Home Đời Sống Tài Liệu Tàu ngầm nguyên tử nước nào mạnh nhất?

Tàu ngầm nguyên tử nước nào mạnh nhất? PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Tường Cát   
Thứ Ba, 01 Tháng 9 Năm 2009 04:24

Căn cứ tàu ngầm Du Lâm trên đảo Hải Nam đã có từ lâu nhưng chỉ mấy năm gần đây qua tin tình báo và vệ tinh do thám người ta mới biết Trung Quốc đã xây dựng thêm những sơ sở dưới mặt đất đào sâu vào trong lòng núi, dùng cho các tàu ngầm nguyên tử.

 Theo Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, từ năm 2010 hạm đội Nam Hải của Trung Quốc sẽ có 5 tàu ngầm nguyên tử chiến lược hạng 094, mỗi chiếc mang 12 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa “Ngưu Lang” JL-2 có tầm bắn xa 8,000 km.

 
Tàu ngầm nguyên tử tác chiến USS New
Hampshire (SSN-778), chiếc thứ 5 và
mới nhất trong hạng tàu Virginia,
được hạ thủ tại xưởng đóng tàu General
Dynamics Electric Boat năm ngoái. (Hình: USN)
 
Căn cứ nằm gần thành phố Tam Á, Hải Nam , chỉ cách Ðà Nẵng 150 hải lý, nhưng riêng những tàu ngầm nguyên tử nói trên không hẳn đã là mối lo ngại trực tiếp đối với Việt Nam nếu xảy ra một trận chiến tranh khu vực bằng vũ khí quy ước. Các tàu ngầm nguyên tử gồm hai loại chính: tàu ngầm chiến lược tấn công bằng hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân nhắm vào mục tiêu xa trên đất liền và tàu ngầm chiến thuật cho hải chiến chống hạm đội cũng như tàu ngầm đối phương, nhưng ở vùng biển gần không cần phải dùng đến những loại này. Trong tổng số gần 60 tàu ngầm các loại của Trung Quốc, có 7 tàu ngầm nguyên tử chiến thuật gồm 5 chiếc hạng 091 và 2 chiếc hạng 093, hạng “Hán” và hạng “Thương” đặt tên theo các triều đại xưa.

Trên thế giới đến nay chỉ có 6 quốc gia có tàu ngầm nguyên tử: Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Ðộ. Một số nước khác như Brazil và Pakistan cũng muốn chế tạo, hoặc mua từ những nước nói trên. Kỹ thuật nguyên tử và giá thành rất đắt của một tàu ngầm loại này khiến cho không phải hải quân nước nào cũng có thể sở hữu.

Tàu ngầm được phát triển nhanh khoảng 100 năm nay, đặc biệt là qua hai trận Thế Giới Ðại Chiến 1 và 2. Cơ chế vận hành dưới mặt nước là vấn đề chính và đã có rất nhiều phương cách được áp dụng. Cuối thế kỷ 19 những tàu ngầm đầu tiên được thử nghiệm chạy bằng khí nén và hơi nóng phát sinh từ phản ứng của các hóa chất làm quay turbine. Tiếp đó, động cơ điện để chạy cánh quạt (chân vịt) đẩy tàu ngầm đi dưới mặt nước là phương cách vẫn còn dùng đến nay trong các tàu ngầm loại quy ước.

 

Tàu ngầm nguyên tử chiến lược lớn nhất và
mới nhất của Nga, chiếc Yuriy Dolgorukiy.
(Hình: AFP/Getty Images)

Tàu ngầm diesel/điện di chuyển bằng động cơ diesel trên mặt biển, đồng thời máy này sinh điện cho các bình tích điện để dùng lúc lặn dưới nước. Nhược điểm của hệ thống diesel/điện là tàu bắt buộc phải ở trên mặt biển để chạy máy nổ và không thể hoạt động xa vì mau hết điện nhất là nếu di chuyển với vận tốc cao dưới nước.

USS Nautilus của Hải quân Hoa Kỳ, năm 1954 khởi đầu cho thế hệ tàu ngầm nguyên tử. Lò phản ứng nguyên tử không cần dùng đến không khí, tạo ra nhiệt lượng cần thiết cho những turbin hơi và tránh được nhu cầu phải thường xuyên nổi lên mặt biển. Tàu có thể ở một thời gian rất dài dưới mặt nước và chạy với vận tốc cao trên một hải trình dài hầu như vô tận. Hạn chế duy nhất của tàu ngầm là tiếp tế lương thực, và cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi hay được thay thế trong khoảng 3 tháng. Không cần đến sự tiếp tế nhiên liệu nhưng trung bình sau 25 năm, lò phản ứng nguyên tử cần được thay thế hoặc lấy đi chất thải và lấy nguyên liệu mới.

Tuy nhiên tàu ngầm nguyên tử cũng có một điểm yếu là gây nhiều âm thanh do turbine phun nước và sóng động khi di chuyển nhanh. Những tàu ngầm diesel/điện hiện nay như loại Kilo mà Việt Nam mới đặt mua 6 chiếc của Nga, với kỹ thuật mới được xem là êm và khó bị phát hiện hơn, không kể lúc tắt máy nằm im dưới nước hay đậu xuống đáy biển thì hoàn toàn yên lặng. Nhưng như đã nói, tàu ngầm loại quy ước chỉ có thể hoạt động trong ít ngày và không thể đi xa vì cần trở về căn cứ để lấy nhiên liệu nếu không được những tàu chở dầu tiếp nhiên liệu ở những điểm hẹn sẵn.

Âm thanh truyền đi dưới nước với vận tốc gần gấp 5 lần trong không khí và có thể truyền đi rất xa. Các chiến hạm nổi cũng như tàu ngầm đều có bộ phận sonar tìm tàu ngầm đối phương, gần giống như nguyên tắc radar sóng âm thanh do bộ phận này phát đi sẽ dội lại một phần khi chạm vào một vật trong nước kể cả đáy biển. Còn để khám phá ra những tàu ngầm nguyên tử Liên Xô hoạt động ở đâu trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Hải quân Hoa Kỳ đã phải lập một hệ thống nghe (hydrophones) dưới biển trị giá $15 tỷ.

Từ 1958, Liên Xô hạ thủy chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên nhưng thế hệ tàu K-19 lúc đó đã gặp rất nhiều vấn đề, từ trục trặc kỹ thuật đến tai nạn phóng xạ của lò nguyên tử. Ðến năm 1962, những tàu ngầm nguyên tử của Nga mới hoàn chỉnh và bắt đầu có tàu phóng hỏa tiễn chiến lược. Các tàu ngầm nguyên tử của hai phía Thế giới Tự Do và Cộng Sản đã phát triển qua nhiều thế hệ, bao gồm cả loại tàu chiến thuật cũng như chiến lược, được coi như sản phẩm đặc biệt của Chiến Tranh Lạnh.

Tàu ngầm nguyên tử chiến thuật để đánh các tàu từ chiến hạm nổi đến tàu chở hàng, săn đuổi và nếu có thể tiêu diệt tàu ngầm đối phương. Sử dụng khả năng chạy nhanh và xuất hiện bất ngờ nếu không bị phát giác quá sớm, những tàu này trang bị các loại ngư lôi (torpedoes), và hỏa tiễn chiến thuật hải - hải. Tàu ngầm chiến thuật chiếm đa số trong loại tàu nguyên tử.

Tàu ngầm nguyên tử chiến lược mang hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa như loại R-29 của Nga và Trident của Hoa Kỳ với đầu đạn nguyên tử hay quy ước. Những tàu thế hệ đầu tiên phải nổi lên mặt biển khi phóng hỏa tiễn đi nhưng sau đó đều phóng khi lặn, thường là ở độ sâu khoảng 50 mét. Loại tàu này cần phải có cỡ lớn hơn tàu chiến thuật, chiều dài tới 170 mét thay vì khoảng 110 mét.

Trong Chiến Tranh Lạnh, lực lượng tàu ngầm nguyên tử là một trong 3 phương tiện của sức mạnh tấn công bằng vũ khí hạt nhân cùng với hỏa tiễn liên lục địa đặt trong hầm và máy bay oanh tạc tầm xa. Hỏa tiễn đặt trong hầm hay trên xe di chuyển là những mục tiêu khá dễ dàng để đối phương có thể theo dõi thường xuyên và máy bay cũng dễ bị phát hiện. Còn tàu ngầm nguyên tử chiến lược đi dưới mặt nước nhiều tháng khắp các đại dương rất khó biết đang ở nơi đâu và bất cứ lúc nào cũng có thể phóng đi một loạt hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân tấn công mục tiêu mà không cần phải đến gần. Vào thời kỳ cao điểm Hoa Kỳ có 41 tàu ngầm phóng hỏa tiễn chiến lược rải rác thường trực ở các đại dương, được gọi là “41 for Freedom”.

Kể từ tàu ngầm Nautilus năm 1954, Hoa Kỳ đã chế tạo 4 thế hệ tàu ngầm nguyên tử, bao gồm thế hệ thứ hai, tàu ngầm hạng Skipjack, George Washington và Sturgeon; thế hệ thứ ba, tàu ngầm xung kích hạng Los Angeles và tàu ngầm chiến lược hạng Ohio; thế hệ thứ tư, tàu ngầm hạng Seawolf và mới nhất là hạng Virginia, tàu ngầm xung kích chiều dài 115 mét, lượng rẽ nước 7,900 tấn.

Liên Xô và Nga cũng đã chế tạo 4 thế hệ tàu ngầm nguyên tử, mới nhất là chiếc Yuriy Dolgorukiy hạng Borei triển khai năm 2007, tàu ngầm chiến lược trọng tải 24,000 tấn chiều dài 170 mét lớn nhất thế giới. Hồi cuối Tháng Bảy một tàu ngầm loại này được ghi nhận đến hoạt động trên Ðại Tây Dương miền Ðông duyên hải Hoa Kỳ.

Ngoài Hoa Kỳ và Nga, Anh và Pháp cũng chế tạo nhiều tàu ngầm nguyên tử và đặc biệt Trung Quốc tỏ ra nỗ lực tăng cường hải quân của họ bằng loại chiến hạm này với cao vọng tiến lên hàng các cường quốc hải quân. Sau cùng phải kể tới tàu ngầm hạng Arihant hoàn toàn do Ấn Ðộ tự chế tạo trong chương trình $2.9 tỷ phát triển hạm đội tàu ngầm nguyên tử chiến lược của quốc gia Nam Á này.

Nhưng vai trò răn đe nguyên tử ngày nay không còn là trung tâm trong chiến lược của các cường quốc quân sự nữa nên một câu hỏi mà người ta đặt ra là liệu các tàu ngầm nguyên tử có còn cần thiết nữa không?

Hạm đội tàu ngầm nguyên tử Liên Xô qua thập niên cuối thế kỷ 20 dần dần trở nên cũ kỹ lỗi thời, không có đủ ngân sách bảo trì và thay thế. Gần đây chính quyền Nga đã cố gắng phát triển một thế hệ mới với một số ít tàu ngầm tân tiến hơn với hy vọng đáp ứng nhu cầu tương lai. Ngược lại Hoa Kỳ hãy còn khoảng 70 tàu ngầm nguyên tử bao gồm 20 tàu mang hỏa tiễn chiến lược và 50 tàu xung kích. Vấn đề là không phải chỉ có Nga, còn 4 nước khác đặc biệt là Trung Quốc tiếp tục gia tăng số tàu ngầm nguyên tử và ít nhất cũng sẽ trở thành điều lo ngại cho các hạm đội Hải quân Hoa Kỳ như Hạm đội 7.

Ngoài ra tàu ngầm nguyên tử có thể sử dụng thích ứng trong việc can thiệp vào những cuộc chiến tranh khu vực. Một số tàu ngầm Hoa Kỳ hạng Ohio mang hỏa tiễn chiến lược Trident đã được sửa đổi để trang bị hỏa tiễn tầm ngắn và hỏa tiễn bình phi, sẵn sàng hiện diện ở những vùng có khủng hoảng và bắn tới mục tiêu trong vòng 15 phút, nhanh hơn hỏa tiễn đặt căn cứ trên đất liền cũng như máy bay oanh tạc tầm xa hay xuất phát từ hàng không mẫu hạm.

Từ ít năm gần đây Hải quân Hoa Kỳ để cho các tàu ngầm nguyên tử, với khả năng lặn sâu và đi xa dưới biển thi hành nhiều sứ mạng nghiên cứu hải dương phục vụ những công tác nghiên cứu khoa học như môi sinh và tình trạng địa cầu ấm dần. Và người ta hy vọng tương lai những tàu ngầm này sẽ không chỉ có vai trò đe dọa với những đầu đạn nguyên tử gây tàn phá khủng khiếp cho nhân loại.