Điểm sách: Tiểu thuyết lich sử Chế Bồng Nga |
Tác Giả: Lại Quốc Hùng | |||
Thứ Sáu, 12 Tháng 8 Năm 2011 07:37 | |||
Bài giới thiệu tiểu thuyết lịch sử CHẾ BỒNG NGA, ANH HÙNG CHIÊM QUỐC của nhà văn cũng là cựu SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG Ngô Viết Trọng. ĐỌC “CHẾ BỒNG NGA, ANH HÙNG CHIÊM QUỐC” Người đọc: Lại Quốc Hùng Thưa quý anh, quý chị. Chế Bồng Nga! Chế Bồng Nga! Có lẽ trong chúng ta khi còn ngồi ghế nhà trường, ít hay nhiều đã nghe tên của ông vua Chiêm Thành này trong giờ sử Việt… Cái tên gợi cho chúng ta những trang sử vừa hào hùng vừa bi đát của một dân tộc mà nay đã bị xóa tên trên bản đồ. Những dấu vết, di tích của một nền văn minh rực rỡ đó chỉ còn là một vài tháp cổ loang lở, những tượng đá bám đầy rêu phong, phơi mình trong sương gió giữa những đám rừng xanh đen, những cồn cát hoang vắng được mô tả qua những vần thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên trong tập “Điêu Tàn”: Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng Những câu thơ trên gợi lại cho chúng ta hình ảnh của Nàng Mỵ Ê , Huyền Trân Công Chúa, những giai thoại về Chế Mân, Châu Ô, Châu Rí, Thành Đồ Bàn, nét quyến rũ của những điệu múa xa xưa cũng như làm ta liên tưởng đến áng văn trau chuốt của Lan Khai khi tả về chàng thanh niên Chế Bồng Nga: “Khuôn mặt chàng - khuôn mặt ngót ba chục tuổi, hơi gầy - đã rám mầu sương nắng; nhưng, cái trán cao, đôi mắt sắc và cặp môi vắng hẳn nụ cười vẫn giữ cho dung mạo ông Hoàng vong quốc Chiêm Thành ấy một vẻ khác thường. Và thưa quý anh chị, nhân vật đó, nhà vua độc nhất vô nhị của dân tộc Chàm đã được nhà văn Ngô Viết Trọng có hoài bão làm sống lại trong cuốn tiểu thuyết lịch sử mới nhất của ông , cuốn “Chế Bồng Nga, Anh Hùng Chiêm Quốc”. Trong bài giới thiệu sách hôm nay, tôi muốn cùng quý vị điểm qua cuốn tiều thuyết lich sử này, và vì tựa đề của sách là “Chế Bồng Nga, Anh Hùng Chiêm Quốc”, tôi cũng xin đồng thời đánh giá tính chất “anh hùng” của vị vua xứ Chiêm nổi tiếng này dựa trên những trang sách của nhà văn Ngô Viết Trọng. Thưa quý anh, quý chị, Trong cuốn tiểu thuyết dày 254 trang gồm 14 chương do Hồng Lĩnh xuất bản năm 2011, Ngô Viết Trọng đã khái quát tả lại lịch sử nước ta và Chiêm Thành từ thời vua Trần Anh Tôn trở đi mà trọng tâm là cuộc chiến tranh Việt-Chiêm 1360-1390, nghĩa là từ lúc Chế Bồng Nga lên ngôi cho đến khi ông tử trận. Riêng về Chiêm Thành, tiểu thuyết của Ngô Viết Trọng không chỉ chú trọng đến Chế Bồng Nga mà còn dành 90 trang đầu để khắc họa lại hình ảnh một minh quân khác của vương triều thứ 12 đất nước Chiêm, vị vua trước Chế Bồng Nga. Tên ông là Trà Hòa Bố Để, con rể của vua Chế A Nan, nhưng ông đã loại Chế Mỗ con ruột của vua Chế A Nan để lên ngôi vua. Sở dĩ Trà Hòa Bố Để loại Chế Mỗ vì ông cho rằng hoàng tử này là một con người nhu nhược, tầm thường không thể gánh vác việc nước cũng như thực hiện hoài bão của cha mình. Hoài bão đó là: “Phải làm sao nước Chiêm mãi mãi không thuộc ai nữa! Nước Chiêm nhất định phải vùng lên, phải hùng mạnh, phải đủ sức chống lại mọi cuộc xâm lăng, nhất là phải lấy lại cho được những phần đất cát mà Đại Việt đã lừa dối tiền nhân chúng ta để chiếm đoạt.” (trg 52). Nhưng giấc mộng của ông không thành. Trước khi xuất chinh đánh Đại Việt thì một trận dịch hạch bùng nổ dữ dội cướp đi sinh mạng của bao binh lính tinh nhuệ cũng như chính đứa con trai tuấn tú của ông là hoàng tử Đạt Vân. Lực lượng quân sự tiêu hao, ông đành gác mộng trả thù và mở đường trở về cho Chế Bồng Nga, người em cùng cha khác mẹ của nhạc phụ ông đang trốn tránh sau khi ông đoạt ngôi vua. Chế Bồng Nga chấm dứt cuộc sống lưu vong để rồi sau này khi lên ngôi, nối chí Trà Hòa Bố Để thực hiện giấc mộng chinh phạt Đại Việt, lấy lại những đất đai mất mát khi xưa. Về lịch sử Việt Nam, truyện của Ngô Viết Trọng kể tỉ mỉ và sống động giai đoạn từ thời Trần Dụ Tông. Đây là thời kỳ bắt đầu xuống dốc của nhà Trần. Đại Việt không còn là một đất nước hùng mạnh, đáng nể sợ nữa, một quốc gia đã ba lần oai hùng đánh phá quân Nguyên, với những tên tuổi lẫm liệt như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão. Giờ đây, vua thì chỉ lo chữa bệnh liệt dương, sau đó đắm mình trong tửu sắc, cờ bạc, bỏ việc cai trị cho nịnh thần, xây cung xây điện, bắt dân đóng sưu cao thuế nặng. Những hiền thần trung chính hầu hết bị loại. Vua Nghệ Tôn thì tin dùng ngoại thích Lê Quý Ly, gây chia rẽ trầm trọng trong triều đình. Chính vì vậy mà Chế Bồng Nga mới gặp thiên thời, nhân hòa để nuôi ý chí phục thù. Thời kỳ này là thời kỳ ngôi sao Chế Bồng Nga nổi lên như một anh hùng Chiêm quốc. Theo Ngô Viết Trọng, ông vua Chiêm này đáng mặt anh hùng vì đã hội đủ cái đẹp của chữ “anh” cũng như cái dũng của chữ “hùng” và ông đã dùng những trang sách của mình để chứng minh điều này. Nều hiểu chữ “anh” là đẹp đẽ, khôn ngoan thì Chế Bồng Nga đã có những đức tình đó thông qua chiến lược của ông. Sau khi lên ngôi, ngoài việc củng cố, chấn chỉnh lại binh lực. ông còn tỏ là một người hiểu mình, hiểu người, một chính trị gia thực tiễn, có tầm nhìn xa. Ông biết Chiêm Thành là một nước nhỏ, dù có đánh bại Đại Việt thì cũng chỉ tạm thời, có tính cách giai đoạn mà thôi. Ông không thể mãi mãi chiếm cứ Đại Việt, một đất nước dù đã bị đô hộ ngàn năm nhưng luôn luôn quật cường dành lại nền tự chủ của mình. Vần đề là phải làm sao khéo léo biến Đại Việt thành một đồng minh đáng tin cậy và là một vùng đất đệm tránh cho mình cái họa xâm lăng của anh chàng khổng lồ độc ác, nham hiểm là Trung Hoa, mà sử sách còn đầy dẫy những chuyện lọc lừa, phỉnh gạt, những mưu đồ xâm lấn, bành trướng rõ rệt. Những tay gian hùng như Tào Tháo đã vậy, mà ngay cả những con người được tiếng là chính nhân quân tử như Khổng Minh, Lưu Bị vẫn có nhiều điểm đáng nghi ngờ. Vì vậy, ông chịu triều cống Trung Hoa và giúp nước này tiễu trừ giặc biển để tránh họa xâm lăng từ phía đại hán, đồng thời đưa ra một đường lối sáng suốt để đối phó với Đại Việt. Nếu có lép vế một chút, hay mang 10 mâm vàng đi triều cống, ông cũng sẵn sàng để có thể mua thời gian. Ở trang 130-131 của cuốn truyện, ông nói với quần thần như sau: “Các khanh đừng bao giờ nuôi mộng sát nhập Đại Việt vào Chiêm Thành. Thứ nhất dân tộc Đại Việt là một dân tộc quật cường rất khó chinh phục. Nước Trung Hoa lớn mạnh thế kia, họ đã từng chiếm Đại Việt làm quận huyện trải ngót nghìn năm mà chúng còn vùng dậy được, nay nước ta làm sao cai trị chúng nổi? Thứ hai nếu ta tiêu diệt được Đại Việt tức là ta tự đem cái biên giới nước ta lại gần nước Trung Hoa, như thế có phải là đem cái khổ, cái lo thường trực đến bên lưng mình không? Các nhà lãnh đạo biết xa thấy rộng đều rõ cái họa đó nên đã cố tránh… Ta cứ để Đại Việt làm cái hàng rào ngăn cách giữa nước ta và Trung Hoa thì các khanh thấy phải hay không?” Đó là cái “anh” thứ nhất của ông. Cũng trong chiến lược đó, ông đã dùng Ngự Câu Vương Trần Húc, con trưởng của Thượng Hoàng Nghệ Tông, đã bị bắt trong trận Đồ Bàn để thực hiện ý đồ của mình. Ông coi Trần Húc như một bửu bối trong tay ông . Ông khẳng định ở trang 165 trong cuốn sách: “Sau khi đánh gục Đại Việt,trước tiên ta sẽ lấy lại những vùng đất cát mà Đại Việt đã chiếm của tổ tiên ta. Sau đó ta sẽ đưa Trần Húc trở về làm vua phần đất cũ của Đại Việt. Như thế vừa được việc cho Chiêm Thành vừa thuận lòng dân Đại Việt. Trần Húc là người do Chiêm Thành gây dựng tất nhiên y không dám đi ngược lại quyền lợi nước Chiêm. Đó là kế sách ta đã vạch ra để tìm một đường sống hòa bình, an lạc cho dân Chiêm! Như vậy Trần Húc không phải là một bửu bối vô giá hay sao?”. Vì thế mà ông khuyến khích mối tình của Trần Húc với con gái ông là công chúa Hoa Lài để biến Trần Húc thành một hàng tướng, thành cậu con rể cưng đồng ý hợp tác với ông trong ý định trả thù Đại Việt, dù sau này chuyện không thành. Đó là cái “anh” thứ hai của ông. Còn về chữ “hùng” hiểu như một tướng lãnh anh dũng, có nhiều chiến công vang dội thì chúng ta có thể coi Chế Bồng Nga là một anh hùng của Chiêm Thành. Dù ông có gặp thất bại một hai lần, nhưng trong bốn lần tiến chiếm Thăng Long vào những năm 1371, 1377, 1378, 1383, theo sử sách Đại Việt thì ông hoàn toàn thành công. Quân Chiêm cướp phá kinh thành, bắt người, cướp của, thiêu đốt cung điện, đồ thư và sổ sách rồi theo đúng sách lược, nhanh chóng rút lui để bảo toàn lực lượng, không chiếm đất hay đòi lại đất đã mất. Chiến công hiển hách nhất của ông là cướp phá kinh đô năm 1371 khiến vua Trần Nghệ Tông phải chạy vào huyện Đông Ngàn và năm 1376, trong trận Đồ Bàn, Chế Bồng Nga đã lập mưu cho tướng Mục Bà Ma trá hàng để dụ Duệ Tông tiến quân. Nhà vua trúng kế mai phục của quân Chiêm và bị tên bắn tử trận. Ông đã nhiều lần làm cho hầu hết vua quân Đại Việt phải kinh sợ. Truyện của Ngô Viết Trọng theo sát sử liệu mô tả đầy đủ các trận đánh của Chế Bồng Nga, với những suy tính, chiến thuật, mưu mô của ông để giành lấy chiến thắng. Tác giả cũng không quên những nhân vật khác như Đỗ Tử Bình, Lê Quý Ly, các tướng Phạm Huyền Linh, Đỗ Lễ , nhất là tướng Lê Giốc, trước khi bị chém đã dõng dạc nói: “Ta là quan của nước lớn, sao phải lạy chúng mày?” (Trang 193). Liên tiếp đánh phá Đại Việt khiến vua tôi Đại Việt có lúc phải bỏ kinh thành chạy trốn, sợ hãi khi nghe tên ông, đó là nét “hùng” của Chế Bồng Nga. Nhưng những trang sử oanh liệt của nhà quân sự nước Chiêm đó không kéo dài mãi. Năm 1390 Chế Bồng Nga mang 100 chiến thuyền đến Hải Triều để đương đầu với thủy binh Đại Việt. Theo hàng ông là Trần Nguyên Diệu, em vua Phế Đế Trần Hiển, con vua Duệ Tôn. Năm trước, Chế Bồng Nga đã đem quân đánh Thanh Hóa. Lê Quý Ly được lệnh đem quân chống cự, nhưng thua, phải trốn về, may mà có tướng Nguyễn Đa Phương kịp thời rút quân để bảo toàn lực lượng. Lần này, Nguyễn Đa Phương vì cậy công nên đã bị Quý Ly trừ khử. Nghệ Tôn đành phải giao cho tướng Trần Khát Chân, một vị tướng chưa có nhiều kinh nghiệm chiến trường, chỉ huy thủy binh. Cả Nghệ Tôn và Trần Khát Chân đều khóc trước khi xuất binh. Chế Bồng Nga và Trần Nguyên Diệu đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ thuyền lương do Ba Lậu Kê đến là sẽ khởi binh tấn công. Nhưng, theo Ngô Viết Trọng, thuyền lương Chiêm của Ba Lậu Kê, vì nặng và gió cản trở nên đã đến trễ mười ngày. Chế Bồng Nga nổi giận đòi chém đầu Ba Lậu Kê. Các quan xin tha cho Ba Lậu Kê, nhưng Chế Bồng Nga vẫn ra lệnh phạt viên quan này 100 roi. Uất ức, Ba Lậu Kê ban đêm lẻn sang hàng tướng Trần Khát Chân. Tay này biết rõ chiếc thuyền mà Chế Bồng Nga thường dùng để quan sát trận địa nên chỉ cho Trần Khát Chân biết. Lập tức, Trần Khát Chân ra lệnh tập trung tối đa hỏa pháo bắn vào thuyền Chế Bồng Nga. Người hùng Chiêm quốc tử trận ngay vào đợt pháo đầu tiên. Trần Nguyên Diệu thấy nguy, trở mặt cắt đầu Chế Bồng Nga định lập công, nhưng bị tướng nhà Trần là PhạmNhữ Lặc nhiếc mắng và chém chết. Cuộc đời oai hùng của vua Chiếm chấm dứt một cách bi thảm chỉ vì một cơn nóng giận nhất thời. Lịch sử nhiều khi vẫn có những cái trớ trêu không thể tiên đoán được. Thưa quý anh, quý chị Đó là tóm tắt cuốn tiểu thuyết lịch sử “Chế Bồng Nga, Anh Hùng Chiêm Quốc” cũng như tính chất anh hùng của Chế Bồng Nga theo định nghĩa mà Ngô Viết Trọng đưa ra trong trang 4 của lời mở đầu:” Theo nghĩa nguyên gốc thì anh là vua loài hoa, hùng là vua loài thú. Ngay chữ ‘anh” đã tự nó xác định cái ý nghĩa đẹp đẽ, thơm tho, tính khiết của chính nó! Chữ ‘hùng’ thì mang ý nghĩa sức mạnh, khả năng, lòng quả cảm, sự khôn khéo, sự chiến thắng”. Cuộc đời và những chiến công của Chế Bồng Nga trong truyện có thể đáp ứng những nét chính theo định nghĩa đó. Vị vua Chiêm có cái nhìn sáng suốt về chính sách đối phó với Trung quốc và Đại Việt. Ông đã biết cải tổ, huấn luyện quân đội và dụng binh khôn khéo hay thần tốc để đạt được nhiều chiến thắng trong ba mươi năm cầm quyền. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn hiểu hai chữ “anh hùng” theo một nghĩa rộng hơn. Đối với một hoàng đế hay một nhà vua thì hai chữ anh hùng phải được đánh giá qua những việc làm, những thành quả của cả công cuộc đối ngoại lẫn đối nội. Có thể là vì không có những tài liệu gốc về phía Chiêm Thành nên chúng ta không biết nhiều về việc nội trị của ông trong vòng ba mươi năm ngự trị ngai vàng. Ba mươi năm không phải là ít đối với một ông vua thời xưa. Nhiều vua Trần thời đó chỉ cầm quyền ngót nghét trên dưới 10 năm. Vậy Chế Bồng Nga đã làm gì để phát triển nước Chiêm Thành về văn hóa, xã hội và kinh tế? Ông đã làm gì để cải thiện, nâng cao cuộc sống người dân nước ông? Ông đã có những viễn kiến gì cho một một nước Chiêm Thành hùng mạnh trong tương lai? Ngay cả những chiến công quân sự, với 11 lần mang quân đánh phá Đại Việt thì theo sử Việt, tôi xin nhấn mạnh là theo sử Việt, ông chỉ cướp bóc, hôi của, mang về những chiến lợi phẩm đủ loại mà không thừa thời cơ giành lại đất đai đã mất hay mở mang bờ cõi của tổ quốc. Giả sử Đại Việt không suy thoái mà còn những vua hiền, tướng giỏi như Trần Nhân Tôn, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật v.v… thì liệu ông ta có dễ dàng chiến thắng hay không? Thắng một kẻ thù mạnh hơn mình nhiều như Lý Thường Kiệt diệt quân Tống, Hưng Đạo Vương đè bẹp quân Nguyên và Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh thì mới xứng đáng là những anh hùng. Còn Chế Bồng Nga, ông chỉ thắng một đất nước đang suy thoái, với những nhà vua (trừ Duệ Tộng) yếu hèn và các tướng bất tài thì ông có thật sự là một anh hùng vĩ đại hay không? Vì vậy, có những tác giả như ông Trần Xuân Sinh trong cuốn “Thuyết Trần - Sử Nhà Trần” xuất bản trong nước năm 2003 đã cho Chế Bồng Nga chỉ là một tay “cướp biển cừ khôi” và quy lỗi cho nhà vua này là đã quá phung phí nhân lực, tài nguyên nước Chiêm trong suốt 30 năm chinh chiến để rồi sau khi ông chết, Chiêm Thành kiệt quệ và bắt đầu đi vào đường suy vong và dần dà vào đường bị diệt vong. Cho nên, xuyên qua những trang sách của Ngô Viết Trọng, tôi thiết nghĩ chúng ta chỉ nên coi Chế Bồng Nga là một nhà quân sự tài giỏi và một anh hùng theo nghĩa hạn hẹp mà thôi. Thưa quý anh, quý chị, Hôm nay, tôi không chỉ là người giới thiệu sách mà còn là một độc giả. Là độc giả, tôi xin chân thành đóng góp một vài ý kiến với nhà văn Ngô Viết Trọng ở khía cạnh nội dung và nghệ thuật một tiểu thuyết lịch sử. Tôi thiết nghĩ những đóng góp này là điều phải có trong một buổi ra mắt sách và và chắc chắn đây là điều mà tác giả trân trọng và mong mỏi từ phía các độc giả. Chốc nữa đây, trong phần trao đổi với tác giả, mong rằng tác giả sẽ nhận được nhiều ý kiến, nhiều nhận xét của quý vị; Thưa anh Trọng,
Nhà văn, cựu SVSQ khóa 2 Học Viện CSQG Ngô Viết Trọng Thú thật sau khi đọc xong cuốn truyện của anh, tôi có cảm tưởng như tôi vừa được anh đãi một bữa tiệc ngon, nhưng vẫn còn thiếu rượu và đồ nhắm. Tôi vẫn còn cảm thấy thòm thẻm, chưa “đã”. Vì sao vậy? Tôi nghĩ cuốn truyện của anh chưa dày đủ. Tôi mong số trang của nó nếu có thể, sẽ được nhân lên gấp đôi, gấp ba, Không phải truyện cứ dày là hay, nhưng một cuốn tiểu thuyết lịch sử cũng giống như một bức tranh. Bức tranh anh vẽ đẹp đấy, nhưng kích thước vẫn còn nhỏ. Tôi muốn có một tấm bích họa rực rỡ hơn, với nhiều cảnh trí huy hoàng và hoành tráng hơn Tôi mong có chỗ cho một Chế Bồng Nga đa diện, phong phú, mưu mô, đa tình, một con người mà tâm lý chứa đầy mâu thuẫn và xung khắc, với những vùng ẩn khuất mà nhà văn sẽ rọi vào chút ánh sáng. Biến cố đặc biệt nào trong cuộc sống của ông đã để một dầu ấn không phai và nuôi dưỡng chí phục thù của ông? Trong trí tưởng tượng của tôi, dủ có thể không đúng với sử liệu, biết đâu lại chẳng có một mối tình diễm tuyệt của Chế Bồng Nga với một cô gái Việt, để rồi bên tình, bên lý giằng xé nhau đưa tới những hệ lụy đau thương, bi thảm. Nhất là Chế Bồng Nga thời trẻ, khi còn phải ẩn náu, trốn tránh. Chàng thanh niên tuấn tú đó đã được hun đúc, rèn luyện, học hỏi như thế nào để sau này trở thành một ông vua xuất sắc. Ai là những người thày của ông cả văn hóa lẫn quân sự? Trong tiểu thuyết của anh, anh dành cho phần này xấp xỉ bốn trang, từ trang 80 đến trang 84. Theo tôi như vậy còn ít. Tôi mong có chỗ nhiều hơn cho các nhân vật phản diện, những nhân vật hư cấu. Các nhân vật phản diện sẽ làm nổi bật cá tính của các nhân vật chính, đem đến cho cuốn truyện những giây phút căng thẳng cần thiết. Anh đã tỉ mỉ mô tả Dụ Tông, nhưng còn Lê Quý Ly, Đỗ Tử Bình, Trần Nguyên Diệu, Ba Lậu Kê. Những nhân vật này cần đậm nét hơn, đặc biệt là Lê Quý Ly, kẻ sau này sẽ thoán đoạt ngôi báu của nhà Trần. Anh đã dành một số trang cho công chúa Hoa Lài, con gái của Chế Bồng Nga, mối tình của nàng với Trần Húc cũng như cái chết bi thảm của nàng. Tuy nàng có thật trong sử liệu, nhưng tôi vẫn xếp công chúa Hoa Lài như một nhân vật hư cấu của anh. Tuy vậy, độc giả sẽ thích hơn nếu có thêm các nhân vật hư cấu cho cuốn truyện thêm phần hấp dẫn. Những tiểu thuyết lịch sử của những nhà văn như Nguyễn Mộng Giác với “Sông Côn Mùa Lũ” hay Trần Đại Sỹ với “Anh Hùng Lam Sơn”, “Anh Hùng Tiêu Sơn” chứa đựng rất nhiều nhân vật hư cấu. Tôi xin đan cử một ví dụ trong cuốn tiểu thuyêt “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh xuất bản trong nước năm 2000. Viết về Ba Lậu Kê, kẻ đã gây ra cái chết của Chế Bồng Nga, nhà văn này đã cho tội cùa ông ta không phải là đưa thuyền lương thực đến trễ như trong sách của anh Trọng, mà vì trong một buổi tiệc rượu ăn mừng chiến thắng, viên quan hầu cận này, sau khi uống rượu say, đã dám ôm ẩu và xúc phạm đến một vũ nữ Việt được Chế Bồng Nga yêu thích… Cô vũ nữ Việt, một nhân vặt hư cấu, tuy chỉ thoáng qua, nhưng đã đã làm nổi bật một khía cạnh nào đó của cá tính Ba Lậu Kê và Chế Bồng Nga. Tuy là gián tiếp, nhưng cô đã là một nguyên nhân xa trong cái chết của Chế Bồng Nga. Người ta đã chẳng nói rằng nếu cái mũi của nữ hoàng Cleopâtre ngắn hơn một chút, có lẽ cục diện thế giới đã thay đổi. Với những nhân vật được thêm thắt như thế, tôi cũng mong được đọc những đối thoại sinh động hơn, những tranh luận gay gắt giữa các nhân vật chính, phụ, giữa vua quan và đám quần thần, trong khung cảnh những cuộc đấu trí, những mưu mô tính toán chính trị, những tranh chấp cung đình gay cấn hay những trận đánh vang lừng. Qua các đối thoại hay độc thoại, những giòng suy tư, những hồi tưởng đan chéo lẫn nhau, lúc xa lúc gần, khi trực tiếp, khi gián tiếp, các nhân vật chính và phụ sẽ thay thế tác giả để kể truyện, nói năng theo đúng thời đại, tâm lý và vai trò của họ và làm cho cuốn tiểu thuyết được sống động hơn như một cuốn phim lịch sử đang chiếu trước mắt chúng ta. Sau cùng, khi đọc một cuốn tiểu thuyết lịch sử, người đọc cũng ao ước có thể tìm lại được những mẩu chuyện đời thường, những sinh hoạt dân gian, những phong tục, tập quán, nếp sống xa xưa của cả dân tộc Chiêm lẫn Đại Việt từ chuyện ăn ở đến việc vui chơi, giải trí, ca múa, rồi lễ nghi, tôn giáo v.v…, những khía cạnh không thể thiếu của một cuốn tiểu thuyết lịch sử để cuốn trưyện thêm phần thích thú và lôi cuốn và phong phú hơn. Thưa quý anh chị, những ý kiến trên đây của tôi thật ra nói thì dễ, viết và thể hiện trên giấy mới khó, có thể nói là rất khó. Công việc sáng tạo này đòi hỏi nhiều suy tư, tìm tòi, trí tưởng tượng và công sức rất nhiều của nhà văn, đôi khi còn đòi hỏi những chuyến đi xa tìm kiếm tài liệu thật tốn kém. Tôi được biết là mới đây, Nhà xuất bản Phụ Nữ tại Việt Nam công bố sẽ cho ra mắt đầy đủ toàn bộ hai bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử “Tám Triều Vua Lý và “Bão Táp Triều Trần” của nhà văn Hoàng Quốc Khải. Hai bộ tiểu thuyềt lịch sử này gồm tổng cộng 6.442 trang mà ông Hoàng Quốc Khải đã ròng rã viết trong vòng 30 năm với một cây bút máy Parker và trên giấy bồi mà thôi. Vì thế, sách của anh Trọng tuy ngắn nhưng tôi biết là anh cũng đã phải bỏ ra không ít công sức với những đêm thao thức để hoàn thành. Thưa quý anh chị, Xin cảm ơn anh Ngô Viết Trọng. Lại Quốc Hùng
|