Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Hà Nội tạo nội chiến mới trong cộng đồng Việt Nam?

Hà Nội tạo nội chiến mới trong cộng đồng Việt Nam? PDF Print E-mail
Tác Giả: V.A.   
Thứ Sáu, 26 Tháng 3 Năm 2010 20:12

Ðể chuẩn bị cho Ðại Hội Ðảng CSVN, Hà Nội đang đưa ra nhiều biện pháp để chinh phục giới Việt kiều ở hải ngoại, đặc biệt là ở Mỹ.

 
Một số cơ quan truyền thông trong cộng đồng Việt Nam ở Nam California loan tải những tin tức về buổi họp liên tịch giữa Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và đoàn chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Vẫn theo các nguồn tin, nội dung cuộc họp chỉ là để thảo luận về vấn đề “mở cửa” Quốc Hội cho Việt kiều về tranh cử và vấn đề giám sát các dân cử này trong thời gian họ hoạt động ở nước ngoài. Ðó là tin thứ nhất. Tin thứ hai liên quan đến việc Hà Nội đang dự trù phát triển hoạt động của Liên Hiệp Thanh Niên ra hải ngoại. Bản tin này được loan báo qua một số tờ báo ở trong nước vào ngày 10 tháng 3, theo đó thường trực Ðoàn Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Hội Liên Hiệp Thanh Niên xin ý kiến Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và Bộ Nội Vụ về công tác tổ chức Ðại Hội Toàn Quốc Liên Hiệp Thanh Niên lần thứ sáu. Một bản phúc trình của Liên Hiệp Thanh Niên nhấn mạnh rằng hiện nay có 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài. Trong số này, thanh niên chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Do đó, họ chủ trương thành phần tham dự đại hội nên có thêm “những khuôn mặt trẻ đại diện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài.”

Một nhà hoạt động chống Cộng - nói với điều kiện ẩn danh vì ông không muốn tạo ra tranh luận - cho rằng để chuẩn bị cho Ðại Hội Ðảng CSVN, Hà Nội đang đưa ra nhiều biện pháp để chinh phục giới Việt kiều ở hải ngoại, đặc biệt là ở Mỹ. Nhưng ông lại bày tỏ niềm tin một cách vô tư và dễ dãi: “Nhưng đến nay cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn không để cho CSVN lung lạc và vẫn giữ thái độ chống Cộng quyết liệt hơn bao giờ hết.”

Thật ra, Hà Nội có thực sự muốn hòa hợp hòa giải không? Câu trả lời vẫn là “không.” Tại sao? Ngay cả đối với những người trong nước, có giây mơ rễ má với đảng Cộng Sản hoặc gia đình của đảng viên Cộng Sản còn thế lực, Hà Nội cũng đâu có cần hòa giải. Nói khác ý kiến với đảng và chính quyền hay chống Trung Quốc là phải bị đưa vào khám lớn ngồi tù ngay.

Tuy nhiên, có một điểm mà chúng ta cần chú ý. Mới đây, Hà Nội tổ chức Hội Nghị Việt Kiều và như mọi người đều biết đây là một hội nghị được tổ chức trong một hoàn cảnh rất dễ gây phản cảm: Trung Quốc đang hung hăng tỏ lộ tham vọng ở Biển Ðông, trong khi Hà Nội thì cúi đầu, không những thế còn đàn áp bắt bớ những người yêu nước. Ngay lúc đầu, dư luận hải ngoại đều nghĩ rằng trong bối cảnh ấy, có người nào lại dại dột bỏ tiền vé máy bay để về nước tham dự một hội nghị như thế. Ấy vậy mà cuối cùng cũng có một số người về đủ để Hà Nội có thể tổ chức một hội nghị đem khoe với công luận quốc tế!

Nhưng trên thực tế, đó là một hội nghị câm, điếc và mù hay nói cho đúng nó còn thua cả những buổi “học tập chính trị” mà đám cai tù Cộng Sản tổ chức và buộc tù cải tạo chúng tôi phải “lên lớp.” Vì sao? Trong những vụ được gọi là “học tập chính trị” ấy, nhiều tù cải tạo còn dám có những ý kiến “đâm họng” chế độ, chứ còn trong hội nghị Việt kiều chỉ thấy có những lời lẽ “vuốt đuôi” bởi vì người tham dự thừa hiểu rằng, nếu không nói như vậy thì biết đâu vào ngày hôm sau khi chiếc bus chở họ đến hội trường sẽ đổi hướng chở họ vào Trại Giam Số 1 (thay cho Hỏa Lò) thì nguy to. Thôi thì tự biến mình thành câm điếc và mù để ít ra thì cũng có cơ hội du lịch ít tốn tiền hơn.

Cho nên, một số người chống Cộng còn tỉnh táo ở Nam California cho rằng vấn đề để cho Việt kiều về tranh cử không có gì khó khăn đối với Hà Nội. Sau biến cố 30 tháng 4, 1975 và sau hội nghị được gọi là hiệp thương năm 1976, Hà Nội đã từng để cho một nhân vật tai mắt ở miền Nam Việt Nam như ông Nguyễn Xuân Oánh, Lý Chánh Trung... trở thành đại biểu quốc hội được thì nay 35 năm đã qua họ vẫn có thể để cho Việt kiều hải ngoại về tranh cử. Hơn nữa, Việt kiều không thể tranh cử độc lập được. Họ vẫn phải qua cái sàng là Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Có người dọa là khi tranh cử, một ứng cử viên Việt kiều phải nhập quốc tịch Việt Nam và như thế Hà Nội muốn bắt lúc nào thì bắt và trong trường hợp ấy sẽ bị đem xử theo luật Việt Nam. Làm gì mà phải dài dòng như vậy? Ngay từ năm 1998, Hà Nội đã khẳng định rằng họ coi tất cả những Việt kiều, dù quốc tịch Pháp, Mỹ, Canada, Úc hay gì gì đi nữa thì những người Việt Nam đã trở thành công dân nước ngoài này vẫn còn quốc tịch Việt Nam và nếu phạm pháp họ sẽ xử theo luật Việt Nam.
Muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam, cá nhân phải gởi thư lên chủ tịch nước để xin.

Tuy nhiên, vấn đề này không quan trọng với Hà Nội mà quan trọng là khi là đại biểu quốc hội rồi thì người đại biểu này đã tự chọc thủng lỗ tai, đã tự làm mù mắt mình hay đã tự cắt lưỡi mình chưa. Nếu chưa thì dù ông hay bà có ngàn lần khẳng định mình chọn quốc tịch Việt Nam, yêu nước Việt Nam, muốn phục vụ Việt Nam thì vẫn không trúng cử như thường, đợi gì đến lúc vào ngồi tòa nhà Quốc Hội, Hà Nội mới bắt bớ cho thêm phiền.

Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ, không dễ dàng bị lung lạc bởi những trò này. Phần lớn những người Việt Nam này đã phải trả những cái giá rất nặng và đã từng trải qua những trò lừa bịp nói trên. Người ta cũng thừa hiểu rằng hiện nay, đảng CSVN đang cai trị toàn bộ đất nước với quyền lực toàn trị, không dại gì họ lại đi chia chác quyền lực với bất cứ ai. Người nào còn tin rằng nay đã đến lúc Hà Nội cần phải hòa giải để củng cố vị thế của chính họ là lầm lớn.

Dù sao, chúng ta cũng lại cần phải nhớ lại một sự kiện với một câu hỏi: Nghị quyết 36 của đảng CSVN có thành công ở hải ngoại không? Có thể nói họ không thành công, nhưng tạo được bất ổn trong cộng đồng. Ðiều rõ rệt nhất là sau bao nhiêu cuộc biểu tình chống Cộng, bao nhiêu hội đoàn chống Cộng ra đời, chỉ thấy “phe ta chống phe mình” và cộng đồng ngày càng bị chia rẽ thêm.

Việc Hà Nội thảo luận để “mở cửa” Quốc Hội cho Việt kiều hay mở rộng hoạt động của Liên Hiệp Thanh Niên ra hải ngoại cũng chỉ là một hình thức khác của nghị quyết 36 mà thôi. Vậy thì cộng đồng này sẽ phản ứng ra sao? Cũng như nghị quyết 36, quyết định có vẻ như “hòa giải” của Hà Nội sẽ không tạo được thành công nào, ngoài việc lũng đoạn các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại.

Lý do rất dễ hiểu là trong cộng đồng chúng ta còn khá nhiều phần tử nhìn chỗ nào cũng thấy Việt Cộng, rồi mù quáng thẩy mũ, áo Cộng Sản cho những người mà mình không thích, hoặc không tự lượng sức mình và đơn phương hành động, đến khi thấy “khó ăn” liền bỏ ngang. Sự vô trách nhiệm ấy đã làm mất niềm tin của cộng đồng. Ðấy là cách những phần tử bất chính này mặc áo thụng rồi vái nhau, tự đánh bóng mình, người nọ che đỡ cho những khuyết điểm của người kia để lừa gạt cộng đồng. Cũng vì họ mà một số những tổ chức chống Cộng ở đây muốn tập trung sức lực của cộng đồng để làm những chuyện nghiêm túc đều bị hoài nghi.

Riêng việc Hà Nội phát triển hoạt động của Hội Liên Hiệp Thanh Niên ra hải ngoại, thì đây là một mưu toan mà chúng ta không nên khinh thường. Bởi vì Hà Nội nhắm vào giới trẻ hiện nay tại hải ngoại. Thế hệ thứ hai, con cái của chúng ta lớn lên, học hành, ra làm việc với dòng chính nên chắc chắn sẽ chịu một phần văn hóa dòng chính.

Cái thiếu của thế hệ thứ hai là sự cách biệt với quá khứ của bố mẹ họ. Thế hệ thứ nhất của người Việt tị nạn ở Mỹ hay ở các nơi khác đều là những người phải sống trong cuộc chiến tranh đẫm máu và dưới một chế độ tự do nửa vời ở miền Nam Việt Nam trước đây, phải trải qua những năm tháng sống trong một xã hội tan nát, một nhà tù lớn Việt Nam sau 30 tháng 4, 1975. Thế hệ thứ hai chỉ phải trả một phần nhỏ cái giá của quá khứ đó.

Khi sang định cư ở Hoa Kỳ, con em chúng ta đã được hưởng ngay những quyền cần thiết nhất của con người, nhất là những dòng tư tưởng và suy nghĩ hết sức tự do từ những trường đại học. Với họ, nói gì cũng phải có chứng minh. Khi muốn nói tại sao những người trẻ Việt Nam nên chống lại CSVN hay đừng nghe những gì Hà Nội nói, một người lớn cần có những dẫn chứng, những bằng chứng hậu thuẫn. Hay nói một cách khác, đối với giới trẻ hải ngoại, không thể “ra lệnh” cho họ mà phải “thuyết phục” họ.

Chúng ta nên nhớ một điều, giới trẻ ở hải ngoại phần lớn đều tốt nghiệp đại học hay có trình độ đại học và có giáo dục. Họ luôn luôn sống theo cái văn hóa mà nhà trường Mỹ đã truyền đạt, nên bất cứ một vấn đề gì họ cũng sẽ tự hỏi: Tại sao và bằng chứng nào hậu thuẫn cho những câu trả lời. Nói với giới trẻ Việt Nam hải ngoại bằng cảm tính của mình chắc chắn sẽ là một điều thiếu hiệu quả.

Cho nên, việc Hà Nội mở rộng hoạt động của Liên Hiệp Thanh Niên ra hải ngoại là một điều đáng ngại. Vì thế, những nhà lãnh đạo có trách nhiệm trong cộng đồng cần phải nghiên cứu và suy nghĩ những phương thức chống lại mới mẻ và thuyết phục được giới trẻ. Cô lập, phản đối ồn ào, thiếu đối thoại và thiếu thông cảm, ra lệnh, buộc giới trẻ phải thế này, phải thế kia sẽ chỉ là tiếng nói trong sa mạc. Không những thế, đôi khi những cách xử thế này còn đẩy thanh niên Việt Nam tại hải ngoại vào vòng kiểm soát của Cộng Sản và tạo ra cuộc nội chiến mới trong cộng đồng Việt Nam. (V.A.)