Hãy bớt nói tiếng “Không” |
Tác Giả: Thủy Trúc | |||||
Chúa Nhật, 29 Tháng 8 Năm 2010 10:13 | |||||
Phụ huynh càng nói nhiều chữ "Không" này, trẻ càng “lờn,” làm như không biết ý nghĩa của tiếng đó.
“Một trăm năm sau, chuyện tôi sống trong căn nhà ra sao, xe tôi lái hiệu gì, hay trương mục ngân hàng của tôi nhiều ít... đều chẳng có nghĩa lý gì cả. Nhưng thế giới này có thể sẽ đổi khác vì tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của một em bé.” (One hundred years from now, it will not matter what my bank account was, the sort of house I lived in or thekind of car I drove... But the world may be different because I was important in the life of a child.) Trẻ em là những nhân vật quan trọng nhất đối với phụ nữ, dù họ đang ở lứa tuổi thanh xuân hay trung niên, lão niên. Dù cho không có gia đình riêng, hầu như người nữ nào cũng đều có nhiều cơ hội sống gần các em bé, chơi với chúng hay chăm lo, coi sóc chúng. Nhật báo NV đăng loạt bài “Em Bé Ðang Lớn” để loan tải tin tức cập nhật về những phát triển của các em tuổi từ sơ sanh cho tới vị thành niên, theo các tờ báo chuyên về giáo dục gia đình. Mục đích của chúng tôi là để giúp các bà mẹ trẻ, hay những người chăm sóc em bé, hiểu biết thêm về những thái độ, phản ứng của các em. Việc hướng dẫn các em bé để chúng phát triển tính thiện sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta có nhiều hiểu biết về lứa tuổi thần tiên, ngây thơ đó. Trẻ em nào khi lớn khôn, cũng có thể là một rường cột quan trọng của thế giới. Nhân loại và môi trường sống tùy thuộc vào thái độ sống và căn bản đạo đức của các em rất nhiều. Hình như các phụ huynh trẻ nào cũng nhớ thời mình còn niên thiếu, hay bị cha mẹ dùng chữ Không (hay NO trong tiếng Anh) để phủ quyết, ngăn cản mình làm chuyện gì đó. Trong tâm thức các anh chị mới có con, hầu như ai cũng muốn mình sẽ là các cha-mẹ gương mẫu... Mình sẽ khác cha mẹ, bỏ được tiếng Không kia cho con mình sung sướng hơn. Description: Description: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/117796-big_0824_PN%20Tre%20em1aa.jpg
Nhưng rồi thời gian qua mau, các bê-bi ngày một lớn. Khi các em được hai tuổi, là lúc các cha mẹ trẻ quên hết dự tính của mình, tái diễn lại cảnh dạy con của phụ huynh mình khi trước. Chữ Không - Không được hay Ðừng, No, don't do it... ở ngay đầu lưỡi của họ. - Không, con không được coi Ti Vi nữa. Mới coi chương trình kia đây thôi! - Ðừng bấu mẹ! - Không được ăn bánh ngọt, bây giờ là bữa sáng mà! - Stop ngay, không được đổ chocolat vào áo chị! - Vân vân... Phụ huynh càng nói nhiều chữ Không nay, trẻ càng “lờn,” làm như không biết ý nghĩa của tiếng đó. Muốn bỏ cái tiếng vô bổ kia ra khỏi câu chuyện hàng ngày giữa cha mẹ và con, không phải chuyện giản dị. Nhưng nếu chúng ta quyết tâm, thay đổi cách đối thoại với trẻ em, chúng ta có thể làm được. Sau đây là những lời khuyên và đề nghị giúp cho các bậc làm cha mẹ biết cách thay đổi lối nói, bỏ bớt tiếng Không hoặc chỉ lâu lâu mới dùng tới nó thôi: 1. Ráng tập nói Yes (được) thay vì No (Không): Tỷ dụ sáng sớm, con bạn đòi ăn bánh kẹo, bạn có thể trả lời: Ðược con, nhưng con đang đói, mình ăn cereal đã nhé. Bé nhắc lại “Con muốn ăn kẹo!” Bạn có thể hoãn binh: “Ðược, sau khi con ở trường về, mẹ sẽ cho con kẹo.” 2. Thay vì nói No, bạn có thể dùng tiếng Stop, khi bạn muốn con trẻ ngừng một chuyện nguy hiểm, như thò tay vặn bếp lò chẳng hạn. Khi việc bé làm không có gì nguy hiểm lắm, như thảy đồ ăn xuống sàn nhà, ta có thể nói nhẹ hơn “Please, stop...” 3. Nên nói cho trẻ hiểu các em có thể làm gì, nên tránh chuyện gì. Chẳng hạn khi trẻ nhảy trên ghế salon mới mua, cha mẹ có thể nhắc: “Nếu muốn nhảy, các con nhảy trên sàn nhà hoặc ra ngoài sân. Ghế chỉ để ngồi thôi!” Khi trẻ đòi ăn thêm một ly ice cream nữa, bạn có thể tránh tiếng Không bằng cách dụ em chờ: “Bây giờ no rồi, con ăn nữa sẽ không ngon - Ðể mai, khi đi học về, mẹ sẽ cho con một ly kem nữa!”... 4. Khi bé ném banh trong nhà, thay vì nói Không, bạn có thể bảo con: “Nếu muốn chơi banh, con ra ngoài sân.” 5. Khi trẻ lè nhè, cha mẹ có thể nói: “Con nói rõ ràng cho mẹ nghe, thì mẹ mới hiểu được.” Có nhiều cách để thay đổi câu nói. Chúng ta kiên nhẫn tập từ từ, sẽ bớt dùng tiếng Không hay Ðừng - và khi nào cần tới tiếng đó, trẻ sẽ hiểu là chúng phải ngừng chuyện chúng đang làm hay sắp làm. Chúc quý vị thực tập giỏi, có thói quen dùng tiếng Ðược Rồi nhiều hơn tiếng Không Ðược!
|