Thông dịch viên tòa án: Nghề đầy thách đố |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt | |||
Thứ Hai, 21 Tháng 6 Năm 2010 18:38 | |||
Không chỉ là chuyện nghe con chó dịch con chó WESTMINSTER (NV) - “Lúc đầu thì không nghĩ là có gì khác với chuyện thông dịch ở bệnh viện, cứ người ta nói vài câu tiếng Anh rồi mình dịch ra tiếng Việt. Nhưng khi học thì mới thấy có nhiều cái khó hơn mình nghĩ.” “Có làm ở tòa án mới thấy một nhu cầu kinh khủng của người Việt Nam trong việc cần người phiên dịch. Tuy nhiên, để có được cái ‘licence’ phải nói là trầy vi tróc vẩy.” “Người thông dịch tòa án chỉ cần một vấp ngã là có thể đưa đến những hậu quả khôn lường cho một con người.” Ðó là một số chia sẻ của những người đang làm công việc thông dịch hữu thệ ở tòa án (Certified Court Interpreter) cũng như của học viên vừa tốt nghiệp khóa “thông dịch viên tòa án” đầu tiên (The Court Interpreters Program) do trường Ðại Học Cal State Fullerton tổ chức. Lễ tốt nghiệp tại Viện Việt Học cho khóa học đầu tiên của lớp “Thông dịch viên tòa án” do trường Cal State Fullerton tổ chức. Hàng trước, tân Thẩm Phán Quận Cam Cheri Phạm (thứ 9, từ trái) và Mục Sư Nguyễn Quang Minh, thông dịch hữu thệ tòa án (thứ 6, từ trái). (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) Con cá không phải là fish Nhiều người nghĩ rằng muốn làm một thông dịch viên chỉ cần thông thạo hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh là đủ. Tuy nhiên, khi bước chân vào tìm hiểu, học hỏi về nghề thông dịch này, người ta mới nhận ra rằng chuyện dịch không hề đơn giản như vẫn tưởng. Ông Thomas Vũ, một thông dịch viên hữu thệ ở các tòa án California từ năm 1977, kể chuyện, “Quan tòa hỏi bị cáo, ‘Tại sao anh bắn người kia?’ - ‘Tại nó kên con ghệ tui,’ bị cáo lên tiếng.” Câu trả lời chỉ vậy nhưng làm sao để dịch cho ra được ý nghĩa biểu cảm của câu nói đó chính là vai trò, nhiệm vụ của người thông dịch. Một ví dụ khác mà ông Thomas đưa ra, “Quan tòa hỏi một nhân chứng, ‘Ông nghe thấy gì khi họ bắn nhau?’ - Tôi nghe họ nói, ‘Coi chừng cá tới kìa!’” “Nếu mình cứ dịch ‘cá’ là ‘fish’ thì quan tòa làm sao hiểu được ý nghĩa tiếng lóng này là ám chỉ ‘police.’” Chính vì vậy, “Khi họ xài tiếng lóng, mình phải dịch ra tiếng lóng. Khi họ dùng những từ nói tục nói bẩn mà mình dịch một cách hiền lành thì sẽ không ra được vấn đề,” ông Thomas diễn giải. Từ những ví dụ trên, người thông dịch dạn dày kinh nghiệm này nhận xét, “Vai trò của người thông dịch viên tòa án rất quan trọng, không thể giỡn mặt được. Chỉ một chữ đôi khi có thể biến đổi bản án từ chung thân thành tử hình.” Trong khi đó, bà Cheri Phạm, phó biện lý Quận Cam vừa đắc cử thẩm phán, cho rằng, “Không ở trong ngành này sẽ không thấy được tầm quan trọng của những người thông dịch đến như thế nào đâu.” Bằng kinh nghiệm của một người làm việc lâu năm trong hệ thống tòa án, tân Thẩm Phán Cheri Phạm nêu ra những trường hợp cho thấy những có bị cáo không biết tiếng Anh mà lại không có được người thông dịch chính xác thì họ sẽ không hiểu được những gì diễn ra trong vụ xử. “Nhiều khi họ bị vu oan mà họ không biết là nhân chứng đang khai cái gì thì điều đó rất tai hại cho người bị cáo.” Ngược lại, những nhân chứng không biết tiếng Anh, khi họ muốn khai tội của bị cáo mà họ không có được người thông dịch chính xác thì họ không thể nào khai hết tội của người bị cáo được. “Làm nghề này phải có một sự thành thật, không được dịch sót bất cứ chữ gì. Người thông dịch chỉ cần một vấp ngã là có thể đưa đến những hậu quả khôn lường cho một con người,” ông Thomas nói thêm. Người thông dịch đã trải qua hầu hết những vụ án lớn nhỏ trước giờ ở Quận Cam này ví von, “Thông dịch không có nghĩa là nghe con chó dịch con chó, nghe con mèo dịch con mèo, mà quan trọng hơn hết là phải hiểu được ngữ cảnh diễn ra câu chuyện là gì.” Một khuôn mặt quen thuộc tại tòa án quận Cam, ông Thomas Vũ, một thông dịch viên hữu thệ. (Hình: Người Việt) Thông dịch viên tòa án, một nghề đầy thách đố Theo ước lượng, toàn tiểu bang California có cả ngàn luật sư, nhưng chỉ có chừng 35 người có được “license” hành nghề thông dịch tiếng Việt trong tòa án trên toàn tiểu bang. Chị Hương Nguyễn, làm việc ở tòa án Long Beach, cũng là một học viên vừa tốt nghiệp chương trình “Thông dịch viên tòa án” đầu tiên do trường Cal State Fullerton (CSUF) tổ chức, chia sẻ, “Có làm ở tòa án mới thấy một nhu cầu kinh khủng của người Việt Nam trong việc phiên dịch.” Có những người Việt Nam đôi khi chỉ bị phạt một “ticket” về lưu thông lái xe nhưng lại không biết tiếng Anh, không biết hỏi han như thế nào, dẫn đến chuyện bị tịch thu bằng lái chỉ vì họ không đóng phạt. “Mà không đóng tiền phạt là do họ chẳng hiểu trong ‘ticket’ nói gì hay thủ tục ra sao. Hay có khi ra tòa, quan tòa ấn định mức phạt, mà nếu như họ biết đưa ra những bằng chứng mà họ có, thì có thể giảm nhẹ hình phạt, thế nhưng họ lại không hiểu gì hết.” Chị Hương Nguyễn nhắc lại những câu chuyện đã góp phần đưa chị đến quyết định cần phải đeo đuổi học để thi lấy cho được “license” hành nghề thông dịch, dẫu biết rằng sẽ “trầy vi tróc vảy” chứ chẳng chơi. Anh Ðoài Nguyễn, người vừa tốt nghiệp lớp “Thông dịch viên tòa án” của CSUF, cho rằng lúc đầu anh đến với lớp học thì không nghĩ là có gì khác với chuyện thông dịch ở bệnh viện, công việc trước giờ của anh, “cứ người ta nói vài câu tiếng Anh rồi mình dịch ra, hay ngược lại. Nhưng khi vào học mới thấy có nhiều cái khó hơn mình tưởng.” Anh Ðoài phân tích “chuyện khó” ở đây trước hết là khó về tốc độ. “Người ta nói tiếng Anh với tốc độ 120 đến 140 chữ trong một phút. Mình nghe vài chữ là phải dịch đuổi (consecutive) theo ngay.” Cái khó thứ hai là cần sự chính xác. “Người thông dịch viên tòa án phải dịch tất cả những chữ mà mình được nghe. Có những chữ mình có thể tìm được từ tương đương trong tiếng Việt và tiếng Anh, nhưng có những chữ mình chưa có tự điển pháp luật để tìm ra những chữ tương đương như thế.” Cái khó nữa là phải đầy đủ. “Có những chữ mình tưởng rằng không quan trọng nhưng vẫn bắt buộc phải dịch.” “Vừa chính xác, vừa đầy đủ, lại vừa tốc độ. Ðó chính là một sự thách đố trong nghề này,” anh Ðoài Nguyễn kết luận. Giáo Sư Lê Chính Long, người tham gia trong ban giảng huấn chương trình đào tạo “Thông dịch viên tòa án” của CSUF, cho rằng, “Những người theo học nghề thông dịch có hai nhóm. Một nhóm lớn lên ở Việt Nam thì cần học thêm tiếng Anh. Một nhóm trưởng thành ở Mỹ lại cần trau dồi thêm tiếng Việt.” Tuy nhiên, theo Giáo Sư Lê Chính Long thì “Nếu chỉ có thông thạo song ngữ thì chưa đủ điều kiện để làm thông dịch, mà cần phải thông thạo song văn hóa nữa. Bởi có những từ ngữ chỉ được dịch đúng khi người dịch hiểu rõ về văn hóa dân tộc, bên cạnh lớp từ ngữ được chấp thuận dùng trong hệ thống tòa án.” “Tôi chưa từng thấy nhưng việc thông dịch có thể khiến cho người bị tội bị hình phạt nặng thêm hay nhẹ đi rất có thể xảy ra,” Thẩm Phán Cheri Phạm nói. “Cộng đồng Việt Nam nên hãnh diện với những người theo học để làm được công việc này,” vị tân thẩm phán nhận xét và vui vẻ “thú nhận”, “Nếu mà tôi học ngành này chắc là tôi làm không được đâu” bởi “Thông dịch tòa án là một ngành rất khó.” ‘Trầy vi tróc vẩy’ khi thi lấy bằng hành nghề “Nhu cầu cần thông dịch viên tòa án rất lớn nhưng hệ thống thi cử ở California lại rất khó, thành ra có rất nhiều người giỏi mà thi vẫn cứ rớt,” Mục Sư Nguyễn Quang Minh, một thông dịch viên hữu thệ ở tòa án từ 30 năm qua, chia sẻ. Theo Mục Sư Minh thì “không truy nguyên được lý do vì sao thi khó đến vậy.” Ông cười xòa khi kể lại kỷ niệm mình cũng từng rớt ở lần thi đầu tiên cách đây mấy mươi năm. “Người ta nói lý do tôi rớt là vì không biết tiếng Việt. Tôi thấy rất mắc cười khi mình đã sống ở Việt Nam và từng làm thông dịch ở đó đến gần 40 mươi tuổi mới sang đây mà bảo là không biết tiếng Việt.” Giáo Sư Lê Chính Long thì cho rằng “thi khó là vì người thi không thể nào biết được ý của người ra đề thi là như thế nào, như thế nào là đúng, như thế nào là sai.” “Người ta không biết người ra đề kỳ vọng cái gì ở thí sinh, nên thí sinh cũng không biết mình học cái gì cho đủ.” Trong khi đó, bằng kinh nghiệm làm thông dịch nhiều năm tại tòa, ông Thomas Vũ cho rằng sở dĩ thi khó là vì người thi không hiểu được “ngữ cảnh về pháp luật.” Ông Thomas lấy ví dụ, nếu không có kinh nghiệm tòa án, người ta sẽ dễ dàng nhầm lẫn khi nghe chữ “arraingnment” (buổi luận tội) thành “arrangenment” (sự sắp xếp) hay nói đến chữ “motion” người ta thường nghĩ đến một sự tác động, hay chuyển động vật lý, trong khi ở tòa, “motion” có nghĩa là một thỉnh nguyện. Hay chữ “information” không mang ý nghĩa là một thông tin bình thường mà trong tòa, “information” có nghĩa là một cáo trạng... “Cùng một chữ nhưng hai thế giới ngữ nghĩa hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế những người đi thi mà không có được sự huấn luyện thì rất dễ rớt,” ông Thomas Vũ nhận định. Giáo Sư Lê Chính Long cho biết thêm, “Phần mà thí sinh rớt nhiều nhất chính là phần thi dịch cùng một lúc (simultaneous), tức thí sinh phải dịch cùng một lúc những gì đang được nói với tốc độ 140 chữ/phút và nói không ngừng.” “Cần có một căn bản kiến thức tổng quát vững chãi, phải biết trau đồi, phải biết đi ra tòa xem người thông dịch làm như thế nào, phải trau dồi ngữ vựng, phải hiểu ngữ cảnh một cách tường tận.” Ðó là lời khuyên của thông dịch viên Thomas Vũ với những người đang muốn theo đuổi nghề thông dịch tòa án. Chính vì phải làm sao chuyển tải cho hết được không chỉ những lớp từ ngữ vô tri bên ngoài mà còn cả những nỗi niềm ẩn chứa trong câu nói của những người đối diện với quan tòa nhưng lại không biết thứ ngôn ngữ người ta nói với mình, nên tân Thẩm Phán Cheri Phạm cho rằng, “Thông dịch viên tòa án là một nghề cao cả.” Dẫu biết vô cùng khó khăn và đầy thách đố, nhưng như thông dịch viên Thomas Vũ nói, “đây là một nghề đầy say mê nếu mình luôn ghi nhớ là cần phải trau dồi, học hỏi.”
|