Home Gia Đình CSQG Văn Chương Truyện ngắn: Con đò ma

Truyện ngắn: Con đò ma PDF Print E-mail
Tác Giả: K2 Ngô Viết Trọng   
Chúa Nhật, 11 Tháng 9 Năm 2011 17:51

Mời bạn xem chuyện ngắn lồng trong bối cảnh đất nước còn thanh bình nhưng bọn Cộng sản vẫn là lũ khát máu.

 

CON ĐÒ MA

                                                
      Nhà tôi ở Huế đã thâm căn cố đế nhiều đời nhưng quê mẹ tôi thì lại ở Trung Lương. Tôi còn nhớ nhà ngoại tôi ở bờ nam cách cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải chừng ba cây số. Chính ở cái cầu định mệnh này, cha mẹ tôi đã gặp nhau. Cũng chính ở cái dòng sông lịch sử này, dòng sông mà người ta vẫn cho là luôn có hai màu nước, đã cho tôi một kỷ niệm nhớ đời. 
      Năm tôi mười bốn tuổi, vì người tôi vốn chậm phát triển nên trông vẫn như đứa trẻ mười một mười hai. Thời kỳ đó cũng là lúc thanh bình nhất của đất nước sau ngày chia cắt. Vùng quê ngoại tôi đã trở thành vùng phi chiến. Bên ngoài nhìn vào người ta thấy người dân vùng giới tuyến đã thoải mái làm ăn mà không còn sợ đạn lạc tên bay bất ngờ. Cha tôi sau thời gian trấn đóng trên cầu Hiền Lương thì cưới mẹ tôi rồi giải ngũ về làm ăn ở Huế. Con đường từ Huế ra Bến Hải trong thời chiến tranh rất nguy hiểm, nhất là đoạn qua Gio Linh có một chỗ nổi danh là Cồn Mã Đỏ. Người ta hay truyền miệng về những trận phục kích, đột kích hãi hùng mà Việt Minh đã thực hiện ở đây. Người ta cũng hay nói về những hồn ma, những đơn vị quân đội Pháp hay hiện lên vào lúc hoàng hôn, nhất là vào những chiều có mưa giông, lũ ma hay lao xao tập trận bên đồi hoang đồng vắng. Nhiều nguời nói họ đã nghe mơ hồ tiếng nhịp bước quân hành và tiếng hô "ắc đơ ắc đơ" trong gió. Bấy lâu vì nguy hiểm, vì cách trở, nên gia đình tôi rất ít khi về thăm bên ngoại. Chỉ có bà ngoại tôi, tuy tuổi khá già hay lặn lội vào Huế thăm con cháu thôi.
      Năm đó họ ngoại tôi làm đám chay lớn. Nhằm vào lúc thanh bình, cha mẹ tôi quyết định đưa cả gia đình về dự một chuyến. Chúng tôi về đến quê ngoại với sự đón tiếp niềm nở thân mật của toàn họ hàng ở đây. Riêng tôi thì được anh Tập, con cậu Kế tôi, nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng lại lớn xác hơn tôi, quấn quít săn sóc như một đứa em nhỏ sau nhiều năm xa cách. Cũng từ lúc đó, ở đâu hai đứa tôi cũng như hình với bóng.
      Một buổi tối, trong lúc mọi người đang bận rộn công việc thì anh Tập hỏi tôi:
      - Danh ưng ăn ổi không?
      - Ưng chứ, nhưng lấy ở đâu?
      Anh Tập ra dấu bí mật :
      - Ổi và có thể có cả mít chín nữa. Im lặng mà đi đừng để ai biết!
      Thế là tôi nhẹ nhàng thoăn thoắt đi theo anh Tập. Đến một cái vườn kia, Tập và tôi chun hàng rào để vô trong. Vườn rậm, nhiều loại cây, có mấy cây ổi rất nhiều trái. Chúng tôi cùng leo và tha hồ hái. Một chốc là cả hai đứa đều hết chỗ đựng. Đứa nào cũng dùng vạt áo để bọc thêm một số. Ra khỏi vườn một đoạn tôi bị trật tay cầm vạt áo và ổi rớt lăn đi lung tung. Tôi lượm lại gần hết nhưng nhiều trái bị dính đất cát. Sợ đem về rửa ở nhà thì bị lộ chuyện, anh Tập dắt tôi ra phía sông. Chúng tôi men theo một đường chun của những người đi câu mà xuống nước. Anh Tập không muốn xuống bến chính vì sợ gặp người ta. Trời tối, chỗ ngồi rửa khá khuất, chúng tôi vừa rửa vừa ăn. Bỗng chúng tôi nghe tiếng nước khua động gần đó. Cả hai đứa hoảng hốt cùng đảo mắt nhìn. Rồi chúng tôi run lên cầm cập muốn rụng cả tim. Một chiếc đò không ai chèo, không có một người bên trong tự động nhẹ nhàng lướt từ bờ nam qua bờ bắc. Sao lạ lùng thế nhỉ? Đúng là ma rồi chứ còn gì nữa? Chúng tôi lặng người đi một lúc mới lấy lại được bình tĩnh. Hết ham ăn uống gì nữa, chúng tôi đầu óc căng thẳng, tim đập thình thịch, theo lối tắt để về nhà. Cả khu vực này về đêm không hề có một tiếng chó sủa. Nhiều nhà bây giờ vẫn không có người ở. Theo cậu Kế tôi kể, trước đây những người nuôi chó đều bị cảnh cáo, trừng trị rất nặng nên đến bây giờ vẫn chưa ai dám nuôi. Hai đứa tôi đang đi xăm xăm thì bỗng có hai bóng đen xuất hiện chận lại:
      - Tụi bây đi đâu đây?
      Tôi sợ quá lúng túng lại để rơi mấy trái ổi xuống đất. Lúc này tôi đã nhận rõ hai bóng đen là hai người trẻ một nam một nữ. Người đàn ông lại hỏi :
      - Tụi bây ăn cắp ổi ở vườn ông Lựu phải không? Nói thật tao tha cho, còn nói dối tao đem bắn bỏ liền! Có phải bây vừa ở vườn ông Lựu về không? Nếu không thì bây hái ở vườn nào?
      Người đàn bà nói giọng dịu dàng hơn:
      - Đây chắc là các em hái trộm ở vườn ông Lựu rồi. Lần sau không được ra đó nữa nghe chưa!            
      Anh Tập gật đầu dạ một tiếng nhỏ. Người đàn ông dữ tợn hăm dọa:
      - Cút về nhà! Từ rày về sau nếu tao gặp lại thì bây chết!
      Về nhà hai đứa tôi giấu tất cả ổi vào một cái vịm bể nắp rồi đậy lên trên một miếng vải. Chúng tôi yên chí rằng không ai biết được chuyện này. Đêm đó tôi nằm với anh Tập, chúng tôi nói chưyện nhiều trước khi ngủ. Anh kể cho tôi nghe về những việc người ta đã nhờ anh làm mà từ trước tới giờ anh không kể cho ai. Nào là chuyện đem mấy tờ giấy gì đó lén dán trước cửa mấy nhà kia (anh Tập không đọc được chữ). Nào là đem gói đồ gì đó lén bỏ vào gầm giường nhà nọ. Có khi lại đem lá thư trao cho một người nào... Mỗi lần như thế anh Tập đều được thưởng con chim hay gói kẹo, có khi có cả tờ bạc. Nhưng đó là chuyện mấy năm về trước. Bây giờ những người hay nhờ cậy anh đó đi đâu mất hết. Anh chỉ nhớ họ có vẻ gì giống giống như hai người chận đường chúng tôi hồi hôm.
      Sáng hôm sau mọi người thức dậy đều ngạc nhiên nghe mùi thơm ổi chín tỏa lừng nhà. Bà ngoại tôi lục tìm và tức cười khi thấy được cả một vịm đầy ổi. Anh Tập đành thú thật chuyện hai đứa đi ăn cắp hồi hôm. Tôi hồi hộp nhìn lén cha tôi nhưng chỉ thấy ông hơi cau mặt mà không nói gì. Trong bữa cơm trưa, có mặt nhiều người bà con mà tôi chưa bao giờ biết, mọi người lại đem chuyện đó ra kể để cười với nhau. Cha tôi nhìn tôi nói:
      - Sao mày to gan thế! Mày không nghe xứ này nhiều ma à?
      Trong lúc bất ngờ tôi buột miệng thốt lên:
      - Khi đêm con cũng có gặp ma!
      Mọi người nhìn tôi cười òa. Tôi thấy quê quá chừng. Một nguời đàn ông, bà ngoại tôi biểu tôi gọi bằng cậu, diễu cợt:
      - Chắc mày thấy con ma le cái lưỡi đỏ như lửa chứ gì?
      Nhiều nguời lại cười. Trước những ánh mắt chế diễu tôi không chịu nổi, phải thật tình đem chuyện tận mắt thấy con đò không người lướt trên sông ra kể. Khi ấy mọi người mới chịu ngưng cười. Vài người đảo mắt nhìn nhau như có vẻ gì nghiêm trọng. Có một người hỏi tôi rất kỹ về việc con đò xuất phát từ bến nào, đi nhanh hay chậm, đi về hướng nào. Dĩ nhiên cái chỗ con đò xuất phát chỉ có anh Tập nói được. Khi ấy tôi nghĩ rằng họ đã thật tin chuyện con đò ma mà tôi kể. Nhưng cả hai đứa tôi không nói gì đến chuyện gặp hai người chận đường sau đó.
      Mấy hôm liền đến tối là mọi người canh chừng không cho chúng tôi đi đâu hết. Đến đêm thứ năm tính từ khi tôi ra Trung Lương, giữa buổi khuya tôi đang ngon giấc bỗng bị đánh thức bởi mấy loạt súng nổ dòn. Sáng hôm sau thì nghe nhiều người rủ nhau lên xã xem 9 xác chết của bọn côn đồ khuấy rối trị an. Cha tôi cũng không cho tôi đi xem. Ông bảo tôi phải ở nhà để chuẩn bị về Huế. Tôi phải nghe lời cha tôi nhưng trong lòng ấm ức lắm.
      Mãi đến bữa cơm chiều, lúc ấy cũng có nhiều bà con tới để chào gia đình tôi ngày mai về Huế, tôi mới nghe biết chuyện gì đã xảy ra. Thì ra có vài người bà con với tôi lại làm việc trong ngành Cảnh sát Bến Hải.  Họ tìm hiểu thăm dò mấy đêm liền mới tổ chức được cuộc phục kích thắng lợi vẻ vang. Toàn bộ 9 người cả nam lẫn nữ mang khí giới và những đồ đạc lỉnh kỉnh thu nhặt đâu đó vừa bước lên chiếc đò còn chòng chành không bắn lại được một phát súng thì đã ngã rạp hết. Có một người bị thương nhẹ phải bắt sống. Theo lời khai của y thì lâu nay họ vẫn vượt sông hoạt động đều đều như thế. Trước đây thì vẫn có một anh du kích nằm vùng kiểm soát an toàn trước khi ra ám hiệu gọi toán công tác bên kia sông sang. Nhưng đã quá lâu ngày không gặp trở ngại nên họ chểnh mảng bỏ dần đi sự đề phòng. Người ta đã theo dõi con đò do toán người từ bên kia Bến Hải chèo sang. Đò đến bến thì tất cả mọi người đều lên bờ đi lo công việc. Chiếc đò thì đã buộc sẵn sợi dây đầu mũi để người bên kia kéo về liền khi toán công tác đã lên khỏi đò để xóa dấu tích. Mấy người bàn với nhau có lẽ người bên kia đề phòng trường hợp bị tấn công giữa dòng sông, nếu người cần tránh đạn hoặc bị thương không chèo được đều có thể nằm lọt vào đò vẫn được kéo về. Khi toán người lo công việc đã trở lại đầy đủ, họ ra ám hiệu bằng những tiếng chim thú gì đó là chiếc đò bên kia đã đợi sẵn chèo sang rước họ. Nhưng lần này họ đều mang số phận Kinh Kha ra đi không trở lại.
      Khi gia đình tôi sắp về Huế, vì muốn ở lại chơi với anh Tập, tôi năn nỉ với ngoại tôi. Ngọại tôi cũng muốn giữ tôi ở lại chơi một thời gian nữa vì tôi còn nghỉ hè. Nhưng ngại tính tôi hay lêu lỗng, cha tôi không chịu. Thấy thế, anh Tập lại xin theo vô nhà tôi ở chơi một thời gian. Cậu Kế đồng ý cho anh đi nhưng bà ngoại tôi bảo chờ ba ngày nữa anh sẽ cùng đi với bà. Trong ba ngày chờ đợi, tôi đã chuẩn bị nhiều món quà cho anh Tập. Tôi cũng chuẩn bị ít tiền để dắt anh đi xem phim, xem hát bội...
      Nhưng đợi mãi cả tuần chẳng thấy bà ngoại dắt anh Tập vô, tôi sốt ruột lắm.
      Mãi mười ngày sau mới có người từ Trung Lương ghé lại báo cho gia đình tôi một tin hãi hùng: anh Tập đã bị giết. Số là sau ngày tôi trở lại Huế, anh Tập đi chơi đâu đó rồi không thấy về. Qua ngày sau cả nhà phải đổ đi tìm. Cuối cùng người ta thấy xác anh ở một đám ruộng hoang. Hai cánh tay anh bị cắt lìa khỏi thân. Cái mặt bị nhiều dấu rạch dấu chém và hai miếng thịt môi bị xẻo vứt đâu mất. Trên ngực anh người ta găm một tờ giấy đề mấy chữ "xử tử Việt gian". Bên cạnh anh có một cái liềm cắt cỏ dính máu cả cán lẫn lưỡi. Lúc bấy giờ tôi thật sự chưa hiểu nghĩa chữ Việt gian là gì.
      Cả nhà tôi còn hú vía hơn nữa khi nhớ tới chuyện bà ngoại tôi muốn giữ tôi ở lại chơi thêm một thời gian. Tôi rùng mình hình dung ra cảnh vùng vẫy, sự đau đớn của anh Tập khi người ta cắt từng cánh tay, xẻo từng miếng thịt môi, rạch từng vạch trên mặt anh... Nếu như cha tôi không nghiêm khắc mà chìu tôi một tí không biết bây giờ tôi sẽ ra sao? Tôi cứ bị những cơn ác mộng hành hạ suốt mấy đêm liền.
      Cái chụyện con đò ma từ đó chiếm hẳn một ngăn trong ký ức tuổi nhỏ của tôi. Mãi tới khi ra đời tôi mới nghiệm ra nổi ý nghĩa tiếng Việt gian vào thời điểm ấy. Nó có thể dành cho bất cứ nguời Việt nào từ đứa trẻ dại khờ cho đến bà già lú lẫn có hành động vô tình hay cố ý làm phương hại đến người Cộng Sản.
 
                                                                           Ngô Viết Trọng
                                                                  (Trích Vết Hằn Mùa Xuân)