Home Đời Sống Gia Đình Giữ lại hay bỏ?

Giữ lại hay bỏ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Mộng Mị   
Thứ Bảy, 26 Tháng 6 Năm 2010 14:31

Nếu bạn mang thai và có chẩn đoán là thai khuyết tật, bạn sẽ quyết định thế nào?

 
                 Khám thai ở Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: N.C.T. 

Chị bạn học chung đại học với tôi kết hôn khá muộn, 35 tuổi mới mang thai đứa con đầu lòng. Khi thai được năm tháng bác sĩ cho chị biết tin dữ: thai nhi có dấu hiệu của hội chứng Down. Hai vợ chồng đã đi nhiều bệnh viện để xét nghiệm, kết quả giống nhau, và lời khuyên đầu tiên của các bác sĩ luôn luôn là “bỏ”.

Liều và may mắn

Tất cả bạn bè nghe chị tâm sự đều khuyên bỏ cái thai. Họ hàng thân thích cũng khuyên nên bỏ, mọi người đều có chung một lý lẽ: nếu sinh ra, cả cha mẹ và đứa bé sẽ khổ suốt đời, hãy dành thời gian và cơ hội cho đứa thứ hai...

Tôi lại nghĩ khác mọi người. Có thể cực đoan nhưng tôi vẫn cho rằng một đứa con bệnh Down thì sẽ không nghiện ma túy, không đua đòi quậy phá, không bài bạc, lạng lách đua xe... Nói chung mấy đứa lành lặn cũng chứa đầy nguy cơ gây đau khổ cho cha mẹ. Chỉ là nghĩ vậy chứ chị mà hỏi tôi, tôi chưa chắc dám nói ra điều đó, tôi sợ trách nhiệm.

Chồng tôi nghe kể lại thì nói rằng chị ấy nên bỏ. Anh cho rằng thà là không biết, biết mà vẫn giữ lại là sai lầm và có lỗi.

Không biết chị và chồng đã suy nghĩ gì nhưng sau đó tôi nghe tin họ quyết định giữ lại cái thai. Một người bạn bảo rằng vì thai đã được hơn năm tháng nên chị thấy thương quá, không bỏ được. Còn tôi cho rằng chị có đức tin và sự hiểu biết, cộng với tình yêu và sự ủng hộ của chồng đã giúp chị có một quyết định mạnh mẽ như vậy.

Hai năm sau gặp lại họ, tôi và mọi người hết sức bất ngờ khi thấy con gái chị cực kỳ xinh xắn và khỏe mạnh. Vậy là y học hiện đại đã nhầm, bằng tình yêu vô bờ với con và một chút may mắn, họ đã giành lại được một thiên thần từ tay số phận.

Méo mó có còn hơn không

Cô giáo dạy tôi trong trường đại học có một cô con gái bị hội chứng Down. Mười bốn tuổi mà cô bé có cảm xúc và phản ứng của một em bé lên năm. Cô tôi thường hay đem theo cô bé vào trường chơi, cho tiếp xúc với SV, và giống như cô, mọi người dần cảm thấy cô bé bình thường, có phần đáng yêu. Tôi hỏi sao cô không sinh tiếp. Cô nói hồi mới sinh con nhỏ cô sợ quá không dám nghĩ tới sinh đứa thứ hai. Bây giờ hết sợ thì lại quá tuổi sinh rồi. Cô nói nếu không có cô bé, không biết quãng đời còn lại của vợ chồng cô sẽ tẻ nhạt tới mức nào. Cô kể chồng cô nhiều lúc so sánh sự bận rộn của hai vợ chồng với một đôi khác bị vô sinh và mỉm cười mãn nguyện.

Cuộc đời là một trường học, con cái là những chứng chỉ mà ai muốn tốt nghiệp cũng phải trải qua. Không hiểu sao tôi luôn nghĩ rằng những đứa trẻ khuyết tật bẩm sinh chính là chứng chỉ lớn lao nhất, vinh quang nhất của các bậc cha mẹ. Không ai chọn sự kém may mắn cho mình, nhưng nếu gặp phải rủi ro hãy bình tĩnh chấp nhận. Biết đâu đó lại là cơ hội.

MỘNG MỊ