Home Đời Sống Tài Liệu Đạo đức người thầy trong xã hội

Đạo đức người thầy trong xã hội PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hoàng Thương   
Thứ Năm, 25 Tháng 11 Năm 2010 09:14

 “Dẫu mai đi mọi phương trời
 Những lời thầy dạy đời đời khắc ghi”


 
Tôn sư trọng đạo là một truyền thống lâu đời của dân tộc, bởi khi nhắc đến nghề giáo, trong tâm khảm người Việt thường xem đây là nghề cao quý, nghề của những người tâm huyết đóng góp công sức quý báu vào sự nghiệp trồng người bằng tất cả phẩm chất đạo đức của mình, nên không thể đặt nghề giáo ngang hàng với việc tính toán, mưu cầu danh lợi. Với nền kinh tế tiêu thụ, với nền giáo dục được gọi là xã hội hóa vốn có quá nhiều điều phải bàn như Việt Nam hiện nay, liệu điều đó còn đúng?

Đồng hành với những vấn đề thời sự, với những trăn trở của xã hội, nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo, 20/11/2010, Chương trình Chuyên đề của Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện với đề tài  “SẮC MÀU ĐEN TRẮNG QUA HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY HÔM NAY” do Thầy Giuse Mai Thanh Hoài  - Giám Đốc Trung Tâm Đào Tạo Nguồn Nhân Lực BizPower thuyết trình. Đến với buổi thuyết trình, ngoài các tham dự viên đăng ký tham dự như thường lệ còn có các học viên lớp kỹ năng sống đến để tham gia hoạt náo và để cám ơn người thầy đã huấn luyện họ các kỹ năng làm người trong xã hội ngày nay.

Mở đầu buổi thuyết trình, thầy Giuse lượt qua lịch sử ngày Hiến chương Nhà giáo, theo đó tháng 01 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ đã được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Vào năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Warsaw, thủ đô Ba Lan, FISE đã xây dựng  bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương. Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Warsaw, Hội nghị FISE, có 57 nước tham dự, trong đó có cả Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Tại  Việt Nam, đến năm 1982, ngày 20/11 được chọn làm ngày Nhà giáo Việt Nam, và từ đó dến nay, đây là ngày để học trò thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng của mình đối với thầy giáo, cô giáo, những người đã dày công vun đắp cho xã hội những cây đời mãi mãi xanh tươi.

Đối với sự tương phản của hai màu đen – trắng , hình ảnh cao đẹp của người thầy tựa như sắc màu trắng qua tấm gương của bao thế hệ ông cha từ thời phong kiến đến thời hiện đại, từ khi chịu ảnh hưởng của nho giáo cho đến thời tây hóa không gạn lọc như hôm may.
 
Đó là hình ảnh của cụ Chu Văn An (1292-1370) với triết lý giáo dục là  đem nhiệt tình và tài năng của mình cống hiến cho đất nước, chủ trương giáo dục không phân biệt đối xử. Đối với nội dung giáo dục, ông chủ yếu truyền đạt tư tưởng Nho gia. Việc ông giảng giải và viết “Tứ thư thuyết ước” đã chứng tỏ cho mục đích cao nhất của ông là “giáo kính, giáo trung, giáo văn”, nghĩa là dạy sự cung kính, dạy sự trung hậu, dạy sự văn nhã. Trong giáo dục và đào tạo học trò, ông quan tâm đến việc biên soạn sách để giúp cho người học có được tài liệu học tập. Đây là một điểm mới trong cách quan niệm về nội dung và phương pháp giáo dục của ông. Không chỉ chú trọng nội dung giáo dục về đạo làm người theo tinh thần Nho gia, ông còn biên soạn cả những tài liệu về y học trị bệnh cứu người - “Y học yếu giải tập chu di biên”. Ông cũng viết hai tập thơ “Quốc ngữ thi tập” và “Tiều ẩn thi tập” để bồi bổ thêm tinh thần và kiến thức sâu rộng, toàn diện cho học trò. (Theo bài viết của ThS. Nguyễn Bá Cường đã được đăng trên Bản tin Trường ĐHSPHN và Tạp chí Giáo dục - Bộ GD&ĐT)

Một người thầy được được các sĩ phu miền Nam cùng thời tôn là "Thái sơn Bắc đẩu", là "Gia Định xử sĩ" chính là cụ Võ Trường Toản (? - 1792). Trong thời chiến tranh Tây Sơn - chúa Nguyễn, ông mở trường dạy học ở Hòa Hưng (thuộc huyện Bình Dương; nay thuộc quận 10, Sàigòn), không tham gia vào chính sự. Học trò của ông khá đông và nhiều người nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, Phạm Ðăng Hưng, Lê Bá Phẩm, Phạm Ngọc Uẩn v.v...
 
Đối với người Công Giáo, ắt hẳn nhiều người biết đến cụ Trương Vĩnh Ký (6/12/1837 – 1/9/1898), ông có tên thánh là Jean - Baptiste Pétrus, nên còn gọi tắt là Pétrus Ký. Ông là một nhà giáo, nhà báo, nhà văn và là nhà bác học Việt Nam, thông thạo 26 ngôn ngữ, được ghi trong Bách khoa Tự điển Larousse và là một trong 18 văn hào thế giới của thế kỷ 19. Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật.

“Nhớ câu kiến ngãi bất vi;
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Đây là hai câu thơ trong tác phẩm Lục Vân Tiên, một tác phẩm tiêu biểu, được nhiều người bết đến của cụ Nguyễn Đình Chiểu, trong đó ông đề cao những con người trung hiếu, trọng nghĩa. Cụ Đồ Chiểu sinh năm 1822, mất năm 1888 tại làng An Đức, tỉnh Bến Tre, năm Thiệu Trị thứ 3  (1843) ông đậu Tú tài trường Hương thí Gia Định và ra Huế thi cử nhân cùng thi Hội, nhưng được tin mẹ mất phải bỏ thi về chịu tang. Dọc đường, do thương khóc quá nên mù cả hai mắt. Sau đó ông dạy học và làm thuốc, vì thế người dân gọi là cụ Đồ Chiểu. Nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về tính năng động của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận.Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời, chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu.
 
Người Công Giáo Việt Nam ngày nay không ai không biết đến một người thầy với nhiều bài thuyết giảng, nhiều tác phẩm dạy sống đạo, dạy sống trong lòng xã hội bằng con đường của đức tin, đó là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Có thể kể các tác phẩm của ngài như: Đường Hy Vọng, Niềm Vui Sống Đạo, Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng, Cầu Nguyện, Hãy Trao Tặng Tuổi Trẻ Nụ Cười, và đặc biệt là Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công Giáo.

Đức Hồng Y được biết đến nhiều trên cương vị là Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hoà bình nhưng ngài còn là một người thầy trong chủng viện. Ngài đã đậu bằng Tiến sĩ Giáo luật năm 1959 với luận án “Tuyên uý Quân đội trên thế giới” tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Roma - Italia. Về nước, ngài dạy học tại Tiểu Chủng viện Phú Xuân, sau đó đổi tên là Tiểu Chủng viện Hoan Thiện - Huế. Là cha giám đốc nhưng ngài luôn hỏi han, tươi cười với các chú, thông cảm cho sai sót tuổi trẻ. Không thấy Ngài to tiếng hay quở mắng ai bao giờ, đến nỗi Cha quản lý thốt lên: “Cha bề trên hiền quá, chẳng có chú nào sợ…”. Thật ra, ngài chủ trương giáo dục đặt nền tảng trên yêu thương và gương sáng chứ không phải lề luật và trừng phạt. 

Ngày ngày 22-10-2010 vừa qua, Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình đã chính thức mở Án phong Chân phước cho Ngài. Nói đến Đức Hồng y, nhiều người biết đến Ngài như là con người của hoà bình, niềm vui và hy vọng bởi gương sống đức tin, cuộc đời mục tử với phong thái bình dị, lạc quan, xác tín và hy vọng của ngài trong mọi hoàn cảnh tình huống, dẫu đó là tù đày nghiệt ngã. (tham khảo từ bài viết ĐHY. P. X. Nguyễn Văn Thuận - Con người của Hoà bình, Niềm vui và Hy vọng, Giáo phận Nha Trang).

Trong bối cảnh của nền giáo dục hôm nay với những ta thán của chương trình dạy học nặng nề, của xã hội hóa giáo dục, nghĩa là chuyện giáo dục được cân đong, đo đếm bằng tiền, bằng con số, bằng thành tích, bằng số lượng chứ không bằng chất lượng, có thể nói uy tín của người thầy đang bị giảm sút trước xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tấm gương các thầy cô giáo tận tụy với nghề, tìm tòi nghiên cứu những phương pháp dạy học đem lại hiệu quả cao cho học sinh, đó là những người truyền thụ kiến thức cho học sinh bằng tất cả cái tâm, bằng đạo đức của người thầy, bằng sự nhiệt tình và không thiên vị đối với học sinh. Bên cạnh đó là những thầy cô dám hy sinh, dám dấn thân vì những người nghèo khó để mong đem lại kiến thức cho những trẻ cơ nhỡ khó khăn nơi những lớp học tình thương, những mái ấm, nhà mở… 

Một trong những tấm gương dấn thân vì xã hội có thể kể đến một thầy giáo mù vượt 420 km mở lớp học 'du mục'. Đều đặn 2 ngày cuối tuần, bằng kinh phí tự túc, thầy giáo khiếm thị Nguyễn Phước Thiện lại vượt hơn 400 km đi về, từ TP HCM đến Mũi Né (Bình Thuận), để dạy miễn phí cho trẻ em nghèo mưu sinh ở đồi cát. Hình ảnh bình dị, thân thương đó đã trở thành quen thuộc với người dân và khách du lịch ở khu đồi cát Mũi Né gần 2 năm nay. (vnexpress.net)

Hôm 16/11/2010 vừa qua VietCatholic cũng đã có bài viết về mái trường tình dành cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ được duy trì tại giáo xứ Phan Rí Cửa (Thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận) trong 10 năm qua. Nơi đây, cô giáo hết lòng tận tâm với đám học trò nghèo với tâm nguyện “yêu thương và phục vụ”. Các em đến trường được học miễn phí từ lớp 1 đến lớp 5. Trải qua năm tháng, cô trò gắn bó với nhau không chỉ vì cái chữ mà còn bằng cả tấm lòng yêu thương quý mến nhau.

Trường Tình Thương tại Phan Rí Cửa hiện đang là nơi học tập của gần 100 em học sinh nghèo. Trường được bố trí khá nghiêm túc từ lớp 1 đến lớp 5. Từ năm 2006, trường dạy theo chương trình phổ thông hiện hành hệ 12 năm. Theo lời thuật lại của Linh mục Âu-tinh Nguyễn Văn Lạc, cha xứ Phan Rí Cửa đồng thời là Hiệu trưởng trường, thì trường Tình Thương khởi đầu được hình thành từ nỗi khắc khoải về cái học của một nữ giáo dân đối với những trẻ em nghèo, trẻ em cơ nhỡ ở đây. Người đó là cô Nguyễn Thị Phương Anh, hiện là Hiệu Phó của trường.

Nhắc đến nghề giáo, chúng ta thường nghĩ đến những người thầy, người cô tận tụy, hết lòng với học sinh, sinh viên nhưng vẫn còn đó những vệt đen trong bức tranh cao đẹp về hình ảnh người thầy. Bên cạnh vấn nạn dạy thêm, không phải để truyền thụ kiến thức mở rộng hay kèm cặp những học sinh không theo kịp bài vở ở trường mà là để bù đắp những kiến thức dạy học trò qua loa nơi trường học để kiếm tiền, vẫn còn đó những người sẵn sàng ra tay bạo lực với học trò hay sử dụng các em để thỏa mãn nhu cầu bản năng của mình.

Đau lòng lắm những vụ việc nhan nhản trên báo chí, có thể kể đến vụ cô "tra tấn" trẻ trong thang máy do trong bữa ăn, thấy bé Vinh không chịu ăn nên cô giáo bế bỏ vào thang máy, đóng cửa lại rồi nhấn nút. Giải thích về việc làm này, cô Nữ cho rằng vì muốn làm bé Vinh sợ mà không lường trước được hậu quả. Hậu quả là bé Vinh bị đa chấn thương với nhiều thương tích nghiêm trọng. Suốt thời gian hơn 1 tháng bé Vinh liên tiếp phải trải qua các đợt mổ cắt lọc da đầu, cắt lọc vết thương tay, truyền kháng sinh. (Phununet.com)

Tại môi trường giáo dục nhưng một thầy giáo đề nghị “ôn bài... sung sướng”!  khi mới học xong buổi đầu, thầy giáo nhắn tin cho cô lớp trưởng: “Em có muốn ôn bài với thầy không? Làm em sung sướng là được...”. Câu chuyện xảy ra tại lớp ĐH mầm non chuyên tu (khóa 6) do Khoa Giáo dục Mầm non (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) phối hợp với trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương III mở. Ngay sau buổi học đầu tiên, 126 SV đã đồng loạt ký tên trong đơn xin thay đổi giảng viên PGS.TS Nguyễn Văn Lộc, dạy môn “Phương pháp nghiên cứu khoa học” vì cách “ôn bài sung sướng...” mà ông đã “truyền đạt” cho lớp trưởng. (VietnamNet)

Kế đến, có thể nhắc một câu chuyện ồn ào công luận rất lâu, đó là những cuộc "săn" trinh nữ của hiệu trưởng Sầm Đức Xương, hay câu chuyện thầy giáo dâm ô với trẻ em, để rồi lãnh án 9 tháng tù. Thầy giáo đánh học sinh rạn xương đùi, giáo viên dán băng keo vào miệng học sinh, đánh học sinh gãy sống mũi, giáo viên nhờ học sinh này đánh học sinh khác hoặc nhờ dân quân đánh học sinh... là những câu chuyện bạo lực học đường đáng báo động. Thầy giáo nghiện ma tuý, nhận phong bì, chạy trường, chạy điểm, thậm chí quấy rồi tình dục học sinh... đã không còn là chuyện lạ. Lại thêm một nỗi nhức nhối về đạo đức người thầy khi vụ “gạ tình lấy điểm” của ông Đỗ Tư Đông - Phó trưởng khoa Báo chí Trường Cao đẳng PT-TH TƯ 1 - bị lôi ra ánh sáng.

Những chuyện trên dù chỉ rất ít nhưng đã tác động lớn đến đời sống xã hội và làm hoen ố hình ảnh của một nghề cao quý được cả xã hội tôn vinh. Đó còn là sự xúc phạm ghê gớm đến những nhà giáo chân chính, đến truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Trong ngành giáo dục ngày nay có thể nói có 2 loại giáo viên là thầy dạy và thợ dạy. Thầy dạy là những người có nền tảng đạo đức vững chắc với khả năng sư phạm và nhân cách tốt đẹp, có cách ứng xử đúng đắn, khéo léo trong mọi tình huống nhằm tuyền thụ không chỉ kiến thức cho học trò mà còn dạy trò cách học làm người bằng lòng yêu thương con người của chính người thầy. Còn thợ dạy là những người chỉ xem nghề giáo đơn giản là một nghề kiếm sống thông thường chứ không phải vì yêu thích và đeo đuổi nghiệp làm thầy.

Tại sao có những sắc đen trong bức tranh giáo dục? Bằng cách phân tích Nhu cầu và Mong muốn theo Thang Nhu Cầu của MASLOW thầy Giuse Mai Thanh Hoài đã đưa ra phân tích:

- Nhu cầu sinh lý học: Ngành giáo dục ngày nay đã không chú trọng đến nhu cầu cơ bản của giáo viên khi nhu cầu cơ bản nhất của con người là làm sao được no bụng. Chính cuộc mưu sinh mà xã hội đã biến người thầy mất đi tâm huyết của nghề giáo vì không phải ai cũng cam chịu cảnh sống thiếu thốn để giữ vững đạo làm thầy.

- Nhu cầu an toàn: cả về tinh thần và vật chất là làm sao để người ta sống mà không phải sợ, như lo sợ về thu nhập, lo sợ về thất nghiệp. Đối với người thầy nhu cầu an toàn chính là hình ảnh người thầy trước mắt học trò.

- Nhu cầu xã hội: Người ta thường truyền nhau rằng: “thầy giáo, tháo giày”, vì hai nhu cầu trước không được đáp ứng đầy đủ, người thầy không được chỉnh tề trong cách đi đứng, ăn mặc nên địa vị người thầy mất đi trong mắt học trò.

- Nhu cầu lòng tự trọng: món quà 20/11 mất đi ý nghĩa khi vấn nạn quà cáp tràn lan, đôi khi người thầy không được tôn trọng trong suy nghĩ của học trò, của phụ huynh qua hành động tặng quà.

- Nhu cầu tự thể hiện mình: nhân cách, giá trị, những tiềm năng và khát vọng của người thầy không được phát huy trong chính môi trường giáo dục.

Là người Công Giáo, chúng ta cần Noi Gương Chúa Giêsu, Người Thầy tuyệt vời nhất bằng cách suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu để nhận ra nhiều bài học sống, đọc và tìm hiểu Kinh Thánh, luôn bám chặt Đức Tin – Đức Cậy – Đức Mến cùng với việc đọc và thực hành giáo lý căn bản: Mười điều răn, Tám mối phúc thật, Kinh Lạy Cha …

Trong đời sống hàng ngày, trước tiên gia đình phải là cái nôi của giáo dục: “Hãy là Người thầy đầu tiên đối với con bạn: không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy con bạn làm người “ và “Hãy là người Thầy về Giáo Lý đầu tiên hướng dẫn con bạn trong đời sống đức tin”. Có như vậy, cha mẹ mới theo sát và chăm lo cho con cái để chúng có thể học thành tài nhằm giúp ích cho xã hội, cho Giáo Hội, chứ không chỉ đơn thuần học để có được một nghề kiếm sống. 

Sài gòn, ngày 24 tháng 11 năm 2010