Lên núi nhặt thịt Chúa |
Tác Giả: Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm | |||
Thứ Hai, 11 Tháng 1 Năm 2010 18:44 | |||
Khi hỏi các em leo lên núi làm gì vậy ? Các em trả lời ngay, và trên tay cầm một hòn đá : ‘Chúng em lên nhặt thịt Chúa’. Có đáng ngạc nhiên ? Câu chuyện thời sự khiến mọi tín hữu Công Giáo Việt Nam quan tâm lúc này, là những gì mới xảy ra tại giáo xứ Đồng Chiêm trong những ngày qua. Đọc các bài viết trên mạng Vietcatholic, tôi thấy nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên : Làm sao sau cuộc viếng thăm Vatican của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, cùng với bao lời lẽ tốt đẹp trao đổi với Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI, lại có thể có một vụ việc tồi tệ và trầm trọng như thế này được ? Trước cuộc viếng thăm này, có người đã tỏ vẻ lạc quan. Thậm chí có giám mục đã nói đến một cuộc viếng thăm khả dĩ của Đức Giáo Hoàng đến Việt Nam sau cuộc viếng thăm Vatican của Chủ tịch Nước ! Rồi còn nói đến khả năng các Giáo Hội anh chị giúp đỡ về mặt tài chánh để có thể đón Đức Giáo Hoàng ! Bản thân tôi chẳng kỳ vọng gì trước chuyến đi của Chủ tịch Nước, cũng không ngạc nhiên trước những sự việc mới xảy ra. Các quan chức cộng sản có thể có những vai diễn khác nhau, nhưng đạo diễn duy nhất vẫn là đảng cộng sản. Tôi nhớ có đọc ở đâu đó lời một chính trị gia, ông Âu Dương Thệ, đại khái như thế này : Nhìn từ bên ngoài, ta có thể đoán : trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, có phe thân Tàu, có phe thân Mỹ, nhưng kỳ thực, chỉ có những phe thân nhau mà thôi. Thành ra bắt tay Đức Giáo Hoàng, hay là triệt hạ Cây Thánh Giá, chỉ là những màn khác nhau của cùng một vở tuồng. Cộng sản Việt Nam với tôn giáo, ở đây chính xác là Công Giáo : Chiến thuật thay đổi tuỳ thời điểm, nhưng chiến lược thì không. Tại sao lúc này ? Ngược dòng thời gian thì cách đây chưa lâu, thửa đất non hai chục mẫu của thánh địa La Vang mới được trả lại. Toà Tổng Giám Mục Huế đang khẩn trương lên phương án xây một trung tâm hành hương với kinh phí 25 triệu Mỹ Kim. Nhìn từ phía Nhà Nước thì đây không phải là đất “trả lại” nhưng là đất “cấp cho theo yêu cầu” dựa trên nguyên tắc “đất đai là của toàn dân do Nhà Nước quản lý” ! Trước nữa là đất xây trung tâm mục vụ Đà Lạt. Nghe đâu xin ba mẫu, cho đến tám chín mẫu gì đó. Làm sao ăn của chùa mà không phải ngọng miệng ! Nhưng qua các vụ việc xảy ra liên quan đến đất đai, trong đó có đất của Công Giáo, chính quyền cộng sản Việt Nam muốn cho thấy rằng : Cho đất xây trung tâm mục vụ hay trung tâm hành hương là ta, biến đất Toà Khâm Sứ hay Thái Hà thành công viên chính là ta, không trả đất Giáo Hoàng Học Viện cũng là ta, thì nay đập Thánh Giá trên đất Đồng Chiêm vẫn là ta. Nét đặc thù của vụ Đồng Chiêm Các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý… và nay là Đồng Chiêm, đều có một mẫu số chung, đó là đất. Thế nhưng vụ Đồng Chiêm thì không chỉ liên quan đến đất mà thôi. Giả sử chính quyền Hà Nội ra lệnh cho nhà thờ Đồng Chiêm hay Toà Tổng Giám Mục di dời Cây Thánh Giá, mà lệnh đó không được thực hiện thì khác, đàng này, giữa đêm hôm khuya khoắt, điều động cả đến non ngàn dân quân với chó nghiệp vụ và đủ loại vũ khí, rồi dùng hoá chất để cho nổ tung Cây Thánh Giá, thì điều không thể nghi ngờ là chính quyền Hà Nội, với thái độ ngạo mạn của người muốn biểu dương quyền lực, đã cố tình công khai xúc phạm biểu tượng thiêng liêng của Ki-tô giáo. Phản ứng từ phía Công Giáo Khác với vụ Tam Toà, lần này thì đã có nhiều dấu hiệu hiệp thông của giới Công Giáo ở trong nước cũng như hải ngoại, đặc biệt từ phía các giám mục. Vị đầu tiên lên tiếng là đức cha Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận Lạng Sơn, rồi sau đó là tất cả các giám mục thuộc giáo tỉnh Hà Nội. Giáo tỉnh miền Trung thì có giám mục Kontum, đức cha Hoàng Đức Oanh. Các giám mục khác thì có vẻ theo nguyên tắc : chuyện địa phương nào thì địa phương đó lo, cho dù như đã nói ở trên, chuyện Đồng Chiêm không đơn thuần chỉ là chuyện đất. Và chắc cũng vì biết trước là sẽ không có một lập trường chung trong giới lãnh đạo Công Giáo Việt Nam, nên chính quyền mới không sợ mạnh tay như mọi người đã thấy. Cũng may mà ngay ngày sự việc xảy ra, từ Toà Tổng Giám Mục trở về sau buổi tĩnh tâm, 40 linh mục Hà Nội đã tới Đồng Chiêm dâng thánh lễ đồng tế, trong thánh lễ đó, cha Phạm Minh Triệu đã có một bài chia sẻ tuyệt vời, vừa cho thấy lòng tin bất khuất, vừa chứng tỏ một thái độ bao dung của người môn đệ Chúa Ki-tô, lại vừa bày tỏ lòng yêu nước sâu xa trước hiểm hoạ xâm lăng của Trung Quốc. Nhưng điều không thể không nói tới ở đây chính là những đóng góp vô cùng to lớn của anh em linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Không chỉ chờ đến khi vụ việc lan đến Thái Hà là nơi anh em có trách nhiệm mục vụ, nhưng ngay từ lúc xảy ra vụ Toà Khâm Sứ, rồi đến lúc vụ việc lan tới Tam Toà, và cuối cùng là Đồng Chiêm, anh em luôn ở tuyến đầu để cung cấp thông tin và hình ảnh, nhờ đó, bất kỳ ở đâu trên thế giới, người tín hữu Công Giáo Việt Nam cũng có thể hiệp thông. Và trong hết mọi lời tuyên bố, không có lời nào vừa đầy đủ, vừa mạnh mẽ như lời cha Nguyễn Văn Khải, đại diện cho cộng đồng tu sĩ và giáo dân Thái Hà : “Hiệp thông trong đức tin và đức mến của những người con cái Chúa và trong tư cách là những người đã chịu chung thân phận bị bách hại, Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội cực lực phản đối và lên án hành vi báng bổ tôn giáo cách điên cuồng của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội”. Trước việc “hai nạn nhân bị công an đánh trọng thương và họ đã dùng bạo lực đưa 2 nạn nhân này đến bệnh viện Hà Nội, cho các bác sĩ ở đây khám qua quýt các vết thương rồi bỏ lơ các nạn nhân ở đấy cho đến chiều ngày mùng 6/1/2010, thì đẩy các nạn nhân ra khỏi bệnh viện đang khi tính mạng nguy kịch,” Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội “cực lực phản đối và lên án hành vi sử dụng bạo lực của nhà cầm quyền để khủng bố và gây thương tích cho các giáo dân giáo xứ Đồng Chiêm” và “lên án hành vi vô nhân đạo của nhà cầm quyền khi không dành cho những người bị thương sự cứu chữa cần thiết và đúng mức và lại còn đẩy họ ra khỏi bệnh viện trong tình trạng tính mạng nguy kịch.” Giá mà lời tuyên bố hùng hồn đó không phải chỉ đến từ một xứ đạo, nhưng là từ cả Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đứng đầu là Hội Đồng Giám Mục, thì trọng lượng của lời tuyên bố đó sẽ được nhân lên gấp trăm, gặp vạn lần. Và ai cũng hiểu được nỗi bức xúc của anh J.B. Nguyễn Hữu Vinh, tác giả bài “Thánh Giá Đồng Chiêm : Cơn thử thách khắc nghiệt của tín hữu Ki-tô” đăng tải trên Vietcatholic ngày 8.1.2010 khi anh viết : “Nếu không có sự hiệp thông trong toàn Giáo Hội Công Giáo khi Thánh Giá bị xúc phạm đập phá ngang nhiên và trắng trợn, thì khi đó có nghĩa là đã có một sự ‘Mầu nhiệm’ xảy ra. Đó là sự ‘mầu nhiệm’ về những ‘thành công’ của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với Giáo Hội Công Giáo.” Kết luận Trong bài viết mang tựa đề “Đồng Chiêm ơi ! Về rồi ta thấy gì ?” đăng tải trên trang Vietcatholic ngày 8.1.2010, tác giả Joseph Nguyễn Văn Thống ghi lại mẩu chuyện sau đây : “Các em thiếu nhi lũ lượt kéo nhau lên Núi Thờ… ngọn núi ấy quả là cheo leo và hiểm trở, vậy mà các em đã không ngại khó để lên được nơi chính điểm đã chôn Cây Thánh Giá. Khi được hỏi các em leo lên núi làm gì vậy ? Các em trả lời ngay, và trên tay cầm một hòn đá : ‘Chúng em lên nhặt thịt Chúa’. Thịt Chúa của các em đây chính là những miếng đá bê tông đã làm nên Cây Thánh Giá, và Thánh Giá này đã bị cộng sản Việt Nam đập vỡ ra từng miếng nhỏ và giờ đây các em đây đi tìm.” Đọc xong câu chuyện cảm động này, tôi chợt nghĩ : các em đích thực là con cháu các thánh Tử Đạo Việt Nam, và tuy không mặc áo dòng, các em đích thực là những Ki-tô hữu mến Thánh Giá. Tôi nhớ trong cuốn Hồi Ký của Đức Cha Lê Đắc Trọng, khi đề cập đến chuyện đức tin thì phải, ngài nói giáo dân thì hơn linh mục, linh mục hơn giám mục. Tôi là linh mục, tôi không nghĩ linh mục chúng tôi hơn các giám mục đâu, nhưng đối với tôi, giáo dân hơn linh mục là điều chắc chắn. Và những em nhỏ như em đang nói ở đây, những tín hữu đã đương đầu với bao khó khăn thử thách, bất chấp tù đày, bất chấp cả hiểm nguy cho tính mạng như chúng ta đã thấy qua các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà… và nay là Đồng Chiêm, đích thực là những bậc thầy, những tấm gương trong đời sống đức tin cho hết mọi Ki-tô hữu, đặc biệt trên quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Và đó cũng là niềm hy vọng cho bất cứ người Việt Nam nào đang mong chờ một đất nước tự do, một tương lai tươi sáng cho Dân Tộc.
|