Home Đời Sống Tôn Giáo Phép Lạ Chim Bồ Câu

Phép Lạ Chim Bồ Câu PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Xuân Mai dịch thuật   
Chúa Nhật, 05 Tháng 9 Năm 2010 18:26

  Đây là câu chuyện của những con chim bồ câu trắng Fatima, do cha Luis Gonzaga de Oliveira, Dòng Carmel, một nhân chứng tai nghe mắt thấy kể lại.

Ngài đã đi bên cạnh bức tượng Đức Bà Fatima, khi thánh tượng được rước từ Fatima đến thành phố Lisbon trong cuộc “thánh du” khải hoàn năm 1946.
 
  Chỉ mới mười năm trước đây thôi, Giáo Hội tại Bồ-đào-nha đang còn bị bách hại nặng nề.

 Giờ đây, (1946) hàng hàng lớp lớp tín hữu tụ họp tôn vinh và tái tận hiến bản thân lên Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội trong khi tượng Mẹ được người ta kiệu trên vai đi từ chỗ này đến chỗ khác.

Tượng Đức Mẹ Fatima thánh du từ Cova da Iria đến Lisbon và rồi lại từ Lisbon trở về Fatima. Bất cứ nơi nào thánh tượng dừng bước khi trời về chiều thì đều có những đám đông người canh thức thâu đêm để thờ lạy Thánh Thể. Và khi buổi sáng đến, thì giờ Thánh Thể chấm dứt bằng cao điểm Thánh Lễ và Rước Mình Thánh Chúa. 

 
 Sau khi đến Lisbon chiều ngày 5 tháng 12, 1946, tượng Đức Mẹ được rước về thánh đường nguy nga Fatima và ở lại đó cho đến ngày 8 tháng 12.

Thiên hạ liên tục, ngày đêm đến chật ních nhà thờ ra tới tận cửa. Suốt đêm, một số linh mục tổ chức thờ lạy Thánh Thể.

Các linh mục thay phiên nhau dâng Thánh Lễ (thường) bắt đầu từ nửa đêm, và cứ mỗi buổi sáng thì đều cử hành Lễ hát trọng thể cùng với mọi người sốt sắng Rước Lễ.
 
 Vào lúc 3 giờ chiều ngày 7 tháng 12, Đức Hồng Y Cetejeira, Giáo Trưởng Bồ Đào Nha thánh hiến hàng ngàn thiếu nhi cho Đức Mẹ. Khi màn đêm buông xuống thành phố Lisbon, thánh tượng được chuyển sang Nhà Thờ Chánh Tòa giữa một đám rước chói chan đèn nến.

 Suốt đêm Đại Thánh Đường đông nghẹt người qùy gối canh thức thờ lạy Thánh Thể.
 
 Đúng ngày lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, (8 tháng 12) lúc 10 giờ sáng, một Thánh Lễ Đại Triều được cử hành trước sự hiện diện của toàn thể các vị Giám Mục Bồ Đào Nha và các vị đại diện của chính quyền dân sự gồm cả Tổng Thống và Thủ Tướng Bồ, là tiến sĩ Salazar.

 Nghi lễ vô cùng trọng thể và rất xúc động tổ chức tại Lisbon chấm dứt tại quảng trường Terreiro do Paco.
 
  Vậy là nhân dân Bồ Đào Nha, trong một thời gian ngắn ngủi, đã bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính của họ đối với Nữ Hoàng Thiên Quốc đã đem lại hòa bình cho xứ sở họ. Trong bối cảnh trang nghiêm của biến cố trọng đại này có câu chuyện lạ lùng của những con chim bồ câu. Nhưng chúng ta hãy nghe chính cha Luis Gonzaga de Oliveira, dòng Carmel, thuật lại. 
  
  Sự kiện bắt đầu tại một thị trấn tên là Bombazral một thời gian ngắn sau khi thánh tượng rời Fatima.
 
  Một tiết mục đã được định trước trong lễ nghi tổ chức tại thị trấn này là khi thiên hạ tuôn ra đầy đường phố hát thánh ca tôn vinh Đức Mẹ và xúm xít chung quanh thánh tượng thì người ta thả ra bốn con chim bồ câu trắng. Đa số không ai để ý đến tiết mục này.
 
 Sau khi bay bổng lên không, ba trong bốn con bồ câu này... thay vì tránh xa đám đông để đậu trên một mái nhà nào đó... thì lại lượn ba bốn vòng chung quanh thánh tượng rồi bỗng nhiên, dưới sự sửng sốt của những ai nhìn thấy hôm đó, chúng bay thẳng xuống và đáp dưới chân thánh tượng.
 
CHIM NHẤT ĐỊNH KHÔNG CHỊU BAY ĐI
 
 Đây mới chỉ là giai đoạn đầu. Trong những ngày tiếp theo sau đó, giữa những đám đông lui tới thay đổi thưòng xuyên, di chuyển từ thị trấn này đến thị trấn khác, ngày cũng như đêm suốt gần hai tuần lễ liên tiếp, những con chim bồ câu này không chịu bay đi. Chúng ở nguyên đó, dưới bệ thánh tượng, làm như chúng thi đua với nhau để xem con nào đứng được lâu dưới chân thánh tượng vậy!

Mặc cho các ban kèn đồng thay phiên cử nhạc, thiên hạ reo hò, mặc cho cỗ kiệu di động và xoay vần, hỏa châu bắn lên ban đêm chiếu sáng rực trời, đèn chiếu khổng lồ hướng về thánh tượng với sức nóng như thiêu đốt... mặc cho các bông hoa đánh trúng vào thân mình nó khi thiên hạ tung hoa về phía thánh tượng... ba con bồ câu vẫn không bay đi.

Chúng chập chờn, hoặc rũ cánh để bông rớt ra khỏi thân mình chúng, thỉnh thoảng xoè cánh ra để giữ thăng bằng, nhưng vẫn kiên trì đứng đó, dưới chân Đức Mẹ, suốt trong hai tuần lễ của cuộc thánh du.
 
CHIM TỪ CHỐI MỌI THỨC ĂN THỨC UỐNG
 
 Suốt thời gian này, chúng từ chối mọi thức ăn, thức uống. Suốt đêm mùng 5 tháng 12, trong thánh đường Đức Mẹ Fatima tại Lisbon, những con chim bồ câu này cũng vẫn đứng dưới chân thánh tượng.

 Đến giờ phút này thì người ta bàn tán về những con chim này còn nhiều hơn là về vẻ đẹp của bức tượng hoặc về những nghi lễ huy hoàng tấn phong thánh tượng.

Báo chí đăng đầy những tin về sự kiên trì của ba con chim bồ câu, về việc chúng không biết sợ là gì, và về cái lạ lùng trong tư thế của chúng. Nhiều người chắc đã tự hỏi rồi điều gì sẽ xảy ra... khi chúng đã thực sự tháp tùng thánh tượng đến tận ngôi nhà thờ đã được chuẩn bị để đón rước thánh tượng.

Tại sao mấy con chim lạ lùng này nhất định không chịu bay đi mặc dù người ta đã cố gạt chúng ra ngoài, hoặc làm cho chúng sợ hãi để mà bỏ đi.
 
Câu trả lời đến với thiên hạ trong Thánh Lễ ngày hôm sau.
 
 Từ nửa đêm cho đến sáng, thánh lễ được liên tục dâng tại bàn thờ kế bên thánh tượng... nhà thờ đông nghẹt dân thủ đô Lisbon đến để canh thức cầu nguyện. 
 
 Tiếp theo nhiều lễ thường dâng thâu đêm, thì một Lễ Hát Trọng Thể được cử hành sáng hôm sau với mọi người cùng rước Mình Thánh. 
 
 Trong Lễ Hát Trọng Thể sáng hôm đó, chắc chắn thiên hạ không còn ai lưu ý đến những con chim bồ câu này nữa vì dù sao thì họ đã quen thuộc với chúng rồi, để chú tâm tham dự Thánh Lễ. Ta có thể thực sự cảm nhận được điều này khi hồi chuông rung lên, và bầu không khí yên lặng sâu xa bao trùm toàn thể cộng đoàn trước khi vị chủ tế nâng cao Mình Thánh Chúa.
 
CHIM BỒ CÂU THỜ LẠY THÁNH THỂ
 
 Trong không khí yên lặng trang nghiêm người ta bỗng nghe tiếng đập cánh... Mọi người sửng sốt nhìn hai con chim bồ câu bay vụt lên...

Sau hai tuần lễ từ chối không chịu ăn uống mà chỉ đứng dưới chân thánh tượng... một con bay thẳng tới phía đọc Phúc Âm và con kia bay tới phía đọc Thánh Thư![1] Khi Đức Giám Mục đứng thẳng người lên để nâng cao Mình Thánh, thì chúng đáp xuống, xếp cánh lại... hai con đậu hai bên bàn thờ... như để thờ lạy!
 
Trong khi Thánh Lễ tiến hành, hai con chim bồ câu này cứ đậu ở nguyên vị trí làm cho các vị chủ tế và các người giúp lễ hết sức ngạc nhiên, và gây sửng sốt cho toàn thể cộng đoàn. Nhưng đây cũng chưa phải là cao điểm của biến cố lạ lùng này. Con chim bồ câu thứ ba vẫn chưa rời khỏi bệ thánh tượng.
 
  Bỗng dưng, vào lúc rước lễ, con chim thứ ba bay lên đậu trên vương miện bằng vàng mà... Đức Hồng Y Đặc Sứ, đại diện chính thức của Đức Giáo Hoàng đã đội trên đầu thánh tượng vào ngày 13 tháng 5 tại Fatima... Khi vị chủ tế quay mặt về phía cộng đoàn giơ cao Mình Thánh và đọc “ Ecce Agnus Dei” (Đây Chiên Thiên Chúa...) thì nó xòe cánh ra và giữ nguyên vị thế như vậy một thời gian!
 
Sau đó, cả ba con chim bồ câu đều bay qua cửa sổ nhà thờ và mất dạng.
 
Tại Bồ-đào-nha, nơi mà chúng tôi được chứng kiến biến cố phi thường này và là nơi chúng tôi đánh giá cao những ân sủng hòa bình Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi nhờ vào sự thức tỉnh của toàn dân trong việc tôn sùng Đức Maria, phép lạ những con chim bồ câu này không những đã tăng cường niềm tin cho chúng tôi mà còn đổi mới cả quyết tâm của chúng tôi nữa.

[1] Ngày xưa, khi dâng Thánh Lễ thì linh mục và cộng đoàn đều hướng về một phía: Bàn thờ - nơi Chúa Giêsu Thánh Thể ngự xuống. Từ phía cộng đoàn nhìn lên thì vị trí của người đọc thánh thư (tức bài đọc 1) nằm ở bên phải bàn thờ. Vị trí của linh mục đọc Phúc Âm nằm ở bên trái bàn thờ. (Chú thích của người dịch)