Home Đời Sống Pháp Luật Học và hành nghề luật sư ở VN

Học và hành nghề luật sư ở VN PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Hiếu /RFA   
Chúa Nhật, 14 Tháng 11 Năm 2010 14:56

Khi đề cập tới sự phát triển nghề luật sư ở Việt Nam, tờ Pháp Luật kể ra một số khó khăn mà các luật sư thường gặp phải trong lúc học cũng như khi hành nghề ngoài xã hội.

 

Trường ĐH Luật TP.HCM trên đường Nguyễn Tất Thành đang được xây dựng năm 2005


Để đi vào thực chất của vấn đề mà các luật sư đang đặc biệt quan tâm, Ban Việt Ngữ chúng tôi liên lạc với luật sư Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật Sư Việt Nam, văn phòng ở Hà Nội.

Thực tế ở Việt Nam

Đỗ Hiếu: Câu hỏi đầu tiên được đặt với luật sư là rồi đây việc hành nghề luật sư tại Việt Nam có được thuận lợi hơn không, như báo Pháp Luật mới nói tới qua bài viết có tựa là “Phát triển nghề luật sư phục vụ cải cách tư pháp", thưa ông?


LS Phạm Hồng Hải: Chắc chắn là sẽ tốt hơn bây giờ, nếu chúng ta chỉ nhìn vào thời kỳ từ năm 2001 cho đến giờ, tức là từ khi có pháp lệnh luật sư mới, thay thế pháp lệnh luật sư năm 1987, thì số lượng luật sư phát triển rất nhanh, kể cả về số lượng lẫn chất lượng đều tăng lên, sau khi Bộ Tư pháp thành lập Học viện Tư pháp, là nơi đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho hàng ngũ luật sư Việt Nam.


Đỗ Hiếu: Thưa luật sư, cũng qua bài viết đó, thì có nhiều ý kiến từ giới luật gia cho rằng, trong việc đào tạo luật sư, chưa có chuyện “học đi đôi với hành, từ mà họ gọi là “học chay”, còn trong các phiên xử trước tòa thì hội đồng xét xử hay dùng cách “phủ đầu” các luật sư, ý kiến ông ra sao?


LS Phạm Hồng Hải: Trên thực tế, theo như nhận xét của một số luật sư mà tôi có đọc trên báo Pháp Luật Việt Nam mấy hôm nay, tôi thấy là đó là những nhận xét rất xác đáng.


Theo pháp luật mới thì người tập sự hành nghề luật sư là những người không được hành nghề, chỉ là những người giúp việc cho luật sư hướng dẫn mình, tức là họ không được thực hiện những công việc mà lẽ ra trước đây, theo pháp lệnh luật sư năm 2001 thì họ được tư vấn các vụ án đơn giản, tranh tụng trong các phiên tòa, do tòa án cấp quận huyện xét xử.


Sau thời gian 18 tháng tập sự, họ cũng đã tích lũy được một số kinh nghiệm và sau này khi họ trở thành luật sư chính thức, họ có thể làm được những việc tương đối phức tạp một chút. Đương nhiên là không phải tất cả việc gì sau khi tốt nghiệp xong là họ đều có thể làm được, nhưng về cơ bản thì ít nhất họ cũng đã có tích lũy được một số kinh nghiệm.


Theo luật luật sư mới, tức là luật hiện hành, thì người tập sự luật sư hiện nay không được làm bất cứ việc gì, chỉ được giúp việc cho luật sư hướng dẫn mình, đấy là một điều tôi cho rằng nó không đáp ứng được cái đòi hỏi của những người đang hành nghề luật sư tập sự hiện nay.


Đỗ Hiếu: Qua nhận xét của ông vừa rồi thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam có đặt vấn đề là phải sớm sửa đổi những quy định đó không, thưa ông?


LS Phạm Hồng Hải: Hiện nay Liên đoàn Luật sư Việt Nam chúng tôi đang tổ chức những nhóm, những ban, để có thể đóng góp ý kiến, sửa đổi luật, luật sư, trong đó có quy định về cái quyền của người hành nghề luật sư, theo tôi thì đấy là cái điểm mà tôi cho là cần thiết.


Chiến lược đào tạo


Đỗ Hiếu: Theo ông thì trong giai đoạn hiện tại và hướng về tương lai, vai trò của một luật sư cần được cải tiến ra sao để có thể đáp ứng với chức năng của mình?


LS Phạm Hồng Hải: Trong quá trình hội nhập thì Việt Nam hội nhập trong rất nhiều lãnh vực, đặc biệt là trong các lãnh vực thương mại, đầu tư, thanh toán quốc tế, tài chính, ngân hàng…vì thế những người làm nghề luật cần phải nắm vững những kiến thức về công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế, để có thể giải quyết những tình huống cụ thể,  xuất hiện trong đời sống hàng ngày.


Cũng xin thưa là trình độ ngoại ngữ của các luật sư Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được, kế đó là khi va chạm với thực tiễn, cái kỹ năng hành nghề của luật sư Việt Nam so với một số nước tiên tiến, có lịch sử luật pháp lâu đời có hàng trăm năm nay, thì rõ ràng là luật sư Việt Nam đang phải rất cố gắng, bắt nhịp, tiến dần đến nhu cầu của đời sống xã hội hiện nay.


Rõ ràng đấy là cái mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã có những định hướng như vậy và đang cùng với Bộ Tư pháp thực hiện một chiến lược để đào tạo nghề luật sư từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 hầu đáp ứng với nhu cầu hội nhập trong khu vực và với quốc tế.


Đỗ Hiếu: Qua các số liệu được báo chí phổ biến thì trong vòng 20 năm qua, Việt Nam chỉ đào tạo được có sáu ngàn luật sư, vậy chỉ tiêu đào tạo hàng chục ngàn luật sư trong thời gian 10 năm tới, có thể thực hiện được không thưa luật sư?


LS Phạm Hồng Hải: Cái số lượng và chất lượng thì bao giờ cũng cần phải đi đôi với nhau, nếu chúng ta chỉ phát triển số lượng nhưng chất lượng kém thì cũng không thể đáp ứng nhu cầu hiện nay được. Kế hoạch đề ra là đào tạo từ nay cho đến năm 2020, số luật sư từ 18 ngàn đến 20 ngàn thì đó là con số chúng ta đưa ra để mà phấn đấu.


Đó là điều kiện mà chúng ta có thể hy vọng, bởi vì hiện nay chỉ duy nhất có Học viện Tư pháp là nguồn đào tạo luật sư thôi, nhưng theo luật luật sư thì Liên đoàn Luật sư cũng sẽ tiến tới việc thành lập trường đào tạo luật sư của mình, tức là trong vòng vài năm tới sẽ có hai nguồn đào tạo luật sư, như vậy số luật sư tốt nghiệp mỗi năm sẽ tăng tới gấp rưỡi, gấp đôi so với hiện nay.


Về số lượng thì chúng ta sẽ suýt soát đạt tới con số đó, tôi hy vọng như vậy. Tuy nhiên, tôi cho điều quan trọng nhất vẫn là cái chất lượng, tức là làm sao đổi mới cách đào tạo, phương pháp, nội dung đào tạo, hợp tác với quốc tế trong lãnh vực đào tạo, để những người một khi trở thành luật sư chính thức rồi, có tri thức về pháp luật, có kinh nghiệm pháp luật, kỹ năng hành nghề luật sư, lúc đó mới đáp ứng được nhu cầu hiện nay.


Đỗ Hiếu: Xin cám ơn  luật sư Phạm Hồng Hải đã dành thời giờ cho RFA.