Thư Ngỏ gửi Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Giáo phận Sàigòn |
Tác Giả: Phêrô Nguyễn Tuấn Hoan | |||
Thứ Sáu, 22 Tháng 1 Năm 2010 00:33 | |||
Về Thư Chúc Xuân Năm Thánh và Xuân Canh Dần Kính thưa Đức Hồng y, Con là giáo dân thuộc giáo xứ An Lạc, Hạt Chí Hoà, xin chân thành cám ơn Đức Hồng y đã quan tâm gửi thư chúc tết chúng con, tuy con không có một chức vị gì, dù nhỏ nhất như mở của nhà thờ hay kéo chuông, cũng chẳng ở trong một đoàn thể nào, nhưng với tư cách cá nhân trong cộng đoàn đông đảo dân Chúa của giáo phận, con mạo muội nói lên lời cám ơn và vài cảm nghĩ sau khi đọc thư chúc tết của Hồng y. Cũng chỉ là tình cờ mà con biết có lá thư chúc tết này, ấy là vào khoảng tuần trước có một cha gọi điện thoại nhờ cháu bé của con tìm hộ ngài, vì ngài không biết lá thư ấy nằm ở trang web nào. Nghe có thư chúc tết của Đức Hồng y con hết hồn tưởng tết đã đến rồi, vì những dân lao động chúng con sợ tết lắm, vì mỗi lần tết đến là đủ thứ lo lắng. Nhưng mở lịch ra thấy còn cả tháng nữa mới tết, nên cũng an tâm. Quả thật Đức Hồng y chu đáo quá, chúc tết sớm cho toàn dân được vui vẻ. Không những vậy mà thư chúc tết còn được viết từ năm ngoái (25-12-2009), vậy mà đến bây giờ chẳng mấy ai biết, có lẽ các đấng để dành đến lễ giao thừa mới phổ biến chăng? Con đón nhận lá thư với lòng trân trọng và cũng nhận lãnh những lời nhắn nhủ về đời sống đức tin của vị mục tử tối cao trong giáo phận. Tuy nhiên con có đôi lời muốn tỏ bày với Đức Hồng y. 1-Cái nhìn lạc quan về giáo phận của Đức Hồng y ? Trong số 4, Đức Hồng y cho thấy sự gia tăng và phát triển của giáo phận, dựa trên những điều quan sát được như củng cố cơ cấu, những sinh hoạt mục vụ… Không ai phủ nhận những phát triển đó, nhưng nếu đi sâu vào đời sống trong những mối tương quan của từng giáo xứ, từng khu xóm, từng gia đình thì những phát triển về cơ cấu, về cơ sở vật chất, về nhân sự chỉ là cái lớp sơn bên ngoài mà thôi. Những lễ lạt linh đình chỉ để che dấu sự sa sút và những rạn nứt mối tương quan giữa những ban bệ, đoàn thể. Không ít những giáo xứ xảy ra những chia rẽ trầm trọng, người ta tìm mọi cách để loại trừ nhau hầu giành cho được một chỗ ngồi trong những ban ngành đoàn thể. Không chỉ nơi giáo dân, mà ngay hàng ngũ linh mục cũng bị tục hóa, lây nhiễm tinh thần thế tục, sống xa hoa, hưởng thụ. Con thường nghe nói đến cụm từ latinh: Alter Christus (Đức Kitô khác) được áp dụng cho các linh mục : “Linh mục là Đức Kitô khác”. Con cũng từng gặp gỡ nhiều vị linh mục, trẻ có, cao niên có, con thấy các vị ấy quả thật là Đức Kitô khác, một Đức Kitô thứ hai với cung cách đạo đức, lời nói chan chứa tình thương, người ta thấy được hình ảnh Đức Kitô sống động trong các linh mục ấy. Nhưng con cũng gặp và nghe nói về một số không ít, có một đời sống quá tồi, mà con gọi các linh mục này là “khác Đức Kitô”, vâng, thật khác xa, bởi lẽ Đức Kitô đâu có nếp sống xa hoa hưởng thụ, Đức Kitô đâu có dửng dưng trước những bất công của xã hội, trước những đau khổ của con người. Thậm chí có những linh mục đánh mất lương tâm của mình, thỏa hiệp với sự dữ, không dám lên tiếng bênh vực công lý, lại còn ngụy biện cho việc làm của mình, xin cho phép con dùng một từ trong thư của Thánh Gioan (1 Ga 2,18) để gọi những linh mục này là "Anti Christus” vì không đáng được gọi là “Alter Christus”. Chủ nhật vừa qua con đi dự một lễ cưới, có gặp gỡ một nữ tu cao niên, rất đạo đức và thông thái, có tiếng tăm; soeur nói với con về sự diệt ngã trong đạo Phật, soeur bảo khi cái TÔI lớn quá thì nó thành TỐI, khi nó không triển nở để chu toàn sứ mạng thì nó thành TỒI, và cái TÔI đó trở thành TỘI. Nghiệm trong cuộc sống con thấy rất đúng, nhiều linh mục coi cái tôi của mình quá lớn, nên rất tăm tối trong cách cư xử, với những lời nói và thái độ rất tồi. Liệu Năm Thánh Linh Mục có đem lại cho các linh mục những cải thiện trong đời sống hay không, trong tương quan giữa linh mục với linh mục, giữa linh mục với giáo dân. Thực sự chúng con khó tin quá. Nếu Đức Hồng y đi sâu vào đời sống của dân Chúa ( điều này không dễ, bởi vì nếu có thì chỉ có thể tiếp xúc được với những gì được sắp đặt trước), ngài sẽ thấy dân chúng bị thiệt thòi nhiều lắm. Có những người vì một hoàn cảnh nào đó (có thể do lỗi của họ) không được hưởng những phương thế bình thường cho phần rỗi, sau những năm tháng dài, ý thức được sự yếu đuối của mình, sự thiệt thòi của mình, họ muốn trở về, nhưng lại gặp đủ thứ rào cản do cơ cấu, luật lệ, đến đâu cũng nhận những cái xua tay lạnh lùng. Cơ cấu, quyền hành, luật lệ khắt khe, mà thiếu khoan dung, thiếu cảm thông, thì đôi khi chỉ là những rào cản che khuất Đức Kitô, giống như đám đông vây kín Đức Giêsu khiến cho con người thiện chí như Gia-kêu không thể đến gần (x.Lc 19,1-10). 2- Áp đặt và đối thoại. Trong số 7, Đức Hồng y nói rằng: “Cuộc sống hôm nay còn cho thấy có hai cách thể hiện tình yêu đối với tổ quốc : một là áp đặt suy nghĩ và lập trường của mình lên người khác, hai là mở ra con đường đối thoại và hợp tác nhằm cùng nhau khám phá định hướng và động lực phục vụ cho công ích, cho sự sống toàn diện cùng sự phát triển vững bền”. Về tình yêu đối với tổ quốc thì con hiểu, từ thuở nhỏ chúng con đã được học những bài công dân giáo dục, chẳng có ai lại không yêu tổ quốc của mình, quê hương dân tộc mình. Tổ quốc chính là đất nước của mình đã được tổ tiên từ bao đời xây đắp, giữ gìn chứ không phải của riêng ai, không ai có quyền đồng hóa mình là tổ quốc để bắt người khác phải lệ thuộc vào cái ý riêng mình. Con không hiểu Đức Hồng y bảo áp đặt suy nghĩ và lập trường của mình lên người khác, mình ám chỉ ai, và người khác là người nào, riêng con nghĩ rằng có nhiều cách thể hiện tình yêu đối với tổ quốc, tùy theo nhận thức và khả năng của mỗi người, và cũng chẳng có chuyện áp đặt, vì áp đặt thì còn giá trị gì nữa. Trưởng thành là dám nói lên cái suy nghĩ của mình để xây dựng chứ không phải để áp đặt. Thử hỏi những người có những hành động tàn ác đánh đập dân vô tội, xúc phạm nặng nề đến đức tin của tín hữu là yêu tổ quốc sao ? Còn cái ý niệm “đối thoại” con thấy nó lạc lõng thế nào ấy, ai chẳng muốn đối thoại để đi đến hiệp nhất và yêu thương, nhưng như con đã có lần nói về bài Quan điểm của Giáo Hội của Đức cha Khảm, giám mục phụ tá, chuyên viên lý thuyết về đối thoại. Khi Chúa Giêsu bị những thuộc hạ vô liêm sỉ của thượng tế vả vào mặt, Người cũng đã đối thoại, nhưng đối thoại ở đây là chất vấn cái kẻ lạm quyền làm bậy, là cất lên tiếng nói của công lý, là làm sáng tỏ sự thật (x. Ga 18,22-23). Đừng lạm dụng từ đối thoại để tránh né vấn đề, để tìm một thứ an thân giả tạo. Trong bối cảnh của xã hội hôm nay, dân Chúa khao khát những mục tử can đảm dám sống chết cho đoàn chiên, dám lên tiếng bênh vực công lý, biết lắng nghe những lời chân thành của dân Chúa, thấy được nỗi đau của những người bị áp bức. Có như vậy các mục tử mới xứng đáng là một “Đức Kiô khác” , một “Đức Kitô thứ hai”, một Đức Kitô biết chạnh lòng thương với mọi cảnh khốn cùng của dân (x. Mc 1,41; 6,34; 8,2). Thưa Đức Hồng y, con mạo muội bày tỏ một chút tâm tình với ngài, dù biết tiếng nói của mình nhỏ nhoi, mà chỉ vì thấy bao điều xảy ra cho Giáo Hội Việt Nam, từ trong nội bộ đến những biến cố bên ngoài, mà hầu như các mục tử vẫn bưng tai bịt mắt, không nghe không thấy, thậm chí có những mục tử còn cố tình thông tin sai lạc. Con mong Đức Hồng y bỏ qua cho con, nếu những điều con nói làm phật ý ngài. Nguyện xin Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc trên Đức Hồng y, xin cho ngài được dồi dào sức khỏe và một tinh thần minh mẫn, để ngài chăn dắt đoàn chiên giáo phận đến những đồng cỏ xanh tươi và những nguồn nước trong xanh bổ dưỡng. Kính chào Đức Hồng y. An Lạc ngày 18-1-2010
|