Người Việt Làm Ăn Ở Mỹ |
Tác Giả: Tạ Thị Ngọc Thảo | ||||
Thứ Bảy, 20 Tháng 3 Năm 2010 04:38 | ||||
Đó là lời rao của các chị người Việt Nam, những chủ gian hàng bán đồ lưu niệm ở góc đường sau Nhà Trắng. 1/ “Áo thun Obama mười đồng, mười đồng” Mười đồng không phải một mà là ba, ba cái áo thun chữ T có in hình Tổng Thống thứ 41 của Hoa Kỳ. Đó là lời rao của các chị người Việt Nam, những chủ gian hàng bán đồ lưu niệm ở góc đường sau Nhà Trắng. Gian hàng của các chị là chiếc xe công ten nơ (container) cải tiến. Nếu hạ một vách bên hông của thùng xe xuống thì thành cửa hàng xôm tụ, còn như đóng lại thì khi lưu thông trên đường phố người ta thấy nó cũng giống như những xe tải bình thường khác. Chiếc xe của các chị bên trong chứa những thứ hàng mà sau khi du khách vào tham quan Nhà Trắng, rồi còn vòng cổng hậu nghía thêm nơi ở của gia đình Tổng Thống, cần mua. Khát nước? Đây nước ngọt, nước suối đủ loại. Đói? Có liền các loại bánh mặn, ngọt, ăn nhanh. Đồ lưu niệm? Thế mạnh của các chủ gian hàng này: áo thun, áo khoác, nón, đủ màu sắc và hình ảnh của những địa danh nổi tiếng, những nhân vật được công chúng yêu thích. Nhưng tiêu thụ mạnh nhất vẫn là áo thun chữ T có in gương mặt Barack Obama với giá mười đô la ba cái. Không phải chỉ có các xe của người Việt đậu ở đây để bán hàng. Khách còn thấy có khoảng mươi chiếc xe của người Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico đậu bên cạnh. Nhưng phải nói, chỉ có gian hàng của các chủ người Việt là đông khách. Để thấu đáo hơn, khách bước qua gian hàng của các người chủ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico tìm hiểu. Lạ, mặt hàng và giá cả y chang nhau. A! Vậy thì tại sao kẻ bán không ngớt tay, người ngồi chơi ngáp gió? Rồi khách phát hiện, chính tiếng rao “Áo thun Obama mười đồng, mười đồng” bằng đủ thứ tiếng của các chị người Việt là sự khác biệt duy nhất giữa các gian hàng. Tiếng rao lảnh lót giữa lòng phố Washington DC đã kéo chân người đến gian hàng. Và, với khách Việt thì tiếng rao còn níu cả bước chân đi. Tiếng rao còn góp phần làm cho Thủ đô hành chính nghiêm trang của Hoa Kỳ được trẻ trung, sinh động và hấp dẫn. Tai nghe tiếng rao dõng dạc tự tin, mắt nhìn đôi tay thoăn thoắt gói hàng, mươi bước đằng kia có bóng dáng người cảnh sát Hoa Kỳ đứng giữ an ninh trật tự. Trong khung cảnh như vậy, khách hiểu, các chị và Washington DC đã là một. 2/ Bad Luck - Hạt cát trong sa mạc Las Vegas Bad Luck hỏi, “Hai cháu tên gì?”, cả hai không trả lời, ông tự đặt. Khách lớn tên “Từ Từ” vì làm gì cũng từ từ. Khách nhỏ tên “Không Biết” vì hỏi gì cũng không biết. Chương trình “khám phá Las Vegas” của hai khách Việt Nam mới qua Cali được vài ngày thật ngẫu nhiên và tùy hứng. Nhân đối tác hủy cuộc hẹn cuối tuần, mừng húm, khách lớn tuổi nói với khách nhỏ tuổi hơn: “Tại sao một vùng sa mạc khỉ ăn đá, gà ăn muối như Las Vegas lại moi được tiền của nhiều người trên thế giới?”. Thế là hấp một cái, cả hai đã yên vị trên xe đò trực chỉ Las Vegas. Những tưởng có chút tiền còm trong túi là bảnh tỏn tẻng, là đã có thể ăn và ở hai ngày cuối tuần tại Las Vegas; ngờ đâu đã đi qua hơn năm khách sạn mà vẫn chưa tìm được chỗ qua đêm, vì hết phòng! Lúc này khách lớn mới ngớ ra xanh xám mặt mày hỏi khách nhỏ: “Chúng ta ăn nơi đâu và ở nơi nào, hả em?” - Khách nhỏ trả lời: “Dạ, em không biết ạ!”. Đúng lúc đó Bad Luck lên tiếng, “Hai cháu mới ở Việt Nam qua hả?”. Trời ơi, chung quanh toàn nói tiếng tây, tiếng u, chợt có người hỏi mình bằng tiếng má đẻ, lại đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo, hai khách mừng muốn nhảy tửng. Ông nói tiếp, “ Hai cháu cần nơi ở phải không? Qua giúp!”. Tại quầy tiếp tân của một khách sạn nhiều sao, ông móc cái thẻ gì đó, nhận chìa khóa phòng rồi trao lại cho hai khách, “Lên mà ở, tiền bạc xong rồi, chừng nào đói điện thoại gọi Qua qua”. Định bụng sẽ không gọi cái ông Qua đó qua, nhưng Từ Từ và Không Biết đã liều mạng tìm đến một số nhà hàng gọi thức ăn, nếm thử, rồi cười ngất. Thôi thì phải gọi vậy. Nghe điện thoại, ông dặn, “Nếu có quần áo sang sang một chút thì mặc vào, mươi phút nữa Qua dẫn đi ăn tại một nơi đặc biệt lắm”. Sau khi ngắm nghía hai khách từ đầu đến chân, ông vỗ tay đánh bép, “Ngon lành!”. Ông đưa Từ Từ và Không Biết vào khu sòng bài dành riêng cho khách chơi từ 200 ngàn đô la một cây trở lên; tại đây có nhà hàng vô cùng sang trọng phục vụ riêng cho đối tượng này, không lấy tiền. Thấy Từ Từ và Không Biết bị khớp (vì thấy trong chuyện ăn này có điều gì đó gian dối), ông nhắc, “Tự tin, thoải mái lên, thích ăn gì nói Qua gọi”, rồi búng tay kêu người phục vụ, “Ê, có hai khách Vip!”. Từ Từ quan sát bàn bên cạnh thấy có hai người phụ nữ Á châu mắt đỏ dại, quần áo nhàu, tóc rũ rượi, mặt khô mốc, đang ăn ăn uống uống một cách vô cảm. Thấy ông họ gật đầu chào. Ông nói, “Hai người đó đã đánh bài ba ngày ba đêm nay rồi!”. Từ Từ hỏi, “Sao ông biết?”. Chính câu hỏi này đã giúp hai khách “khám phá Las Vegas”. Ông xưng là Qua làm việc tại các sòng bạc Las Vegas từ 1979. Nghề của ông thật buồn cười: Mồi bài. Nghĩa là, ông nhận tiền của trưởng sòng, rồi có nhiệm vụ nếu thấy các phụ nữ trung niên ngồi đánh bài thì… ngồi bên cạnh cùng đánh để tạo thêm sự hưng phấn cho họ. Từ Từ hỏi - Thu nhập của ông có khá không? “Nếu tính luôn tiền quý bà thưởng khi ăn bài thì khoảng 150 ngàn đô la / năm” - Nhà ông ở đâu? “Trong sòng bài. Hệ thống khách sạn của chủ thế nào cũng để một số phòng trống dành riêng cho khách chơi bài, Qua ở trong đó” - Quanh năm suốt tháng? “Ừ, quanh năm suốt tháng” - Vậy, ông ăn ở đâu? “Giống như mình đang ăn vầy nè. Từ Từ mủi lòng. Thân phận của ông có khác gì lục bình trôi thế mà còn hào hiệp đùm bọc đồng hương! - Xin lỗi, gia đình riêng tư của ông thế nào? “Trước cũng có bây giờ không!” - Lại phải xin lỗi, không có gia đình, 150 ngàn đô la/ năm ông làm gì cho hết? “Chơi bài. Chơi những lúc rảnh rỗi nhưng, luôn luôn thua!”. ông nói thêm, “Bởi vậy những người trong các sòng ở đây mới gọi Qua là Bad Luck (không may mắn)” - Từ năm 1979 đến nay ông có về thăm quê hương không? Ông lắc đầu nhè nhẹ - Sắp tới ông có định về không? “Không còn sức để về nữa, trong mình bệnh nhiều lắm rồi”. Hai khách chợt se se trong dạ khi nghe ông Qua trả lời như thế. Tiễn hai khách ra tận bến xe, mắt ông hoe hoe đỏ. Phải chăng hai ngày cuối tuần vừa qua, Từ Từ và Không Biết đã đem quê hương đến với ông rồi lại đem quê hương đi? Xe chạy, ông cứ đứng mãi bên đường nhìn theo. Từ kiếng chiếu hậu, khách thấy hình dáng Bad Luck mới đầu còn rõ, sau lẫn vào bụi cát trong sa mạc Las Vegas, mất tăm. Thôi thì, chúng tôi sẵn lòng cuốn chữ Bad theo để chữ Luck mãi ở lại với ông, Luck ạ. 3/ Ơi cô em Ca Li nóng bỏng Dân Cali nói với khách, “lâu lắm rồi Cali mới nóng tới 82 độ fahrenheit như hôm nay”. Đúng cái ngày nóng đó, cô em đã mặc một cái sơ mi dài vừa qua khỏi mông, nơi vòng eo thắt hững hờ sợi dây nịt màu đỏ và, bên dưới không có quần! Khi cô em xuất hiện tại sảnh đón của khách sạn, mọi hoạt động của con người ta tại đây gần như dừng lại. Người nói, ngưng nói; người đi, ngưng đi; người viết, ngưng viết. Cả những người đẩy va li, lau nhà, quét dọn cũng bất động bởi, từ đầu đến chân, cô em nóng còn hơn nhiệt độ của Cali ngày hôm ấy. Thoáng chút ngại ngùng, nhưng rồi khách cũng bước ra mời cô em vào nhà hàng bên trong khách sạn để bàn công chuyện, như đã hẹn. Lại một lần nữa khách trong Nhà hàng nín lặng khi cô em bước vào. Thế nhưng, vừa ngồi xuống ghế, như muốn thể hiện sự tôn trọng khách, cô em ỏn ẻn, “Hôm nay vì hẹn làm việc với chị em mới phải mặc sơ mi cho kín đáo, chớ gặp khi thời tiết nóng như vầy em đã diện cái áo hai dây rồi”. Nghe vậy khách không bó tay mà, bó toàn thân! Cô em qua Cali thật tình cờ, lúc tiếng má đẻ còn bập bẹ. Vào một buổi xế chiều nơi vùng quê biển nghèo Nam bộ, ăn cơm xong cô em bước lủng đủng qua nhà hàng xóm chơi đúng lúc chủ nhà chuẩn bị xuất phát vượt biên. Sợ lộ, người ta thẩy cô em lên ghe rồi phóng luôn ra biển. Chuyến đi trót lọt! Khi có tin về con gái, má cô vừa khóc vừa cười. Khóc, vì không biết đứa con mới vài tuổi đầu của mình sẽ sống ra sao ở đất lạ, quê người. Cười, vì bà theo đạo Phật. Bà tin “cái duyên (nghiệp) của con gái nó đến thì Trời cản cũng không được, nói gì tới mình!”. Bà ăn chay luôn từ ngày con gái “vượt biên”. Ở Cali từ nhỏ vì vậy nếp sống, sinh hoạt, suy nghĩ, giọng nói, của cô em giống dân bản địa nhiều hơn cố quốc. Cô em làm nghề môi giới nhà đất và có mối quan hệ xã hội đủ để lọt qua cánh cửa nào mà cô cần lách qua. Cô em lái chiếc Mercedes mui trần giá 85 ngàn (ở Mỹ), ở trong một ngôi nhà gần biển giá khoảng triệu đô. Cô em có một hình vóc rất Việt Nam: người thon thả, tóc đen suôn dài chấm eo, mắt to, miệng nhỏ, mũi thẳng gọn và, đôi chân phải nói là đẹp. Có lẽ rất ý thức về đôi chân đẹp của mình cho nên, khi cô em bước, khiến người ta nghĩ mặt đường được lót một lớp bông gòn dày, và cô em phải nhún mới di chuyển được. Thế nhưng, đã ở độ “U 40” mà cô em vẫn chưa lập gia đình. Cô em nói với khách, “đàn ông Mỹ và Việt thích em lắm, nhưng em cứ ở vậy cho họ thèm!”. Dù là lần đầu tiên được tiếp kiến, nhưng tiếng tăm của cô em thì khách biết lâu rồi. Hiệu trưởng trường, người vừa dạy, vừa ký tên cấp bằng cho cô em hành nghề môi giới địa ốc ở Cali nói với khách: “Bà ạ, cô ấy rất thông minh, học ít hiểu nhiều. Người ta thi ba bốn lần chưa được cấp bằng, cô ta chỉ thi một lần là đậu thứ hạng cao”. Dân hỗ trợ tài chính địa ốc Cali thì nghiên mình bái phục: “Khi cô ta chịu nhúng tay vào thì một đô la cũng có thể mua được nhà”. Dân trong ngành môi giới thì khen tài “nấu ăn” giỏi của cô em: “Nhà cửa xệu xạo nhưng qua tay cô em “xào nấu” (sửa sang lại) cũng thành bắt mắt, khách khó tính mấy cũng xìa tiền”. Thân gái một mình ở xứ người, thân cô, thế cô, xây dựng được cho mình một thương hiệu như thế, kể cô em Cali cũng thuộc nhóm người chẳng phải vừa! Khách nói với cô em: “Cần thiết lập một hệ thống mua nhà ở Cali cho người Việt trong nước, khách đảm nhiệm nguồn “cầu”, cô em phụ trách nguồn “cung”, nổi không?”. Cô em vừa nói vừa chớp chớp làn mi cong vút được chải chuốt rất cẩn thận: “OK!”. Khách gặn lại: “Tiền chuyển thế nào?”. Cô em trả lời mà tròng mắt cứ lúng la, lúng liếng: “Bạn trai của em có đầu tư dự án ở Việt Nam. Anh ấy đang cần hằng trăm triệu đô la. Tiền cứ đưa ở Việt Nam, ảnh alo cho em một tiếng là khách của chị nhận nhà liền hà”. Nhưng, cô em không dừng lại đó mà nũng nịu, vòi vĩnh: “Em hỏng làm “chùa” đâu nghen, hoa hồng cho vụ chuyển tiền “chui” này là 2% / trên tổng số”. Khách hỏi tiếp: “Thế còn những người Việt trong nước cần mua nhà nhưng không thể trả một lần mà muốn góp hằng tháng, thì sao? Cô em là người một đô la cũng mua được nhà mà?”. Cô em nguýt khách một cái dài sọc: “Chị thử em phải không? Hiện, Nhà nước Mỹ đang cho vay mua nhà với lãi suất rất thấp. Nếu bà con mình ở bển muốn mua nhà trả góp thì em sẽ tìm cách giúp cho, nhưng (lại nhưng) phải chấp nhận trả cao hơn lãi suất Ngân hàng Mỹ từ 1 đến 3 % à nghen”. Khách nhủ thầm: “Đúng “cò” Cali chính hiệu!”. Mọi chuyện bàn bạc đã xong, hợp đồng đã được ký kết, khách và cô em chào nhau. Khi ra về, cái bắt tay của hai người hờ hững, ánh mắt của hai người vô cảm, lòng hai người chẳng vướn bận gì nhau; loại giao tiếp “tiền trao cháo múc” này cả hai đã quá quen rồi. Thế nhưng…. Ngày khách về lại Việt Nam trời Cali trở lạnh. Trên người khoác hai áo dày, khách vẫn run lập cập. Đang lui hui với mớ hành lý, khách chợt nghe tiếng cô em, gọi: “Hello, chị…”. Ngẩn lên, khách chợt bắt gặp ánh mắt cô em ẩm ướt như trời Cali ngày hôm nay vậy. Khách tự hỏi, đâu rồi ánh mắt rất lẳng của ngày qua? Cô em dúi vào tay khách năm ngàn đô la Mỹ, nói khẽ: “Chị về bển coi bà con mình ai khổ thì gởi biếu; hoặc chị thấy có cái chùa nào nghèo cúng dường giúp em…”. Khách nghe vậy thắc mắc: “Sao cô em không gởi số tiền này cho má?”. Giọng cô em buồn buồn: “Từ ngày em qua đây, gởi tiền về má em gởi trả lại, không nhận. Em định bụng, ráng ở bên này kiếm thêm chút đỉnh nữa rồi sẽ về định cư ở quê nhà. Má chỉ có em, má rất cần em chăm sóc lúc tuổi già….”. Cô em Cali hôm nay đằm thắm với cái măng tô màu sim tím, cổ quấn khăn màu vàng nhạt và đôi chân đẹp được cái quần nhung đen ôm sát toát lên vẻ khỏe mạnh, sang trọng, nền nã. Lúc chào nhau, khách cố tìm ánh mắt của cô em để chia sẻ nổi lòng, nhưng cô em luôn tìm cách giấu, như giấu phần hồn của chính mình vậy. Ừ thì khách về nhé, ơi cô em Cali nóng bỏng…
|