Home Đời Sống Tôn Giáo Bắt 6 người đe dọa Đức Giáo Hoàng

Bắt 6 người đe dọa Đức Giáo Hoàng PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Bảy, 18 Tháng 9 Năm 2010 14:39

Một số trong các nghi can đến từ bên ngoài nước Anh  

 LONDON (AP) - Cảnh sát Anh mở cuộc bố ráp vào lúc rạng đông tại một bãi rác của thành phố London hôm Thứ Sáu, bắt giữ năm người làm việc dọn dẹp đường phố vì tình nghi có âm mưu khủng bố nhắm vào Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI trong ngày thứ nhì của cuộc công du Anh Quốc. Người thứ sáu bị bắt sau đó.

Hàng rào cảnh sát Anh giữ an ninh đám đông bên ngoài St Mary's University College ở Twickemham, London, nơi Ðức Giáo Hoàng đến dự một buổi lễ về giáo dục Công Giáo hôm Thứ Sáu. (Hình: AP/Sang Tan)

Tòa Thánh Vatican cho biết Ðức Giáo Hoàng bình tĩnh trước tin có vụ bắt giữ và không có ý thay đổi chương trình của mình.

 Tuy nhiên vụ bắt giữ này làm lạc hướng chú ý về một bài diễn văn quan trọng của Ðức Giáo Hoàng đọc trước các chính trị gia, doanh gia và các nhà lãnh đạo văn hóa ở Anh về nhu cầu tái lập tín ngưỡng và đạo đức trong đường lối chính sách.

Dựa theo tin mật báo, cảnh sát Anh bắt giữ những người đàn ông này, tuổi từ 26 đến 50, ở một bãi rác ở London. Họ bị thẩm vấn tại một trạm cảnh sát và chưa bị truy tố.

Cảnh sát nói rằng người thứ sáu, một thanh niên 29 tuổi, bị bắt sau đó trong ngày tại nhà của anh ta. Cả sáu người bị bắt vì “tình nghi chuẩn bị, tiến hành hay xúi giục hành vi khủng bố.”

Cảnh sát xác nhận một số trong các nghi can đến từ bên ngoài nước Anh nhưng không xác nhận nguồn tin truyền thông cho hay họ là người gốc Algeria.

Ít giờ sau khi xảy ra vụ bắt giữ, Ðức Giáo Hoàng đến gặp Tổng Giám Mục Canterbury, Rowan Williams, nhân vật lãnh đạo tinh thần của Anh Giáo trên toàn thế giới. Cuộc họp diễn ra trong lúc có những bất đồng ý kiến giữa hai bên về việc Giáo Hoàng hồi năm ngoái đưa ra các biện pháp tạo sự dễ dàng cho người Anh Giáo chống việc bổ nhiệm phụ nữ vào chức vụ giám mục được cải sang đạo Công Giáo.

Giáo Hoàng Benedict và Tổng Giám Mục Williams chào đón nhau một cách niềm nở. Giáo Hoàng nói ngay rằng ông sẽ không đề cập đến các khó khăn vì “đó là điều ai cũng biết.” Thay vào đó, ngài muốn nhấn mạnh tới nhu cầu để các tín đồ Thiên Chúa Giáo cùng hợp tác với nhau.

Ðức Giáo Hoàng ca ngợi nền dân chủ ở Anh, xem đây là một kiểu mẫu của thế giới vì tôn trọng giá trị của tự do phát biểu và tôn trọng luật pháp.
Tuy nhiên ngài cũng tỏ vẻ không hài lòng vì tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo, ngày càng bị tách rời ra khỏi tiến trình hình thành các quyết định về đường lối chính sách.

Ngài đưa thí dụ cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu và nói rằng điều này xảy ra vì không có nền tảng đạo đức trong chính sách kinh tế.

Ngài cho hay “có những người cổ võ rằng tiếng nói của tôn giáo phải lặng thinh, hay ít nhất đưa vào vòng riêng tư,” nói thêm rằng “có những người nói rằng việc công khai đón mừng lễ lạc như ngày lễ Giáng Sinh không nên được khuyến khích, trong sự tin tưởng cần phải xét lại là điều này có thể đụng chạm đến các tôn giáo khác.”

“Ðây là những chỉ dấu đáng lo ngại của việc không nhìn thấy quyền của những người có đức tin để được tự do của lương tâm và tự do tín ngưỡng, nhưng cũng về vai trò chính đáng của tôn giáo trong khu vực công cộng,” Ðức Giáo Hoàng cho hay.