Home Gia Đình CSQG Văn Chương Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy con từ thuở còn thơ PDF Print E-mail
Tác Giả: Cựu SVSQ khóa 3 Hà Văn Sang   
Thứ Tư, 03 Tháng 8 Năm 2011 08:31

Bài tùy bút của cựu SVSQ kkóa 3 Hà Văn Sang.

DẠY  CON  TỪ  THUỠ  CÒN  THƠ…

 

     Tôi kết thúc nếp sống thư sinh vào đầu năm 1968 khi được bạn Nguyễn tấn Hưng ( K3 ) cho biết tụi tôi đã đậu vào kỳ thi tuyển Khóa 3 Sĩ Quan Cảnh Sát.   Sau gần một năm được huấn luyện tại Học Viện CSQG/VNCH

( trong trại Lê văn Duyệt, Biệt khu Thủ đô Sài gòn ) về chuyện môn của Ngành nhất là về pháp luật cũng như học thêm  về quân sự, vũ khí… tại Trường Bộ binh Thủ Đức, Nha Đô Thành, sân bắn Bình Trị Đông, Bình Thới.  Anh em chúng tôi được mãn khóa vào cuối năm và đươc phân phối đi phục vụ khắp nơi trên toàn lảnh thổ VNCH.  Từ một bạch diện thư sinh, tôi đã trở thành một sĩ quan trẻ của ngành Cảnh Sát, chưa biết gì về những cái lắc léo của cuộc đời…Thời gian lần lượt trôi qua, với những căn bản được học hỏi từ các vị Thầy và các đàn anh khả kính nơi Học viện, anh em chúng tôi lần lượt được nếm đủ mùi vị của cuộc đời: mặn, nhạt, chua, cay lẫn ngọt bùi…Có lúc rất đơn giản nhưng cũng có khi rất gây go, căng thẳng.  Những gập ghềnh của cuộc đời đã dần dần biến chúng tôi trở nên già dặn với phong sương.

Lần nầy, theo yêu cầu của bạn Thái văn Hòa cũng như bạn Dư quang Nê cho tờ Đặc san, tôi xin được ghi vào đây vài ý nghĩ của mình nơi cuộc sống đời thường.  Thưa các bạn, trừ một số ít các anh là nhân viên cũ của ngành, đa số chúng ta ở khóa 3 là “ lính tò te “, chưa có gia đình.  Sau khi ra trường, và sau một thời gian làm việc tạm ổn định, chúng ta lần lượt lo ngắm nghé đến các cô nàng để gọi là tìm người “ nâng khăn sữa túi “.  Sau một thời gian tìm tòi, chọn lựa…Cũng như các bạn, tôi cũng được lọt vào mắt xanh của một cô nàng là dân Sài gòn nhưng làm việc tại địa phương chỗ tôi đang phục vụ ( Sađéc ).  Tháng 9 năm 1974, chúng tôi thành gia thất và sau đó không đầy tám tháng thì lá số tử vi của tôi đã đổi qua một màu đen tối cùng với màu thê lương của vận nước.   Dân tộc Việt Nam đã bị lật qua một trang sử mới kể từ ngày ba mươi tháng Tư măm 1975…Hầu hết anh em chúng tôi đã “được “ vào tù vì có “ tội “ với nhân dân.  Tôi cũng giống như các bạn cùng khóa đã lật khoảng 7 cuốn lịch, có bạn thì ở lâu hơn, có bạn thì chẳng may đã ra đi vĩnh viễn nơi chốn lao tù…

   Hồi tưởng lại cuộc đời mình từ lúc còn là học sinh, đến khi gia nhập vào Ngành Cảnh sát, đi làm, có gia đình, ở tù Cộng sản và sau cùng, hiện sống tha phương nơi xứ lạ quê người…Tôi thấy câu nói của người xưa:

          “ Dạy con từ thuỡ còn thơ

          Dạy vợ từ thuỡ ban sơ mới về “

Câu nầy hình như không có chút gì “ép phê “đối với hoàn cảnh của tôi hay nói thẳng ra, tôi không có dịp để áp dụng cho đời mình.   Khi đứa con gái lớn của vợ chồng tôi sanh ra thì tôi đã ở trong tù và khi tôi được “ khoan hồng “ trở về nhà thì cháu đã sáu, bảy tuổi.  Lúc tôi về đến nhà thì cháu không dám lại gần mặc dù trước đây đã được mẹ dẩn đi thăm nuôi tôi một vài lần ở trại tù. Cháu lại còn khóc và chạy trốn khi thấy tôi…Chúng ta được biết, khi mình được ra khỏi tù về nhà còn bị “ quản chế “ một hay hai năm có nghĩa là lúc đó mình chỉ là “ phó thường dân Nam bộ “ thôi chớ đâu có quyền công dân nên đôi khi mình phải sống trong mặc cãm, tủi thân…Cố gắng nhỏ nhẹ, vổ về con mình để nó lần lần gần gũi mình hơn. Dỉ nhiên là mình cũng được dạy con trong một chừng mực nào đó thôi.  Cũng may là sau nầy, mấy đứa nhỏ cũng biết điều, biết bổn phận làm con, cũng thông cảm với hoàn cảnh và tâm trạng của tôi nên chúng rất thương tôi.

Tôi còn nhớ có một lần, tại Hoa Kỳ, đứa con gái nhỏ dẩn vợ chồng tôi xem phim “Vượt sóng”, nó ôm tôi khóc nức nở trong rạp khi nghe tôi trả lời cho câu hỏi của nó “…ở trong tù, ba cũng bị đối xử giống như cảnh nầy trong phim vậy đó “.

     Còn nói về câu: “ Dạy vợ từ thuỡ ban sơ mới về “ thì lại càng xa vời với tôi.  Các bạn nghĩ coi, tụi tôi đám cưới mới độ bảy, tám tháng là tôi vào tù. Thời gian chung sống với nhau quá ngắn thì làm sao tôi có đủ thì giờ để soạn “ giáo trình “ mà “ dạy “ vợ?   Phần ai cũng đi làm để lo cho cuộc sống.  Hơn thế nữa, lúc đó chiến sự ở chỗ tôi làm việc càng ngày càng ác nghiệt.  Thường xuyên tôi phải mặc đồ trận, mặc áo giáp và mang luôn cả giày để ngũ.  Tỉnh Sa đéc trước đây là tỉnh yên nhất Miền Nam bên cạnh Gò công và Long  xuyên.  Nhưng từ giữa năm 1974 trở về sau lại rất nặng nề về quân sự nhất là Quận Đức thịnh nơi tôi làm việc lại có Liên tỉnh lộ 28 nối liền từ Sa đéc đến Cao lảnh dọc theo dòng sông Tiền.  Liên tỉnh nầy trải dài qua 5 xã thuộc Quận Đức Thịnh, các xã: Tân Đông, Tân An Trung, Tân Khánh, Tân Khánh Tây và Tân Mỹ, mà VC lại muốn cắt đứt con đưòng nầy để cô lập Kiến Phong ( Cao lảnh ) nên chúng thường xuyên đắp mô, pháo kích, tấn công…có một vài lần tôi và vị Quận trưởng phải đi giải tỏa đoạn đường nầy…Cũng như có lần tôi đã cùng CHP Cảnh Sát Tỉnh, ( Th/t LQT, K2 ) và Giang đoàn trưởng (Đ/u DTL, K3 ) phải dùng canoe  ( lúc đó không thể đi đường bộ nhưng cũng vì quá nóng ruột  nên tôi đã quên “ binh thư “ là có thể sẽ bị tấn công, bắn sẽ trên sông ) để lên tiếp tế đạn dược cho Cuộc Tân Mỹ ( Th/u Ng.v.Tấn, K7 ) sau đêm vị xả trưởng bị đặc công VC tấn công và giết chết cũng như sau đó xã nầy bị Tiểu đoàn 52A và 52B chính quy Bắc Việt bao vây, tấn công dữ dội ( không bao lâu thì đến ngày đứt phim).  Nói thế để các bạn thấy tôi đâu có “ rảnh “ mà dạy vợ từ thuỡ ban sơ mới về !!!   Nhưng lại cũng may cho tôi, không phải tôi “ nịnh “ nhe, là vợ tôi cũng biết điều, cũng biết vai trò làm vợ, và sau đó làm mẹ lo cho mấy đứa con tôi khi tôi đi tù. Cũng như phải lo chuyện của hai gia đình bên nội và bên ngoại..   Hơn thế nữa, còn phải ráng xoay sở, làm lụn, buôn bán …để có ít tiền mà thăm nuôi tôi mỗi hai tháng một lần.  Giống như trong bài ca “ Cái cò “ của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh ( con của niên trưởng Nguyễn văn Y ):

…Cái cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non…”

     Các bạn ơi, tôi chưa  dạy được vợ mà đã thọ ơn vợ rồi !!! Trong hoàn cảnh nầy, vợ của các bạn và của tôi rất là đáng trân quý: một lòng chung thủy keo sơn, một sức chịu đựng dẻo dai, một tinh thần trách nhiệm cao độ, một ý chí sắt đá ..Ngẫm nghĩ lại người đàn bà Việt Nam rất đáng nễ phục. Các chị đã không hỗ danh là con cháu Hai Bà Trưng, bà Triệu, là con dâu xuất sắc của Học viện… Thú thật với các bạn, nếu chúng ta mà ở vào hoàn cảnh tương tự như vậy, tôi nghĩ khó mà tìm được một người chồng làm tròn bổn phận giống như vợ con mình đó các bạn ạ ( dỉ nhiên cũng có rất ít trường hợp ngoại lệ như:  Có một vài bạn rất tội nghiệp là khi đi tù thì bị vợ “ sô dô na ra “ hay khi được thả về nhà thì vợ mình đã là diển viên chánh trong vở  tuồng“ Lở bước sang ngang” hoặc còn đau hơn nữa là vợ mình thay vì hát bài vọng cổ “ Tình anh bán chiếu “ mà cố danh ca Út Trà Ôn hay hát thì cô nàng lại ca bài “ Tình anh nón cối “ mới thật là trớ trêu và đáng thương tâm cho anh bạn mình.  Bản thân tôi cũng đã mấy lần ủng hộ cho chưong trình Cám Ơn Anh tổ chức tại California ( nếu tôi nhớ không lầm thì bạn Thái văn Hòa anh Nguyễn ngọc Thụy K2 và một số bạn khác cũng đã tích cực đóng góp công sức vào đây)  để yểm trợ cho các anh Thương phế binh còn ở lại quê nhà mà theo Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh thì chúng ta đã mang nợ các anh nầy.  Nhưng tôi lại rất cãm động và trân quý vì vừa rồi, ở Tiểu bang Colorado có tổ chức buổi lễ Cám Ơn Em để nói lên sự biết ơn cũng như mến phục các vị nữ lưu đã làm tròn bổn phận đối với các người chồng ở tù Cộng sản.  Rất tiếc là buổi tiệc nầy tôi không có cơ hội tham dự và không rõ bạn Tạ Thành Lăng ( K3 ) ở địa phương nầy có mời bà xã đến đó để mà cùng cảm ơn ân nhân của mình không?

     Dỉ nhiên, trong cuộc sống đời thường, những cập vợ chồng già như chúng ta hiện tại nơi xứ lạ quê người với nhiều khó khăn trong cuộc sống thế nào cũng có lúc “ Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, như một anh bạn của tôi hay khôi hài nói:” tụi tôi nội chiến từng ngày…”.   Phần tôi, mỗi khi mà bà xã có ý “ hiếp đáp “ tôi hoặc có lúc tôi cũng muốn “ lên dầu sống “ thì tôi thường trở lại với chính mình, hít sâu ba hơi thở, để nhắc nhở mình rằng người đó là ân nhân của mình thì mình nên “ tế nhị “( chớ không phải là sợ ) để cho “ cơm được lành, canh được ngọt “.  Vả lại chúng ta cũng đã hay sắp xỉ “ sáu bó “ rồi. Một số các bạn Khóa 3 cũng đã lần lượt ra đi mà gần đây nhất là bạn Nguyễn văn Hội và Lê văn Bảy.  Cuộc ruổi dong của chúng ta cũng sắp đến hồi kết thúc và mình cũng nên nhớ câu nói của một vị Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa trước đây: “ …lấy tình thương xóa bỏ hận thù…” Hơn nữa, người đó là vợ và cũng là ân nhân của mình chớ đâu phải là thù đâu, phải không các bạn?   Thôi dĩ hòa vi quý nhe các bạn.

     Tóm lại, nếu ai trong các bạn được may mắn thực hành câu:

          “ Dạy con từ thuỡ còn thơ

           Dạy vợ từ thuỡ ban sơ mới về “

Thì tôi xin được chúc mừng các bạn đó; riêng phần tôi, câu nầy gần như không được gần gủi tôi lắm.  Bởi vậy, tôi chỉ phó thác cho mạng số của mình.  Cũng may là số phần của tôi không đến nỗi bị rơi vào một vì sao xấu.  Cho đến giai đoạn gần cuối của cuộc đời, tôi không có cơ duyên để dạy mà

“ xếp “ và mấy “ xấp nhỏ “ của tôi, không biết học lóm ở đâu mà cũng khá thuộc bài; …tứ đức, tam tòng, lòng hiếu thảo…Đó cũng là niềm an ủi  và hạnh phúc của một đời người đã trải qua bao nỗi thăng trầm thế sự.

    Nhân kỷ niệm 45 năm Học viện cũng như 43 năm Khóa 3, tôi xin phép được ghi lại bài nầy để gọi là vinh danh và xin được gởi những đóa hồng tươi thắm đến mấy nàng dâu Học viện. Tôi cũng xin cám ơn Ban tổ chức đã cho tôi cơ hội được đóng góp bài vỡ và quan trọng hơn nữa là Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được hân hạnh gặp lại Quý thầy cũ, Quý Niên trưởng, Quý đồng môn Học viện cũng như quý đồng nghiệp và gia đình trong lần hội ngộ thân thương và quý báu nầy.

   Dịp nầy, tôi cũng xin được thắp lên một nén hương lòng để tưởng nhớ đến thầy Viện trưởng Đàm Trung Mộc, quý Niên trưởng, quý đàn anh, quý đồng môn và đồng khóa đã một lần nằm xuống cho quê hương và dân tộc.  Xin chúc sức khỏe đến tất cả quý đồng môn, đồng nghiệp còn ở lại quê nhà cũng như hiện sống lưu vong trên toàn thế giới .

   Sau cùng tôi xin kính chúc Đại Hội 45 năm Học Viện, 43 năm Khóa 3 được thành công mỹ mãn và mọi người  luôn đưọc an vui hạnh phúc.

 

                                      Virginia ngày 15 tháng 4 năm 2011

                                                   

                                                   Hà văn Sang  K3

( Tr/đ 24, Đ/đ 102, T/đ 1 )   

 

 

 

 

                     K3 Hà văn Sang và nàng dâu Học Viện , Lê kim Dung

                              ( Kỷ niệm 40 năm K3- Nam California 2008 )