Vượt Thoát |
Tác Giả: Phạm Kim & Đặng Phúc Hoà | |||
Thứ Năm, 10 Tháng 5 Năm 2012 16:04 | |||
Tôi có lẽ cũng giống như các bạn đều không nghĩ rằng trong cuộc đời có một ngày nào đó phải rời bỏ quê hương đất nước của mình một cách lến lút và hết sức nguy hiểm.
Có khi phải hy sinh chính mạng sống của mình cho đủ mọi lý do của cuộc vượt thoát như : bị bọn công an Việt Cộng bắn chết hay bị giam và chết trong tù ... Sau đó lại bị bọn hải tặc cướp, giết và chết chìm ngoài biển cả, hay bị bệnh dịch mà chết khi đã được lên các đảo trong vùng Đông Nam Á. Tất cả những nguy hiểm đó, nếu ai chưa từng trải qua thì khó hình dung được hết nỗi khổ sở, đắng cay, tủi nhục và đau buồn của những người đã phải từng chịu đựng những cảnh ngộ đau thương đó. Tôi giã từ cuộc đời áo trắng học sinh để khoác lên người áo lính và ba lô khi tuổi đời còn rất trẻ, vừa tròn 17 tuổi đời. Do sự đánh phá của Việt Cộng ngày càng gia tăng tại Miền Nam, đặc biệt là cuộc tổng tấn công tại miền Trung vào Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, hàng đoàn lớp thanh niên học sinh và sinh viên đã tạm gác bút nghiên theo tiếng gọi của non sông để lên đường bảo vệ tử do và bình yên cho quê hương. Năm vừa tròn 20 tuổi, tôi lại phải chứng kiến cuộc chiến tại miền Nam bị kết thúc một cách bức tử vào ngày 30/04/1975, làm lòng tôi uất nghẹn, nước mắt tuôn trào và thương cho đất nước đã rơi vào vòng cai trị của bọn người theo chủ nghĩa độc tài và vong bản. Đó cũng là nỗi lòng và tâm tình chung của tập thể chiến sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hoà, của nhân dân miền Nam và của cả nước. Biết nói thế nào khi cuộc chiến tại Việt Nam lúc đó do các thế lực ngoại lai chi phối và quyết định chiến thắng đã ngả về phía kẻ xấu, và hậu quả của nó đã đưa đến tình trạng đất nước gần 30 năm sau chiến tranh cón tiếp tục bị nghèo và lạc hậu về nhiều mặt so với các nước trong vùng Đông Nam Á hiện nay (Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Singapore, Nam Hàn, Phi Luật Tân ...), so sánh trước năm 1975, miền Nam đã không bị thua kém xa về trình độ phát triển kinh tế và xã hội so với các nước trên. Cho nên một điều chắc chắn là cho đến nay, không một người nào có đầu óc bình thường lại còn có thể tin tưởng, ủng hộ và muốn sống trong một xã hội được gọi là xã hội chủ nghĩa và chẳng có một nhà học giả nào có thể tìm được những lý lẽ hợp lý để bênh vực cho cái gọi là sự siêu việt và tuyệt với của chủ nghĩa cộng sản để tồn tại trên quả đất này nữa. Tuy nhiên, có thể còn 2 loại hạng người muốn theo cái xã hội đó : Thứ nhất là những kẻ mộng du, và loại thứ 2 là những kẻ điếm đàng muốn có quyền lực độc tài để sống trên mồ hôi, máu và nước mắt của người dân lành. Chính sự mắt thấy và tai nghe những khủng bố và trả thù tàn bạo về mặt chính trị, các thảm hoạ về mặt kinh tế, sự lụn bại về văn hoá, sự suy sụp về đạo đức xã hội đã xảy ra trên quê hương Việt Nam khi Việt Cộng cai trị cả nước sau năm 1975, đặc biệt vào năm 1978, thời điểm mà Việt Cộng đã thi hành cái gọi là cuộc cải tạo thành phần tư sản, tiểu tư sản và hợp tác xã nông nghiệp trên khắp miền Nam, đã tạo ra cơn khủng hoảng về kinh tế, xã hội và đời sống của mọi người dân, và làm phát sinh nên hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử di dân của nước ta là làn sóng hàng triệu người đã tìm đường vượt thoát bằng mọi cách, mọi phương tiện sẵn có để ra đi và từ bỏ một thiên đàng mù hay còn gọi thiên đàng bánh vẽ trên mặt đất. Công cuộc vượt thoát kéo dài trong hơn 10 năm trời ròng rã, có biết bao đau thương và khổ nhục đã xảy ra trên những chuyến đi bằng đường biển cũng như đường bộ. Chuyến ghe vượt biển của chúng tôi cũng là một trong hàng loạt những chuyến ghe tàu vượt biên trong thời điểm của những năm 1979 và 1980. Chuyến đi vừa có nhiều gian nan, nguy hiểm vì đã gặp những chắc trở và tai nạn chết người trên đường đi, có lúc tưởng chừng như không đến được bờ, và may mắn là đa số người đi cùng chiếc ghe đều được định cư ở một nước thứ 3, chỉ trừ vài người không may mắn bị mất tích hoặc chết trên sông và trên biển. Chuyến ghe vượt biên đã được chuẩn bị gần 2 tháng mới xong mọi thứ cần thiết : như chiếc ghe dài khoảng 14 mét, xăng dầu, các dụng cụ, thuốc trị bệnh, thực phẩm. nước uống. Anh của bạn tôi là người đứng ra tổ chức chuyến vượt biên này, anh là một sĩ quan hải quân cấp uý vừa mới ra khỏi nhà tù mà Việt Cộng gọi là trại học tập cải tạo, với hơn 3 năm bị giam cầm. Tôi và bạn tôi được giao trách nhiệm lo xăng dầu cho chuyến đi, khoảng 400 lít dầu cặn diesel, chúng tôi đi hỏi mua dầu lẻ từ các bác tài xế xe hàng ở các bãi đậu xe dọc theo bến tàu cảng Sài Gòn và cầu Tân Thuận. Dầu được vận chuyển bằng các phương tiện xe xích lô, xe đạp và được ngụy trang như những bình đựng nước mắm, nước tương. Sau khi đã có đủ mọi thứ cần thiết, chúng tôi bắt đầu di chuyển từng nhóm nhỏ về thị xã Mỹ Tho từ vài ba ngày trước đó. Để tránh sự dòm ngó của bọn công an, chúng tôi chia thành từng nhóm nhỏ vào nhà người quen, giống như là bà con đến thăm viếng nhau. Buổi tối đúng giờ đã hẹn, khoảng 2300 giờ đêm, chúng tôi bắt đầu gom người lại từ 4 chiếc xuống nhỏ, mỗi chiếc chở từ 4 đến 6 người, để đưa ra chiếc ghe lớn đã đậu chờ sẵn cách cách các chiếc xuống nhỏ khoảng 1 cây số. Chúng tôi đã quy ước ám hiệu để khi muốn gọi và nhận ra nhau là gọi " Anh Hai ơi !". Đáp " Rượu đế đây !". Nếu lời đáp không theo như định ước thì tìm đường thoát cho nhanh. Mặc dầu đã được chuẩn bị trước khá chu đáo, chuyến đi này cuối cùng đã bị thất bại vì có một nhóm đã bị công an theo dõi và chúng bắt buộc vài người trong nhóm phỉa đi ra bến đậu của các xuống nhỏ để chúng có thể gom bắt nhiều người khác trong chuyến đi. Khi nhóm chúng tôi đến gần điểm hẹn thì đã nghe từ xa hàng trăm mét tiếng sột soạt vào các cành lá cây như là một sự cố ý, chúng tôi đã cử một thanh niên nhanh nhẹn len phía trước, khi đến khoảng cách an toàn thì thanh niên này đã gọi ám hiệu "Anh hai ơi !". Chợt bên kia có tiếng động phát ra khá lớn : "Xong rồi !". Biết đã bị động, anh thanh niên vội vã đi ngược nhanh về phía chúng tôi và nói nhỏ : "Bể rồi các anh ơi !". Không nói thêm một lời, mọi người đều di chuyển thật nhẹ và nhanh ra khỏi vùng đất nguy hiểm đó ngay lập tức. Rất may mắn là người bạn đó đã trả lời sai ám hiệu đó thật hay làm cho bọn công an tưởng rằng đúng ám hiệu nên có phản ứng hơi chậm và chủ quan, do đó nhóm chúng tôi có đủ thới gian trong gang tấc để rời bỏ địa điểm đó. Liền sau đó, chúng tôi cử ra một người cầp tốc liên lạc với 2 nhóm người còn lại để báo hoãn chuyến đi, những người còn lại vội vã trở lại căn nhà nơi đang ở tạm để làm như đang ngủ bình thường tại nhà. Ngày hôm sau chúng tôi ra chợ Mỹ Tho để liên lạc với nhau thì được biết một chiếc xuồng của anh bạn cùng xóm đã không kịp biết tin báo hoãn chuyến đi, nên chiếc xuống của anh đã ra giữa dòng sông. Sau đó vì nghe tiếng rượt bắt người vượt biên nên mọi người trên xuồng cuống quít, lo sợ và muốn vào bờ thật nhanh để chạy thoát, nhưng do hấp tấp lúc quay đầu ghe vào bờ, chiếc ghe đã bị lật giữa dòng sông trong đêm tối đen như mực. Mọi người đã quàng mọi thứ vật dụng mang theo để bơi vào bờ, có điều không may là đứa em trai khoảng 11 tuổi của anh bạn cùng xóm đã bị chết chìm dưới lòng sông, mặc dù anh và vài thanh niên đi cùng đã bơi vòng quanh một hồi lâu để ráng cứu em. Đây là sự mất mát đầu tiên của chuyến vượt biên, tôi và vài người cùng nhóm đã gặp anh bạn đó với đôi mắt đỏ hoe, buồn bã và đau xót vô cùng. Trong đôi mắt anh có một sự nưới tiếc và ân hận vô vàn vì không bảo vệ an toàn cho người em thân yêu của mình mà mẹ anh đã giao cho anh trước lúc từ biệt mẹ và gia đình để đi vượt biên. Tôi hình dung ra sự bàng hoàng đau đớn và những dòng nước mắt tuôn trào thương xót tột cùng của người mẹ khi biết tin người con trai nhỏ bé của mình đã bị mất tích trên đường vượt biên . Chuyến vượt biên đầu tiên đã thất bại. Trở về lại Sài Gòn, nơi mà bọn Việt Cộng đã đổi thành tên cho một kể tội đồ của đất nước đã đi theo chủ nghĩa vong bản và ảo tưởng, để cùng băng đảng đưa dân tộc Việt Nam vô vòng máu lửa chiến tranh hơn 30 năm, tạo ra sự thù hận và sự lụn bại về mọi mặt trong đời sống của xã hội nước ta cho đến ngày hôm nay, chúng tôi bắt tay ngay vào việc chuẩn bị lại mọi thứ cần dùng cho chuyến đi mới. Trước khi tôi và các bạn lên đường vượt biên lần thứ 2, chúng tôi đã họp mặt và ăn một bữa cơm chia tay tại nhà tôi, các bạn tôi đã kể chuyện buồn vui cho mẹ tôi nghe về chuyến vượt biên vừa qua . Chúng tôi cũng đã nói để an ủi mẹ tôi rằng nếu ai đi vượt biên thì có 3 con đường phải chấp nhận : một là Má nuôi (do bị bắt vào tù Việt Cộng nên má phải đi thăm nuôi), hai là nuôi cá (do chết ngoài biển hay vì bất cứ lý do gì như chìm tàu, hải tặc giết, bệnh dịch hoặc đói mà chết), và ba là nuôi Má (đi được tỵ nạn thì sau khi đi làm sẽ có tiền để gửi về nuôi Má và cả gia đình). Cả 3 trường hợp trên thì nuôi má là hạnh phúc nhất mà ai cũng mong muốn được như thế. Chuyến ghe vượt biên lần thứ 2 lên đường vào khoảng sau Tết Kỷ Mùi năm 1979 một tuần lễ, chiếc ghe của chúng tôi đã chạy thoát ra vùng biển của Việt Nam, ra đến hải phận quốc tế thì bị hư chân vịt quạt nước, may mắn là trên ghe đã có sẵn một cái để thay, tuy nhiên việc sửa chữa cũng kéo dài chừng 2 ngày mới hoàn chỉnh được máy móc. Sau đó chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của ngày thứ 4 trên biển, mọi người đều có dấu hiệu mệt mỏi, hốc hác thấy rõ vì không được ngủ, một số người đã bị bệnh cảm cúm, say sóng và tiêu chảy, thực phẩm và nước uống bắt đầu cạn dần . Chúng tôi đã lạc vào vùng biển không có tầu hàng hải lớn đi ngang qua. Chúng tôi đang bàn tính phải đổi hướng đi, thay vì sang Thái Lan thì nên chuyển hướng sang Nam Dương, mặc dù xa hơn nhưng sẽ an toàn hơn. Chưa kịp đổi hướng đi thì chiếc ghe của chúng tôi đã bị hải tặc Thái Lan gồm khoảng hơn 10 chiếc tầu đánh cá lớn nhỏ đến bủa vây để trấn lột và cướp phá dã man. Trận cướp đầu tiên bị bọn hải tặc tấn công là lần thiệt hại nặng nề nhất về tài sản và nhân mạng. Hai chiếc ghe lớn của hải tặc ép sát hai bên hông chiếc ghe nhỏ của chúng tôi, mặc dầu đã rất mệt mỏi sau 4 ngày vượt biển, nhưng chúng tôi cũng cố lấy hết hơi tàn để cùng nhau dùng các cây chèo đẩy 2 chiếc ghe hải tặc ra xa chiếc ghe của chúng tôi. Tình trạng đó không kéo dài hơn vài phút, bọn hải tặc có súng trường loại Cạc-bin đã bắn vài ba phát chỉ thiên hăm doạ, đồng thời trên tay những tên khác còn cầm các loại dao mã táu và dao phay. Tiếp theo đó, khoảng 4 tên đã nhảy qua ghe nhỏ của chúng tôi, không nói câu nào tên trong bọn đã chém ngay vào tay và chân của 2 thanh niên còn tương đối khoẻ trên ghe để dằn mặt mọi người chúng tôi không nên chống cự lại bọn chúng, vết thương của 2 anh này bị khá sâu nên cả hai đều phải chịu ôm vết thương ngồi tại chỗ, sau đó bọn hải tặc bắt đầu lục soát khắp nơi trên ghe, các túi đựng quần áo, các giỏ đựng thực phẩm và thuốc men còn lại ít ỏi, kể cả quần áo trên người chúng tôi đang mặc để tìm các quí kim, nhẫn vàng, dây chuyền, đồng hồ ... Cho đến lúc đó, trên chiếc ghe của chúng tôi có khoảng 20 người, gồm bảy trẻ em dưới 15 tuổi, và 9 Nam, tuy nhiên đa số trẻ con và phụ nữ đã bị bệnh, 2 người Nam bị bệnh sốt đang nằm trên sàn ghe, chỉ còn khoảng 8 người là tương đối khoẻ để có thể giúp đỡ cho các bệnh nhân trên ghe. Trong số 2 người Nữ còn tương đối khoẻ mạnh là một chị đã ngoài 30 tuổi nhưng trông già và ốm yếu, một cô gái chừng ngoài 20 tuổi, là em ruột anh bạn cùng ghe với chúng tôi. Sau khi lục soát và cướp đi hết đồng hồ và nhẫn đeo tay ít ỏi của những người trên ghe thì một tên trong bọn thình lình lấy tay của cô gái lôi kéo đi qua ghe của bọn chúng, anh bạn của tôi mặc dù đang bị bọn hải tặc cầm dao khống chế, nhưng anh vẫn can đảm nhào ra cứu em gái và miệng luôn la lớn lên nhiều lần, trong giọng nói của anh có pha lẫn nỗi sợ hãi: “ No, please don’t. No, no, please don’t” ... Dường như bọn hải tặc chẳng để ý lời kêu gào của anh, một tên trong bọn đã xả dao chém vào lưng anh một nhát mạnh khiến anh ngã quị trên sàn ghe, sau đó tên này lôi cô gái lên bờ thành ghe của chiếc ghe để kéo về ghe bọn chúng, tuy nhiên với sức lực tuyệt vọng còn lại, cô gái đã vẫy vùng mãnh liệt để thoát khỏi bàn tay độc ác của tên này và bị rơi xuống biển cùng tên hải tặc đang nắm chặt tay cô. Tức giận vì bị té xuống biển, tên hải tặc đã đấm mạnh vào đầu và vai cô gái khiến cô chìm dần vào lòng biển, sau đó tên này ung dung bơi trở lại ghe của bọn chúng. Khi cô gái rơi xuống biển, bọn hải tặc đã vội gom mọi thứ cướp được và nhảy trở lại ghe của bọn chúng. Ngay khi chúng rời chiếc ghe của chúng tôi, lập tức 3 người thanh niên của ghe chúng tôi đã nhảy xuống biển ngay vào nơi tên hải tặc vừa đấm cô gái để có thể cứu cô trở lên . Nhưng không may, sau hơn 10 phút cố gắng lặn hụp tìm kiếm, cả 3 người đều không thấy cô gái đâu cả, có lẽ do bị tên hải tặc đánh mạnh vào đầu, cô gái bất tỉnh nên đã chìm sâu vào lòng đại dương. Trong lúc đó, mọi người trên ghe đã dùng vài cái áo cũ nằm rải rác trên ghe do bọn hải tặc lục soát làm văng tung toé để dùng làm băng cứu thương buộc lại các vết thương cho 3 thanh niên vừa bị bọn hải tặc chém, mọi người đều thương xót cho anh thanh niên nằm bất tỉnh trên ghe mà không biết em gái mình bị mất tích. Trong những giây phút hỗn loạn đó, tất cả chúng tôi đều bị khống chế bằng dao và mã tấu, cho nên việc chống cự không hiệu quả sẽ bị thiệt hại nhiều hơn nữa. Chúng tôi có cảm giác hết sức căm giận và hổ thẹn cho sự bất lực của chính mình khi thấy cảnh tượng đau lòng xảy ra cho những người xung quanh, đặc biệt là trường hợp của cô gái và anh trai của cô đang bị thương nằm trên sàn ghe . Sau trận cướp phá đầu tiên, trong vòng 5 giờ đống hồ tiếp theo sau của buổi chiều hôm đó, chiếc ghe của chúng tôi phải gánh chịu thêm ít nhất 3 đợt trấn lột khác nữa hết nhóm hải tặc này thì lại đến nhóm khác đến cướp bóc và trấn lột. Các lần sau này, khi bọn hải tặc đến cướp thì hầu như không còn gặp kháng cự nào của chúng tôi nữa vì mọi người đã mệt lả và không còn vật qúi giá gì để cướp nữa, bọn hải tặc đã vét cạn hết mọi thứ có được trên ghe, thậm chí đến đôi giày của em bé 8 tuổi cũng bị bọn chúng lột khỏi đôi chân bé nhỏ của em để cướp lấy, sự việc rất đau lòng nhưng đó lại là sự thật hiển nhiên đã xảy ra trên đường vượt biên của chúng tôi. Sau các đợt bị bọn hải tặc cướp, mọi người trên ghe chỉ còn dính duy nhất một bộ quần áo trên người mà thôi, có anh chỉ còn quần xà lỏn che thân. Ngày thứ 5 trên biển với thực phẩm đã hết, nước uống và dầu cạn dần. Trong 3 ngày còn lại, trước khi trôi vào một hoang đảo mà sau này chúng tôi được biết là của Nam Dương, ghe chúng tôi đã gặp một vài tàu lớn đi ngang, nhưng họ đã quay mũi tàu bỏ đi từ xa, không vớt chúng tôi lên tàu, chỉ có một chiếc tàu do thấy cảnh đói khát, bệnh dịch thê thảm của chúng tôi nên đã quăng xuống ghe một ít thực phẩm và nước uống, vừa cho xong là họ rồ máy đi ngay bỏ lại chiếc ghe nhỏ của chúng tôi lênh đênh trên vùng biển vắng. Khi chúng tôi lên được một đảo hoang, chúng tôi đã chôn cất anh trai của cô gái mất tích trên biển vì vết thương làm mất nhiều máu nên anh đã chết 2 ngày sau đó, chúng tôi không nỡ bỏ anh xuống lòng biển cả mà cố đợi vào đất liền để có thể chôn cất anh. Điều rất may là lúc anh vừa mất, chúng tôi thấy hy vọng lấp ló đâu đó bóng dáng của vài hoang đảo. Khi vào được đảo hoang thì số thực phẩm ít ỏi còn lại đều bị lên men chua nên không ai ăn được nữa, chúng tôi phải leo hái các trái dừa tươi trên đảo để ăn cho đỡ đói hết hơn 1 ngày. Sau đó nhờ có tầu của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đi ngang đã vào đón chúng tôi về đảo Galang I cách đó khoảng một chục cây số. Đa số người đi trên ghe của chúng tôi đếu ở lại trị tỵ nạn không quá 6 tháng, vì mọi người đều là gia đình thuộc quân lực Viêt Nam Cộng Hoà hay đã có sẵn thân nhân ở các nước Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Anh, Úc ... nên đều được đi định cư sớm. Những ngày chúng tôi sống trong trại tỵ nạn của đảo Galang I đi qua thật nhanh và thường vào những đêm ngủ, chúng tôi đều gặp ác mộng về chuyến đi vừa rồi và chờ đến sáng hôm sau mọi người đem ra kể lại cho nhau nghe những giấc mơ hãi hùng và kinh dị, ai nấy cũng đều thương cảm cho những người không may mắn tử nạn trên đường vượt sông, vượt biển vừa qua. Một tháng đúng, sau khi ghe chúng tôi cặp vào hoang đảo, nhóm chúng tôi đã họp mặt để làm lễ cúng tưởng niệm cho 3 người đã chết trong 2 lần vượt biên gồm một em bé 11 tuổi, cô gái và anh trai của cô. Chúng tôi đã đồng cầu nguyện cho những người không may mắn đến đến được bến bờ tự do, đã chết trên sông trên biển, hoang đảo hay đất liền đều được siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Chúng tôi cũng sẽ nguyện cố gắng sống xứng đáng nơi xứ người để góp phần vào xây dựng cộng đồng nơi mình sinh sống, và lúc nào cũng quyết tâm và nỗ lực không mệt mỏi để góp phần nhỏ vào việc đấu tranh xoá bỏ chế độ độc tài Cộng Sản nhằm đem lại tự do và thịnh vượng cho đất nước Việt Nam của chúng ta trong tương lai không xa.
|