Home Đời Sống Tài Liệu Thìn có thật là Rồng?

Thìn có thật là Rồng? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Sơn Hà   
Thứ Hai, 23 Tháng 1 Năm 2012 15:30

Nhân dịp năm Nhâm Thìn 2012 có nhiều tác giả viết về con Rồng với nguồn gốc và ý nghĩa tuy có thể hơi khác nhau, nhưng xét cho cùng thì cũng tương tự như nhau.

Có người thì bảo là “biểu trưng cho sức mạnh phi thường”, có kẻ thì cho “Rồng là biểu tượng của vương quyền cao cả ”. Như hai bài viết tiêu biểu có tựa đề “Năm RỒNG và Triết lý của RỒNG” của tác giả Hà Sĩ Phu đăng trên mạng Đàn Chim Việt và “Xuân Nhâm Thìn ngẫm con Rồng, theo ý nghĩa của người Công Giáo” của LM. Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh đăng trên trang mạng “Thông Tin Ngôn Luận”. Vì vậy, trước khi mạo muội góp ý về vấn đề này, người viết xin được trích dẫn lại sau đây hai bài viết này để bạn đọc có một khái niệm về chủ đề này với sự khác biệt nhau về nguồn gốc và ý nghĩa nếu có. Nhưng nếu có sự khác biệt về ý nghĩa thì cũng do sự hiểu sai lầm về nguồn gốc và vì từ đó làm cản trở sự tiến hóa để quy về Cội Nguồn của con người. Đó là Sự Sống, là Tình Yêu, là Chân Lý, là Thượng Đế vì vậy mà nguồn gốc và ý nghĩa chữ Thìn cần phải được hiểu đúng theo nhân sinh và vũ trụ quan của Tổ Tiên.

“Trong 12 con giáp thì 11 con là Thực, chỉ có Rồng là Mộng, do con người tưởng tượng mà ra. Rồng được lấy gốc từ một loài bò sát như rắn nhưng lại có chân, na ná như thằn lằn, như con kỳ nhông, lại phảng phất một chú khủng long Dinosauria tiền sử.
Có lẽ lấy một thân hình như vậy làm “cốt” (armature draft) người ta dễ chế tác, dễ chắp thêm những cấu tạo, những chi tiết, những chức năng…tuỳ theo trí tưởng tượng của mình để tạc nên một hình tượng biểu trưng cho sức mạnh phi thường.

Con người thuở xưa mơ ước một hình tượng của sức mạnh là điều dễ hiểu, khi thấy mình quá nhõ bé và yếu ớt trước những sức mạnh của thiên nhiên và những trói buộc của xã hội. Những sức mạnh của mãnh thú như hổ báo, như voi ngà, như tê giác, cá voi, như chim ưng…quả là đáng quý nhưng tất cả những sức mạnh có thật ấy không đủ để chế ngự những tai hoạ mà con người phải đương đầu, con vật mạnh mặt này thì yếu mặt khác. Con người hằng ước mơ có một“đấng sinh vật” hoàn thiện như thần thánh, tổng hợp được mọi sức mạnh của muôn loài gộp lại. Những thần dân lao động thấp cổ bé họng cần một sức mạnh như thế đã đành, nhưng giới vua chúa cũng cần một uy vũ tuyệt đối như vậy để bảo chứng, bảo kê cho cái ghế oai phong tột đỉnh của mình khỏi bị xâm phạm.

Được thúc đẩy bởi khát vọng ấy, con người từ thế hệ nọ sang thế hệ kia cứ mặc sức đem trí tưởng tượng mà tô vẽ, mà điểm xuyết vào cơ thể một con vật tưởng tượng, từ đó mà thành Con Rồng với những mẫu mã thiên biến vạn hóa.
Rồng trở thành một lối thoát tâm linh. Thật vậy, chỉ trong tưởng tượng con người mới có thể hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc vào bất cứ quy luật thực tế nào, con người được bay lên khỏi mặt đất, thấy mình hoàn toàn sung sướng, thấy mình như có sức mạnh vô biên, như được làm chủ hết cả thế giới.

Chẳng thế mà Rồng vừa biết trườn như rắn, lại thêm chân, thêm móng, vừa có cánh bay trên trời, vừa bơi trong nước, vừa chạy băng băng trên bộ như khủng long…Rồng có thể hút nước, phun mưa, lại khạc ra lửa, làm chủ trên mọi môi trường, trên mọi địa hình địa vật. Một mình Rồng kiêm cả Thuỷ Lục Không quân. Rồng vừa mềm mại nhu thuận như đấng quân vương chở che dân lành, lại vừa trừng mắt, nhe nanh, múa vuốt để sẵn sàng xé xác bất cứ kẻ nào chống lại.

Về hình thể có lúc như rắn, biến màu như kỳ nhông, như khủng long bay Pterosaurus, có lúc như chim, như bướm, có khi như cá, có khi như hổ báo, có khi như ngựa, như người…Chỉ trong tưởng tượng, trong khát vọng, người ta mới có quyền, và có thể vô lý đến như thế, nghĩ ra một thứ không thể có thực trên đời.

Rồng là bản ghi chép thật đầy đủ, nó cho biết con người đang thiếu thốn những gì, đang yếu ở những điểm nào, đang ở trình độ ra sao và đang ước muốn những gì. Khát vọng đương nhiên là chân chính, nhưng chỉ có sự PHI LÝ đến tận cùng, mâu thuẫn đến tận cùng, mới thoả mãn được sự “tổng hoà” những ước vọng vô cùng vô tận ấy. Ví dụ một con vật có cấu trúc chắc nịch và hùng dũng để làm chúa trên mặt đất làm sao có thể nhẹ nhàng bay trên trời, làm sao một con vật chuyên hút nước tưới cho mùa màng như Rồng nhưng ở nơi khác lại phun ra lửa…Rồng cũng có đôi, sóng đôi như âm với dương, nhưng hài hoà đến mức con người phải ghen tỵ: “Thế gian được vợ hỏng chồng, đâu có như Rồng mà được cả đôi?”. Ra thế, Rồng là tượng trưng của sự hoàn thiện.

Cho nên nhìn bộ sưu tập Rồng con người sẽ nhận ra hình bóng mình trong đó, rất gần gũi trong tâm tưởng, nhưng lại cao xa như ở chốn Bồng lai, vừa hữu lý lại vừa vô lý (mời xem thêm ở phần phụ bản).
Mười một con giáp có thật chính là thế giới thật, nhưng thế giới thật không đủ thỏa mãn cho con người. Con người cần một thế giới giả, một thế giới tưởng tượng không bị ràng buộc để được tha hồ bơi trong đó, để bay trong đó, tung tăng chạy nhảy trong đó, để thư giãn, để hồi tỉnh, để phục hồi năng lượng trước khi trở về thực tế với những con Chuột tiểu nhân, con Hổ bạo lực, con Khỉ tinh ranh, con Dê tự do, con Trâu hiền lành, con Lợn ụt ịt…”
(trích phần đầu của bài “Năm RỒNG và Triết lý của RỒNG” của tác giả Hà Sĩ Phu.)

Hay như :
Xuân Nhâm Thìn ngẫm con Rồng, theo ý nghĩa của người Công Giáo

Vận mạng nòi giống Con Rồng Cháu Tiên
LM Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh
Đức Quốc, thứ năm ngày 29 tháng 12 năm 2011,
Lễ kính Giám mục tử đạo Thomas Becket
Rồng theo hình ảnh người Á Đông và Việt Nam

Con Rồng nằm trong tứ linh: Long , Lân, Quy, và Phượng, đã ăn sâu vào tâm thức văn hóa dân gian Việt Nam. Có người gọi bốn con vật linh thiêng này là Long, Ly, Qui, Phụng. Long là con Rồng, Lân hay Ly là con kỳ Lân; Qui là con Rùa và Phụng hay Phượng là loại chim qúi. Trong bốn vật thần linh này, chỉ có con Rùa là thật. Nhưng có lẽ chỉ có „rùa ông“, giống rùa qúi ở Hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) cho Rùa vàng của vua Lê Thái Tổ, là có thể gọi là „linh“. Còn những con rùa bắt ở đồng ruộng song ngòi, thì có lẽ chỉ để làm cảnh hoặc cho vào nồi. Riêng Rồng và con kỳ Lân (thuộc loài Nai) là những con vật sống trong sự tưởng tượng phong phú của chúng ta, mang mầu sắc huyền thoại.

Con Rồng đứng đầu tứ qúi Linh, thì có lẽ là loại Chúa tể của loài vật, nên chúng ta chọn nó làm biểu tượng cho người Việt?
Rồng là biểu tượng của vương quyền cao cả, là con vật mang lại tốt đẹp hạnh phúc ấm no an vui giàu sang thịnh vượng, v.v. Rồng là loài ưa chuộng nhất để chọn biểu tượng của người Á Đông và của người Việt Nam chúng ta, do tư tưởng sùng bái loại thú huyền thoại này. Nhưng hình ảnh của nó bám sâu vào mọi lãnh vực văn hóa văn chương, trong tục ngữ ca dao, phong tục, trong nghệ thuật kiến trúc, trạm trổ điêu khắc, hội họa và ngay cả trong các món ăn thức uống. Hình ảnh con Rồng thấm nhuần vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Nhiều địa danh cũng lấy con Long đặt tên. Đã vậy, người Việt chúng ta còn tự hào là dòng giõi của Rồng. Không một dân tộc nào hãnh diện có nguồn gốc xuất phát từ loài Rồng, ngoài người Việt Nam. Rồng mang nghĩa rất tích cực và xây dựng, đối với người Á Đông nói chung và người Việt Nam ta nói riêng.

Nhưng, ai trong chúng ta đã thật sự nhìn thấy con Rồng?! Vì con Rồng, là một vật hoang tưởng, một Linh huyền thoại ảo tưởng. Nhưng tại sao dân tộc ta vẫn tự hào là hậu duệ nòi giống Tiên Rồng? Tiên là loại người. Nhưng Rồng loại gì? Loài vật, chim, hay thuộc loài rắn? sống ở đâu? Qua văn chương, chúng ta mô tả con Rồng là loại Khủng long biết bay (có cánh hay không có cánh?).

Vì đây là vật huyền thoại nên chúng ta thần thánh hóa con Rồng là loại thần linh, giống như con Quy (rùa) ở Hồ Hoàn Kiếm. Có lẽ Rồng sống trên thiên cung, chứ không sống trong hang động rừng rú. Con Rồng, qua hình ảnh văn chương, là một loại Khủng long uy quyền nhất so với tất loại thú vật. Cũng giống như người Đức. Họ lấy biểu hiệu là con chim Đại bàng, -loài chim hiện hữu-, tượng trưng cho Vua Chúa, sức mạnh, to lớn, hùng dũng uy quyền; Thì chúng ta lấy biểu hiệu con Rồng, -loại chim huyền thoại, hoang tưởng, dã tưởng-. Loại uyển chuyển linh động, loại vương quyền.

Đối với người Trung Hoa, thì RỒNG ĐỎ là biểu tượng cho họ. Nhưng người Việt thì lại chọn là con RỒNG VÀNG, đặc trưng cho dân tộc Việt. Rồng là con vật được người Á Đông ưa chuộng nhất trong khi chọn biểu tượng, vì Rồng tượng trưng cho uy quyền tột đỉnh Vua Chúa ngày xưa.
Rồng vàng, Rồng đỏ liên quan gì đến vận mạng dân tộc Việt Nam? Và loại Rồng nào có trong Kinh thánh. Rồng dưới con mắt người Công giáo.

Hình ảnh con Rồng theo nghĩa người Công giáo

Trong sách Khải Huyền, thì con Rồng là hiện hữu của sự Ác, kiểu nói để chỉ Satan. Ám chỉ đến con rắn Địa đàng trong Cựu Ước. Rồng được nhân cách hóa thành qủy là Satan, loại người hung ác gian manh giả dối, ăn nói lộng hành phạm đến danh Thiên Chúa, phạm thượng nơi thờ phượng và xúc phạm đến những bậc thánh trên Trời (Kh 13, 6). Họ vẫn cứng lòng không chịu hối cải mà từ bỏ các hành vi mạ lỵ văng tục của mình (Kh 15, 11). Và trong Kinh Thánh, chỉ nhắc đến con RỒNG ĐỎ. Nó đỏ như lửa. (Khải Huyền 12, 9; Và 20, 2). Kinh thánh mô tả con Rồng như sau:
„Nó to lớn, đỏ như lửa. Nó có bảy đầu và mười sừng và trên bảy đầu đều có vương niệm” (xem Kh 12, 3).

„Đuôi nói quét hết gần một phần ba các ngôi sao trên trời quẳng xuống đất. Rồi con Rồng đứng chực sẵn trước người phụ nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.” (Kh 12, 4)
“Đầu nó có bảy sừng là bảy vua. Năm vua đã đổ, một vua hiện còn, một vua khác chưa đến, và khi vua này đến thì phải ở lại ít thời gian thôi” (Kh 17, 10).
“Con Rồng đỏ là vua thứ tám. Nó cũng thuộc số bảy vua và đang dẫn tới chỗ diệt vong. Mười sừng là mười vua chưa nhận được vương quyền” (Kh 17, 10-12).

Rồng biểu tượng sấm truyền cho một chủ thuyết, một vương quốc, cho một triều đại, một chế độ, một kẻ độc tài. Hình ảnh diễn tả con RỒNG rất là to lớn uy quyền, vĩ đại (Kh 13, 2). Con Rồng đỏ, còn liên quan đến Con Mãng Xà, thuộc loại rắn phun nước. Nó thuộc loại thủy (Kh 12, 15).
Đồng thời Rồng đỏ cũng biểu hiệu tiên đoán cho sự tan rã suy tàn và sụp đổ của một chế độ to lớn gian ác. «Rồng đỏ» còn biểu tượng cho những chế độ Cộng sản tại Đông Âu, Việt Cộng, Cộng sản Cu ba, bắc Triều tiên.. Nhưng, biểu tượng tiêu biếu nhất đó là nước Cộng sản Trung Cộng. Mầu đỏ là cờ máu của chủ nghĩa vô tưởng tàn ác này.

Cuộc giao tranh vĩ đại giữa con Rồng đỏ và tổng Lãnh Thiên Thần Michael cùng với các triều thần “Và đã xẩy ra cuộc đại chiến trên trời. Michael và các thiên thần của Ngài giao chiến với con Rồng… Nhưng nó không có sức cự lại… Nó bị xô nhào xuống đất » (Kh 12, 7-9).
Đây là cuộc đại chiến giữa sự ác và sự Thiện, giữa dòng giống của kẻ ác độc và nòi giống của những người thiện tâm, hậu duệ của Đức trinh Nữ Maria, mà con đầu lòng của Mẹ là Đức Chúa Giê-su Kytô. Đấng là đầu Hội thánh, thủ lãnh dân Chúa khắp toàn cầu. Và tất cả những ai tuyên xưng danh Ngài, đều là con cái của Ngài. Trong trận chiến này, Kinh Thánh nói rất rõ sự chiến thắng khải hoàn diệt con Rồng đỏ.

“Chúng sẽ giao chiến với Con Chiên và Con Chiên sẽ thắng chúng, vì Con Chiên là Chúa các Chúa, Vua các vua. Những kẻ đi theo Người, tức là những kẻ được kêu gọi “ (nguồn: Ngôn Luận)
Theo học giả Nguyễn Cung Thông về ngôn ngữ cổ Việt thì Thìn tức là Thần như tác giả chứng minh trong bài viết “Nguồn Gốc Việt (Nam) của tên 12 con Giáp Thìn Thần Long Rồng Rắn”.

Vả lại theo tự điển Hán Việt (XB. 2002) của Nguyễn Tôn Nhan không có chữ Thìn mà chỉ có chữ Long viết với bộ Long, là một trong bốn ”tứ linh”: Long, Ly, Quy, Phụng và có nghĩa là Rồng. Vì chữ Thìn là tiếng Nôm tức tiếng Việt ngày nay, và theo đại tự điển chữ Nôm (XB. 2007) của Trương Đình Tín & Lê Quý Ngưu thì chữ Thìn viết với bộ Thần, đọc trại là “thần” cũng đọc là “thời” : vị thứ 5 trong 12 Địa chi, tượng trưng con Rồng. Nên nếu xét cho cùng lý tận tính thì Thìn có nghĩa là Thần và biểu tượng bằng con Rồng là “Thần lực” ; chứ không có nghĩa là con Long tức con Rồng do bọn bá đạo nhà Hán suy diễn với hình ảnh như trong óc tưởng tượng của mỗi người. Vì bọn thanh giáo của các triều đại Trung Hoa kể từ thời Tần đã không thấu hiểu nổi nền tảng của triết lý nhân sinh Việt tộc chính là Minh Triết (hay Đạo Việt) với cơ cấu Từ, Tượng, Số, Chế, rồi đi “suy bụng ta ra bụng người” bằng cách đem gán ghép cho con thuồng luồng hay cá sấu những tính chất hoang đường, vĩ đại, hay sức mạnh phi thường kiểu khủng long quái vật ! Tệ hơn nữa cho cái đám bá đạo đó là bọn tiểu nhân đi bợ đít để “nịnh thần” để tâng bốc vua chúa thời bấy giờ bằng những ảo tưởng đó, nên từ đó mới bày bịa những ý nghĩa vương quyền, thần quyền với những danh từ như long thể, long mão, long bào, long xa, v.v… với những hình con rồng chưa bao giờ ai thấy, nhưng lại đem đi thêu, khắc, chạm, trổ… khắp xứ khắp nơi, thì có phải là một đám gian thần tiểu nhân ngu si dốt nát như cái bọn “đỉnh cao trí tệ” ngày nay nên mới có đầu óc mê tín dị đoan ?!!

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại ở đây rằng chữ Nôm còn gọi là chữ cổ Việt dùng để viết những tài liệu cổ xưa thời Trung Hoa cổ đại, nên gọi là Cổ Văn đã có từ trước thời Tần, thời Hán, chứ không như hầu hết trí thức người Việt ai cũng tưởng cách sai lầm trầm trọng từ xưa đến nay là chữ Hán có trước và chữ Nôm. Vì vậy những ai còn nghi ngờ hay chưa biết điều này thì hãy tìm đọc những tài liệu nghiên cứu mới nhất gần đây như “Chữ Nho và việc học chữ Nho” của tác giả Lê Văn Ẩn, hay “Nguồn gốc chữ Nôm” và “Chữ Nôm cổ xưa và ý nghĩa của Việt” của tác giả Đỗ Thành. Chứ đi tin những gì viết trên Wiki như : “…Chữ Nôm ra đời bắt nguồn từ tư tưởng chống Hán hóa, là ý thức phản vệ của dân tộc trước những gì có tính ngoại lai. Vào thời kỳ Bắc thuộc, người phương Bắc tràn vào Việt Nam với dụng ý muốn đồng hóa dân tộc Việt, chữ Nôm ra đời chống lại xu hướng Hán hóa của người phương Bắc, đồng thời khẳng định tinh thần dân tộc…”

Hay : “…Trong một số nghiên cứu vào thập niên 1990, các học giả căn cứ vào đặc điểm cấu trúc nội tại của chữ Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối chiếu hệ thống âm tiếng Hán và tiếng Hán Việt đã đi tới kết luận rằng âm Hán Việt (âm của người Việt đọc chữ Hán) ngày nay bắt nguồn từ thời Đường-Tống thế kỷ 8-9. Và nếu âm Hán Việt có từ thời Đường, Tống thì chữ Nôm không thể ra đời trước khi cố định cách đọc Hán Việt (nếu xét chữ Nôm với tư cách hệ thống văn tự) và chỉ có thể ra đời sau khoảng thế kỷ thứ 10 khi người Việt thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc với chiến thắng của Ngô Quyền vào năm 938. Bước sang thời kỳ tự chủ bắt đầu vào thế kỷ 10 chữ Nôm được hoàn chỉnh dần và mãi đến thế kỷ 13-15 mới phát triển mạnh mẽ trong văn chương.” (Wikipedia)… thì đúng là sai lầm vì thiếu nhất quán. Nên đó chỉ là suy diễn thiển cận của những trí thức hay sử gia duy lý nên hoàn toàn sai lạc đối với những khám phá khảo cổ mới đây rất đáng quan tâm như chẳng hạn tài liệu “Việt Nhân Ca” của tác giả Đỗ Thành.

Do đó, không còn nghi ngờ gì nữa về nguồn gốc chữ “Thìn” là chữ Nôm tiếng Việt với nghĩa nguyên thủy là “Thần” như trong Kinh Dịch có câu định nghĩa là “Thần vô phương”(H.T.T.) với nghĩa là Thần không ở nơi nào nhất định. Như vậy có nghĩa là Thần có tính cách uyển chuyển, biến động và thấu triệt… nghĩa là (sự) vật nào càng giàu thể tính năng động và thẩm thấu thì càng giàu tính chất siêu linh, nên mới gọi là “Tinh Thần”. Cho nên nếu xét các sinh vật sống trên trái đất này thì chỉ có con người là giàu thể tính năng động và thẩm thấu nhất nên mới có tính chất siêu linh. Do đó mới nói là “nhân linh ư vạn vật” là vì con người có “tâm linh” và vì được cấu tạo bởi “tam bảo” là Tinh-Khí-Thần.
 
Cho nên Kinh Dịch mới định nghĩa “sự sinh sinh biến hóa không ngừng gọi là Dịch ; sự thành tượng (như “lưỡng nghi sinh tứ tượng”) gọi là Càn hay Trời (còn nói là “tại thiên thành tượng”) ; sự thành (hiệu) quả với mô hình theo pháp lý tự nhiên rõ ràng gọi là Khôn hay Đất (còn nói là “tại địa thành hình”) ; hiểu được sự biến hóa cùng cực này qua quẻ số (bói phệ với thẻ cỏ thi) thì biết được “cát hung” của việc tương lai nên gọi là Chiêm ; làm cho vật bế tắc khai thông được để biến hóa theo tự nhiên gọi là Sự, (hay còn nói “dịch cùng tắc biến, biến tắc thông” do vậy muôn việc mới sinh ra) ; sự cùng cực của sự biến hóa kỳ diệu (thần diệu) của hai luồng tinh Khí âm dương, không thể hình dung, đo lường hay tính toán được gọi là Thần : “Sinh sinh chi vị Dịch, thành tượng chi vị Càn, hiệu pháp chi vị Khôn, cực số tri lai chi vị Chiêm, thông biến chi vị Sự, âm dương bất trắc chi vị Thần”. (H.T.T.)

Như vậy Thìn có nghĩa là Thần Khí, như Trang Tử (~365-290 TCN) đã nói : “người ta sinh ra là do Khí tụ. Khí tụ thì sống khí tán thì chết”. Cho nên nói rằng : “khắp cả gầm trời đều là khí mà thôi”. “Nhân chi sinh dã, khí chi dụ dã, tụ đắc vi sinh, tán đắc vi tử… Cố viết : thông thiên hạ nhất khí nhĩ.” Hay còn gọi là Tinh Khí như trong Kinh Dịch có câu : “Tinh khí vi vật” (H.T.) nghĩa là khí tinh tuyền làm nên vạn vật. Hoặc với nghĩa tương tự như trong Kinh Thánh Tân Ước có câu : “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống.” (Ga. 6,63).

“Lời Thầy là Thần Khí ” nên “Lời Thầy” ở đây có nghĩa như “Ngôi Lời” hay “Logos” chính là Nguyên ngôn, là Chân lý, là Thiên lý, là Lý Thái Cực tức là lý nhất quán thâu suốt tâm linh đến lý trí. Nên “Lời Thầy” có thể hiểu là “Tính Bản Nhiên” hay “Tính Bản Thiện” (nhân chi sơ tính bản thiện). Gọi là “bản nhiên” nghĩa là hoàn toàn căn để và hồn nhiên chưa một chút chi thuộc thụ động pha tạp vào, nên chỉ có thể hội được bằng tâm thức vũ trụ tức là của các bậc tiên thánh mà thôi. Vì đây là đợt hoạt lực tinh ròng chưa pha trộn mảy may thụ động nào, như vậy tức là hoạt lực vô biên biểu lộ bản tính trọn hảo vô cùng như Thần nên có Tính Linh, vì vậy tiếng Việt mới nói là (có) “linh tính”.
Do đó, Thìn hay Thần là Tinh Khí, là Thần Khí còn gọi là Tạo Hóa, là Ông Trời, là Thiên Chúa, là Ngọc Hoàng, là Thượng Đế,… là Cội Nguồn mọi sự, vạn vật của Càn Khôn Vũ Trụ.
Nhưng nếu Thìn là Thần Khí, là Ngọc Hoàng Thượng Đế… thì tại sao Thìn lại nằm ở vị trí thứ 5 trong 12 con Giáp mà không là ở vị trí thứ nhất ?

Thưa đó là Tinh Hoa của nền văn hóa Việt tộc, chính là Minh Triết Việt hay Đạo Việt là triết lý nhân sinh “độc nhất vô nhị” mà Việt Nho gọi vị trí cùng cực đó là nơi “Chí Trung”, “Chí Hòa”, “Chí Thành”, hay còn nói là ở nơi “Hoàng Cung Trung Thổ” có nghĩa là con người đắc Đạo nên gọi là “Đại Ngã Tâm Linh” chính là thành Nhân, thành Tiên (Thánh), thành Thần vậy. Vì vậy người viết đã nhiều lần đề cập đến ý nghĩa “số 5” như Tết Đoan Ngọ, mồng 5 tháng 5, hay như triết lý nhân sinh đúc kết qua cơ cấu huyền số 5 trong Hà Đồ và Lạc Thư.

“Hà Đồ và Lạc Thư là những thực thể văn hóa xuất hiện hoặc bên ngoài Kinh Dịch, hoặc từ Kinh Dịch nhưng về sau đã được thâu nạp vào Kinh Dịch cách thẩm thấu đến nỗi ngày nay ta không còn ngần ngại coi đó như phần căn bản của kinh Dịch và nó biểu thị các chiều kích của tâm thức con người. ” (1)
   

“Lạc Thư tàng chứa nền Minh triết đã vượt qua hai loại nguy cơ đó để đi thẳng vào trung cung là nhân tính phổ biến, và từ đấy chiếu giãi ra vạn sự vạn vật, gây nên mối thái hòa tức hòa theo lối tam tài là lưỡng nhất tính: vòng ngoài có thành có sinh, các số 1, 2, 3, 4 chen kẽ với các số 5, 6, 7, 8 như vậy là lưỡng, còn Nhân tính ở trung cung là Nhất, tức là Nhất thể Tâm linh, bao trùm lấy hai cực sinh, thành và điều hợp tất cả trong một nền thống nhất sống động uyển chuyển. Nhờ đó triết gia không ly thế cũng không trừu tượng, song là lăn lưng vào việc, nhưng khác thông tục ở chỗ ý thức được Đạo (số sinh) nằm ngay trong đời (thành). Khỏi cần đi tìm Đạo xa xôi trên núi hay ở đâu đâu, nhưng ngay trong những việc thường nhật, những việc căn bổn nhất của xã hội: tề gia, trị quốc, an quốc, nên gọi là triết lý an vi, để biểu lộ sự nhập thể của Thường Hằng. Bởi vậy đem ngay những con số của Lạc Thư ra làm ngăn chứa đựng các việc của con người sống trong xã hội, và gọi là Hồng phạm (xem hình liền sau và xem giải rộng trong quyển chữ Thời, chương triết lý Hồng phạm).


Phạm là mẫu mực, Hồng là lớn lao, tức là cái mẫu phổ biến (thập tự nhai) chiếu giãi vào sự vật, cũng như mọi hành vi tác động con người không gì phải khẳng định kiểu duy lý, hay phủ định kiểu phi lý, nhưng là hàm lý chấp nhận cả lý cả tình, cả ý thức lẫn tiềm thức, nên không có triết lý mà lại có, có mà lại không. Đó là nền triết lý an vi rất khó được nhìn nhận vì nó kết tinh ngay vào những việc ăn làm hằng ngày: tu, tề, trị, bình… mà không mặc một hình thức riêng biệt, nên dễ lọt mắt xanh các triết học gia.” (2)

Vì vậy mà phong tục tiễn đưa ông Táo chính là triết lý nhân sinh, là triết lý “Có Thực mới vực được Đạo”, để nhắc nhở cho con người bị lôi cuốn bởi dòng đời quanh năm suốt tháng, thì coi chừng cũng giống như “con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” ! Do đó mà mỗi năm cứ vào ngày 23 tháng chạp ở xứ Việt Nam ai nấy đều lo tiễn ông Táo qua việc cúng tế mà trong nghi thức luôn luôn có những vật tiêu biểu như y phục mũ cánh chuồn, đôi hia, với con cá chép. Đây không phải là chuyện hoang đường kiểu mê tín dị đoan như có nhiều trí thức vong bản rồi vong thân tưởng đâu ; nhưng đó là chính là ý nghĩa triết lý áp dụng vào đời sống với cứu cánh là làm cho con người sống quy Tâm để thành Nhân, thành Tiên (Thánh), thành Thần. Cho nên y phục của ông Táo với mũ cánh chuồn và chân đi đôi giày vuông với tay cầm thẻ ngà (sớ) là xiêm y của vua (vương), đó cũng là ý nghĩa muốn làm người phải “đầu đội Trời chân đạp Đất ”. Vì cái mũ cánh chuồn chỉ nét Thiên và hai tay cầm thẻ ngà trước ngực chỉ nét Nhân, sau đến đôi giày vuông chỉ Địa. Đó là ý nghĩa tam tài gồm Thiên-Địa-Nhân. Và đồ cúng cho ông Táo ăn là con cá chép không phải để cho ông Táo lấy sức bay lên Trời, nhưng là ý nghĩa “cá hoá rồng” như ca dao có câu:

Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng

Nên sự “cá (chép) hóa rồng” chính là hình ảnh tượng trưng cho ý nghĩa của sự biến hóa cùng cực kỳ diệu, thần diệu của hai luồng tinh Khí âm dương trong trời đất ở mọi nơi, mọi sự và mọi vật, mà đối tượng chính là con người. Vì vậy mà cứu cánh của con người là phải “Sống Thực” với tâm chánh ý thành, tức sống sao cho tiến hóa để có thể biến hóa thành Nhân, thành Thần hầu mới có thể quy về làm Một với Cội Nguồn, chính là Chân Như, là Thượng Đế, là “Thiên Địa Vũ Trụ Vạn Vật Nhất Thể”. (xin xem thêm “Triết Lý Ông Táo”)

Tóm lại, qua những gì đã diễn giải trong khuôn khổ bài viết này, chữ Thìn không có nghĩa là con Rồng với hình ảnh tưởng tượng của đám “đỉnh cao trí tuệ” thời nay cũng như thời xưa. Vì dốt nát về triết lý nhân sinh nên chẳng hiểu biết gì về Đạo Trời tức là Đạo làm Người, thành thử đâm ra có đầu óc mê tín như bọn du mục phương Bắc thời thượng cổ. Vì vậy người viết hy vọng từ nay những ai có duyên đọc được bài này và nếu hiểu được ý nghĩa của Thìn là “Thần vô phương” với biểu tượng Rồng là Thần lực (hay Đức là linh lực của trời đất), thì trong năm Nhâm Thìn sắp tới này cũng là thời buổi mạt kiếp, hãy mau vứt bỏ gánh lo đi để mà quy Tâm (quy Tông) hầu có thể biến hóa như Thần mà quy về Cội Nguồn chính là Chúa, là Phật, là Ngọc Hòang Thượng Đế vậy.

Ước mong cho bạn được như vậy và cầu chúc cho bạn ”vạn sự như ý ” trong Năm Mới này.
Viết xong ngày 6 tháng 1 năm 2012.
(tức 13 tháng chạp năm Tân Mão)
——————————–
*Ghi chú tài liệu tham khảo :
- Kinh Dịch
- Kinh thánh Tân Ước
- Tác phẩm “Chữ Thời” của Kim-Định
- (1), (2) : Trích tác phẩm “Dịch Kinh Linh Thể” của Kim-Định