoàn tụ gia đình, con lai, nhân đạo, H.O. là hành động chống Cộng Sản. Nói chung bất cứ những hành động nào thể hiện ý thức chính trị không chấp nhận chế độ độc tài cho dù hiểu theo nghĩa thụ động hay chủ động, đều là hành động chống Cộng Sản. Tại hải ngoại, phương thức đấu tranh thông thường của cộng đồng chúng ta để phản đối hay ủng hộ một vấn đề nào đó, như mít tinh biểu tình, thư phản kháng, thư thỉnh nguyện, điện thoại, điện thư (fax), vi thư (e-mail)... Ðó là hành động bày tỏ ý thức chính trị chớ chưa phải làm chính trị như không ít người cho rằng “tôi không làm chính trị nên tôi không tham gia” như cái cớ để đứng bên ngoài, trong khi tự cho mình cái quyền phê phán người khác. Trong sinh hoạt cộng đồng, chúng ta đến với nhau là do tinh thần trách nhiệm, không một ai hưởng bất cứ một quyền lợi vật chất nào từ tổ chức mà người đó tham gia, trái lại thường bị những mẫu người nói trên chỉ trích lắm khi nặng lời. Một câu nói tưởng như đùa nhưng là kinh nghiệm thực tế với chút đắng cay: “Sinh hoạt cộng đồng mà không bị chửi là chưa có kinh nghiệm”. Nghĩ cho cùng, cấu ấy rất thực. Dĩ nhiên, với quyền tự do ngôn luận tại các quê hương thứ hai, mọi người đều có quyền khen hay chê những cá nhân khác, nhưng không phải vì vậy mà tự chà đạp liêm sỉ chính mình. Trong những năm gần đây có dư luận cho rằng: “Mấy chục năm nay các anh đấu tranh gì mà chẳng thằng Cộng Sản nào rụng cái lông chân, vậy mà các anh cứ nhắm mắt đấu tranh cho mất thì giờ vô ích”. Riêng bản thân tôi khi đến dự đại hội của Hội Thủ Ðức Houston kỷ niệm 25 năm thành lập vào cuối tháng 12 năm 2008, ngay lối vào cửa nhà hàng Ocean Palace tôi gặp người bạn “thích nói nhưng không thích làm”. Trong khi bắt tay nhau, anh ấy “phang” tôi một câu: “Già rồi sao không nghỉ cho khỏe, dính líu hội hè chi cho mệt. Tôi mới từ Việt Nam về lại Mỹ, Cộng Sản nó giàu nó mạnh lắm, 50 năm nữa mấy anh chẳng làm gì nó được đâu”. Nói xong, anh ấy ra xe với dáng “hiên ngang” như thể vừa dạy tôi bài học. Vâng, tôi vừa học bài học, nhưng là “bài học để tránh anh ấy chớ không phải bài học để làm theo anh ấy”. Tôi nghĩ, quí vị đã và đang tham gia sinh hoạt Cộng Ðồng, thể nào cũng có lần nghe những câu đại loại vừa châm biếm vừa chê bai như vậy! Xin quí vị hãy kiên nhẫn nếu quí vị tin rằng “con đường” quí vị đã chọn và đang đi là đúng. Tôi có nét nhìn khác với anh bạn vừa “dạy tôi bài học” nói trên, anh ấy thuộc mẫu người thích “xênh xang áo gấm về làng hưởng thụ trên sự đau khổ của người con gái Việt Nam”, và càng khác những ai cho rằng cuộc đấu tranh của Cộng Ðồng chúng ta không làm rụng sợi lông chân nào của Cộng Sản. Xin hiểu rằng, mục đích cuối cùng trong cuộc đấu tranh của chúng ta là góp phần triệt tiêu chế độ độc tài giành lại quyền làm người cho dân tộc, và vá lại mảnh giang sơn đã bị CSVN xé lởm chởm trên đầu (biên giới phía Bắc), nham nhở một bên vai (vịnh Bắc Việt), và loang lổ một phần bên hông phải (Biển Ðông)! 2. Chúng ta có đạt được gì không Vậy, 34 năm qua Cộng Ðồng chúng ta có đạt được gì không? Xin trả lời ngay là ‘có’, và đây là những gì đạt được: a. Ðược sống tại các quốc gia tự do: Trong số khoảng 3,000,000 người Việt chúng ta tại Hải Ngoại, có thành phần cựu quân nhân sau hơn 20 năm chiến đấu bảo vệ tổ quốc với những trận chiến vang danh trên thế giới và vô số trận chiến âm thầm đơn lẻ trên khắp miền đất nước, thành phần tù chính trị bị quân Cộng Sản giam giữ đọa đày trong hơn 200 trại tập trung từ 1975 đến 1992, thành phần gia đình cựu quân nhân viên chức cán bộ, và các thành phần kinh tế tài chánh bị áp bức trong xã hội chẳng khác tình cảnh “lưu vong ngay trên quê hương Việt Nam”, nay được sống tại các quốc gia mà nền dân chủ pháp trị được nhà cầm quyền và người dân tôn trọng. Ðây chính là điều đạt được lớn nhất, và là hạnh phúc lớn nhất của Cộng Ðồng chúng ta Tỵ Nạn Cộng Sản. Từ căn bản đó, chúng ta đạt được những lãnh vực khác. b. Ðược học hỏi tổ chức & quản trị xã hội: Sống trên các quê hương thứ hai, chúng ta học hỏi nhiều về tổ chức và quản trị xã hội. Thêm nữa, chúng ta có nhiều cơ hội du lịch đó đây trên thế giới, nhờ đó mà kiến thức tổng quát được trang bị thêm phần phong phú, tầm nhìn được trải rộng trên các sinh hoạt quốc gia, nhất là hiểu biết những nền văn hóa khác nhau. Nhờ vậy mà chúng ta hình thành khái niệm căn bản về tổ chức và quản trị một xã hội cho quê hương Việt Nam ngày mai, khả dĩ dung hợp hài hòa giữa nếp sống văn hóa Việt Nam với nền khoa học kỹ thuật tân tiến trong bối cảnh một thế giới phát triển. c. Ðược một Cộng Ðồng Hải Ngoại: Theo tác giả Ðỗ Tăng Bí với bài “Nghiên Cứu Dòng Nhập Cư Vào Hoa Kỳ” và tác giả Hồng Châu với bài “Sự Phân Tán & Tập Trung Của Người Việt Tại Hoa Kỳ”, người Việt Nam tại Hoa Kỳ từ trước cho đến năm 1950 -cách nay 59 năm- vào khoảng 500 người. Con số đó đến năm 1970, tăng lên khoảng 5,000 người. Từ đó đến năm 1974, Việt Nam chúng ta trên đất Mỹ gộp chung vào khoảng 20,000 người, sống rải rác các tiểu bang miền Ðông Bắc và miền Tây Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ cũng chưa hình thành tổ chức Cộng Ðồng. Mãi đến đợt di tản cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1975 khoảng 150,000. Theo tài liệu của Cao Ủy Tỵ Nạn/Liên Hiệp Quốc, thành phần vượt biên vượt biển từ năm 1976 đến 1995 có 839,200 người nhập cư khoảng 94 quốc gia trên thế giới, mà Hoa Kỳ là quốc gia tiếp nhận nhiều nhất. Theo tài liệu của US Census Bureau năm 2000, Cộng Ðồng Việt Nam là 1,122,528 người, qui tụ trong 293,621 gia cư với số nhân khẩu từ 3 người trở lên (chiếm 80.5% trong tổng số). Cũng theo US Census Bureau, đến 1/6/2008 Cộng Ðồng Việt Nam tại Hoa Kỳ khoảng 1,500,000 người. Sau những năm ổn định cuộc sống từ khi nhập cư, lần lượt những tổ chức Hội Ðoàn và Cộng Ðồng được thành lập theo nhu cầu sinh hoạt chung để hỗ trợ lẫn nhau. Ðây là “cái được mà tôi xếp vào loại quan trọng bậc nhất”. Bởi từ nét nhìn lạc quan khi nhìn vào tổ chức Cộng Ðồng tại Orange County, các thành phố San Jose, Houston, Dallas-Fort Worth, v.v... mỗi nơi như thể một quốc gia thu nhỏ tại hải ngoại. Ðứng đầu là tổ chức Cộng Ðồng điều hợp sinh hoạt chung gồm: Các Hội đoàn đồng hương cấp tỉnh, Hội đoàn quân đội với màu áo các quân binh chủng. Hội đoàn văn hóa, Hội đoàn khoa học kỹ thuật, Hội đoàn ngành nghề chuyên môn, Hội đoàn trường hay liên trường trung học, đại học, các tổ chức bảo tàng lịch sử, các cơ sở giảng dạy Việt ngữ, v.v... Bên cạnh đó còn có các tổ chức tôn giáo: Phật Giáo, Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Ðài, Hòa Hảo, với các cơ sở thờ phượng. Và Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản ngày càng lớn mạnh: (1) Với khối nhân lực quí giá. Một phần thế hệ chúng ta trong cuộc chiến 1954-1975, và liên tục những thế hệ sau chúng ta được đào tạo trong những nền giáo dục tân tiến trên thế giới, với số lượng học sinh sinh viên “Du Học Tại Chỗ” không một quốc gia nào sánh được. Tuổi trẻ Hải Ngoại trong Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản đã hình thành khối tài nguyên nhân lực quí giá, sẽ là lực lượng nòng cốt cùng với tuổi trẻ trong nước, thúc đẩy quê hương Việt Nam phát triển theo hình tượng chiếc phản lực cơ thương mại vừa cất cánh khỏi đường băng vươn mình lên bầu trời xanh thẳm khi Cộng Sản độc tài sụp đổ. Khối nhân lực quí giá này là sự mơ ước của CSVN qua đoạn ngắn dưới đây trong bài “Cộng Ðồng Việt Nam Ở Nước Ngoài, Khơi Dậy Nguồn Lực Chất Xám” ngày 11/08/2005 của Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Phú Bình: “Trong số gần 3,000,000 người Việt Nam sinh sống định cư ở Nước Ngoài, ước tính có khoảng 300,000 người được đào tạo ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật cao, có kiến thức cập nhật về văn hóa, về khoa học, công nghệ, về quản lý kinh tế. Trong đó có nhiều người đạt vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước, và các tổ chức quốc tế. Tiềm lực khoa học và công nghệ của các thế hệ người Việt Nam ở Nước Ngoài không ngừng phát triển. Trong đó, một thế hệ trí thức mới người Nước Ngoài gốc Việt đang hình thành và phát triển, nhất là ở các nước Bắc Mỹ, Tây Âu, và Châu Ðại Dương. Ðội ngũ này tập trung ở nhiều lãnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán, v.v... Theo ước tính, chỉ số học vấn đại học và trên đại học của người Việt Nam tại các nước công nghiệp phát triển gần ở mức trung bình của người dân sở tại. Thế hệ trẻ này đang trở thành một thành phần quan trọng của công tác vận động nhằm động viên khuyến khích sự hợp tác, đóng góp của họ vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Thế mạnh của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở Nước Ngoài là được đào luyện, tiếp cận môi trường khoa học công nghệ tiên tiến, và nắm bắt được phương pháp quản lý kinh tế vĩ mô và chuyên ngành. Họ có khả năng phát kiến sáng tạo, có năng lực tổng hợp thông tin, tư vấn, và tạo dựng mối quan hệ với các cơ sở khoa học, cơ sở kinh tế ở nước sở tại. Từ trước đến nay, đội ngũ trí thức kiều bào vẫn được các cơ quan chức năng trong nước đánh giá là thế mạnh của người Việt ở Nước Ngoài, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”. Trong những năm gần đây có dư luận cho rằng “tuổi trẻ Việt Nam Hải Ngoại về xây dựng quê hương chỉ là giấc mơ không thể có”. Tôi xin phép thưa rằng, tuổi trẻ Việt Nam Hải Ngoại chịu ảnh hưởng văn hóa tại các quốc gia bản xứ nhất là Hoa Kỳ, điều này đúng, nhưng không phải vì vậy mà xem thường ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương Việt Nam cội nguồn. Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với tuổi trẻ khi tham gia “Ban Phát Thưởng Học Sinh Giỏi” (lớp 5 đến lớp 12) tại Houston từ năm học 1998-1999 đến 2003-2004. Sau khi các cháu vào đại học, hằng năm các cháu đều đến tham gia Ban Phát Thưởng và các cháu không từ chối bất cứ công tác nào nhờ đến. Ðúng là tuổi trẻ thừa nhận trong những năm tiểu học trung học, con cháu chúng ta tự nghĩ mình là người Mỹ (tôi nghĩ những nơi khác cũng vậy). Nhưng từ lớp 11 lớp 12, sau đó vào đại học, tuổi trẻ bắt đầu tham gia sinh hoạt văn hóa xã hội, những sinh hoạt này cũng là cách mà nhà trường giúp sinh viên trang bị ý thức trách nhiệm Cộng Ðồng trong hành trang vào đời. Qua tiếp xúc với sinh viên nhiều chủng tộc khác nhau trong công tác cũng như trong sinh hoạt học đường, những va chạm giữa những nền văn hóa khác nhau, chính là cơ hội giúp tuổi trẻ nhận ra mình vẫn là người Việt Nam dù quốc tịch bản xứ, vì nhìn lại từ vóc dáng màu da tóc tai mặt mũi đến ánh mắt nụ cười của mình không phải người bản xứ. Từ đó, tuổi trẻ Việt Nam tìm về quê hương cội nguồn. Cũng trong những năm gần đây, với phương tiện truyền thông vừa nhanh chóng vừa chính xác -đài truyền hình SBTN và Hồn Việt là một phương tiện- cung ứng những bài viết, những hội luận, cùng với những hình ảnh cho thấy tuổi trẻ nhập cuộc trong các sinh hoạt văn hóa xã hội cũng như trong sinh hoạt bày tỏ ý thức chính trị ngày càng đông trên các quê hương thứ hai, chứng tỏ khả năng và tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ Hải Ngoại. Với vị trí ông bà cha mẹ, xin quí vị cố gắng giúp các con các cháu nói chung là tuổi trẻ Việt Nam Hải Ngoại học hỏi văn hóa Việt Nam, ngoài những giải thích hướng dẫn bằng lời, nếu được, nên đưa tuổi trẻ đến với các lễ hội văn hóa như Tết Nguyên Ðán, trung thu, picnic, mà các Hội Ðoàn tổ chức. Nếu tuổi trẻ Việt Nam Hải Ngoại không hiểu chút gì về quê hương Việt Nam cội nguồn, tôi nghĩ, một phần trách nhiệm thuộc về thế hệ chúng ta. Và xin quí vị thật lòng tin tưởng con cháu chúng ta, những thế hệ tuổi trẻ Việt Nam Hải Ngoại đối với quê hương Việt Nam cội nguồn tự do dân chủ và nhân quyền. (2) Với kinh nghiệm vận động chính trị. Tuổi trẻ Việt Nam Hải Ngoại nhất là tại Hoa Kỳ, Germany, Canada, Australia, v.v... đã góp mặt trong các cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, trong các trường đại học, trong các tổ chức khoa học kỹ thuật cũng như trong các tổ chức chính trị bản xứ, và đã góp phần vào các thành tựu quan trọng. Tiến sĩ Philipp Roesler Bộ Trưởng Kinh Tế tiểu bang Niedersachsen, Germany. Cô Eve Mary Thái Thị Lạc, đắc cử Dân Biểu Canada năm 2007. Tại Hoa Kỳ, có Dân Biểu liên bang Cao Quang Ánh, Dân Biểu tiểu bang Trần Thái Văn và Hubert Võ. Tuổi trẻ đã có mặt trong Cơ Quan Quản Trị Hàng Không & Không Gian (NASA), ít nhất có một phi hành gia Eugene Trịnh Hữu Châu. Trong NASA còn có nhiều chuyên gia gốc Việt Nam, như: Ông Bà Hữu Trịnh -tiến sĩ kỹ thuật- và Diệp Trịnh -tiến sĩ hóa học- cùng làm việc trong cơ quan này, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, tiến sĩ Jonathan Lee Ðiền Lê, tiến sĩ Bruce Vũ Thanh, tiến sĩ Bùi Trí Trọng, tiến sĩ Nguyễn Quang Việt, tiến sĩ Ðinh Bá Tiến, và nhiều nhiều nữa. Trong ngành vũ khí, đặc biệt nữ khoa gia Dương Nguyệt Ánh nổi danh trong giới quân sự quốc tế về vũ khí. Tiến sĩ hóa lý sinh Võ Ðình Tuấn, Viện Trưởng Viện Fitzpatrick / Ðại học Duke, được Creator Synectics chọn là 1 trong 100 thiên tài thế giới. Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng là một trong 24 người nhận giải MacArthur Fellowship năm 2007 được gọi là “Genius Grants” (Giải Thiên Tài) về các ngành khoa học, xã hội, nhân văn, nghệ thuật v.v... Trong quân đội Hoa Kỳ, nhiều sĩ quan giữ những chức vụ quan trọng như: Hạm trưởng hàng không mẫu hạm, Hạm trưởng tàu ngầm, Hạm Trưởng khu trục hạm, Tư lệnh Sư Ðoàn và Lữ Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến, phi công phản lực cơ chiến đấu Elizabeth Phạm, v.v... Nhìn chung, khối tài nguyên quí giá này tiếp tục được bổ sung trong dài lâu. Khối cử tri chúng ta tại các quê hương thứ hai ngày càng nhân lên, tùy thời gian không gian hoàn cảnh, lá phiếu chúng ta có ảnh hưởng vào chính trường, tuy chưa hoàn toàn như ý muốn nhưng chắc rằng sẽ trở thành nhân tố quan trọng trong chính trường. Thêm nữa, trong những năm gần đây, những giới chức gốc Việt trong cơ quan chánh quyền và các lãnh vực kinh doanh thương mãi, có khả năng trong vận động chính trị ủng hộ Cộng Ðồng chúng ta về quyền lợi của Cộng Ðồng, và ảnh hưởng phần nào trong chính sách đối với CSVN, nhất là tại cơ quan Lập Pháp từ trung ương xuống đến tiểu bang và thành phố. Nhìn chung, quyền lợi và cái “thế chính trị” của Cộng Ðồng từng bước sẽ được bảo đảm hơn, và từ vị trí công dân các quê hương thứ hai giúp cho cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ hiệu quả hơn. (3) Với khối tài chánh quan trọng. Từ những bàn tay trắng khi chạy trốn khỏi chế độ độc tài tàn bạo trên quê hương, ngày nay khả năng kinh tế tài chánh của Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản ngày càng lớn mạnh thể hiện bởi: Khối Mỹ kim do bà con gởi về Việt Nam giúp thân nhân hằng năm như sau: Năm 1991; 35 triệu. Năm 1995; 285 triệu. Năm 2000; 1 tỷ 700 triệu. Năm 2002; 2 tỷ 100 triệu. Năm 2004; 3 tỷ Mỹ kim. Năm 2007; 7 tỷ 800 triệu. Năm 2008 lên đến 8 tỷ Mỹ kim. Những con số trên đây là của từng năm chớ không phải gộp lại của các năm trước. Theo tài liệu thì khoảng 70% lượng tiền trên đây chuyển qua hệ thống ngân hàng, tỷ lệ này có khuynh hướng ngày càng giảm, trong khi lượng tiền chuyển về Việt Nam qua các công ty có khuynh hướng ngày càng tăng. Với lại còn một khối lượng Mỹ kim khác do khoảng 250,000 đến 300,000 người hằng năm mang theo khi về Việt Nam thăm thân nhân. Nếu tạm chấp nhận trung bình mỗi người về Việt Nam chi tiêu 300 Mỹ kim, thì con số đó sẽ là 90 triệu Mỹ kim. Nhìn chung qua những con số mà tôi có được từng năm kể từ năm 1991 đến cuối năm 2007, thì lượng tiền mà bà con trong Cộng Ðồng Tỵ Nạn tại Hải Ngoại gởi về Việt Nam lên đến 25 tỷ 431 triệu Mỹ kim. Sự lớn mạnh về kinh tế của riêng Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn tại Hoa Kỳ theo thống kê năm 2000 như sau: Về cơ sở kinh doanh sản xuất và dịch vụ do người Việt Nam làm chủ: Năm 1982, trên toàn liên bang có 4,989 cơ sở với doanh thu hằng năm là 215 triệu Mỹ kim. Năm 1987, Việt Nam làm chủ 25,671 cơ sở với doanh thu hằng năm là 1 tỷ 361 triệu Mỹ kim. Năm 2000, Việt Nam làm chủ 97,784 cơ sở với doanh thu 6 tỷ 768 triệu Mỹ kim. Và cũng tiêu biểu sự lớn mạnh của Cộng Ðồng Tỵ Nạn tại Hoa Kỳ, theo thống kê năm 2000 lợi tức của 293,621 gia đình có 3 người trở lên vào khoảng 18,641,000,000 (18 tỷ 641 triệu) Mỹ kim, bao gồm: (1) 27.4% hay là 89,452 gia đình có lợi tức dưới 25,000 Mỹ kim. Nếu chấp nhận trung bình 20,000 Mỹ kim, thì 89,452 gia đình có lợi tức chung là 1 tỷ 789 triệu. (2) 27.2% hay là 79,864 gia đình có lợi tức từ 25,000 đến dưới 50,000 MK. Nếu chấp nhận trung bình 35,000 Mỹ kim, thì 79,864 gia đình có lợi tức chung là 2 tỷ 795 triệu. (3) 31.3% hay là 91,903 gia đình có lợi tức từ 50,000 đến dưới 100,000 MK. Nếu chấp nhận trung bình 75,000 MK, thì 91,903 gia đình có lợi tức chung là 6 tỷ 892 triệu. (4) 12.3% hay là 36,115 gia đình có lợi tức từ 100,000 đến dưới 200,00 MK. Nếu chấp nhận trung bình 150,000 MK, thì 36,115 gia đình có lợi tức chung là 5 tỷ 417 triệu. (5) 1.8% hay là 5,825 gia đình có lợi tức từ 200,000 MK trở lên. Nếu chấp nhận trung bình 300,000 MK, thì 5,825 gia đình có lợi tức chung là 1 tỷ 747 triệu. Trên đây chỉ ước tính 80.5% trong tổng số 1,122,528 người sống trong 293,621 đơn vị gia cư từ 3 người trở lên, như vậy còn lại 19.5% hay là 218,892 người sống trong chung cư hoặc trong những căn phòng hay thuê phòng trong những nhà riêng, tạm gọi là “tiểu gia cư” một người hay hai người. Nếu sử dụng lợi tức tối thiểu “đầu người hằng năm” ngang bằng số trợ cấp an sinh xã hội của chánh phủ liên bang tính tròn 6,000 mỹ kim, chúng ta có lợi tức chung của 218,892 người là 1 tỷ 313 triệu Mỹ kim. Một cách tổng quát, nếu chúng ta gộp chung lợi tức của gần 300 ngàn gia đình (18 tỷ 641 triệu), và lợi tức của những người sống riêng lẻ hoặc trong gia đình 2 người (1 tỷ 313 triệu), thì lợi tức của Cộng Ðồng Việt Nam chúng ta tại Hoa Kỳ trong năm 2000 vào khoảng 20 tỷ Mỹ kim (tính theo số tròn). Từ con số này, ước tính một cách tổng quát về tổng lợi tức của Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn tại Hải Ngoại trong năm 2008 có thể lên đến hơn 30 tỷ Mỹ kim. Khối tài chánh tuy chưa phải lớn lao so với các Cộng Ðồng Trung Hoa, Do Thái, Ấn Ðộ, hay Phi Luật Tân, nhưng so với nhu cầu trong nước, chúng ta có khả năng đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển quốc gia sau khi Cộng Sản độc tài sụp đổ. (4) Với trận chiến dựng lại quốc kỳ. Tại Hoa Kỳ, bắt đầu ngày 19/2/2003 với thành phố Westminster (California), từ đó đến ngày 15/3/2009, đã được 112 cơ quan hành chánh ban hành văn kiện công nhận quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ là biểu tượng tự do của Cộng Ðồng chúng ta, gồm: 15 tiểu bang + 7 Quận Hạt (Counties) + 90 Thành Phố. (Danh sách các tiểu bang theo mẫu tự: California, Colorado, Florida, Georgia, Louisiana, Michigan, Minnesota, New Jersey, Nebraska, Ohio, Oklahoma, Oregon, Texas, Utah, và Virginia). Riêng tiểu bang Louisiana và Ohio công nhận bằng Luật. Cộng Ðồng chúng ta còn non trẻ so với các Cộng Ðồng bạn dài lâu trên đất Mỹ, nhưng đặc biệt là Cộng Ðồng chúng ta có quốc kỳ riêng sử dụng thích hợp trong từng trường hợp. Trên thế giới, hầu như chưa có trường hợp chế độ nào sụp đổ mà quốc kỳ đó vẫn tồn tại trên các quê hương thứ hai như trường hợp Cộng Ðồng chúng ta. (5) Với bia và đài tưởng niệm. Song song với nỗ lực vận động cho “Trận Chiến Dựng Lại Quốc Kỳ”, đến đầu năm 2009, Cộng Ðồng chúng ta khắp nơi đã đặt Bia Tưởng Niệm và dựng Ðài Tưởng Niệm Chiến Sĩ, Tưởng Niệm Thuyền Nhân, sau đây: (1) Australia, tại các thành phố Fairfield (NSW), Perth (West Australia), Melbourne và Dandenong (Victoria), Brisbane (Queensland) , và Adelaide (S. Australia). (2) Bỉ, tại thành phố Liège. (3) Canada, tại thủ đô Otttawa và thành phố Montréal. (4) Germany, tại thành phố Hamburg và Troisdorf. (5) Hoa Kỳ, tại các thành phố Westminster (California), Houston (Texas), West Valley (Utah), Saint Cloud (Minnesota), Honolulu (Hawaii), Fayetteville (North Carolina). (6) Indonesia, trênđảo Galang. (7) Malaysia, trên đảo Bidon. (8) Và Thụy Sĩ, tại Genève. (6) Với hỗ trợ lực lượng dân chủ trong nước. Từ bản chất độc tài tàn bạo, những chính sách cai trị của CSVN tạo cho mọi người trong xã hội xã hội chủ nghĩa thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi để phục tùng họ, nhưng sự lớn mạnh của Cộng Ðồng chúng ta về các mặt kể cả những hình thức chống đối CSVN đến mức lãnh đạo cao cấp nhất của họ cũng không dám đối mặt với Cộng Ðồng, đã góp phần quan trọng cho lực lượng dân chủ trong nước từng bước hình thành, và thật sự có ý nghĩa khi lực lượng này chánh thức tuyên bố thành lập tại Hà Nội và Sài Gòn ngày 8 tháng 4 năm 2006, gọi tắt là “Khối 8406”. Ðồng hành với “Khối 8406” là “Khối Dân Oan” cũng đứng lên từ các địa phương bị lãnh đạo của họ sử dụng mọi hình thức gian trá trấn lột cướp đoạt đất đai vườn ruộng, đã từng đoàn từng đoàn kéo đến các cơ quan ở Sài Gòn và Hà Nội vì bị cấp tỉnh cấp thành phố trấn áp. Nhưng rồi các cơ quan cao cấp ở Sài Gòn và Hà Nội giải quyết bằng cách giao cho Công An lùa, đẩy, và khiêng Dân Oan lên từng đoàn xe đưa về các địa phương sau khi bắt những người mà họ cho là “cầm đầu chống đối”. Không có gì phải ngạc nhiên cách hành xử của lãnh đạo CSVN, vì tất cả họ trong một hệ thống tham nhũng từ trên “đỉnh cao trí tuệ” len vào mọi ngóc ngách sinh hoạt xã hội xuống đến tận cùng hàng hàng lớp lớp “viên chức đầy tớ” của dân. Chưa hết, CSVN gần như thẳng tay đàn áp bắt giam, bỏ tù, quản chề các vị lãnh đạo và tín đố của Phật Giáo Thống Nhất, Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Ðài, Hòa Hảo. Tuy các giáo hội không cùng lúc cùng nơi cũng không cùng phương cách phản kháng, nhưng sức phản kháng CSVN mạnh mẽ không kém gì nhau. Với thế mạnh của Cộng Ðồng đối với CSVN, chúng ta đã và đang hỗ trợ lực lượng dân chủ trong nước bằng những cách khác nhau: (1) Chuyển các tin tức quốc nội và quốc tế về Việt Nam cho lực lượng dân chủ, các cá nhân, cho các lãnh đạo CSVN trong Ðảng, Nhà Nước, Quân Ðội, Công An, nhất là những tin liên quan đến tội ác của CSVN trên quê hương, vì truyền thông trong nước bị cấm loan các loại tin mà CSVN gọi là “phương hại đến ổn định xã hội” hoặc loại tin “gây mất đoàn kết nội bộ”. (2) Ủng hộ lực lượng dân chủ, ủng hộ các giáo hội ngoài quốc doanh, ủng hộ Dân Oan, và ủng hộ bất cứ ai kể cả đảng viên Cộng Sản, có lời nói hay hành động phản kháng CSVN trong mọi hành động đàn áp các công dân thực hiện những quyền mà Hiến Pháp (CSVN) qui định. (3) Vận động Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Australia, v.v... lên án CSVN vi phạm nhân quyền kể cả buôn bán thanh niên nam nữ ra ngoại quốc làm nô lệ dưới dạng “môi giới lao động”, vi phạm Hiến Pháp của chính họ. (4) Và các cách ủng hộ khác. 3. Sự thất bại của lãnh đạo CSVN Nhớ lại, từ sau ngày 30/4/1975, người dân Việt Nam Cộng Hòa cũ bị khủng bố đàn áp bằng mọi cách khác nhau đến mức không thể sống nổi, nên tự động lần lượt rồi ào ạt vượt lên cái chết đi tìm tự do bằng vượt biên vượt biển, lúc ấy CSVN gọi chúng ta là bọn ngụy quân ngụy quyền, bọn phản quốc vong quốc, bọn đĩ điếm, bọn lưu manh rác rưởi xã hội, v.v... Nghĩa là CSVN dùng bất chữ nghĩa nào tồi tệ hơn hết trong ngôn ngữ hàng tôm hàng cá để chửi rủa nhục mạ chúng ta. Từ giữa thập niên 80 khi lãnh đạo CSVN thấy Cộng Ðồng chúng ta tạo dựng được những cơ sở kinh doanh thương mại, có tiền gởi về giúp thân nhân bạn bè bằng hữu trên quê hương. Lúc ấy CSVN tìm cách khai thác nguồn tài chánh từ Cộng Ðồng Tỵ Nạn Hải Ngoại nên hạ giọng gọi chúng ta là Việt Kiều Yêu Nước. Kế tiếp, CSVN nâng công tác Kiều Vận lên thành chính sách và trực thuộc trung ương với hai tổ chức: (2) Ủy Ban Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài do Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Ðình Bin làm Chủ Nhiệm, nhắm vào Cộng Ðồng Tỵ Nạn chúng ta. (2) Và Ủy Ban Vận Ðộng Thành Lập Hội Liên Lạc Người Việt Nam Ở Nước Ngoài do tiến sĩ Nguyễn Văn Ðạo, Giám Ðốc trường đại học tổng hợp Hà Nội làm Trưởng Ban, nhắm vào thân nhân của Cộng Ðồng Tỵ Nạn đang sống trên quê hương, để áp lực chúng ta. Cùng lúc, CSVN lại hạ giọng thêm nữa để gọi chúng ta là “Khúc Ruột Ly Hương Ngàn Dặm”. Nhưng chính sách đó vẫn thất bại. Theo thời gian, CSVN thấy Cộng Ðồng chúng ta ngày càng lớn mạnh các mặt, đồng thời với những hoạt động chính trị chống chế độ độc tài của họ ngày càng phát triển, một lần nữa họ nâng chính sách Kiều Vận lên hàng quốc sách với Nghị Quyết 36 ngày 26/3/2004, qui định một chính sách toàn diện nhắm vào Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn tại Hải Ngoại mà họ gọi là những người Việt Nam ở Nước Ngoài. Quốc sách này được hỗ trợ tài chánh do “Quỹ Hỗ Trợ & Vận Ðộng Người Việt Nam ở Nước Ngoài” thành lập trước đó một năm (ngày 25/4/2003) tại Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội. Vậy là CSVN chánh thức mở “Mặt Trận Chính Qui”, vừa đánh vào Cộng Ðồng chúng ta trên toàn thế giới mà mục tiêu chính là Cộng Ðồng tại Hoa Kỳ, vừa tìm mọi phương cách lôi cuốn những cá nhân trong Cộng Ðồng chúng ta mang tiền và kỹ thuật về Việt Nam kinh doanh giúp họ giàu sang và tồn tại. Lúc này nhóm “đỉnh cao trí tuệ” lại hạ giọng thấp xuống nữa để gọi chúng ta là “bộ phận không thể tách rời cộng đồng dân tộc”. Nghị Quyết 36 chẳng khác một một lệnh tổng tấn công Cộng Ðồng chúng ta với 3 điểm căn bản sau đây: (1) Người Việt Nam ở Nước Ngoài là bộ phận không tách rời, và là nguồn lực của Cộng Ðồng Dân Tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước ta với các nước. (2) Công tác đối với người Việt Nam ở Nước Ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân. Các tổ chức Ðảng, Nhà Nước, và các đoàn thể nhân dân, các ngành các cấp từ trung ương đến địa phương, ở trong nước và ngoài nước, và toàn dân ta cần coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. (3) Công tác đối với người Việt Nam ở Nước Ngoài, cần mang tính đồng bộ, kết hợp việc xây dựng cơ chế chính sách với công tác vận động, kết hợp các hoạt động trong nước với các hoạt động ở ngoài nước, và phải được tiến hành thông qua nhiều loại hình hoạt động và biện pháp phù hợp với các đối tượng và địa bàn khác nhau, trên cơ sở tự nguyện và không trái pháp luật, phong tục, tập quán của nước sở tại. Từ 3 điểm đó, nội dung Nghị Quyết 36 vạch ra 7 mục tiêu tấn công Cộng Ðồng chúng ta, và 2 mục tiêu sau cùng ra lệnh cho Ðảng, tình báo, ngoại giao, công an, quân đội, tới toàn dân thi hành. Nhưng thật ra CSVN không dám xuất hiện mà họ dùng đồng tiền, cũng có thể có cản quyền lợi ảo về chính trị, để thúc đẩy những tên tay sai của họ trong Cộng Ðồng chúng ta thực hiện. Ðúng. Trong những năm gần đây, một số tổ chức trong Cộng Ðồng đã xảy ra những xáo trộn dẫn đến một số Hội Ðoàn thành hai tổ chức. Ðiều dễ nhận ra là bàn tay của những tên tay sai CSVN và đồng tiền cũng từ CSVN, cộng với đám tuyên truyền xám Công An CSVN tung hỏa mù trên hệ thống thông tin toàn cầu (NET) nhắm vào những cá nhân những tổ chức chống cộng quyết liệt, dẫn đến trường hợp một số cá nhân và tổ chức chống Cộng Sản chống lại cá nhân và tổ chức chống Cộng Sản. Cũng đúng. Ðúng là CSVN vẫn thất bại. Tuy Cộng Ðồng chúng ta tùy nơi tùy hoàn cảnh có tình trạng nêu trên, nhưng rõ ràng là lãnh đạo trong “Nhóm Ðỉnh Cao Trí Tuệ” CSVN mỗi khi đặt chân đến Hoa Kỳ, đến Australia, đến Pháp, đến Ðức, họ không thấy cờ máu nào của họ mà chỉ thấy rừng cờ vàng giữa rừng người với biểu ngữ phản đối họ vi phạm nhân quyền, nên rất sợ đối mặt với Cộng Ðồng chúng ta. Ðiển hình tại Hoa Kỳ: - Ngày 22/6/2007, Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch nước Việt Nam Cộng Sản khi vào dinh Tổng Thống Hoa Kỳ, chẳng những không có đội quân danh dự, không một phát súng chào mừng, cũng không một âm thanh quân nhạc chào đón, chỉ được viên chức Tòa Bạch Ốc lặng lẽ hướng dẫn vào cửa sau để gặp Tổng Thống Bush, vì công viên phía trước tràn ngập bởi bà con trong Cộng Ðồng chúng ta từ các tiểu bang đổ về đây với rừng cờ vàng và rừng biểu ngữ phản đối CSVN vi phạm nhân quyền. Ông ta không dám đối mặt với Cộng Ðồng chúng ta nên chịu nhục vào cửa hậu. Ngày hôm sau (23/6/2007), ông Triết cùng đoàn tùy tùng đến khách sạn Saint Regis Resort ở thành phố Dana Point, nhưng xe chở ông Triết không dám cắm cờ CSVN theo nghi thức ngoại giao, vì sợ rừng người Tỵ Nạn Cộng Sản “Dàn Chào” trước khách sạn biết ông ngồi trong xe đó mà phản ứng mạnh hơn. - Ngày 22/6/2008, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng Ðảng CSVN đến Hoa Kỳ nhưng không dám xuống phi trường quốc tế vì Cộng Ðồng chúng ta đã chuẩn bị “dàn chào” phản đối, mà đáp phi trường quân sự chỉ có nhóm người từ tòa đại sứ của họ đón. Ngày 26/6/2008, khi đến Houston dự hội thảo với nhóm doanh gia Hoa Kỳ trong khách sạn “The Westin Oaks” trên đường Westheimer, không thể vào cửa chánh vì Cộng Ðồng chúng ta dày đặc với rừng cờ vàng và biểu ngữ phản đối, đoàn xe phải vòng qua đường S. Post Oaks vào khách sạn. Ngang qua hai đảng viên lãnh đạo trong Bộ Chính Trị nói trên đã chứng tỏ sự thất bại của lãnh đạo CSVN dù Nghị Quyết 36 do những tên tay sai len lỏi đánh phá Cộng Ðồng chúng ta. Rõ ràng là cấp lãnh đạo cao nhất của Nhà Nước VNCS đã không dám đối mặt với Cộng Ðồng chúng ta thì làm gì khống chế được chúng ta. 4. Kết luận Với tội ác trong 10 năm gần đây của lãnh đạo VNCS không thể phủ nhận: (1) Năm 1999, bán 789 cây số vuông trên bộ cho THCS từ nợ vũ khí đạn dược xâm lăng VNCH. (2) Năm 2000, bán 11,362 cây số vuông trong vịnh Bắc Việt cho THCS với giá 2 tỷ Mỹ kim. (3) Ðầu tháng 12/2007, thỏa hiệp cho THCS sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào quận Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam. (4) Ngày 9 & 16/12/2007 tại Sài Gòn và Hà Nội, học sinh sinh viên mít tinh biểu tình phản đối THCS chiếm hai quần đảo nói trên của Việt Nam, bị hung thần Công An ngăn chận đe dọa. (5) Ngay trước ngày 14/9/2008, các thành phần xã hội phẫn uất hành động của THCS cũng như phản ứng nhẹ nhàng của VNCS, chuẩn bị mít tinh trước tòa đại sứ THCS ở Hà Nội phản đối THCS trưng dẫn văn kiện của Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng gởi THCS vào ngày này 50 năm trước, lại bị đám “Hung Thần” Công An tại Hà Nội cũng như tại các địa phương thẳng tay ngăn chận bắt giữ những ai mà họ nghi sẽ tham gia mít tinh biểu tình. (6) Do thỏa hiệp tháng 6/2007, THCS đã đưa hằng ngàn công nhân và lực lượng bảo vệ an ninh đến Dak Nong và Lâm Ðồng khai thác quặng bauxite từ tháng 6/2008. Ðây là loại quặng gây tác hại môi trường khu vực rộng lớn trên Cao Nguyên miền Trung, đã gây phẫn uất trong giới tướng lãnh về hưu cũng như tại chức của họ ngang qua các thư gởi đến các cấp lãnh đạo của họ trong Bộ Chính Trị. (7) Theo tờ Tuổi Trẻ ngày 27/3/2009 tại Hà Nội, ký giả Cam Văn Kình với bài “Hằng vạn công nhân Trung Hoa đã vào Việt Nam”, dẫn lời ông Trần Ngọc Hùng, Chủ Tịch Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam, thực tế hiện nay hầu hết các cuộc đấu thầu thực hiện các dự án lớn về điện, xi măng, hóa chất, đều vào tay nhà thầu Trung Hoa vì họ được chánh phủ họ nâng đỡ nhiều mặt nên giá thầu giảm. Nhà thầu Trung Hoa đưa sang Việt Nam hằng mấy ngàn công nhân với các loại máy móc và thực phẩm mà họ không mua bất cứ thứ gì Việt Nam có. Ngoài tai hại về môi trường và kinh tế, liệu rồi đây sẽ có những làng mạc của Trung Hoa ngay bên trong lãnh thổ Việt Nam, và phải chăng đây là chiến lược cài người của lãnh đạo CSTH, rồi theo vết dầu loang tiến đến đồng hóa dân tộc Việt Nam vào Trung Hoa mà không tốn một viên đạn, không tốn một mạng người, cũng chẳng nhỏ một giọt mồ hôi, chỉ cần họ nhép miệng ra lệnh cho lãnh đạo CSVN thi hành, và nhón tay ký vào thỏa ước hợp pháp hóa là xong? Bởi, Trung Hoa Cộng Sản có mặt trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một nguy hại cho Việt Nam chúng ta, nhưng sự có mặt của họ trên đất liền nhất là trên “mái nhà tổ quốc” là Cao nguyên Miền Trung là một nguy hại cao nhất cho sự tồn vong của đất nước, vì đến một lúc nào đó Việt Nam sẽ là “một Tây Tạng khác” do chính sách thâm độc của THCS đối với Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa! Dù thế nào đi nữa, chỉ riêng 7 tội ác trên đây đang gây phẫn uất trong các thành phần xã hội, người dân “lương cũng như giáo”, sinh viên học sinh, lực lượng đấu tranh dân chủ trong nước, thành phần đảng viên về hưu và cả tại chức, qua những cách khác nhau đã cho thấy người dân không còn sợ hãi Ðảng với Nhà Nước như trước kia nữa. Thoạt nghe có chút tàn nhẫn, nhưng thật sự khi lãnh đạo CSVN càng lún sâu vào tội ác với dân với nước, nhất là càng lệ thuộc vào CSTH, chế độ độc tài này càng sớm đến ngày sụp đổ vì khi nỗi phẫn uất đến tột cùng chính là lúc người dân đứng dậy lật đổ chúng. Không loại trừ một thành phần quân đội Cộng Sản sẽ cùng hàng ngũ với người dân, vì lãnh đạo của họ lệ thuộc Cộng Sản Trung Hoa đến mức cắt đất xén biển cho CSTH mà họ là thành phần có trách nhiệm bảo vệ. Vì vậy, Cộng Ðồng chúng ta hãy nhiệt tình hơn nữa trong nỗ lực chống CSVN và những tên tay sai của chúng ngay trong Cộng Ðồng, cùng lúc tiếp tục hỗ trợ các lực lượng dân chủ trong nước và hỗ trợ tinh thần Dân Oan khiếu nại giành lại tài sản của họ bị các lãnh đạo địa phương cướp đoạt. Ðặc biệt liên tục chuyển những tin về tội ác của CSVN nhất là tình trạng lệ thuộc CSTH về trong nước gồm các thành phần trong xã hội, và những tin tức thế giới liên quan đến Việt Nam vi phạm nhân quyền, giúp các thành phần này hiểu được những sự thật mà truyền thông của CSVN che giấu. Ðây là cách góp phần quan trọng vào công cuộc lật đổ chế độ độc tài toàn trị CSVN, vì lịch sử đã chứng minh người dân không được sử dụng lá phiếu với đầy đủ quyền chính trị của mình để chuyển hóa chế độ này, vì lãnh đạo CSVN không có người nào tử tế cả. Trong khi bối cảnh chính trị quốc tế ngày nay, không một chế độ độc tài nào lường trước được những đột biến đối với họ, điển hình rõ nhất là các quốc gia Cộng Sản đàn anh lớn và đàn anh nhỏ của CSVN vào đầu những năm 90 là Liên Bang Xô Viết sụp đổ, khối Ðông Âu Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Hungary sụp đổ, bức tường Bá Linh sụp đổ, v.v... Và chế độ Cộng Sản tan rã do chính đồng bào của họ với hỗ trợ của thế giới tự do. Tôi nghĩ, mỗi người chúng ta tùy khả năng, hoàn cảnh, thời gian, không gian, đều có thể tham gia vào cuộc chiến này, như: Tham gia sinh hoạt trong tổ chức Cộng Ðồng, sinh hoạt Hội Ðoàn nào đó hay tổ chức đấu tranh, nhẹ nhàng và thuận tiện hơn hết là giúp các cháu nói tiếng Việt, giải thích cho con cháu biết về quê hương Việt Nam, một cách tổng quát về lịch sử Việt Nam, nguyên nhân ông bà cha mẹ các cháu có mặt tại Hải Ngoại, giúp các cháu tham gia lễ hội Việt Nam để các cháu có cơ hội nhìn thấy, nhận biết một hình ảnh văn hóa Việt, cùng lúc làm quen với các bạn trang lứa. Nếu được, khuyến khích các cháu tham gia sinh hoạt Hướng Ðạo, sinh hoạt trong tổ chức tôn giáo dành cho tuổi trẻ. Xa chút nữa, khuyến khích các cháu tham gia sinh hoạt trong tổ chức sinh viên khi các cháu vào đại học dù chỉ sinh hoạt trong phạm vi văn hóa xã hội. Vì tất cả đều là góp phần vào cuộc chiến chống Cộng Sản Việt Nam độc tài. Tôi nghĩ, chúng ta có đủ lý lẽ để vững tin vào mục đích cùng hướng đi, để tiếp tục phát triển cuộc đấu tranh của Cộng Ðồng chúng ta hơn nữa, đó là cách hỗ trợ mạnh mẽ lực lượng dân chủ trong nước góp phần quan trọng vào sự sụp đổ của Cộng Sản Việt Nam độc tài toàn trị, khi mà sự phẫn uất của người dân đến mức tột cùng, đó là lúc mục tiêu góp phần dân chủ hóa chế độ chính trị trên quê hương Việt Nam của Cộng Ðồng chúng ta đạt được, rồi cùng nhau vá lại quê hương gấm vóc đã bị lãnh đạo CSVN “xé rách lởm chởm!” Xin nhớ rằng, bất cứ quốc gia độc tài nào cũng không thể lường trước được những đột biến chính trị trong bối cảnh một thế giới phát triển nền dân chủ tự do và nhân quyền.
|