Home Đời Sống Gia Đình Bữa cơm gia đình - bí quyết giữ hạnh phúc

Bữa cơm gia đình - bí quyết giữ hạnh phúc PDF Print E-mail
Tác Giả: Phương Anh, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 29 Tháng 9 Năm 2010 11:42

Thông thường, khi nói đến hạnh phúc gia đình, người ta thường nhắc đến lòng chung thủy, yêu thương, sự hy sinh cho nhau…

Hình minh họa một bữa cơm gia đình/Photo courtesy of calofic.com.vn

Vai trò của phụ nữ
Đó là những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng, nhưng phải nói là có phần trừu tượng. Tuy nhiên, cụ thể hơn, có những điều chúng ta làm hàng ngày nhưng ít khi coi trọng, lại góp phần quyết định trong xây dựng mái ấm gia đình.

Đó là những việc như chuyện trò, ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi của gia đình, nhất là bữa cơm hàng ngày.

Khi Phương Anh tìm hiểu ở một số chị em ở thành phố cũng như các tỉnh thì chị nào cũng đều đồng ý rằng bữa cơm gia đình rất quan trọng, vì đó chính là thời gian để mọi người ngồi quây quần lại với nhau. Chị Tố Lan, hiện là tài xế cho một công ty tư nhân ở Sài Gòn cho hay rằng:       

“Cái chính của tổ chức bữa cơm gia đình là điều hòa sở thích của các thành viên, điều hòa cách nào tốt nhất để các thành viên trong gia đình ăn uống được thoải mái. Trách nhiệm này là của người phụ nữ. /Giáo sư Lê Thi

"Bữa cơm gia đình lúc nào cũng quan trọng, làm gì thì làm, đến giờ là phải có cơm đàng hoàng. Em phải thu xếp công việc làm sao cho gọn gàng. Đi làm về mà không kịp nấu ăn, thì đồ ăn trong tủ có sẵn hết rồi, thì ba nó đem ra hâm ăn. Còn bữa chủ nhật thì ăn đầy đủ hết, mọi người quây quần ăn. Con em thích ăn đông đủ chứ không phải như con người ta.

Theo em thì bữa cơm đầy đủ trong gia đình rất quan trọng, bữa nào mà kẹt lắm thì mẹ vắng, chứ bữa cơm mà có đầy đủ thì rất hay, ăn uống món này món kia, con thích, hội ý, món này ngon, món kia không ngon, mình theo đó mà nấu ăn cho con cái. Người phụ nữ rất quan trọng trong gia đình, bữa cơm gia đình là giữ hạnh phúc cho gia đình mình."

Theo lời chị cho hay, 3 đứa con của chị đang trong độ tuổi cấp hai, cấp ba, thế nên cũng phải đi học thêm mất khá nhiều thời gian. Nhưng, chị luôn luôn nhắc nhở con chị phải dành riêng giờ cơm tối với gia đình. Chị nhấn mạnh:   

"Mình phải né hết cái giờ đó. Thí dụ, con em học thêm trong trường lúc 4 giờ rưỡi thì 6 giờ là có mặt ở nhà hết rồi. Ăn cơm xong thì đứa nào đi học thêm nữa thì đi."

Với anh Nguyễn Công Tú, chủ nhân của một công ty may mặc xuất khẩu ở quận 10, thì:    
"Đa số buổi trưa tôi ăn cơm ở công ty, còn chiều về thì ăn cơm với gia đình, thỉnh thoảng không ăn cơm thì đi nhậu, bạn bè hay khách khứa giao lưu thì lại kéo nhau đi làm mấy chai bia."

Tuy nhiên, anh luôn cho rằng nếu bữa cơm gia đình không còn thực hiện được thì chắc chắn hạnh phúc gia đình sẽ giảm theo, anh nói:
"Tất nhiên nó phải giảm đi nhiều chứ, giảm đi cả tình cha con chứ huống chi là cả một gia đình, bữa cơm đơn giản thôi, bữa cơm vui vẻ thì ăn gì cũng ngon.

Vợ mình giỏi, nấu cơm nóng chờ chồng thì lại càng sướng hơn còn không thì cũng quá hạnh phúc rồi. Cha mẹ mình hồi xưa, vợ chồng con cái ăn bữa cơm gia đình là ấm cúng quá. Theo tôi nghĩ đó là cái hạnh phúc trong cuộc sống, trong gia đình. Phải được như vậy thì gia đình mình mới có nền tảng được." 

Gắn kết tình gia đình

 

 Phụ nữ thường đảm nhiệm việc đi chợ lo bữa cơm gia đình. Photo courtesy of anninhthudo.vn

Giáo sư Lê Thi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Phụ nữ, nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thì quả quyết rằng xây dựng hạnh phúc gia đình chính là qua những bữa cơm hàng ngày:     
"Người ta cứ nghĩ đến các bữa tiệc cao sang nhưng thực ra bữa cơm gia đình là để hàng ngày người ta gặp nhau, đói no là có nhau. Cho nên, bữa cơm gia đình cái ý nghĩa thứ nhất là để họp mặt các thành viên trong gia đình. Trong các bữa cơm thường vui vẻ chuyện trò, những gì xảy ra trong ngày hôm đó, mình làm cái gì được, mình có cái gì thất bại, niềm vui, thì chỉ trong gia đình mới nói được những cái khó khăn của mình, mà chỉ trong gia đình thì mới dễ nói chuyện với nhau, chồng nói chuyện với vợ, cha mẹ nói chuyện với con. Cho nên, bữa cơm gia đình nó có ý nghĩa không chỉ là tụ họp các thành viên gia đình, mà còn là lúc để trao đổi ý nghĩa và tình cảm với nhau."

Cũng có ý kiến cho rằng, bữa cơm gia đình là lúc để răn đe, hạch tội con cái, vì chẳng mấy khi hội đủ thành viên trong gia đình. Nhưng theo giáo sư Thi, thì trong bữa cơm, phải tạo bầu khí hết sức vui vẻ và thoải mái:       
"Theo tôi thì khi ăn thì cứ để cha mẹ, con cái ăn uống vui vẻ đi. Ăn uống vui vẻ xong thì ngồi uống nước, ăn tráng miệng, lúc bấy giờ mới hỏi han, trao đổi với con cái. Con cái nó đang ăn mà mắng mỏ thì tất nhiên sẽ làm mất không khí vui vẻ và làm cho con cái ăn không ngon miệng."

Ngoài ra, giáo sư Thi cũng cho rằng việc tổ chức bữa cơm hàng ngày không phải đơn giản và nhất là chị em phụ nữ phải đóng vai trò chủ chốt:    

“Cho nên, bữa cơm gia đình nó có ý nghĩa không chỉ là tụ họp các thành viên gia đình, mà còn là lúc để trao đổi ý nghĩa và tình cảm với nhau. /Giáo sư Lê Thi

"Tôi thấy rằng việc tổ chức bữa cơm trong gia đình rất quan trọng, không phải là chỉ nhiều cá nhiều thịt là được đâu. Cái chính của tổ chức bữa cơm gia đình là điều hòa sở thích của các thành viên, điều hòa cách nào tốt nhất để các thành viên trong gia đình ăn uống được thoải mái. Trách nhiệm này là của người phụ nữ."

Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam, hiện đang làm việc tại Sài Gòn cho rằng hiện nay, vì đời sống quá bận rộn, lại thêm áp lực của công việc, nên bữa ăn trong gia đình không còn được đặt nặng như ngày xưa:  

"Rất đáng tiếc là các bữa ăn trong gia đình không còn như ngày xưa, và nhất là ở các thành phố lớn, thành phố công nghiệp, con cái đi làm, cha mẹ hay ông bà ở nhà phải ăn trước, rồi con cái về thì mạnh ai nấy ăn. Cho nên, rất tiếc là bữa ăn sum họp gia đình chỉ còn buổi tối thôi, nhưng nhiều gia đình cũng không tập họp được vì có những ca làm buổi tối, mà điều này thì rất đáng tiếc trong cái nếp sống của người Việt Nam hiện nay."

Chia sẻ trách nhiệm
Nhân đây, tiến sĩ Nam cũng cho hay rằng có lẽ đã đến lúc Việt Nam phải cải thiện và bắt chước Singapore để mọi người ý thức được tầm quan trọng của sinh họat trong gia đình cũng như bữa ăn hàng ngày.


 Hạnh phúc gia đình. Photo courtesy of saga.vn

Ông nói tiếp:
"Tôi  vẫn thường nói ở Hội Phụ Nữ là chúng ta phải học Singapore. Singapore là nước công nghiệp, mà chính phủ Singapore đã cấm tổ chức tiệc tùng vào chiều thứ sáu, để cho các viên chức trở về ăn cơm với gia đình, cả chiều thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật, tức 3 ngày cuối tuần.

Tôi nghĩ Việt Nam phải tiến tới như vậy, để có một quy định chung, để công việc trong nhà máy, công sở không cuốn hút thời gian của các công nhân, để các cán bộ có thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn, quan tâm các thành viên trong gia đình nhiều hơn.

Vì, mái ấm gia đình là nơi hồi phục lại sức khỏe để các thành viên trong gia đình tiếp tục làm việc ở các công sở mỗi ngày một hăng hái hơn."

Cũng theo lời tiến sĩ Nam, ngày nay với đà tiến triển của xã hội, người phụ nữ không còn co cụm trong thế giới của mình nữa, mà thay vào đó là sự phấn đấu không ngừng của họ với xã hội bên ngoài. Chính vì thế, ông nhận xét: 
"Người phụ nữ cũng làm việc trong xã hội, cũng đóng góp cho cơ quan, nhà máy, xí nghiệp như là nam giới, nhưng vai trò làm mẹ, làm vợ ở nhà thì không thay thế. Ngay cả có người giúp việc. Cho nên, thời đại ngày nay là một thử thách rất lớn với người phụ nữ.

“Người phụ nữ cũng làm việc trong xã hội, cũng đóng góp cho cơ quan, nhà máy, xí nghiệp như là nam giới, nhưng vai trò làm mẹ, làm vợ ở nhà thì không thay thế. Cho nên, thời đại ngày nay là một thử thách rất lớn với người phụ nữ. /Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam

Ở đó, người phụ nữ vừa phải đảm đương công việc nội trợ trong gia đình, vừa phải hoàn thành công việc ngoài xã hội. Công việc ở xã hội, ở sở, có thể nhờ người khác thay thế, nhưng công việc nội trợ ở nhà thì không thể nhờ ai được. Do đó, người phụ nữ phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 lần nam giới.

Từ đó cũng phải kêu gọi nam giới chia sẻ và thông cảm vì cùng một lúc, người phụ nữ phải hòan thành các công việc của mình, thế nhưng, cái thiên chức xây dựng mái ấm gia đình vẫn là của phụ nữ. Người đàn ông xây mái nhà, còn người phụ nữ thì xây mái ấm gia đình."  

Chúc các bạn tìm ra cho mình một phương cách riêng để tạo thành bí quyết giữ gìn hạnh phúc cho chính mình, cho chồng và cho con.