Home Đời Sống Gia Đình Dạy Con Những Giá Trị Sống

Dạy Con Những Giá Trị Sống PDF Print E-mail
Tác Giả: Đinh Yên Thảo   
Thứ Ba, 11 Tháng 10 Năm 2011 08:31

Tất cả các bậc phụ huynh đều mong muốn hay hướng đến việc giáo dục con cái trở thành những người có nhân cách, hữu dụng cho xã hội.

Những giá trị truyền thống như lòng nhân ái, sự thật thà, tính kỷ luật, lòng can đảm, thái độ hòa nhã, sự nhẫn nại... luôn cần thiết trong bất cứ xã hội nào. Trong khi nhu cầu giáo dục những điều quan trọng này là hiển nhiên, mong muốn này chỉ có thể thực hiện được, một khi các em được “sống” trong những chuẩn mực này chứ không chỉ được “nghe” và được “dạy”.

Đông hay Tây, những chuẩn mực và giá trị truyền thống trong xã hội luôn cần thiết nhằm bảo vệ trẻ em những ảnh hưởng xấu từ các yếu tố ngoại vi và đặt một nền tảng vững chắc để các em trở thành một công dân tốt trong tương lai.

Những điều này không chỉ là sự mong muốn mà còn là trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ. Mà điều này không phải là chuyện một sớm một chiều, vì nó đòi hỏi thời gian, điều mà nhiều gia đình lúc nào cũng có vẻ thiếu hụt, đặc biệt trong thời buổi kinh tế hiện nay. Thêm vào đó, để những phẩm hạnh này hun đúc vào trong suy nghĩ và cách sống lâu dài, các em cần được sống trong những chuẩn mực này hơn là chỉ được nghe dạy hay chỉ bảo. Có một nền tảng vững chắc, các em sẽ chống lại sự ảnh hưởng từ bạn bè, cùng một kỹ nghệ giải trí thu hút, dễ gây tác động đến nhận xét, suy nghĩ của các em trong thế giới hôm nay.  Chúng ta thử điểm qua vài phương cách hữu dụng các nhà tâm lý học đã từng cố vấn  trong vấn đề này theo sau:

1. Cha mẹ là khuôn mẫu về giá trị sống

Khi các bậc cha mẹ dành thời gian cho con cái, lắng nghe suy nghĩ, tâm tình của các em và không bỏ dịp trò chuyện về các giá trị sống trong đời sống hàng ngày, điều này sẽ tạo ra một thói quen và sự thoải mái, tin tưởng cha mẹ là chỗ dựa tinh thần ở tuổi mới lớn, thay vì chỉ nhắm đến bạn bè. Nhưng quan trọng bậc nhất là những gì chúng ta nói, chỉ dạy cho các em phải giống như cách chúng ta sống qua thái độ và cách ứng xử thường nhật.

Ví dụ những bài học về sự thật thà sẽ trở nên vô giá trị khi chúng ta thản nhiên nói dối điều gì đó ngay trước mặt con cái, điều mà vài người hay vô tình mắc phải. Đơn giản như việc bảo con rằng, "Nói mẹ không có ở nhà", cho đến việc "cố vấn" cho người khác ngay trước mặt con rằng "Chị cứ việc khai gian như vậy đi, ai mà biết, thiếu gì người làm vậy"..., chúng ta cho thấy sự nói dối cũng cần thiết trong vài trường hợp. Hoặc dạy con về tính tiết kiệm nhưng nơi chỗ công cộng, nhà người khác, nhà hàng buffet, chúng ta xài giấy lau tay, xả nước phí phạm khác hẳn ở nhà, bỏ mứa thức ăn ê hề trên bàn, thì những điều chúng ta dạy về "tiết kiệm" không chỉ vô giá trị, mà mặt khác còn cho thấy thái độ khá tiêu cực về cách sử dụng "đồ nhà" và "của chùa". Khi những chuẩn mực này được hành động, được "sống" theo những điều chúng ta hướng dẫn con cái, nó sẽ gia tăng giá trị những giá trị này, và tạo cho các em một cái nhìn chắc chắn, vĩnh viễn về những giá trị đã được nghe, được học. Nó tiêm nhiễm một cách mạnh mẽ và từ đó hình thành tính cách lâu dài, mang theo suốt cuộc đời mình. Bằng không, các em sẽ khó phân biệt thế nào thật sự là tiết kiệm hay thật thà cùng các giá trị khác đã quan sát nơi cha mẹ, thậm chí hình thành thói quen "ứng biến", thay đổi theo từng trường hợp hơn là một phẩm cách bất biến.

2. Lòng biết ơn

Một trong những phẩm hạnh cần thiết và có thể gây ảnh hưởng đến các giá trị sống khác là lòng biết ơn. Dạy và hun đúc cho con cái lòng biết ơn không chỉ tạo ra nơi các em một suy nghĩ tích cực khi trưởng thành, mà còn đem lại ích lợi chính cho đời sống tinh thần của các em, khi lòng biết ơn tạo ra một đời sống vui thú, thanh thản hơn. Thói quen cảm ơn người khác là điều đơn giản và có thể thực hiện hàng chục, hàng trăm lần trong ngày. Cảm ơn cô giáo đưa ra đến xe, cảm ơn ông lão cầm cờ chặn xe khi băng ngang đường, cảm ơn khi được người khác giữ cửa nơi công cộng cho mình, cảm ơn mẹ lấy thức ăn ra đĩa....

Xa hơn, những dịp lễ Cha, lễ Mẹ, cha hay mẹ giảng giải cho con về ơn sinh thành, dưỡng dục, lo lắng của người cha/mẹ, tùy theo dịp lễ. Hay cha mẹ chuẩn bị để các em tặng thiệp, mua hoa, quà nhỏ... cho cô giáo trong Tuần lễ Cảm tạ Thầy Cô (Teacher Appreciation Week) vào tuần đầu tháng Năm mỗi năm, tuần lễ Tạ Ơn ..., để giúp các em có thái độ biết ơn với thầy cô. Hoặc không gì tốt hơn để dạy cho các em hiểu về sự hy sinh của những người lính, khi chúng ta cho các em cùng tham dự một ngày lễ Chiến sĩ Trận Vong, tưởng niệm những người ngã xuống cho sự yên ấm mà chúng ta đang thụ hưởng. Tập các em những thói quen tốt để từ đó hình thành một tính cách lâu dài, là điều các nhà tâm lý luôn cố vấn . Cho đến một độ tuổi nào đó, chính các em sẽ có tinh thần này, một khi ý thức được hành động hay các đóng góp của người khác.

Mặt khác, một số người chỉ nhìn những mặt tiêu cực hay thường ta thán, ca cẩm về mọi chuyện bất ưng, bất ý trong đời sống. Đây là một thói quen hay tính cách hủy hoại đến sự vui thú đời sống, khi thiếu vắng sự cảm tạ về những gì có được hay về con người, đời sống chung quanh. Tập và hướng các em đến một tinh thần tạ ơn, tức chúng ta đang hướng các em đến sự nhẫn nại, luôn chấp nhận và biết ơn những gì đang có, để từ đó có được một đời sống tinh thần vui thú, ý nghĩa hơn.

3. Biết xin lỗi

Khi dạy con nhìn nhận lỗi lầm, xin lỗi về những điều sai quấy các em đã gây ra, thì chính cha mẹ cũng phải thực hiện điều này, mỗi khi chúng ta phạm sai lầm. Không chỉ xin lỗi với người chung quanh, mà ngay với con cái. Trong tâm lý Á Đông, đây là một trong những điều rất khó thực hiện, khi cha mẹ hay những người lớn tuổi khó lòng chấp nhận sai lầm của mình với con cái hay người trẻ hơn ngoài xã hội, hoặc xem đó là một điều làm giảm đi mức độ kính trọng của con cái. Đây là quan niệm không còn phù hợp với xã hội phương Tây, khi trường học và xã hội đã dạy cho các em những giá trị về dân chủ, có suy nghĩ độc lập để nhìn nhận điều hay, lẽ phải, bất luận tuổi tác hay vai vế. Sự tùng phục chỉ có giá trị khi các em còn nhỏ và chỉ trong một thời gian ngắn, hay kéo dài cho đến khi các em đến độ tuổi thiếu niên. Sự xin lỗi là một thái độ văn minh, một tinh thần phục thiện và sự can đảm để nhìn nhận lỗi lầm của mình. Muốn con cái học hỏi những giá trị này thì chính cha mẹ phải sống theo điều này, vì cách này hay cách khác hoặc lúc này hay lúc kia, chúng ta đều có thể phạm lỗi lầm.

Tuy nhiên, chính vì ý nghĩa của sự xin lỗi, hãy để các em gánh vác phần nào trách nhiệm về lỗi lầm mình gây ra, thay vì bào chữa hay là người giải quyết giùm con cái về những lỗi lầm các em gây ra. Các em sẽ không bao giờ học được điều gì từ lỗi lầm của mình, về cái giá cần trả cho hành động hay việc làm cùng một tinh thần kỷ luật cần thiết, nếu luôn được chúng ta đứng ra bảo bọc các lỗi lầm này.

4. Tạo những cơ hội thử thách

Những cha mẹ càng sợ con té ngã bao nhiêu, thì nhiều phần đứa con sẽ chậm biết đi chừng ấy. Trẻ em càng được bế bồng, nâng niu thì càng e dè, sợ hãi người lạ bấy nhiêu. Tương tự như vậy, khi cha mẹ làm thay con hết mọi chuyện, tạo sự dễ dàng nhất cho con cái, có thể sự yêu thương này lại làm con mang tính phụ thuộc và ỷ lại về lâu dài. Hoặc mất đi sự nhẫn nại và trách nhiệm của chính mình.

Cho con những cơ hội thử thách về tinh thần cũng như thể chất sẽ tạo cho các em học được cách đối diện và giải quyết vấn đề, cũng như lòng can đảm, tinh thần quyết đoán. Và thực hiện điều này có chủ đích cùng sự quan sát, phản ứng kịp thời. Đừng vội giúp con giải bài toán khó khi các em chưa bỏ công suy nghĩ. Cấm cản con cái chơi thể thao vì sợ té ngã. Để cho con chọn những cách và chuyện dễ dàng nhất để làm. Tất cả những điều này tạo cho con cái xu hướng e dè, ngần ngại khi đương đầu thực tại, nơi không có cha mẹ bên cạnh để làm giùm hay bảo bọc, hay xa hơn là trở thành những người trưởng thành thiếu vắng phẩm chất lãnh đạo, một phẩm chất đòi hỏi kỹ năng giải quyết thách đố và sự quyết đoán để thực hiện. 

5. Lưu tâm đến bạn bè, thói quen giải trí của con cái

Những ảnh hưởng từ bạn bè, những tác động từ kỹ nghệ giải trí như internet, truyền hình, phim ảnh ... là điều hiển nhiên cho các em khi bước vào độ tuổi mới lớn, ở mức độ khác nhau. Trong khi phải chấp nhận điều không thể tránh được này, nhưng đây là điều các phụ huynh cần sự lưu tâm đặc biệt. Đừng quá khó khăn về một kiểu tóc, một trang phục mới lạ khi các em muốn tạo "cá tính" hay "nhái" theo một ca sĩ, tài tử trẻ tuổi nào. Nhưng hãy để ý những hành vi, lời nói, biểu hiện bất thường, khi chúng là dấu hiệu về sự thay đổi của các em.

Theo lời một luật sư tại California chuyên giúp đỡ và biện hộ cho các em học sinh gốc Á dính líu đến băng đảng, phạm pháp thì nhóm học sinh gốc Á hay Việt Nam có những đặc tính khá khác biệt với các sắc dân khác. Trong khi các học sinh gốc Latino, da đen hay sắc dân khác tham gia băng đảng, đồng nghĩa với sự sa sút học hành, bỏ học, thì các học sinh gốc Á vẫn giữ việc học bình thường, thậm chí có em vẫn đạt được kết quả xuất sắc. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, như "tính yên hùng" tuổi mới lớn, do nhu cầu tiêu xài, hoặc đơn giản hơn là chỉ muốn có người bảo bọc trước sự chọc phá, trêu ghẹo của bạn học..., mà các em này tham gia vào băng đảng. Cha mẹ lo làm ăn và đặt sự hài lòng nơi con cái qua bảng điểm, cho đến khi các em bị liên lụy vào vòng pháp luật thì đã muộn và hầu như không tin rằng điều này lại xảy ra với chính con mình.

6. Khen ngợi, khuyến khích

Khi khen ngợi đúng lúc, đúng cách, sự khích lệ có tác dụng rất mạnh để khuyến khích các em tiếp tục những thói quen, hành động tốt. Kỷ luật và khen ngợi đi song song nhau để giúp các em hiểu rõ những việc đúng hay quấy, nên hay không nên tái diễn.

Tuy nhiên các nhà tâm lý khuyên rằng khi khen ngợi, nên thực lòng, rõ ràng về điều các em làm thay vì chỉ khen chung chung, đại loại như "giỏi quá, thông minh quá, ngoan quá...". Một câu "Ba rất thích cách con tô màu ngôi nhà này" thay vì chỉ lặp lại câu "Đẹp quá" sáo mòn, sẽ kích thích các em không chỉ tiếp tục vẽ mà còn tìm cách sáng tạo hơn trong cách vẽ của mình. Khi các em đọc một câu chuyện hay cuốn sách, một lời khen đại loại rằng "Wow! Có nhiều từ khó vậy mà con cũng đọc được" sẽ kích thích các em nỗ lực trong việc đọc, học thêm từ vựng thay vì hài lòng, tin rằng mình đã "Thông minh quá" như lời mẹ khen. Nói chung, sự khen ngợi nên hướng các em đến sự nỗ lực hơn trong tương lai, thay vì tạo cho các em tâm thoả mãn với chính mình, hoặc cứ mong đợi lời khen trong mỗi việc làm.

Tóm lại, hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn và tin rằng con cái sẽ trở thành những người tử tế, có nhân cách một khi trưởng thành. Nhưng sự hình thành nhân cách của một người không phải là một quá trình tự nhiên và tức thời, mà đòi hỏi sự giáo dục và hình thành theo thời gian. Nó đòi hỏi lòng nhẫn nại, sự gần gũi, thời gian dành cho con cái, cũng như cần suy nghĩ thích ứng với những khác biệt, khi so sánh với xã hội, cách thức chúng ta đã từng được giáo dục. Dù muốn hay không, thì thời gian để thực hiện hay tạo ra những ảnh hưởng nơi con cái cũng chỉ trong khoảng 10, 15 năm đầu tiên của các em. Và dù bạn tin hay không, thì khoảng thời gian này cũng trôi qua rất nhanh.

ĐYT