Mang cha ra khỏi đất tù, sau hơn 30 năm. |
Tác Giả: Ngọc Lan | |||||||
Thứ Ba, 11 Tháng 10 Năm 2011 08:48 | |||||||
WESTMINSTER (NV) - Mùa Hè 2010, trong hành trang Daniel Ðiền Lương mang theo trên chuyến bay trở về Los Angeles, có một thứ rất đặc biệt. Ðó là chiếc mộ bia “nặng khoảng 30 pound,” trên đó có tên cha anh, cựu Ðại Úy Pháo Binh VNCH Lương Văn Hoa.
Sau hơn 30 năm lạnh lẽo, cô độc nằm trong đất tù Làng Ðá, cuối cùng, “người tù cải tạo” Lương Văn Hoa đã có thể nở nụ cười mãn nguyện khi được trở về trong vòng tay người thân, dù chỉ qua hình hài của một tấm bia và những nắm xương còn sót lại. “Tôi vui, vì dù sao, hơn 30 năm, ba tôi cũng được mang ra khỏi đất tù để trở về với gia đình,” anh Daniel, người con trai lớn của người lính pháo binh năm nào, thổ lộ. Câu chuyện hơn ba thập kỷ trước “Lần chót tôi nhìn thấy ba tôi là lúc ông còn trong Nam,” anh Daniel Ðiền Lương bắt đầu câu chuyện. Sau Tháng Tư, 1975, “theo lời kêu gọi của chính phủ,” ba của Daniel, “trở về Cần Thơ đi trình diện”. “Ba tôi, cũng như nhiều người sĩ quan khác của Việt Nam Cộng Hòa được tập trung vào một trại lính cũ ở Cần Thơ để ‘học tập cải tạo’. Lúc đó, mỗi tuần họ đều cho gia đình mang đồ ăn lên,” anh Daniel kể. Trong ký ức của Daniel, người kỹ sư lập trình 47 tuổi, vẫn còn ghi nhớ hình ảnh cậu bé 12, 13 tuổi ngày nào cứ mỗi trưa Thứ Bảy, đạp xe gần hai giờ đi thăm cha mình. Anh trầm ngâm, “Tết Nguyên Ðán năm 1976, tôi nhớ tôi có gặp ba tôi, lúc đó tôi khoảng 12 tuổi.” Ðó cũng là lần cuối cùng Daniel được nhìn thấy cha anh. Bởi, chỉ vài tuần sau, cũng như thường lệ, khi gia đình anh mang thức ăn lên thăm cha, nơi trại lính “trống rỗng, không còn dấu vết gì hết”. Họ đi đâu hết rồi? Tại sao người ta đưa cha anh đi đâu mà không cho biết? Sao tất cả biến mất một cách khó hiểu như vậy? Hoang mang. Lo lắng. Sợ hãi. Là tâm trạng mà Daniel và gia đình anh phải trải qua. Ði hỏi công an. Họ nói, “về nhà chờ đi”. Thấp thỏm đợi chờ trong nỗi lo “không biết ba sống chết ra sao” cho đến khoảng hai, ba tháng sau thì gia đình Daniel thấy một lá thư gửi về. “Thư không ghi địa chỉ, chỉ có số hòm thư, nhưng nhìn dấu bưu điện thì thấy ‘Hà Nội’. Vậy là gia đình nghĩ chắc họ đã mang ba tôi ra Bắc rồi.” Người con trai nhớ lại. Thế nhưng, sau vài lần thư đi tin lại, “chừng sáu, bảy tháng sau lại bặt tin ba tôi. Thư cứ gửi đi mà không thấy thư gửi về”. Lại một lần nữa, nỗi lo lắng dồn về trong không khí gia đình vợ con người lính pháo binh Lương Văn Hoa. “Một vài gia đình quen biết, có người thân ở tù cùng với ba tôi, viết thư về nói rằng ba tôi mất rồi.” Anh trầm giọng. Ðến tám tháng sau, giấy báo tử Ðại Úy Pháo Binh Lương Văn Hoa mới đến tay vợ con ông, kèm theo đó là “cái đồng hồ và cái nhẫn của ba tôi, ngoài ra không còn gì hết”. Theo những thông tin nhận được, ba của Daniel “mất ngày 3 Tháng Tám, 1977 vì sốt rét”. Nơi chôn ông là “Làng Ðá, xã Cẩm Nhân, huyện Thác Bà, tỉnh Yên Bái”.
Daniel nói như tự an ủi chính mình, “Biết nơi ba tôi được chôn, nhưng lúc đó nghèo quá, làm sao dám nghĩ đến chuyện lội ra Bắc. Mà ngoài Bắc là như thế nào, chúng tôi đâu ai biết.” Nhận giấy báo tử, “má tôi không chờ nữa, lại thêm khi đó chiến tranh Cambodia xảy ra, thấy nhiều bà con bị bắt lính, nên má tôi tìm cách đưa hết mấy anh em tôi đi vượt biên”. Những chần chừ, lần lữa, bỏ cuộc Như bao nhiêu thuyền nhân của thập niên 1970 và 1980, bước chân xuống thuyền ra đi, không mấy ai có ý định sẽ có ngày quay trở về. Gia đình Daniel cũng không khác, “chẳng hề nghĩ đến chuyện sẽ có ngày trở về để bốc mộ ba”. Anh kể, “Vì khi ra đi, mang theo ít đồ bị hải tặc bắt lấy hết trơn, không còn gì hết. Riêng giấy báo tử của ba để lại cho người cô ở Việt Nam nên mới còn, chứ không cũng mất luôn rồi, cũng sẽ không còn biết ba tôi ở đâu.” Sang Mỹ từ năm 1979, miệt mài với việc học hành, mưu sinh, hình ảnh người cha còn nằm lại một nơi xa lạ nào đó nơi rừng núi Bắc Việt chìm khuất trong muôn nỗi lo toan cho đời sống thường nhật của mẹ con anh Daniel. “Ðến khoảng năm 1991-1992, gia đình mới bắt đầu nghĩ đến chuyện về Việt Nam tìm lại mộ ba tôi.” Daniel nhớ lại. Nghĩ là vậy, nhưng đến cuối thập niên 1990, người kỹ sư lập trình này mới lần đầu về thăm quê nhà sau 20 năm ra đi. Tuy nhiên, lần đầu tiên đó, Daniel cũng chỉ làm được một việc duy nhất là tìm lại được tấm giấy báo tử, trên đó có ghi nơi chốn cha anh yên nghỉ. “Tôi cầm tờ giấy đó về Mỹ nhưng thực sự vẫn không biết là phải đi tìm như thế nào, tìm làm sao, không biết mồ mả còn không. Nhiều bà con ở dưới quê lại không dám mang chuyện cũ ra bàn sợ liên lụy. Rất nhiều điều không chắc chắn làm chúng tôi phải suy nghĩ.” Người con trai băn khoăn. Một lần nữa, ý định đi tìm mộ Ðại Úy Pháo Binh VNCH Lương Văn Hoa lại bị bỏ qua. Tuy nhiên, sáu năm sau, tức năm 2005, qua một người quen biết ở Hải Phòng, gia đình Daniel nhờ người đi dọ hỏi, tìm kiếm. “Ðúng là có bia mộ ba tôi ở Làng Ðá,” anh nói. Có điều, người ta cho gia đình anh biết rằng “các tấm bia bị xô dạt hết, chứ không nằm trên mộ, do đó không thể biết chính xác mộ nào là của ai”. “Thỏa mãn là biết nơi chôn ba tôi thôi nhưng nghĩ đâu biết mộ nào mà bốc cốt, nếu bốc lầm thì sao? Mà muốn thử DNA thì chẳng lẽ mang hết tất cả về thử? Ai cho phép mình làm như vậy!” Lần thứ ba, “Chúng tôi lại bỏ cuộc.” Quyết định tình cờ Dân gian vẫn thường nói “bất quá tam”. Sau ba lần, hơn 30 năm, những tưởng mọi chuyện có thể xếp vào quên lãng, coi như chấm dứt sự hiện hữu của một con người. Nhưng có những điều thuộc về tâm linh không thể lý giải. Một điều gì cứ lẩn khuất. “Ðầu năm 2010, một người bạn của má tôi tình cờ đọc trên báo Người Việt thấy có đăng tin về việc những ngôi mộ chôn tại Làng Ðá sẽ được bốc đi. Trong danh sách tên những người nằm tại đó có tên ba tôi,” con trai người quá cố kể tiếp. Theo hướng dẫn trên bài báo, Daniel Ðiền Lương liên lạc với ông Nguyễn Ðạc Thành, chủ tịch hội Vietnamese American Foundation (VAF), nơi có chương trình The Returning Casualty nhằm tìm kiếm và đưa hài cốt của những tử sĩ trở về với gia đình sau nhiều năm nằm lại nơi rừng hoang núi lạnh, để tìm hiểu và xin được tham gia chuyến đi ra Yên Bái, đến bốc mộ tại Làng Ðá. Tháng Bảy năm 2010, Daniel cùng vài người thân và một số gia đình khác, có gia đình từ Mỹ trở về, có gia đình ở tại Việt Nam, cùng đoàn của ông Nguyễn Ðạc Thành đi ra Yên Bái để bốc hết những ngôi mộ ở Làng Ðá và đưa những “sample” về Mỹ thử DNA. Anh thổ lộ, “Khi đến nơi chôn ba tôi, vui một lúc buồn một lúc. Vui vì thấy bia mộ ba tôi đây rồi. Buồn vì không biết có tìm được hài cốt ba tôi không, vì thấy đã có người bốc trước rồi, không biết họ có bốc đúng không nữa.” Theo danh sách của chính quyền sở tại đưa, phải còn 22 ngôi mộ nằm lại Làng Ðá, chưa có thân nhân bốc dỡ. Tuy nhiên, khi đến đào lên thì chỉ còn có 12 bộ hài cốt. Ông Nguyễn Ðạc Thành cho biết, “Trên danh sách, có 31 ngôi mộ được chôn tại Làng Ðá, nhưng chín ngôi mộ bị người ta bốc chui, không phép tắc. Thêm vào đó, do nhiều mộ bia đã bị sạt lở nên nhiều người, do lời chỉ dẫn của người địa phương chỉ cốt muốn lấy tiền, nên họ đã không bốc đúng hài cốt của thân nhân mình.” Không biết chắc rằng trong những hài cốt còn sót lại, có cái nào là hình hài của người đã sinh ra mình không, “nhưng cái mộ bia này chắc chắn là của ba tôi rồi”. Nghĩ vậy, Daniel đã không ngần ngại mang tấm bia có tên cha anh trở về Mỹ, “dù không biết có đặt lên bàn thờ được không, nhưng tôi vẫn cứ mang về”. Anh trầm giọng, “Chuyện ba mất xảy ra đã lâu quá rồi, buồn thì không còn buồn nữa nhưng cũng cảm thấy sao đó khi ra ngoài đó. Thấy hoang vắng quá!” Ngừng lại vài giây, Daniel nói tiếp những suy nghĩ của mình, “Tôi nghĩ dù không còn trại tù nhưng những người nằm đó cũng giống như nằm tù 30 năm nay. Giờ mình đào lên, mang họ qua ngọn đồi kế bên mà mình phải trả tiền mướn, đặt họ lên đó.” “Nhiều bác nằm đó gia đình không biết, giờ có người đã mang các bác đó ra khỏi đất tù, xem như mấy bác đã được tự do sau ba mươi mấy năm. Mình cũng thấy an ủi khi làm được chuyện như vậy.” Daniel Ðiền Lương chậm rãi tiếp. Ý nghĩa giải thoát cảnh tù, mang lại tự do cho những người tù cải tạo, dù muộn màng, dù giờ họ chỉ còn là những nắm xương không nguyên vẹn, lại mang ý nghĩa nhân bản, thiêng liêng đến dường nào. Theo thông báo từ ông Nguyễn Ðạc Thành, trong năm gia đình cùng đi bốc mộ người thân ở Làng Ðá, chỉ mới có hai gia đình tìm được đúng hài cốt thân nhân mình sau khi thử DNA, trong đó có gia đình Daniel Ðiền Lương, “còn lại ba gia đình đã bị ai đó lấy lộn hài cốt rồi”. Ông kêu gọi, “Ai đã bốc lộn những hài cốt này xin liên lạc với chúng tôi để nhận diện thử DNA để mang hài cốt đúng về, còn hài cốt không đúng thì gửi lại, vì nếu không đúng của mình mà mang về nhà thờ thì cũng đâu có được.” Riêng với Daniel, anh chỉ còn chờ đợi thời gian tới, quay trở về ngọn đồi tự do, nơi ba anh đang yên nghỉ, đưa hài cốt ông về Sài Gòn, “thiêu và đặt ba tôi kế hai ông bác tôi để ấm cúng hơn”. Ngọc Lan
|