Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Khu trục hạm USS Lassen ghé Đà Nẵng: Chuyến trở về ly kỳ của một cậu bé tỵ nạn

Khu trục hạm USS Lassen ghé Đà Nẵng: Chuyến trở về ly kỳ của một cậu bé tỵ nạn PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Chúa Nhật, 08 Tháng 11 Năm 2009 22:46

 ÐÀ NẴNG 7-11 (TH) - Vào ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ, Lê Bá Hùng mới có 5 tuổi

theo gia đình đi tỵ nạn chính trị trên một chiếc tàu đánh cá cùng với 400 người.

Ba mươi bốn năm sau, ông quay về cố hương cũng trên một chiếc tàu nhưng với tư cách hạm trưởng của một trong những chiến hạm tối tân nhất của Hoa Kỳ. 

  

Lê Bá Hùng, người gốc Việt sinh ra ở Huế và nay là hạm trưởng USS Lassen, rời khu trục hạm trên thuyền nhỏ đi vào bờ, trong chuyến ghé thăm chính thức cảng Ðà Nẵng hôm 7 Tháng Mười Một, 2009. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Trung Tá Lê Bá Hùng (phải) bắt tay các sĩ quan hải quân Việt Nam trong buổi lễ đón chào tàu chiến USS Lassen tại Ðà Nẵng. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Hạm Trưởng Lê Bá Hùng hướng dẫn khu trục hạm USS Lassen vào cảng Tiên Sa, nơi có bãi biển đẹp nổi tiếng. Khu trục hạm USS Lassen, trị giá $800 triệu đô la, chiều dài 509 feet, trang bị hỏa tiễn bình phi Tomahawk với một thủy thủ đoàn 300 người. USS Lassen và soái hạm USS Blue Ridge của hạm đội 7 là những chiến hạm đến thăm Việt Nam gần đây nhất trong một chuỗi những chuyến viếng thăm thân hữu của Hải Quân Hoa Kỳ ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 2003 khi hộ tống hạm USS Vandergriff thăm cảng Sài Gòn.

Ngày 30 Tháng Tư 1975 là ngày gia đình của Hải Quân Trung Tá Lê Bá Thông dắt vợ con, trong đó có cậu bé Lê Bá Hùng, leo lên một chiếc tàu đánh cá chen chúc đầy người chạy trốn Cộng Sản với một tương lai bất định. Họ được dương vận hạm USS Barbour County của Hải Quân Hoa Kỳ vớt khi đã hết cả đồ ăn, nước uống và chiếc tàu thì hết dầu. Họ được đưa tới căn cứ Hoa Kỳ ở Philippines, chuyển tới một trại tạm cư ở California rồi định cư ở một thành phố phía Bắc tiểu bang Virginia, nơi họ làm lại cuộc đời.

“Tôi từng nghĩ sẽ về lại Việt Nam một ngày kia nhưng tôi thật sự không tính trước được là mình sẽ trở về trong vai trò hạm trưởng của một chiến hạm Hoa Kỳ,” Trung Tá Hùng nói với báo chí khi bước chân lên bờ hôm Thứ Bảy. “Ðây là một vinh dự cá nhân tuyệt vời.”

“Tôi rất lấy làm tự hào là một công dân Hoa Kỳ và cũng tự hào về nguồn gốc Việt Nam của tôi,” ông Hùng nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Người Việt đăng hôm nay.

Cuộc thăm viếng của chiến hạm Lassen tượng trưng cho nỗ lực từ cả hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm gia tăng mối quan hệ như một sự cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực mà không muốn làm nước láng giềng phương Bắc khổng lồ của Việt Nam chống lại.

Nằm thẳng về hướng Ðông của Ðà Nẵng là quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tranh chấp chủ quyền. Quần đảo này, Trung Quốc chiếm năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH. Nằm xa hơn về hướng Ðông Nam, hai bên cũng đang tranh chấp về quần đảo Trường Sa với một số nước khác trong khu vực. Nơi đây có dấu hiệu tiềm năng dầu khí rất lớn.

Quê ông Hùng ở Huế. Có những tấm hình phổ biến trên mạng cho thấy ông đã cùng chị em tắm biển ở bãi biển Thuận An. Nơi chiến hạm cặp bờ thăm viếng chỉ cách thành phố Huế khoảng 105 km, nơi ông còn nhiều họ hàng.

Quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thay đổi nhanh chóng sau khi bình thường hóa năm 1995 dưới thời Tổng Thống Clinton. Mậu dịch song phương phát triển nhanh chóng và quan hệ quân sự cũng nhích lên nhưng rất chậm chạp trước sự ngó chừng sát sao của Bắc Kinh.

Việt Nam cần trang bị quân đội và hải quân, không quân cho tối tân hơn, nhưng bị giới hạn bởi ngân sách eo hẹp. Một mặt khác, Hoa Kỳ khó lòng bán võ khí tối tân cho Việt Nam vì phải qua Quốc Hội với nhiều chống đối, điều kiện ràng buộc, phần khác Việt Nam vẫn là một nước Cộng Sản. Ðó là chưa kể tới thái độ của Bắc Kinh cũng góp phần ảnh hưởng. Hai năm qua, Việt Nam mua của Nga 6 tầu ngầm và một số chiến đấu cơ, nhưng không thể so sánh gì với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Trang bị quan trọng cho quân đội Việt Nam từ trước đến nay đều đến từ Nga, một đồng minh Cộng Sản cũ nay vẫn còn những quan hệ chặt chẽ.

Ông Hùng không còn nhớ nhiều về thời ấu thơ ở Việt Nam nhất là chuyến hải hành 3 ngày trên chiếc tàu đánh cá mà gia đình ông chạy trốn, nhưng ông ghi nhớ những kỷ niệm, hình ảnh của tấm gương mà người cha của ông, Hải Quân Trung Tá VNCH Lê Bá Thông, làm gương cho ông.

Năm nay ông Thông 69 tuổi, chưa hề quay lại Việt Nam lần nào. Khi mới tới Mỹ định cư ở Virginia, ông Thông làm cho một siêu thị để nuôi gia đình. Ông đã đi lên từ người đứng phụ bỏ hàng vào bao (bag boy) và trở thành quản lý (manager) cho siêu thị.

“Tôi luôn luôn muốn như cha tôi.” Ông Hùng nói. “Ông kiên nhẫn và vượt thắng mọi thử thách.”

Trong mấy ngày ở Ðà Nẵng, quân nhân của hai chiến hạm Mỹ sẽ tham dự “các dự án quan hệ cộng đồng tại trường tiểu học Hòa Quý, tham gia các hoạt động thể thao với sinh viên Ðại Học Ðà Nẵng, đón tiếp khách tham quan tàu, và tham quan các địa danh lịch sử và văn hóa quanh Ðà Nẵng”, theo báo SGTT.

Nhiều báo ở Việt Nam loan tin vắn tắt hai chiến hạm Hoa Kỳ bắt đầu thăm viếng Việt Nam 4 ngày từ hôm Thứ Bảy. Họ nói một người Việt Nam làm hạm trưởng nhưng không nói tới chi tiết Hạm Trưởng Trung Tá Lê Bá Hùng là con trai của một Hải quân Trung Tá VNCH.

Trung Tá Hùng tốt nghiệp Học Viện Hải Quân năm 1992, từng được thưởng nhiều huy chương và cũng đã tốt nghiệp trường chỉ huy tham mưu của quân đội Hoa Kỳ. Ông là người gốc Việt Nam đầu tiên làm hạm trưởng một chiến hạm Hoa Kỳ từ cuối Tháng Tư 2009. (TN)

Phỏng vấn Hạm trưởng USS Lassen, HQ Trung Tá Lê Bá Hùng

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Gọi Việt Nam là “mảnh đất tổ tiên” và nêu cao “tính cần cù, sự nhẫn nại và đức hy sinh” của thân phụ, một cựu sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng Hòa, Hải Quân Trung Tá Hoa Kỳ Lê Bá Hùng nói với báo Người Việt ông “vui mừng được là một phần của tình hữu nghị” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn lần đầu tiên với một tờ báo Việt ngữ hải ngoại.

Ngày 7 Tháng Mười Một năm 2009, khu trục hạm tối tân trang bị hỏa tiễn điều khiển tầm xa USS Lassen (DDG 82) dưới sự chỉ huy của hạm trưởng, Hải Quân Trung Tá Lê Bá Hùng, cập cảng Tiên Sa, Ðà Nẵng, mở đầu cho chuyến viếng thăm của Hải Quân Hoa Kỳ đến Việt Nam.

Trước giờ Hạm Trưởng Lê Bá Hùng “có mặt ở cảng và sẽ rất bận rộn,” ông dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn bằng điện thư ngày 6 Tháng Mười Một, 2009.

Xin giới thiệu cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Người Việt và Hải Quân Trung Tá Lê Bá Hùng, hạm trưởng đầu tiên gốc Việt của lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ, đến với quí độc giả.

Ngọc Lan: Xin giới thiệu ít nét về bản thân ông.

Trung Tá Lê Bá Hùng: Tôi sinh ra ở Huế và rời Việt Nam cùng gia đình năm 1975. Tôi lớn lên ở miền Bắc tiểu bang Virginia và theo học tại Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, tốt nghiệp năm 1992. Là một sĩ quan tác chiến, tôi đã phục vụ trên 5 chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ, trong đó bao gồm cả khu trục hạm USS Lassen (DDG 82) hiện nay.

Ngọc Lan: Cảm tưởng của ông như thế nào khi là người Mỹ gốc Việt đầu tiên làm hải quân trung tá?

Trung Tá Lê Bá Hùng: Tôi rất lấy làm tự hào là một công dân Hoa Kỳ và cũng tự hào về nguồn gốc Việt Nam của tôi. Là một trung tá của Hải Quân Hoa Kỳ, tôi có được đặc ân và vinh dự phục vụ tổ quốc mình cũng như cha tôi đã thực hiện điều đó khi ông là một hải quân trung tá của miền Nam Việt Nam.

Ngọc Lan: Có bất kỳ sự ảnh hưởng nào từ thân phụ ông, một sĩ quan hải quân của miền Nam Việt Nam trước đây, đến việc ông trở thành một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ không?

Trung Tá Lê Bá Hùng: Ảnh hưởng của cha tôi đến việc tôi trở thành một sĩ quan hải quân khá sâu sắc. Cho dù cha tôi chưa bao giờ buộc tôi chọn nghiệp hải quân, nhưng bản thân cha tôi, một tấm gương cần cù, sự nhẫn nại và đức hy sinh - cả khi còn là một sĩ quan hải quân miền Nam Việt Nam lẫn khi là một thường dân Mỹ đi làm để chăm lo cho gia đình mình - là một điều to lớn. Tôi muốn nối gót cha mình trở thành mộtsĩ quan hải quân là vậy.

Ngọc Lan: Suy nghĩ và tâm trạng ông như thế nào khi sắp sửa đặt chân lên mảnh đất mình đã được sinh ra?

Trung Tá Lê Bá Hùng: Tôi rất cảm động có cơ hội được đại diện cho Hải Quân Hoa Kỳ và đất nước tôi - Hoa Kỳ - trong chuyến viếng thăm này. Nhưng tôi cũng nhận thức sâu sắc rằng Việt Nam, với văn hóa, con người, và truyền thống đó, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời tôi. Ðây là mảnh đất tổ tiên, là nơi tôi đã mơ ước quay về trong suốt nhiều năm.

Ngọc Lan: Thân phụ ông là người của quân đội miền Nam Việt Nam đã tham gia cuộc chiến chống lại chính quyền Việt Nam hiện tại. Vậy cảm nghĩ của ông là gì khi nhận nhiệm vụ thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, kẻ thù trước đây của thân phụ ông?

Trung Tá Lê Bá Hùng: Hoa Kỳ và Việt Nam đang phát triển tình hữu nghị bạn bè. Chuyến viếng thăm này là biểu tượng cụ thể cho mối quan hệ đó. Tôi lấy làm vui mừng được là một phần của tình hữu nghị đang phát triển này, cũng như mọi thành viên trong thủy thủ đoàn của tôi cũng vậy.

Vài giờ sau cuộc phỏng vấn với báo Người Việt, khu trục hạm USS Lassen cập bến cảng Tiên Sa.