Home Đời Sống Gia Đình Hãy giúp con bạn thành công ở trường

Hãy giúp con bạn thành công ở trường PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Luân   
Thứ Hai, 27 Tháng 9 Năm 2010 20:28

           Hai tháng sau khi khai giảng là thời điểm để cả học sinh lẫn phụ huynh tổng kết lại kết quả.

Sự thành công của con bạn ở trường tùy thuộc một phần đáng kể vào chính bạn.

 

       Làm thế nào giúp đỡ con bạn trở thành học sinh giỏi? Theo bà hiệu trưởng Odette Christienne của trường trung học Henri IV (Paris), chẳng có câu thần chú nào cả, nhưng vẫn phải tránh 2 điều chủ yếu sau đây : quá chú tâm hoặc quá lơ là. Cần phải tìm ra trung điểm. Quan tâm đến việc học hành của con em nhưng đừng tạo quá nhiều áp lực, đó phải là phương châm của mọi phụ huynh.

Bài làm ở nhà

       Không có đứa trẻ nào tự dưng hăng hái làm bài tập một mình cả. Con trẻ cần bạn giúp đỡ để chúng biết tự lo liệu và tổ chức. Cần nhất là đừng bao giờ làm bài tập hộ chúng. “Phụ huynh thường có khuynh hướng đưa ra lời giải của bài toán thay vì để trẻ tự làm một mình. Tất nhiên như thế sẽ nhanh hơn, nhưng họ đã đánh mất của chúng thời gian quý báu để suy nghĩ. Hãy để cho chúng sai lầm, vì nhầm lẫn là nhân tố của tiến bộ. Nếu chúng không tự học một mình, sau này chúng sẽ hối tiếc, thường là ở cấp 3, khi mà sự suy nghĩ riêng trở thành chủ yếu để thành công trong việc học” - Odette Christienne nhận xét.

       * Hãy tập cho con bạn những thói quen thường xuyên tùy theo thời biểu của chúng. Nếu ở gần trường, một chút thời gian thư giãn sẽ rất cần thiết trước khi làm bài tập. Ngược lại, nếu đường đi học dài, chúng có thể làm bài ngay sau khi vừa đi học về và ăn qua loa. Các thói quen đó phải xét đến đặc tính của mỗi em, vì một số em khó “khởi động” hơn các em khác. Trong mọi trường hợp, đừng nên cho bật truyền hình trước khi làm bài xong.

       * Nên cùng em theo dõi vở bài tập, như thế bạn sẽ dạy em tập tổ chức sinh hoạt và quản lý thời gian. Nếu không có gì ghi trong vở bài tập, cần biết chắc rằng em đã không quên ghi chép.

       * Nên khuyên em bắt đầu bằng bài tập khó nhất. My bài toán hay bài luận sẽ cần cố gắng nhiều hơn là một bài học thuộc lòng.

       * Đừng nên bắt em làm việc hơn 45 phút liên tục. Như thế sự chú ý của em sẽ giảm bớt.

       * Với các em tiểu học, nên chú ý đến chất hơn là lượng. Một câu viết đúng tốt hơn là 3 câu nguệch ngoạc đầy lỗi. Nên khắt khe về cách trình bày : một chữ viết khó đọc sẽ gây nhiều sai sót. Chính vào độ tuổi đó, cần phải tập những thói quen tốt. Nếu bạn không có ở nhà khi con bạn đi học về, mỗi buổi tối cũng nên dành cho chúng một ít thời gian khi làm bài. Nên nói cho chúng biết rằng không phải để kiểm soát chúng mà chỉ là quan tâm đến công việc của chúng.

Việc đọc sách

       Một cuộc điều tra của INSEE cho thấy rằng chỉ có 15% thiếu niên dành thời gian rảnh rỗi để đọc sách. Đa số xem truyền hình trung bình mỗi tuần 10 giờ. Thế nhưng việc đọc sách là một nhân tố thành công ở học đường; các học sinh giỏi đều đọc sách rất nhiều. Tuy nhiên theo như nhà văn Daniel Pennac, “động từ Đọc không chấp nhận chia ở Mệnh lệnh cách”.

       * Tiếp tục đọc cho chúng nghe nhiều sách giống như lúc chúng còn bé. Thường thì cha mẹ bỏ qua thói quen tốt đó từ khi con em biết đọc. Thật ra khi để chúng ngồi trước một quyển sách mà chúng đọc khó khăn, chúng sẽ mất ngay sự hứng thú.

       * Hãy làm gương tốt cho chúng. Một đứa trẻ nhìn thấy cha mẹ, anh chị em đọc sách cũng sẽ bắt chước theo. Sau đó sẽ trở thành một hành động tự nhiên.

       * Đừng đề nghị với các em những quyển sách quá khó và quá dài, như thế sẽ khiến em chán nản. Loại trừ trường hợp ngoại lệ, trước khi quan tâm đến văn chương cổ điển, chúng sẽ chọn những loại truyện ngắn đơn giản hơn. Một quyển sách ngắn thường hữu hiệu hơn là một tác phẩm giá trị. Các loại truyện tranh mà cha mẹ thường có định kiến, và tạp chí, báo chí cũng có thể là chìa khóa để mở ra thế giới sách đối với các em.

Cuộc sống tại trường

       Những học sinh giỏi thường là các em có cha mẹ tham dự vào cuộc sống học đường. “Vào đầu năm người ta có thể đánh giá trình độ của một lớp qua số lượng phụ huynh tham dự vào buổi họp đầu năm. Tiêu chuẩn này ít khi lầm lẫn” - Odette Christienne cho biết.

       * Do đó nên cố tham dự vào các cuộc họp phụ huynh, cho dù thường khi chúng lại diễn ra vào những giờ không thích hợp với hoạt động nghề nghiệp của bạn hoặc buộc bạn phải thức dậy sớm vào ngày Chủ nhật. Nếu bạn không thích mở lời trước đám đông, nên chuẩn bị sẵn trên giấy những điểm mà bạn muốn được làm sáng tỏ.

       * Phản ứng ngay khi con có những điểm xấu đầu tiên mà không chờ đến sự suy sụp cuối năm. Nên gặp giáo viên của môn đó hoặc giáo viên chủ nhiệm. Nếu là một vấn đề nghiêm trọng về kỷ luật, một sự bất đồng giữa học sinh và giáo viên, tốt hơn nên đến gặp hiệu trưởng.

       * Nên dạy phép lịch sự cho con em. Đi học đúng giờ, nộp bài làm đúng hạn, mang trả sách cho thư viện... Điều này giúp cho cuộc sống học đường của em dễ dàng hơn và sẽ rất hữu ích sau này.

       * Một điểm tốt luôn phải được tưởng thưởng, còn điểm xấu phải bị quở phạt. Con trẻ cần được cha mẹ định hướng về những gì phải làm hay không nên làm.

Giải trí

       Trẻ em cần được vui chơi. Rất cần thiết cho sự quân bình về tinh thần, “sự chơi đùa giúp chúng vượt qua các thử thách gặp phải trong thực tế” - nhà tâm lý Etty Buzyn giải thích.

       * Dù chúng đã học kém trong học kỳ, cũng không nên cấm cản sự giải trí mà chúng ham thích như đá bóng, tin học hay kịch nghệ. Việc cấm cản chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Vì không còn không gian để phát triển và nổi bật, chúng sẽ mất đi lòng tự tin.

       Thường khi các đam mê ngoài học đường đó lại có ảnh hưởng hữu ích đến việc học. Odette Christienne nêu ra trường hợp của một học sinh lớp 9 mà kết quả về toán và sinh ngữ rất kém. Em vẽ trong giờ lịch sử và không màng đến những lời nhận xét. Được biết rằng em rất thích đến một câu lạc bộ nghệ thuật tạo hình, bà đã đề nghị em tham dự vào một xưởng vẽ. Tại đấy em đã nhanh chóng tỏ ra nổi bật.

       Được thừa nhận như một tài năng, em bắt đầu chú ý đến những lời nhận xét của các giáo viên và cải thiện kết quả học tập. Cuối cùng em đã hiểu rằng học tập là điều cần thiết trước tiên để theo đuổi việc học tập nghệ thuật.

       * Đừng thúc đẩy con bạn trở thành nhạc sĩ hay vận động viên mà bạn hằng mơ tưởng được như thế : đừng nên quên rằng ta đang nói đến sở thích của chính em. Một khi em đã chọn lựa, nên khuyến khích em theo đuổi bất chấp các khó khăn.

       * Nên khuyến khích các sinh hoạt tập thể (thể thao hay văn hóa) để con em có ý thức về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong nhóm cùng công việc tập thể. Chẳng hạn như tập kịch sẽ làm sinh động các bài luận trong chương trình.

       * Cuối cùng, quá nhiều sinh hoạt cũng không phải là tốt : đừng biến những ngày thứ 7 của con thành cuộc chạy marathon. Nên dành cho chúng một khoảng thời gian để không làm gì cả, thời gian mơ mộng để hình thành nội tâm.

       Tóm lại, sự giúp đỡ quý giá nhất mà bạn có thể đem lại cho con cái dựa trên chất lượng của mối quan hệ. Nên biết lắng nghe chúng, không chỉ đối với các vấn đề học đường. Như thế chúng sẽ càng tốt hơn. 

Minh Luân
(theo Sélection)