Home Đời Sống Gia Đình Câu chuyện ở một beauty salon

Câu chuyện ở một beauty salon PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang   
Thứ Ba, 22 Tháng 6 Năm 2010 10:38

“Chủ Nhật này, dù bận thế nào, chị nhất định cũng phải ghé tiệm em nhé!”

Giọng người đàn bà bên kia đường dây điện thoại như nài nỉ.

“À chị Hồng! Chủ Nhật này là Father's Day mà, có gì đặc biệt không chị?”

Tôi vừa trả lời, vừa hình dung ra khuôn mặt buồn buồn của chị Hồng, chủ nhân của Hana's Beauty Salon, một tiệm làm đẹp nho nhỏ nhưng khang trang ở gần nhà, mà ít lâu nay tôi ít ghé đến vì vừa thay đổi chỗ làm.

Có lẽ chị muốn mình tham dự một cuộc khuyến mãi đặc biệt gì đó, nhân dịp Father's Day chăng? Tôi nghĩ.

“Mời chị đến vui với tụi em, nhân dịp cháu Hưng nó ra trường.” Chị Hồng nói.

Wow, chóng thật, mới ngày nào đó, mà giờ chú nhóc tì Hưng đã học xong trung học.

Hưng là con trai đầu lòng của chị Hồng, lớn hơn đứa con trai tôi, vừa học xong lớp mười một, một tuổi.

“Ồ thế thì vui quá, cho tôi gửi lời chúc mừng đến cháu Hưng nhé!”

“Chị nhất định phải đến với tụi em nhé. Có bố cháu Hưng về nữa đó chị!”

Như đoán được là tôi đang tìm cách thoái thác, chị Hồng nói thêm. Giọng nói trầm trầm cố hữu của chị bỗng như thấp thóang một niềm vui.

Những chữ “có bố cháu Hưng nữa” làm tôi thoáng hiểu được lý do niềm vui của chị.

Có lẽ đến hơn sáu năm rồi, tôi đã không còn thấy người đàn ông có khuôn mặt sáng sủa nhưng lúc nào cũng pha lẫn nét chịu đựng, lẩn quẩn ở Hana's Beauty Salon nữa.

Và vì những chuyện xảy ra ở một beauty salon, là những chuyện không thể giấu được, tôi nhớ có dạo đã nghe loáng thoáng là chồng chị Hồng đã bỏ đi với một nhân viên của tiệm.

Như vậy người chồng của chị Hồng đã quay về với gia đình, hay chỉ đến vào ngày họ mừng người con trai lớn ra trường, và cũng nhằm vào dịp Father's Day?

Dầu thế nào thì đây cũng là một ngày vui của gia đình họ. Nghĩ vậy, tôi nén thắc mắc tôi bảo chị Hồng là dù không chắc có thể đến tiệm vào đúng ngày Chủ Nhật, nhưng thể nào tôi cũng tìm cách ghé qua thăm chị.

Sáng Thứ Sáu, tôi đến tiệm sớm để gặp chị Hồng, thì được một người thợ cho biết chị sẽ đến trễ. Trong lúc ngồi chờ chị, tôi miên man nghĩ đến một phần cuộc sống của gia đình chị, mà tôi vô tình được chứng kiến được, từ 17 năm nay, qua những lần ghé đến Hana's Beauty Salon.

Tôi khám phá ra cơ sở của chị vào một buổi chiều cuối tuần rảnh rỗi lái xe đi lăng quăng quanh khu nhà tôi mới dọn đến ở Long Beach.

Trên một con đường khá đông xe cộ, cái bảng hiệu nho nhỏ kẻ 3 chữ Hana's Beauty Salon hôm đó không hiểu sao lại có sức thu hút khiến tôi tìm cách tấp vào bãi đậu xe.

Thấy tiệm xinh xinh, tôi đẩy cửa bước vào, và dù không có hẹn, nhưng gặp ngày không quá đông khách, chị Hồng loay hoay tìm cách thu xếp để tôi được phục vụ.

Thoạt đầu tôi lui tới Hana's Beauty Salon đơn giản chỉ là vì nó gần nhà. Nhưng càng ngày càng thấy quý tay nghề, cách tiếp khách ân cần mà không quá đon đả, và tính tình đôn hậu của chị Hồng, nên tôi đã dần dà trở thành khách hàng quen thuộc của tiệm.

Hana's Beauty Salon không lớn, phòng ngoài, nơi tiếp khách, chỉ có khoảng 6 ghế cắt tóc, 8 bàn làm móng tay, 8 trạm làm chân, và bên trong là hai phòng nhỏ dành cho việc làm da mặt, tỉa lông mày.

Sâu bên trong một chút nữa, ngoài một bàn giấy, còn có một phòng đóng kín, mà thoạt tiên tôi nghĩ có lẽ là nhà kho, nhưng một hôm tình cờ nghe tiếng em bé khóc, rồi lại thấy chị Hồng thoắt biến đi vài phút, tôi mới được biết về hoàn cảnh của chị.

Chị Hồng tâm sự là chị biết giữ con ở chỗ làm việc như thế có nhiều điều không tiện, nhưng vừa ở Việt Nam qua đây chưa được bao lâu, chị cần kiếm tiền để nuôi gia đình, kể cả người chồng đang đi học lại để lấy cho bằng được mảnh bằng kỹ sư tại Mỹ.

Vừa sinh con được vài tháng, lại phải làm việc mười mấy tiếng một ngày, mà vẫn muốn cho con bú sữa mẹ, mỗi sáng đi làm chị phải chở theo người mẹ chồng, và nhờ bà giữ con trong phòng.

Gặp lúc khách đông mà thợ lại làm reo, chị than với tôi là “nghề này vất vả quá.”

Có lần chứng kiến cảnh chị phải tìm cách tạ lỗi khách bằng một thứ tiếng Anh không sõi, rồi nén tiếng thở dài kiên nhẫn đứng làm việc, nhưng vẫn không quên thỉnh thoảng lại chạy vụt vào phòng trong, xem xét đứa con, tôi thấy thật phục chị, và lòng dâng lên một mối thương cảm. Chị đúng là một biểu tượng của cái nết chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam.

Lui tới nhiều, tôi thấy như mình như dự phần vào cuộc sống gia đình chị. Có lúc ghé tiệm, thấy bé Hưng lổm ngổm bò tôi chạy đến bế cậu bé kháu khỉnh lên để nựng. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp chồng chị, một người đàn ông mặt mày lương thiện, lúc nào cũng lúi húi đang sửa chữa một cái gì đó cho vợ.

Có lần nhìn chồng tất bật ra cửa để kịp giờ đến lớp học, chị hãnh diện nói với tôi:

“Anh ấy học kỹ sư điện tử đấy!”

Và tâm sự:

“Em cố gắng vất vả thêm hai năm nữa thôi, anh ấy ra trường thì đỡ khổ.”

Khách hàng thích Hana's Beauty Salon vì chị Hồng lúc nào cũng rất đon đả, giá cả phải chăng, vì chị dùng sản phẩm tốt lại nhớ rất rõ về ý thích và nhu cầu của từng người.

Ðược sự hỗ trợ của gia đình, tiệm Hana's Beauty Salon ngày càng đông khách, và càng có thêm nhiều thợ. Chồng chị Hồng học xong, ra trường làm việc ở McDonald Douglas. Chị Hồng sanh thêm cô con gái. Cu Hưng đi học. Chị lại sinh thêm một cậu con trai nữa. Tiệm thêm đông khách, Chị mướn thêm căn phố bên cạnh cho tiệm thêm rộng rãi. Bà mẹ chồng thỉnh thoảng cũng đến tiệm chơi, nhưng là để được các cô thợ phục vụ. Các con chị bây giờ đã có người nuôi ở nhà.

Hạnh phúc như ngày càng mỉm cười với chị. Mỗi khi đến tiệm, nhìn thấy hoàn cảnh ngày càng tốt lên của chị, tôi thấy vui, và tự nhủ, đây chính là một thí dụ của một gia đình Việt Nam thành công ở Mỹ.

Thời gian cứ thế trôi. Bẵng đi một dạo tôi ít đến tiệm vì hay phải đi công tác xa nhà. Rồi một lần ghé Hana's Beauty Salon, tôi cảm thấy khung cảnh có một cái gì khang khác.

Chị Hồng vẫn đon đả, nhưng mắt chị xa vắng, và vẻ mặt buồn rười rượi.

Những đứa con của chị lại thấy luẩn quẩn ở tiệm.

Khi tôi hỏi thăm người chồng, chị trả lời bằng một tiếng thở dài não nuột.

Một cô thợ quen nhân lúc nhuộm tóc cho tôi, kể là chồng chị đã dan díu với một cô thợ trẻ đẹp rồi hai người rủ nhau bỏ đi.

Vắng chồng, chị Hồng lại trở về với những ngày làm việc miệt mài. Làm việc vất vả với chị, không là một cái gì xa lạ. Nhưng trước kia chị làm việc mà không biết mệt vì mong đến một ngày mai tươi sáng. Nhưng...

Sau một thời gian sóng gió, mọi người trong tiệm, kể cả chị Hồng, dần dà quen với sự vắng mặt của người chồng. Số thợ cũ cũng dần dà đi hết, và những người thợ mới, không ai biết gì về người chồng của chị.

Chị Hồng vẫn làm việc như một cái bóng, những đứa con lớn lên, hình như thiếu vắng bóng cha, lại càng dồn hết tình thương cho mẹ: ngoan ngoãn, chịu khó học, lúc rảnh thì giúp mẹ những việc lặt vặt trong tiệm.

Ðang ngồi nghĩ ngợi, thì tôi giật mình vì cửa tiệm mở rộng.

Chị Hồng bước vào khệ nệ khiêng những túi lớn, nét mặt hồng hào. Ðã lâu lắm tôi mới thấy lại được ánh mắt reo vui của chị.

Lại một lần nữa, tôi hiểu ngay lý do niềm vui của chị. Vì theo sau chị là “bố cháu Hưng” hai tay khệ nệ ôm một hộp lớn.

Gặp tôi, anh khựng lại một chút, rồi gật đầu chào.

“Chị Giang, khách quen của mình, anh có nhớ không?” Chị Hồng cất tiếng.

Khiêng xong cái hộp to vào phòng trong, chồng chị trở ra, bảo vợ là “nhớ chứ!”, rồi anh đến gần tôi mỉm cười.

“Chào chị. Chị khỏe không?

“Tôi vẫn khỏe. Lâu lắm không gặp anh!”

“Vâng, một thời gian tôi có việc phải đi xa, nhưng giờ đã về nhà.”

Tôi nhìn chị Hồng như thầm hỏi. Chị Hồng âu yếm nhìn chồng, rồi nhìn tôi, gật đầu như xác định, và khoe:

“Father's Day này, hai bố con Hưng đang tìm cách tân trang lại cái tiệm cho em đó chị.”