«Cuộc tranh đấu chánh trị của người Việt Hải Ngoại không thể giống như cuộc tranh đấu của người Việt ở trong nước». Sau ngày mất nước 30.04.75, hàng triệu người Việt đã bỏ nước ra đi, lênh đênh trên biển cả không màng sống chết để đi tìm tự do. Đây là một biến cố chưa từng xảy ra trong lịch sử thế giới cận đại và danh từ « Boat people » xuất hiện từ đó. Điều này đã đánh thức lương tâm nhân loại vì con số người tỵ nạn CSVN quá lớn và phương tiện dùng để vượt biển quá nguy hiểm. Các quốc gia đã mở rộng vòng tay đón tiếp người Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới . Vì vậy hiện tượng « vượt biên » đã nói lên một SỰ THẬT hiển nhiên không chối cải được, đó là : « Phần đông những người Việt tỵ nạn cộng sản là những người không chấp nhận chế độ CSVN » . Nhưng hiện nay, trong số những người tỵ nạn đó, còn bao nhiêu người kiên trì giữ vững lập trường chống CSVN ? Làm sao nuôi dưỡng cuộc tranh đấu của người Việt hải ngoại để lật đổ bạo quyền CSVN ? Trước hết, thiết tưởng chúng ta phải có một cái nhìn chính xác về tình hình hiện tại ở hải ngoại để có thể vạch đúng « con đường chúng ta đi » . Có lẽ mọi người đều đồng ý rằng : « Cuộc tranh đấu chánh trị ở hải ngoại không thể nào giống như cuộc tranh đấu của người Việt ở trong nước » . Nhưng từ nhận định trên đây đến hành động thực tiễn, nhiều người đã không phân biệt được rõ ràng đâu là công tác cần phải làm tại hải ngoại, và đâu là công tác ở trong nước cần phải yểm trợ. Nhiều đảng chánh trị cũng quên điều sơ đẳng là : « Tổ chức của một chánh đảng ở hải ngoại không thể nào giống như tổ chức của một chánh đảng ở trong nước » . Môi trường và động lực thúc đẩy các sinh hoạt đều khác biệt quá xa, sinh hoạt của một chánh đảng tại miền Nam trước 1975, khác hẳn với sinh hoạt lúc sau này tại VN hay ở hải ngoại. Điều đó dẫn đến sự rạn nứt vì tranh dành quyền lực trong nội bộ các đảng đoàn. Kế tiếp là chúng ta cần phải thay đổi « phương pháp suy luận » và « phương thức hoạt động » của chúng ta sao cho phù hợp với sự tiến bộ của khoa học kỷ thuật của ngày hôm nay, để cho cuộc tranh đấu của chúng ta sớm được thành công. Một ví dụ cụ thể : Trước đây, chúng ta có thói quen coi « một thế hệ là 20 năm » vì xã hội cứ « từ từ » mà thay đổi, mặc dù 2 người, tuổi tác cách biệt nhau « 20 năm » , vẫn còn « thông cảm» được với nhau. Nhưng ở thời buổi này, ngôn ngữ của 2 lứa tuổi sai biệt nhau 10 năm, đã có phần ngăn cách. Trong vấn đề kinh tế cũng vậy, trước đây một kế hoạch « dài hạn» được dự trù cho thời gian khoảng 20 năm, nhưng về sau này, thời gian coi là « dài hạn» được rút ngắn lại từ 5 đến 10 năm. Riêng về các máy tính điện tử, thì cứ 6 tháng là có sự thay đổi. Ngoài ra « hệ thống giá trị xã hội» của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng chịu nhiều ảnh hưởng của xã hội Tây phương. Câu nói « phi cao đẳng bất thành phu phụ » đã lỗi thời rồi. Người trí thức nói chung, hoặc người có bằng đại học nói riêng không chắc được nể vì không bằng người có « túi bạc » kè kè . Lắm người có chức vị trước đây trong chế độ miền Nam, vì không thích ứng được với hoàn cảnh mới, nên đâm ra chán ngán và nhiều khi quẫn trí. Có người từ trước đến giờ, chưa từng tranh đấu chánh trị chi cả, nay vì có tiền và có địa vị, thích được tôn lên làm lãnh tụ. Trái lại, có nhiều người đã từng tham gia đảng phái từ lâu, nay lại cứ mơ ngũ, tưởng rằng hoàn cảnh vẫn như xưa, nên muốn duy trì địa vị đàn anh của mình trong tổ chức, khiến cho đàn em phản đối mãnh liệt. Một trường hợp khác nửa là có nhiều người vẩn còn mơ ngũ nên cứ nghĩ rằng mình sẽ về VN cầm quyền trở lại nếu Mỹ, Pháp v.v… yểm trợ họ. Cho nên, một mặt họ nói là « hải ngoại hổ trợ cho trong nước vùng dậy lật đổ CSVN », nhưng phương cách hoạt động của họ là mưu cầu được CSVN chia quyền. Nếu không ngoài lý do đó, thì tại sao họ biện luận rằng : « Người Việt hải ngoại cần phải đoàn kết lại thành một khối để một mai, khi CSVN chịu nhượng bộ và tìm kẻ đối thoại… qua sự trung gian của các cường quốc Mỹ, Pháp v.v… thì chúng ta sẵn sàng… ». Đây là chuyện « dấu đầu lòi đuôi » vì « tâm của họ chưa có bình ». Từ đó các phong trào hay mặt trận « đoàn kết » mọc ra như nấm với hy vọng rằng mình sẽ « được CSVN ghé mắt xanh chấp nhận nói chuyện ». Trong khi đó thì VC cũng cho người đứng ra lập nhiều « trò hề » như « chánh phủ lưu vong », « đoàn quân ma » của ông tướng này, ông tướng kia… để bôi bác người Việt quốc gia, không có thủ đoạn nào hay hơn là « chế nhạo địch thủ », và làm mất đi niềm tin của người dân Việt ở hải ngoại. Qua vụ án mới đây của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, SỰ THẬT nhục nhả và ê chề đã được phơi bày, chỉ tội cho những anh em cấp dưới vì hăng say tranh đấu nên đã bị đàn anh trắng trợn lợi dụng và lường gạt. Biết sai lầm mà im lặng tức là đồng lỏa. Đây không phải là chuyện riêng của một đoàn thể, hay của một vài người vì nó ảnh hưởng chung cho tất cả công việc đấu tranh của người Quốc Gia. Phải chăng Nguyễn xuân Nghĩa, cháu của cựu bí thư CSVN Nguyễn văn Linh, đã thi hành công tác của Hà Nội giao phó để phá vỡ niềm tin của người Quốc Gia ? Tất cả hồ sơ của mặt trận và những người chóp bu đã được FBI Mỹ chuyển sang cơ quan Interpol (cảnh sát thế giới), cùng các chánh quyền Pháp, Anh, Đức để theo dõi từ lâu khi tin ông Hoàng cơ Minh tử trận tại Hạ Lào đã được các hãng thông tấn trên thế giới loan báo từ năm 1987. Nhiều người tranh đấu cũng đã được cơ quan DST ( cơ quan tình báo Pháp) Pháp dọ hỏi !! Điều khó khăn nhất hiện nay là người Việt hải ngoại đã mất niềm tin nơi những người tranh đấu. Do đó, việc đi tìm lãnh tụ, việc đánh bóng lãnh tụ, hay « núp bóng cố lãnh tụ » là một điều vô ích, lỗi thời và có thể trở nên nguy hiểm khi lãnh tụ vì « thơ ngây » kéo cả tập thể vào đống bùn dơ, làm lại cho kẻ thù là CSVN. Mặt khác chúng ta đừng có ảo vọng là có thể tập họp nhau lại trong một tổ chức duy nhất thống lãnh được khối người Việt hải ngoại trên thế giới ( mà chúng ta có thể tạm coi đó như là một thứ liên hiệp quốc của người Việt hải ngoại ). Vì sao ? Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng không có một đoàn thể chánh trị đúng đắn và lương thiện nào có đủ khả năng và phương tiện làm được việc đó. Kế tiếp, người Việt hải ngoại ở rải rác trên thế giới nên bị chi phối ít nhiều bởi phong tục tập quán của nước mình đang cư trú. Tại Pháp, người Việt phóng túng tự do cá nhân, tại Đức dân Việt có kỹ luật hơn, tại Mỹ thì dân ta cũng « cao bồi » dữ dội… Ngay đến các tôn giáo như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hòa Hảo v.v…còn chưa kết hợp được với nhau, huống chi là các đoàn thể chánh trị ! . Hiện nay, chỉ có 2 thế lực là có đủ sức để tổ chức rầm rộ và có kỷ luật : đó là đám tay sai của Mỹ và Hà Nội vì cả hai đều có tiền, có người và có kỷ thuật. Ngoài ra, một vấn đề khác cũng thường được nêu lên trong công cuộc tranh đấu tại hải ngoại. Đó là vấn đề dùng bạo lực để thi hành kỷ luật trong đoàn thể, và để chống lại tay sai của CSVN. Điều đó rất có hại cho chính nghĩa chúng ta vì xét cho kỹ : Ai có khả năng làm chuyện đó ? chỉ có những chuyên viên « khủng bố » mà thôi : Mafia, cộng sản hay cơ quan tình báo. Vã lại về vấn đề thi hành kỹ luật Đảng, như hành hung hay thủ tiêu đảng viên khi họ ly khai, là một « tội ác » vì những người tham gia hoạt động đoàn thể ở hải ngoại là những người chịu hy sinh, không lợi lộc gì cho bản thân của họ, khác hẳn như tại miền Nam trước đây, đảng viên tranh đấu tích cực vì có hy vọng nắm quyền, còn nói rằng : « phải thi hành kỷ luật để làm gương cho kẻ khác », thì chỉ có Mafia và CS mới hành động khủng bố như vậy mà thôi. Nói tóm lại, trên đây chỉ là một vài cạm bẩy chánh, mà chúng ta, nếu không khéo sẽ vấp ngã trên con đường tranh đấu. Chúng tôi nói lên những điều này ở đây, không có nghĩa là để đã phá hay gây chia rẽ và gieo sự chán nản, tuyệt vọng trong cộng đồng người Việt hải ngoại, mà để cùng nhau rút tỉa những khó khăn, trên bước đường tranh đấu. Nhưng chúng ta sẽ tranh đấu như thế nào ? Trước hết, chúng ta cần phải giữ vững niềm tin nơi chánh nghĩa quốc gia tất thắng trong chiều hướng của lịch sử, chúng ta phải giữ vững lập trường là không cấu kết với CS vì tư lợi, vì liên hệ gia đình, hay vì chịu ơn chịu nghĩa của CS. Không có gì khó hơn là chiến đấu với bản thân mình. Tại hải ngoại, chúng ta phải « chống cộng sản VN triệt để » vì nếu chúng ta chủ trương hòa hoãn thì ở trong nước ai còn can đảm đứng lên chống chế độ, vì họ đâu còn điểm tựa nữa ? Cuối năm 1992, khi LMDCVN và ông Stephen Young đã hô hào « đối lập » với CSVN để tránh cảnh « núi xương sông máu », chúng tôi đã phản đối và cảnh cáo coi chừng mắc mưu của Mỹ - Hà Nội vì họ muốn dẹp tan sự chống đối của người Việt Quốc Gia tại hải ngoại. Đến nay, thì sự thật đã rõ, những anh em trong LMDCVN cần phải dứt khoát lập trường, và nên nhớ rằng ĐẢNG chỉ là một phương tiện để phục vụ đất nước dân tộc, chứ không phải là mục đích tối thượng, giống như đám đảng viên CS cuồng tín chỉ biết có đảng là trên hết. Nếu chúng ta cho rằng nhiệm vụ của người Việt hải ngoại là yểm trợ, và tạo ra tình thế thuận lợi cho quốc nội vùng lên, thì chúng ta càng phải chống đối Hà Nội liên tục và rộng lớn, vì ở ngoài áp lực chống đối càng tăng, thì bên trong Hà Nội càng phải nới lỏng sự kiểm soát đối với dân ở trong nước. Nhờ đó, người dân mới có cơ hội tổ chức dễ dàng cuộc đấu tranh. Danh từ chụp mũ « chống cộng quá khích » hay « quốc gia quá khích » chỉ là chiêu bài rẽ tiền của CS để gậm nhấm ý chí tranh đấu của những người chân thành yêu nước, và sáng suốt đấu tranh. Lại có nhiều người đứng ra thành lập mặt trận này, liên minh nọ với mục đích là tạo thành một tổ chức rộng lớn, có thể đại diện cho người Việt hải ngoại phòng khi có dịp để đối thoại với các cường quốc, và đối thoại với Hà Nội khi CSVN chấp thuận đa nguyên, đa đảng. Thật sự họ muốn gì ? Nói trắng ra là muốn được Hà Nội ghé mắt xanh, chia chác chút quyền hành. Nhưng Hà Nội có bao giờ quan tâm đến họ đâu, vì CS Hà Nội đã có người và tổ chức của họ nằm vùng từ lâu tại hải ngoại dưới nhiều nhản hiệu khác nhau. Ngoài ra, chúng ta còn có bổn phận « nung đúc ý chí tranh đấu » bằng cách tổ chức tưởng niệm mỗi năm ngày mất nước, đó là ngày Quốc Hận 30.04.1975. Không nên mắc mưu CS bằng cách xóa mờ quá khứ, làm sai lệch ý nghĩa ngày đó. Từ nhiều năm nay, nhiều người đã muốn biến đổi chữ « Quốc Hận » thành « Quốc kháng », nhưng đối với người ngoại quốc như người Pháp chẳng hạn thì sẽ có sự hiểu lầm tức khắc vì : « ngày quốc kháng » dịch là « La journée de la Résistance nationale », tức là « ngày toàn dân khởi nghĩa », hiểu ấm ớ hội tề tức là « ngày toàn dân chống Mỹ »… vì đối với đại đa số người Pháp thì cuộc chiến ở VN là cuộc chiến giữa Mỹ và VN. Mặt khác, Việt cộng lúc nào cũng âm mưu xóa bỏ quốc kỳ và quốc ca của người Việt Quốc Gia qua các cuộc vận động « núp bóng » của các tay sai nằm vùng. Dĩ nhiên, quốc kỳ, quốc ca và quốc khánh là những biểu tượng chánh trị của các quốc gia, không phải là không thay đổi được, nhưng muốn thay đổi thì phải do toàn dân quyết định, qua các cơ quan hiến định, hoặc trưng cầu dân ý (với điều kiện là người Quốc Gia chúng ta đã lấy lại nước). Nếu một đoàn thể, hay một cá nhân nào đó mà « ngang nhiên » thay đổi hay áp đặt những biểu tượng chánh trị như vậy thì quả thật họ phục vụ cho ý đồ của CSVN nhằm xóa bỏ lịch sử của người Việt quốc gia. Một dân tộc không có lịch sử, không có truyền thống tất phải bị diệt vong. « Cây có cội, nước có nguồn ». Lịch sử của người Việt Quốc Gia đã được viết bằng máu của những người yêu nước chân chính như : Đề Thám, Nguyễn Thái Học v.v…, CSVN lúc nào cũng muốn tô hồng Hồ chí Minh cho y là người quốc gia yêu nước, nhưng ác nổi, tài liệu sách vở CS còn đấy, chứng minh rằng Hồ chí Minh chỉ là tên đày tớ trung thành của Stalin, của Mao, của xã hội chủ nghĩa Liên Xô. Chỉ có những kẻ tự mạo nhận là trí thức, vì nịnh bợ, nên không dám nói lên điều đó. Từ chỗ nhận định đúng con đường chúng ta đi và vững tin nơi chính nghĩa quốc gia, chúng ta sẽ không còn ngại tranh đấu và hy sinh cho lý tưởng dân tộc, cũng như không còn thấy bị gò bó như trước đây nữa. Mỗi người chúng ta sẽ « linh động » tùy theo khả năng của mình mà tranh đấu. Một bài thơ sắc bén tố cáo thảm cảnh xã hội CSVN, hay một bức tranh hí họa chế diễu thiên đường CS đôi khi còn hay hơn một bài xã luận dài. Tham gia các hội đoàn của người dân của quốc gia nơi mình cư trú, tích cực ủng hộ các hội như « Hội Ân Xá Quốc Tế » (Amnesty international ) để tố cáo tội ác CSVN, đọc và ủng hộ báo chí người Việt Quốc Gia tranh đấu, không hợp tác buôn bán với CSVN… chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ gây khó dễ cho Hà Nội. Nhưng thử hỏi, được mấy người trong chúng ta đã làm những điều này ? Trước hãy tự trách mình, sau mới trách người. Con đường chúng ta đi không khó vì « ngăn sông cách núi » nhưng chỉ khó vì « chúng ta ngại núi e sông » .
|