Home Đời Sống Tài Liệu Khi nồi bánh chưng không còn tỏa khói

Khi nồi bánh chưng không còn tỏa khói PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Hà, phóng viên RFA   
Thứ Hai, 23 Tháng 1 Năm 2012 18:33

Nhưng đã từ lâu lắm rồi, nhiều gia đình Việt Nam không còn biết đến nồi bánh chưng

Theo truyền thống của người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là dịp để gia đình xum họp, quây quần bên mâm cơm Tất Niên, để mọi người thưởng thức bánh chưng, dưa hành.

Photo courtesy of Wikipedia/ Gia đình quây quần gói bánh chưng ăn Tết.

Thế nhưng từ nhiều năm nay, người Việt đã ăn Tết khác xưa nhiều lắm. Người ta thích chọn ngày Tết để đi du lịch khám phá, để nghỉ ngơi hơn là tất bật lo nấu nướng, dọn dẹp chuẩn bị Tết. Xu hướng mới này giúp giảm nhẹ gánh nặng việc gia đình cho người phụ nữ nhưng cũng làm cho không khí Tết dường như đang mất đi cái thi vị vốn có của nó.

 Đã có dịch vụ

 Năm nào cũng vậy, những ngày trước Tết Nguyên Đán luôn là thời gian bận rộn nhất trong năm của chị Lan, một phụ nữ đã có gia đình ở Hà Nội. Nhưng chị không bận sắm Tết hay dọn dẹp nhà cửa. Chị bận lo bán hàng ở siêu thị, phục vụ khách, vì đây là dịp các gia đình đi sắm Tết đông nhất.

 Từ khi lập gia đình cách đây gần 10 năm đến nay, năm nào cũng vậy, chị Lan không lo nấu nướng chuẩn bị Tết giống như cách mà bà và mẹ chị vẫn làm trước kia. Đối với chị, thay đổi này không có gì lạ. Chị vui vẻ chia sẻ:

 “Chả nấu gì, làm đến tận 30 Tết cơ mà, bán hàng siêu thị đến tận 30 Tết, cứ đáo nhà nội, nhà ngoại, rồi mua sẵn đồ để tủ lạnh để có khách đến thì ngả ra ăn. Còn chồng con thì có những món như giò, bánh chưng và nồi măng thì vẫn nấu như thường nhưng để sẵn đấy để Tết là ăn thôi chứ không cầu kỳ như nhiều nhà là làm nem, rồi mọi thứ đều tự gói.”

 Chị Lan cho biết rất nhiều đồng nghiệp và bạn bè chị cũng chuẩn bị Tết giống chị, tức là đơn giản hóa đến mức tối đa để tiết kiệm thời gian, vì ai cũng bận công việc cả, chỉ có một số những gia đình có người lớn tuổi thì vẫn còn cố gắng duy trì cách ăn Tết truyền thống là gói bánh chưng.

 “Thực ra là do quan niệm của mỗi người về cái Tết. Vẫn chứng kiến các cụ từ 50 đến 60 thì ở nhà vẫn thích gói bánh chưng để có không khí Tết, còn hội dân văn phòng thì tâm lý là cứ mua sẵn về, không làm gì ở nhà cả, bởi vì thứ nhất là không có thời gian, không muốn bày vẽ ra.”

  
Bánh chưng Tết. Photo courtesy of asu.edu

Chị Lan và nhiều gia đình Việt Nam ngày nay có cơ hội để lựa chọn cách đón Tết đơn giản một phần cũng bởi sự phát triển của các ngành dịch vụ.

Nếu như cách đây khoảng hơn 10 năm, các gia đình muốn ăn Tết đều phải tự gói bánh chưng, giò thủ, muối dưa hành, thì bây giờ tất cả các sản phẩm này đều có thể được tìm mua dễ dàng ở mọi siêu thị mỗi độ Tết về.

Chỉ với khoảng 15 đến 20,000 đồng là người ta có thể mua được một cái bánh chưng vuông vức ngon lành. Thậm chí đến nồi cá kho ăn Tết, người ta cũng có thể đặt mua từ trước Tết. Vậy thì tại sao lại phải mất quá nhiều công sức, thời gian vào việc nấu nướng? Nữ nhà văn Thùy Linh nhìn nhận về những thay đổi này:

 “Mình nghĩ là thay đổi rất nhiều, vì tất cả mọi chuyện người ta suy nghĩ về Tết đơn giản hơn, rồi tất cả dịch vụ phục vụ con người đã được chuyên môn hóa đến mức chuyên sâu, từ món ăn đến tất cả mọi cái đều được chuyên môn hóa.”

 Không khí Tết cũng đang mất dần

 Nữ nhà văn Thùy Linh cho rằng những thay đổi này dù bớt gánh nặng việc nhà cho người phụ nữ nhưng lại đang làm cho Tết không còn giữ được cái không khí vốn có của nó.

“Nó có thể tốt ở khía cạnh là giảm bớt thời gian, bởi vì áp lực công việc với con người bây giờ cũng nhiều hơn ngày xưa, nên họ tiết kiệm được thời gian hơn. Nhưng mà mình nghĩ thì nó không hay chút nào hết. Bởi vì ngày xưa cứ Tết đến thì cả nhà mình có cảm giác ấm cúng, sum vầy, quây quần, mặc dù có thể có sự nhăn nhó vì mệt mỏi nhưng sau đó bao giờ cũng là sự đoàn tụ, ấm cúng. Mọi người còn khoe tài nhau về gói bánh chưng, nấu món ăn này kia. Còn bây giờ người ta không còn để ý đến nữa, cũng chả còn ai phải khoe tài nữa vì có một người tài hơn là các nhà dịch vụ cung cấp rồi.”

Có lẽ cái không khí bận rộn và tâm lý náo nức chờ cho đến ngày Tết chính là những ký ức đẹp nhất trong tuổi thơ của nhiều người.

 Theo nữ nhà văn Thùy Linh, Tết đẹp nhất là không khí chuẩn bị trước Tết khi nhà nhà lo mua lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, củi và trấu để chuẩn bị cho nồi bánh chưng.

 Cho đến tận bây giờ chị vẫn nhớ cái cảm giác những đầu ngón tay lạnh cóng vì đãi đỗ và rửa lá dong. Đây là phần việc có thể coi là nặng nhọc nhất với rất nhiều người và làm người ta nhăn nhó, kêu ca. Thế nhưng nó đã trở thành thói quen của mọi người trong nhiều năm, nhất là những năm bao cấp với bao nhiêu khó khăn về kinh tế khiến người ta không thể mua mọi thứ có sẵn như bây giờ, khi mà miếng ăn ngon và manh áo đẹp vào mỗi dịp Tết là điều mọi người mong chờ và trân trọng.

 Những người còn nhớ đến cái Tết Việt Nam cũng không thể quên hình ảnh của nồi bánh chưng tỏa khói ấm áp vào ban đêm. Trẻ con, người lớn quây quần quanh nồi bánh để trò chuyện, ca hát và thưởng thức cái vị ngọt lịm của khoai lang được nướng vùi trong trấu của nồi bánh chưng. Và sau một đêm thức trắng, trong khi người lớn vớt bánh chưng, thì bọn trẻ háo hức muốn được nếm miếng bánh nóng mới luộc chín dền.

 
Một Em Bé Việt Kiều về thăm Việt Nam dip Tết trước đây. AFP PHOTO.

Nhưng đã từ lâu lắm rồi, nhiều gia đình Việt Nam không còn biết đến nồi bánh chưng.

Tại sao phải chịu lạnh cóng tay, phải gò lưng rửa lá, đãi đỗ? Tại sao phải thức đêm để trông nồi bánh chưng, trong khi người ta có thể mua mọi cái dễ dàng?

 Tại sao phải tất bật nấu nướng khi mà quanh năm người ta đều có đồ ăn ngon?

Nữ nhà văn Thùy Linh cho rằng khi người ta bỏ qua nồi bánh chưng, bỏ qua những công việc nấu nướng cho Tết, người ta dường như đã quên mất một nguyên tắc riêng của Tết.

 “Ngày Tết đòi hỏi một nguyên tắc riêng, thậm chí cần con người phải có sự cống hiến riêng, cống hiến cho người thân của mình. Nhưng một khi con người cảm thấy không còn cần điều đó nữa thì con người cảm thấy mối quan hệ, đặc biệt là giữa người thân với người thân nó lỏng lẻo đi, nhạt dần đi.”

 Công việc trong năm vất vả, ngày Tết đối với rất nhiều người là thời gian nghỉ phép dài nhất trong năm, kéo dài từ 7 đến 10 ngày.

 Khi việc nhà được giảm, việc ăn Tết được đơn giản hóa, và khi thu nhập dồi dào hơn so với trước, nhiều người, nhiều gia đình bắt đầu chọn dịp Tết để đi du lịch không chỉ ở trong nước mà còn ra nước ngoài. Nữ nhà văn Thùy Linh cho biết:

 “Nhiều nhà bây giờ người ta chọn Tết là ngày để đi du lịch vì họ giàu có, có nghĩa là họ chẳng quan tâm lắm đến chuyện Tết nhất.”

Nhu cầu đi du lịch Tết tăng cao đã đẩy giá tour và dịp Tết lên. Giá tour vào dịp Tết năm nay của một số công ty đã tăng từ 10 đến 15% so với ngày thường.

Rất nhiều tour đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông hay Singapore. Ngay từ giữa tháng 1 tức là trước Tết hơn 2 tuần, nhiều tour thậm chí đã được đặt kín và các công ty không thể nhận thêm khách.

Rất nhiều bạn trẻ, trong đó có không ít các bạn gái từ nhiều năm nay chọn đi du lịch thay vì ở nhà ngày Tết để giúp mẹ nấu nướng. Hồng, một bạn gái, 30 tuổi và chưa lập gia đình ở Hà nội cho biết năm nào cô cũng đi du lịch với các nhóm bạn để trốn Tết:

 “Là phụ nữ thì em thấy đa phần chỉ muốn đi chơi thôi. Những đứa như em chưa lấy chồng thì nhiều đứa muốn đi, có những đứa muốn đi để trốn Tết. Tết nói chung là được nghỉ lâu và muốn đi đâu đấy thì Tết sẽ được nghỉ. Cái thứ hai là nhiều tuổi rồi mà chưa lấy chồng thì Tết hàng xóm, mẹ cứ đi ra đi vào hỏi nhiều thì mệt người.”

 Hoa mai ngày Tết. Photo courtesy of ChaobacsyBlog.

Nhưng liệu việc đơn giản hóa Tết, đi du lịch Tết thay vì ở nhà có làm cho người ta cảm thấy thiệt thòi khi thiếu không khí Tết?

Chị Lan cho rằng việc đơn giản hóa Tết trong gia đình không hề làm cho chồng con chị cảm thấy thiệt thòi vì mọi người có thời gian để đi chơi:

 “Chả ai thấy thiệt thòi cả vì mọi người đều thế mà. Ngay cả đàn ông cũng thấy là bớt cái gì thì bớt. Ngày Tết chỉ trang trí nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh thôi, còn ăn uống gọn nhẹ thôi, để dành thời gian đi chơi.”

 Nữ nhà văn Thùy Linh thì cho rằng Tết ngày nay đang được giản tiện quá mức đến phát chán. Chị không phê phán cách các gia đình ăn Tết theo kiểu hiện đại nhưng chị nuối tiếc những cái Tết xưa, những cái Tết mà những người phụ nữ mẹ chị phải hối hả, tất bật nấu nướng cho cả nhà. Vất vả nhưng thật hạnh phúc.

 Chị ví người phụ nữ như một nồi bánh chưng tỏa khói và bây giờ khi nồi bánh chưng tỏa khói không còn thì gian nhà dường như cũng không còn ấm cúng nữa.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà thân ái tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it .