Nguy nan nghề luật ở Việt Nam |
Tác Giả: Trịnh Hội | |||
Chúa Nhật, 14 Tháng 11 Năm 2010 13:07 | |||
Gửi tới Diễn đàn BBC từ Hoa Kỳ Nếu tôi là một bậc phụ huynh đang ở Việt Nam và muốn cho con mình được ra ngoại quốc ăn học thì chắc chắn một điều là tôi sẽ không bao giờ khuyên con mình nên đi học luật. Vì chẳng chóng thì chầy, nếu con mình thật sự chịu khó học tập, chịu tìm hiểu cặn kẽ luật pháp để trở thành một người luật sư đúng nghĩa thì một là nó sẽ phải trở thành một con trâu ngoan ngoãn suốt ngày chỉ biết cắm đầu cày, nghe lệnh của các ông chủ để đến cuối tháng lãnh lương. Hoặc hai là phải lên tiếng phản biện đối với những gì nó cho là không đúng, không chính xác với những tôn chỉ mà nó đã được chỉ dạy và rèn luyện từ khi chưa ra trường. Không phải là một điều ngẫu nhiên khi một số luật sư sau này được đào tạo ở ngoại quốc sau một thời gian về lại Việt Nam sinh sống và làm việc đã lên tiếng trước những bất công, bất cập trong xã hội. Từ Lê Công Định cho đến Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân cho đến luật sư Cù Huy Hà Vũ vừa mới bị bắt. Họ đều là những người đã có một thời gian được đào tạo ở ngoại quốc. Ít nhiều họ cũng giỏi đủ để được tiếp tục cho đi học luật. Và ra trường với những văn bằng, chứng chỉ chuyên môn. Thế vậy mà chỉ vài năm sau ai cũng đã phải vào tù ra khám vì những bộ luật mà lẽ ra chính họ mới là người thông hiểu nhất. Chứ không phải là một ông tướng công an nào đó tự động cho họp báo và tuyên bố chắc như bắp là việc bắt bớ ‘hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành’. 'Công an làm luật' Nhiều khi tôi tự hỏi không hiểu mấy ông tướng này học luật ở đâu mà sao hiểu luật rõ và nhanh thế? Vừa bắt hôm nay là ngày mai đã có thể lấy luật ra để nói chuyện với… chính luật sư vừa mới bị bắt. Bất kể là họ có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ luật với biết bao năm kinh nghiệm hành nghề. Ở ngoại quốc thì cảnh sát bắt giam nhưng luật sư của chính phủ, thường là Bộ Tư Pháp hoặc công tố viên, đưa ra thông cáo. Riêng ở Việt Nam thì công an ra lệnh bắt giam và chính công an cũng tự đứng ra tuyên bố là lệnh hoàn toàn phù hợp với pháp luật. Trong thời gian gần đây ở Việt Nam người ta thường nghe nhà cầm quyền nhắc đến câu ‘xây dựng một nhà nước pháp quyền’. Đây là câu được dịch ra từ ba chữ ‘rule of law’, một nguyên tắc cơ bản trong ngành mà sinh viên luật nào cũng phải học qua và thấu hiểu cặn kẽ từ những năm đầu vào học. Thế nhưng ở Việt Nam tôi nghĩ chúng ta nên dùng chữ ‘rule by law’ – dùng luật để cai trị - thì chính xác hơn. Vì từ điều khoản ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ (điều 258) được dùng để giam cầm blogger Cô Gái Đồ Long, ‘tuyên truyền chống nhà nước’ (điều 88) được dùng để giam luật sư Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ (điều 79) được dùng để truy tố và kết tội Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, v.v… tất cả hiện nay đều luôn nằm trong tư thế rất sẵn sàng đợi lệnh trong Bộ Luật Hình Sự. Ngày nào còn sự hiện hữu của những điều khoản này và không có sự tam quyền phân lập rõ ràng giữa luật pháp, hành pháp và tư pháp - nhờ vào sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng - thì… còn lâu Việt Nam mới có được một nhà nước pháp quyền như mọi người mong đợi. Trông người lại nghĩ đến ta. Cũng may là cách đây hai năm tôi đã được các anh công an nhà mình thương tình đuổi ra ngoại quốc chứ nếu không biết đâu chỉ vì những bài viết gần đây nói về kinh nghiệm hãi hùng của tôi với công an Việt Nam tôi sẽ bị cho là hoạt động tuyên truyền chống đối chế độ. Và vào một ngày đẹp trời ở Sài Gòn khi tôi đang ở khách sạn chung với một đứa bạn trai hay gái nào đó thì tôi sẽ bị đột xuất hỏi thăm và bắt tống giam ngay vì… dám ở chung phòng với một người khác khi mình đã có vợ. Thế mới tài. Có ai ngờ được là công an Việt Nam hiện nay đang kiêm luôn thiên chức bắt ghen để gìn giữ hạnh phúc gia đình cho quý bà bạn nhỉ? Luật sự Trịnh Hội trưởng thành tại Úc, hiện đang làm việc ở Hoa Kỳ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả.
|