Chuyện kể của K6 Lê Thanh Bảo về những mối tình bạn hữu và chiến hữu sống chết bên nhau.
Thư ngỏ
Trước hết tôi kính gởi lời tri ân sâu sắc đến Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Liên Đoàn trưởng, quý vị Cán bộ Đại đội cùng Ban Giảng huấn của Học viện Cảnh sát Quốc gia Thủ Đức. Các vị là người đã hướng dẫn chúng tôi vào ngành Cảnh sát Quốc gia từ những bước đầu khó khăn ; và mãi đến ngày hôm nay, quý niên trưởng vẫn sát cánh cùng chúng tôi. Thật xúc động khi thấy Phó Viện trưởng đến dự Ngày Họp Mặt 45 năm Học viện trên xe lăn, và sau đó phải vào bệnh viện vì kiệt sức! Sau đây là một trong những câu chuyện của một sinh viên sĩ quan khóa 6, xuất thân từ Học viện CSQG Thủ Đức. Tôi nghĩ rằng còn có nhiều chuyện hay hơn và oanh liệt hơn mà các sinh viên sĩ quan K6 chưa viết ra, hay một số bạn K6 không bao giờ có dịp viết, vì các bạn ấy đã hy sinh vì công vụ trước hay ngay ngày đất nước rơi vào tay cộng sản như Hưởng, Duyệt, Phụng, Cười... Đặc biệt, chúng tôi vô cùng cảm xúc và kính mến Thầy Trần an Bài, vị Thầy đã luôn luôn sát cánh với K6 chúng tôi từ buổi học tập đầu tiên tới ngày ra trường ở Học viện. Thầy đã đưa cho mỗi học viên tờ giấy ghi địa chỉ liên lạc của Thầy với lời dặn dò chúng tôi khi có việc gì bất trắc hãy tìm ngay đến Thầy. Nay tuy Thầy đã lớn tuổi nhưng tinh thần vẫn vững chắc và sáng suốt. Thầy đã hướng dẫn và lèo lái, giúp cho K6 vượt qua mọi khó khăn. Tôi gởi chuyện nầy cho các bạn thân chung phòng ở Học viện như Nguyễn hữu Dũng, Ngô khôn Đức, Nguyễn văn Có, Trần trọng Bảo, Nguyễn thành Be...,vong hồn các bạn đã hy sinh vì công vụ như Nguyễn văn Hưởng, Lê thế Duyệt, Hồ văn Cười... Sau cùng, tôi gởi cho vợ và các con tôi đọc để hiểu chút gì về ngành Cảnh sát và thương ngành Cảnh sát như tôi. Cầu ơn trên phò hộ các vị và gia đình luôn được vui manh.
SVSQ/CSQG K6 Lê thanh Bảo
LỜI NÓI ĐẦU.
Sau 32 năm, tôi vô cùng hạnh phúc khi tìm về được với K6. Gia đình, vợ và các con tôi cũng rất vui với tiếng phone reo cả ngày không dứt, với lời chúc mừng một con chim lạc đàn tìm được về tổ ấm. Lần đầu tiên tôi vội vã về Cali để gặp lại bạn bè cũ .Tôi quá xúc động với sự tiếp đón đầy thân tình của gia đình Trần xuân Thái, Ngô khôn Đức, Nguyễn hải Sơn, Phạm Đức, Trương đại Hồ, Lập đen... Cám ơn Chị T.X.Thái cho chúng tôi điều kiện gặp gỡ nhau trong buổi cơm gia đình nồng ấm đầu tiên, và những ngày họp mặt hàng năm sau nầy. Công ơn của các chị K6, chúng tôi vô cùng cảm tạ! Sau đó tôi về Nam Cali để gặp lại Trần trọng Bảo, Nguyễn thành Be, Nguyễn doãn Hưng...Từ ngày đó tới nay đã 5,6 năm rồi, dù tôi có bận bịu thế nào đi nữa, không có ngày họp mặt nào mà không có tôi, để nghe lại tiếng cười vui, tiếng mầy tao mà gần 40 năm rồi không có dịp để nói. Tình Thầy trò, tình đồng môn giữa Thầy, các bạn và tôi cao quý lắm, trân trọng lắm! Cái mà T.X.Thái gọi là " cái tình người của K6 ", nó lạ lùng lắm, không thể nào diễn tả hết được. Sau gần 40 năm khộng tin tức nhau, các bạn có hỏi thăm tôi về Lê thế Duyệt và khuyến khích tôi viết lại những ngày đầy khói lửa cuối cùng ở bãi biển Thuận An. Người đầu tiên là T.Đ. Hồ hỏi cách đây 6 năm, và trong Ngày họp mặt lần 7 gần đây, Huỳnh đô Tiên và vài bạn nữa đã nhắc lại ý nầy với tôi. Ngày xưa tôi nghĩ mình quá nhỏ nhoi so với những chiến trận của các người lính khác, hơn nữa kể lại cũng thêm buồn. Nay với nhiều khuyến khích của các bạn, tôi cố gắng ghi lại một cách trung thực câu chuyện. Tôi và Duyệt ngoài tình đồng môn còn có tình chiến hữu nữa, chúng tôi chia sẽ nhau trong cơn nguy kịch, đói no trong những ngày đao binh dầu sôi lửa bỏng. Những tình người nầy ai có sống trong đó mới thấu hiểu được. Mới hiểu được giọt nước mắt lăn dài trên má của Trần văn Mãng và Huỳnh đô Tiên khi nhắc đến ngày đưa tiễn bạn Thuận, một K6 đã hy sinh, về nơi an nghỉ cuồi cùng. Cũng như ở Huế, tôi và Huy đã tiễn đưa linh cữu của Hưởng về nơi chôn nhau cắt rốn. Hưởng đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ. Gần 40 năm qua, ở chỗ tôi làm, từ phòng ăn trưa, tôi nhìn qua khung kiếng cửa sổ, thấy mưa bay lất phất trên hàng cây cao, tôi nói với thằng bạn người Mỹ, " nhìn cảnh nầy tao nhớ tới thằng bạn của tao quá". Bao lần tôi nhìn cảnh nầy là bao lần tôi nhớ tới Lê thế Duyệt. Tôi nhớ lại những ngày mưa lạnh buốt ở Huế, Duyệt và tôi trên chiếc xe Honda, hai thằng ghé lại một quán bên đường, vội vã uống vài cốc rượu thuốc cho ấm bụng, nhăn nhó uống, hai thằng nhìn nhau cười, vì rượu quá cay nồng! Duyệt! Dù Bạn ở bất cứ phương trời nào, Bạn hãy vui lên vì bạn bè K6 không bao giờ quên Bạn. Ở nơi vĩnh hằng Bạn hãy hãnh diện, cũng như tất cả K6 đều hãnh diện vì chúng ta đã chọn đúng con đường mình đã đi, đã xuất thân từ Học Viện. SVSQ/CSQG K6 Lê thanh Bảo
******************
1
K6 và Tôi
Tôi đã đọc vài chuyện ngắn của các huynh trưởng, tôi cũng có cùng cảm nghĩ " ghét của nào, trời trao của đó!" Ngày xưa, lúc còn đi học, tôi ghét cảnh sát lắm,thấy họ chỉ đứng đường, rình rình cho ba cái giấy phạt lưu thông!
Tôi còn nhớ, năm 1971, tôi đang học ở Đại học Khoa học. Buổi sáng, chúng tôi đang làm thí nghiệm hóa học trong phòng thực tập thì hơi lựu đạn cay mù mịt, tất cả chúng tôi hấp tấp chạy ra khỏi phòng thí nghiệm, chai lọ, hóa chất, văng đổ lung tung! Hôm đó có cuộc biểu tình ngoài đường Cộng Hòa, trước cửa Đại học Khoa học. Tôi thấy có nhiều cảnh sát dã chiến mang mặt nạ, tôi thấy ghét lắm!
Nhưng rồi Luật Tổng động viên ban hành. Hầu hết sinh viên học sinh vào quân ngũ. Lúc đó có nhiều ngành lắm: võ bị Đà Lạt, chiến tranh chính trị, hải quân, không quân... nhưng tôi chỉ ghi danh để dự khóa thi tuyển vào khóa 6 sĩ quan cảnh sát quốc gia năm 1972, mà không ghi danh vào bất cứ quân binh chủng nào khác. Giống như khi lên đại học, tôi không ghi danh đại học nào trừ đại học khoa học. Hôm thi có bài dịch từ Việt văn ra Pháp hoặc Anh văn. Ban đầu tôi dịch ra tiếng Pháp, sau đó dịch ra Anh văn. Tôi không còn nhớ là khi nộp bài thì tôi nộp bài dịch nào!
Tôi còn nhớ ngày đi khám sức khỏe ở Bệnh viện Cảnh sát, có một thằng môi hơi trề, nói chuyện không ngừng, nhưng nó nói chuyện vui lắm, cũng có duyên lắm, lôi kéo tôi cùng vài tên nữa ngồi nghe. Có biết đâu sau nầy nó là một trong những thằng bạn thân nhứt của tôi, cùng đại đội, tiểu đội, cùng phòng. Sau đó là những ngày đầu tiên tù cải tạo, cũng cùng chung nhà luôn! Đó là Nguyễn hữu Dũng(cũng như K6 Ngô khôn Đức, Lê châu Cơ...)
Cuối cùng tôi được chọn vào Cảnh sát. Ngày đầu tiên trình diện Học viện ở Thủ Đức, tôi bị hớt tóc láng bóng! Tối đêm đó được về lại nhà, Má nhìn tôi không ra!
Ngày vô Chí Linh, đi bộ thật là vất vã, trời trưa nắng, không có nước, vừa đói,vừa khát. Đi tới Tổng Đoàn 2, tôi liền chọn nhà và chỗ nằm mà cách đây 6 tháng tôi đã có nằm qua. Nơi đây tôi có nhiều kỷ niệm! Có bạn nào vào Chí Linh 2 lần, ở cùng một chỗ chưa? Tôi đó!
Nhớ lại năm 1971, tôi có anh bạn học ở Đại học Sư phạm, anh có nhờ tôi chơi đàn guitar bass trong Hội Tết của ban Sử Địa ĐHSP. Rồi sau đó ban Sử Địa ĐHSP có tổ chức buổi văn nghệ gây quỹ cứu trợ lụt miền Trung ở rạp Nguyễn văn Hảo, tôi cũng đàn guitar bass trong buổi nầy, nên tôi có nhiều sinh hoạt và gắn bó với ĐHSP từ đó.(Tôi gặp bà xã tôi ở đây!) Mùa hè 1972, ĐHSP tổ chức chuyến du khảo Vũng Tàu- Chí Linh và Tổng Đoàn 2 là nơi chúng tôi tá túc, tắm biển, đào củ khoai mì...
Tối đêm đầu tiên ở Chí Linh, tôi hỏi Dũng "ê, ăn khoai mì hông? Theo tao!" Không chỉ có một mình Nguyễn hữu Dũng hưởng ứng, mà 3-4 tuần lễ sau đám khoai mì của Tổng Đoàn 2 gần hết sạch. Cán bộ ra lệnh phải trồng khoai mì lại!
Chừng tuần lễ sau tôi hỏi Dũng "ê, đi tắm biển hông Dũng?" Thằng Nguyễn hữu Dũng không tin tôi, vì đây là rừng mà!" Mầy không tin thì đi theo tao!" Tôi, Dũng cùng vài K6 nữa đi ra biển tắm. Sau khi tắm biển về, quần áo, đầu cổ ướt nhẹp, ai cũng hỏi biển ở đâu, gần đây không? Thế là ngày sau, gần 30 K6 đi tắm biển! Đang tắm thì khoảng 15 cán bộ mặc áo đen xách súng xuống biển, dàn hàng ngang để rượt bắt chúng tôi. Tổng Đoàn 2
báo cáo có một số người lạ mặt xâm nhập bờ biển! Trong số nầy, ai chạy được, ai bị bắt, các bạn còn nhớ không?
Hồi ở Rạch Dừa, tôi ở đại đội 1B, thiếu úy Khương là đại đội trưởng. Lúc đó ai cũng có 6 giờ phép ngày chủ nhật, phân nửa đại đội có 6 tiếng phép buổi sáng, phân nửa còn lại có 6 tiếng phép buổi chiều. Một hôm Dũng hỏi tôi "ê,về Sài Gòn chơi mầy, ngày mai mình có phép buổi sáng, tối nay tao lấy giấy phép trước, sáng mai mình dọt sớm!" Dũng về Sài Gòn để thăm con bồ. Tới 12 giờ trưa hết phép rồi mà nó vẫn còn đang thăm con bồ nó! Trễ phép, làm tôi cũng bị thiếu úy Khương phạt luôn, bị thiếu tá Hạnh trừ mấy trăm điểm hạnh kiểm! Sau nầy, cách đây mấy năm, tôi và đứa con của Ngô khôn Đức cũng ở dưới đường, ngồi trong xe, chờ Ngô khôn Đức "thăm" con bồ của nó suốt mấy tiếng đồng hồ trong nhà! Đó là những kỷ niệm vui và khó quên trong đời.
Ngày mãn khóa ở Rạch Dừa thật vất vả, vội vã gắn alpha, vội vã về Học viện để ứng chiến. Tất cả K6 đều ở dưới giao thông hào quanh Học viện. Tiểu đội tôi ở dưới giao thông hào hướng về cơ quan truyền tin phía bên kia đường. Thiếu tá hô "tất cả mọi người phải nằm xuống!" Chừng 5 phút sau, tôi ngóc đầu lên để kiểm soát mấy "em" của tiểu đội mình ra sao.(Hồi đó ai cao thì làm tiểu đội trưởng, đứng đầu hàng) "Anh đó, tôi nói anh nằm xuống, tại sao lại ngóc đầu lên?" -giọng thiếu tá Phước- (Lúc đó tôi thắc mắc, nếu nằm xuống thì làm sao quan sát tình hình địch, bạn được?!) "Anh ra chạy 5 vòng sân cờ cho tôi!" Thiếu tá Phước ra lệnh. Tôi chạy được 2 vòng thì thiếu tá Phước đi ra :"Anh trở về vị trí của anh đí!" Tôi nói thầm, cám ơn thiếu tá, 2 vòng muốn hụt hơi rồi. Sau nầy khi nhớ lại chuyện cũ, tôi nghĩ đây là bài học đầu tiên về lãnh đạo chỉ huy mà tôi được học từ Học viện. Phạt cho nhớ để đừng tái phạm, chớ không phải phạt để hành tội lính. Cám ơn thiếu tá Phước đã cho tôi bài học quí giá. Tôi ngưỡng mộ Ông cho tới bây giờ.
Mỗi sáng sớm chúng tôi đều phải tập họp trước khi lên lớp. Chúng tôi phải vừa đi vừa hát hay chạy vài vòng sân cờ. Hôm đó tôi lượm được ở đâu đôi "bốt đờ sô" số 12W mang vào chân(lúc đó tôi đang mang giày số 7W). Khi đại đội chạy ngang qua chỗ liên đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng đứng, tiếng giày số 12W phát ra âm thanh "bịch, bịch, bịch," cả đại đội không nhịn cười được. Hú hồn! Thiếu tá Phước không có nghe! Quậy quá!
Lần đó tôi được cái điện tín từ quê nhà tôi đánh lên "xin phép về quê cưới vợ!" Thật ra là anh tôi cưới vợ chớ không phải tôi. Tôi đưa giấy xin nghỉ phép cho đại đội trưởng, trung úy Phan không ký. "Ông lên gặp liên đoàn trưởng", trung úy Phan phán. Tôi lên gặp thiếu tá Phước tại nhà ông trong khu Học viện, thiếu tá nói đáng lẽ ở quân trường là không được phép cưới vợ. Ông ngồi im lặng suy nghĩ, chừng phút sau đó, ông ký phép. Quả thật lúc đó tôi "điếc không sợ súng!" Tôi là con bà phước chớ không phải "con ông cháu cha" gì hết! Cuối khóa, trung úy Phan cho tôi điểm hạnh kiểm thấp lắm, vì tôi đi cưới vợ lúc đang học ở quân trường!!
Khóa 6 thật khổ cực, mà cũng thật vinh dự, diễn hành cho khóa 5 ra trường, diễn hành Ngày Quân Lực VNCH 19/6/1973, diễn hành ngày mãn khóa K6.
Năm tôi mãn khóa ở Học viện, cũng trong năm nầy, bà xã tương lai của tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn khóa 12 năm 1973 với hạng thủ khoa, được ông thượng nghị sĩ cũng là tiến sĩ Viện trưởng Viện đại học Hòa Hảo, Lê phước Sang, trao tặng phần thưởng, còn tôi thì đi tuốt luốt ngoài Huế! Cũng còn may, tôi không bị rớt lại khóa 7 vì ba gai bỏ khóa học về quê cưới vợ!
3
Sau ngày mãn khóa, tôi ra trình diện bộ chỉ huy tỉnh, gặp đại úy Toàn, chỉ huy trưởng CSQG quận Phú Thứ. Ông nầy trước ở binh chủng nhảy dù, bị thương tật ở tay nên được đưa qua cảnh sát. Ông là lính tác chiến thứ thiệt nhưng hiền, ăn nói nhỏ nhẹ, là một cấp chỉ huy đáng kính. Lần đầu tiên gặp ông, tôi có cảm tình ngay. "Các cụ về đi, chừng 2 tuần lễ nữa về Phú Thứ trình diện tui. Bây giờ nước ngập, quận như cái biển lại sắp sửa mưa, nước còn lên nữa!" Đại úy Toàn nói. Sau đó đại úy Toàn đổi đi, hình như là về Phong Điền, vùng bị áp lực nặng của VC; đại úy Thuận về thay thế. Trong 2 tuần lễ, tôi ra thăm anh tôi thuộc lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến đóng quân ở Mỹ Chánh. Hàng ngày tôi ăn cơm chung với thiếu tá Nguyễn xuân Phúc -Robert Lửa- TĐT/TĐ 2 Trâu điên, thiếu tá Tùng (hình như Đỗ hữu Tùng) TĐT/TĐ 6, và anh tôi Đặng bá Đạt, TĐT/TĐ 2 pháo binh Thần Tiễn. Sau nầy anh tôi về làm chỉ huy trưởng pháo binh sư đoàn TQLC.
Sau nầy vào thăm anh tôi, tôi mặc áo cảnh sát dã chiến đi vòng quanh Bộ tư lệnh sư đoàn, nhưng khi sư đoàn có party nhảy đầm, thì tôi mặc đồ TQLC phù hiệu pháo binh, nên có một em hỏi thiếu tá Thông "anh đó là lính gì vậy?" (Có khi tôi mặc thường phục, có khi cảnh sát dã chiến, có khi cảnh sát sắc phục, lại có khi đồ TQLC.) Ông tướng Lân, Tư lệnh TQLC hỏi anh tôi :"thằng sĩ quan nào của mầy vậy?!" trong lần tôi quá giang máy bay trực thăng của Tướng Lân đi từ Hương Điền về Huế (Thành Mang Cá.)
Ngày trình diện BCH/CSQG quận Phú Thứ thật thê thảm! Nước dâng cao gần tới cửa sổ BCH quận! Tôi vác cái ba lô nặng trĩu trên vai đi trình diện đại úy Toàn. Đường đi ở quận có chỗ nước lên tới lưng quần! Chiều xuống, tôi vừa đói, vừa lạnh, mình mẩy ướt nhem mà chưa tìm được chỗ ở! Thật là may mắn! Tôi gặp K6 Lê thế Duyệt, "mầy theo tao, lên nhà tao ở." Tôi giống như người giữa biển vớ được cái phao. Gia đình Duyệt, mẹ và chị em gái, đón tôi như người thân trong gia đình. Từ đó, tôi coi gia đình Duyệt như gia đình mình. Trong lúc hoàn cảnh tôi hết sức khó khăn, được sự giúp đỡ của Duyệt và gia đình, điều nầy không bao giờ tôi quên được. Tôi thường lên Huế lấy tin tức gia đình và ghé thăm nhà Duyệt.
Tháng đầu tiên tại cuộc, có một hôm, một mình tôi, mặc đồ CSDC đi bộ sâu vô trong xã chừng một cây số để coi địa hình xã. Khi về, mấy lính hỏi tôi "ông đi đâu vậy?" Tôi nói đi vô chỗ đó đó. "Trời trời! Sao ông đi có một mình, gan quá vậy!" Thiệt là tôi điếc không sợ súng! Chắc có lẽ tôi đi lặng lẽ, bất ngờ quá nên không có việc gì xảy ra.
Một việc có hơi đặc biệt trong cuộc của tôi, một CSĐB đưa cho tôi cái thơ, trong thơ nói "anh Phong, anh tới lấy mấy tấm tôn làm hầm chứa vũ khí!" Tôi đọc thơ, biết là thơ tầm bậy rối, với lại tên Phong nầy không có liên hệ với VC. Sau khi xem xét, tôi mở cuộc hành quân kiểm soát tờ khai gia đình. Tới nhà của ông Chuẩn (tên Phong và Chuẩn là tôi đặt ra, chứ quên tên rồi!) tôi bảo ông trong nhà có bao nhiêu người, viết tên ra. Tuồng chữ của ông với màu mực xanh lá cây giống như bức thơ mà CSĐB đã đưa cho tôi. Thì ra ông Chuẩn ghét ông Phong vì hai ông nầy có xích mích trong vấn đề bờ đê phân chia ruộng của hai người!
Một hôm từ Huế đi xe đò về cuộc, trong xe có một cô gái chừng 19 - 20 tuổi, mặc áo dài trắng học sinh Đồng Khánh, dễ thương lắm. Khi xuống xe, tôi ngừng lại nói chuyện với một người dân, chừng 10 phút sau đó tôi đi bộ vô cuộc. Đang đi, tôi thấy cô gái đứng lại dường như chờ ai đó. Khi tôi đi tới thì cô cùng đi với tôi.
- Cô về đây thăm ai vậy?
4
- Nhà em ở đây mà!
- Dân ở làng nầy ai tôi cũng biết!
- Dạ, em thăm cô em ở Giang Trung, em về đây phụ giúp cô làm ruộng.
Tôi lén nhìn, thầm nghĩ, tay chân nầy mà làm ruộng cái gì, chắc học sinh.
Trong hồ sơ, cô của cô gái nầy có chồng là đại tá VC tập kết, có về làng năm Mậu Thân, 1968. Có một hôm cô gái chạy xe honda ngang qua cuộc tôi, ngừng lại hỏi thăm, nói chuyện với tôi. Có một lần tôi lên Huế, đứng trước cửa nhà Duyệt, cô đi honda ngang, thấy tôi, dừng xe lại hỏi chuyện. Cô gái nầy tôi gặp lại vào ngày cuối cùng ở bãi biển Thuận An. Sau đó một tuần tôi thấy cô trong nhóm tiếp thu thành phố Huế! Tôi nghĩ cô ta là VC nằm vùng, từ Huế về để móc nối tôi khi tôi còn là trưởng cuộc! Lúc đó tôi cũng đề phòng rồi.
Sau ngày mãn khóa, các K6 bay đi bốn phương trời!
Rồi tôi gặp lại vài K6 từ khi vô tù cải tạo như Ngô khôn Đức, Lê châu Cơ, Nguyễn hữu Dũng, Tân, Nghĩa ở chung nhà B40, trại An Dưỡng, Biên Hòa. Sau đó về Z30B, Gia Rai, tại đây tôi có một kỷ niệm khó quến! Tôi "được" nhổ một cái răng hàm của hàm trên bằng cái kềm sửa xe honda và không thuốc tê! "Nha sĩ bất đắc dĩ" ban đầu đứng dưới đất để nhổ răng, sau đó phải lên ngồi trên đùi của tôi, đồng thời hai bạn khác phải kềm giữ hai tay tôi lại!! Đến bây giờ, chỗ răng bị nhổ đó vẫn còn để trống. Ở Z30B, thường cứ mỗi buổi trưa chủ nhật, khoảng chừng hơn 20 K6 ngồi lại với nhau. Đôi khi không nói lời gì, nhưng chủ nhật nào cũng quây quần như vậy.
Ở Z30, sau khi lao động ngoài trời chừng một tháng, tôi được tuyển vào làm ở nhà bếp. Nhiều tốp cải tạo ở nhà bếp được thả về, tốp khác vào thay. Lúc tôi gần được trả tự do, cán bộ VC cứ lên lớp tôi hàng ngày ở văn phòng nhà bếp:
- Anh có an tâm học tập không?
- Dạ, tui không có an tâm! Cán bộ thấy tui có lỗi gì đâu mà ngày nào cán bộ cũng lên lớp tui!
Sau cùng cán bộ nói "anh hãy báo cáo tất cả mọi việc ở nhà bếp!" Thằng cán bộ nó muốn tôi làm ăng-ten cho nó. Cuối cùng thằng cán bộ nói:
- Tôi sẽ đề nghị anh học tâp thêm 3 năm nữa!
- Cán bộ cứ đề nghị, tui học tập 5 năm, 10 năm, hay 20 năm không thành vấn đề! Tui nghĩ tui không có ngày ra!
Thằng cán bộ mặt đỏ bừng, xô ghế bước ra khỏi phòng. Ai ở nhà bếp chắc biết việc nầy, vì lúc đó có một cải tạo (tôi quên tên, nhưng nhà bếp đặt cho biệt danh là "anh tư Cao Thắng") núp trong kho gạo để nghe lén qua cùng vách với văn phòng.
Trãi qua bao biến đổi, vậy mà sau 36 năm, K6 đã tựu về thật đông để hội ngộ hàng năm như anh em một nhà, thật không tưởng tượng ra được.
Tôi rất hãnh diện được xuất thân từ Học viện Cảnh sát Quốc gia Thủ Đức. Ngành Cảnh sát cho tôi nhiều điều thú vị, ở trong cảnh sát mới thấy rõ cái thực dụng của ngành nầy. Ngày xưa, khi tôi ra thăm anh tôi ở thủy quân lục chiến, có ông thiếu tá TQLC hỏi tôi có muốn đi TQLC không? Tôi cười, nói thiếu úy cảnh sát chớ không đổi đại úy TQLC đâu! Thời gian làm việc tuy không lâu, nhưng tôi rất yêu thích ngành Cảnh sát! Cũng như thời gian gần gũi tuy không nhiều, nhưng tôi rất mến các bạn K6 của tôi.
Hè 2011
K6 Lê thanh Bảo
***************************
1
Duyệt và Tôi - Những Ngày Cuối Cùng
Tháng 6, 1973, 24 SVSQ của K6 xuất thân từ Học Viện về trình diện BCH/CSQG Thừa Thiên. Riêng tôi và Duyệt về quận Phú Thứ, vùng xôi đậu. Từ trên Huế theo quốc lộ 1 về hướng Nam đến quận Hương Thủy rẻ tay trái vào con đường đất đầy bụi, đi khoảng 12km tới cuộc Phú Lương của tôi trước rồi đi thêm 1 cây số nữa mới tới quận Phú Thứ với BCH/CSQG quận Phú Thứ và cuộc cảnh sát Phú Đa của Lê Thế Duyệt nằm sau phi trường Phú Bài. Nếu đại úy Trần vĩnh Thuận, chỉ huy trưởng CSQG quận Phú Thứ gọi không có Lê thế Duyệt trên máy ở cuộc Phú Đa, thì gọi Lê thanh Bảo cuộc Phú Lương là có Duyệt, hoặc ngược lại. Ông xếp cũng thông cảm cho 2 thằng thiếu úy trẻ từ Học Viện mới ra, thâm tình như anh em ruôt. Đêm 12 rạng ngày 13 tháng 3, 1975, Duyệt cùng thượng sĩ Khá chạy Honda xuống cuộc tôi rủ đi nhậu ở nhà của Khá (thượng sĩ Khá còn trẻ, rất thích Bảo và Duyệt). Đó là lần đầu tiên tôi đi không có lính đi theo và cũng là lần đầu tiên tôi uống rượu hơi nhiều. Khoảng 2,3 giờ sáng súng nổ như bắp rang. Đến sáng tôi trở lại cuộc thì trung đội phó và 4 lính nghĩa quân bị Việt cộng bắt sống. Xã tôi bị chiếm 2 ấp. Ngày hôm đó, 1 tiểu đoàn nhảy dù cùng nhiều phi tuần phản lực dội bom liên tục, đánh bật VC ra khỏi xã. Quận Phú Thứ bắt đầu từ ngày nầy mịt mù trong khói lữa. Áp lực VC sau đó đè nặng và chiếm thêm vài xã, giết cán bộ xã, hơn tuần sau không lấy xác được. Tỉnh tăng cường nhiều tiểu đoàn lính sư đoàn 1, biệt động quân rồi biệt kích, máy bay trực thăng chiến đấu cobra tới yểm trợ bị bắn hạ. Vài sắc lính "chạy làng" qua chỗ quận làm dân , lính hoang mang. Từ ngày nầy Duyệt và tôi không ăn ngủ được, không biết VC tấn công lúc nào ! Rồi thành phố Huế bắt đầu hỗn loạn, mọi người tranh giành nhau di tản về Đà Nẵng. Đại bác của VC đặt từ các ngọn núi cao pháo thật chính xác vào các phi cơ lên xuống phi trường Phú Bài, phi trường đã bị phong tỏa! Quốc lộ 1 bị cắt đứt! Gần 1 tuần lễ sau đó, theo báo cáo của cảnh sát đặc biệt, ở xã tôi, chỗ ấp bị VC chiếm, có một gia đình chỉ có một người đàn bà khoảng 40 tuổi sống với đứa con gái 13 tuổi. Bà nầy lên Huế mua nhiều quần đùi đàn ông và nhiều thức ăn. Tôi vẽ cuộc hành quân nên đi từ cuối ấp dàn quân hàng ngang đi lên đầu ấp (vì sợ nếu có VC trong nhà sẽ vọt ra xuống ruộng lúa trốn mất) thay vì các cảnh sát đặc biệt đi hành quân từ đầu ấp tới cuối ấp. Cuộc hành quân hỏa tốc nầy chỉ có cảnh sát của cuộc, vài nghĩa quân cùng với tiểu đội cảnh sát dã chiến tăng cường cho cuộc, không có phân chi khu tham dự. Cuộc lục soát dừng lại ở nhà người đàn bà đó. Người lính cảnh sát đặc biệt tên Bang lấy cây ru lô nòng ngắn nhắm vào thùng cây 2x2x2mét (thường thì dân quê nhà nào cũng dùng loại thùng nầy để đựng lúa). Bang hỏi to "thùng nầy đựng gì đây?". Ngay lúc đó trong thùng nghe tiếng lụp cụp, Bang hô to "anh em ơi, bố trí". Tất cả lính bao vây căn nhà. Tôi đứng ngoài sân trước căn nhà, hai bên là hai CSDC, phía trước tôi khoảng một với tay là một nghĩa quân, qua cửa nhà, tôi nhìn về hướng thùng lúa. Trong nhà, cảnh sát đặc biệt Bang hô to "đầu hàng, đầu hàng đi", nhưng tên VC trong thùng lúa chỉ đưa lên có một tay! Đụng độ nầy là lần đầu tiên trong đời tôi, sự việc xảy ra trong chớp mắt! Tôi la "coi chừng lựu đạn!" VC từ trong nhà bắn ra một tràng AK, 2 CSDC dạt ra hai bên, người lính nghĩa quân té ngồi trên chân tôi và la lên "thiếu úy, thiếu úy, em bị thương rồi!". Tôi bắn vào nhà một băng M16, rồi lôi người lính nghĩa quân ra khỏi tầm đan. Hai tên VC tông ra khỏi nhà, các bạn hãy tưởng tượng một người mà đạp phải đống lửa như thế nào thì 2 tên VC nhảy lưng tưng 2
như vậy vì bị nhiều viên đạn bắn trúng cùng một lúc. Bộ chỉ huy quận nói hai tên nầy là xã đội trưởng du kích và cận vệ của hắn, chúng mặc quân phục đồ bông binh chủng đặc công.(Theo sự phân chia của VC, 3 xã của mình bằng 1 xã của chúng). Lúc nầy trưởng cuộc CSQG xã Phú Lương được nhiều nghành ở cấp tỉnh biết đến. Đại úy Thuận, chỉ huy trưởng CSQG quận Phú Thứ gọi tôi trên máy truyền tin với giọng ngọt ngào " bây giờ em cần gì anh sẽ giúp". Lần đầu tiên chỉ huy trưởng gọi tôi là em và xưng anh, chứ không phải ông ông tui tui như lúc trước. Sau khi tiếng súng chấm dứt và sau khi tôi báo cáo tình hình thì phân chi khu mới biết có cuộc hành quân. Căn nhà chứa 2 tên VC cách phân chi khu khoảng 200m, và đêm đó có 3 nghĩa quân ngủ trong nhà đó mà không biết là ngủ chung với VC. Nói đúng ra, trong trận nầy công đầu tiên là của cảnh sát đặc biệt, họ có nhiều kinh nghiệm và chịu khó trong công tác. Sau khi tiếng súng chấm dứt, tôi nhìn lại bụi chuối phía sau lưng thì thấy nó bị bắn tả tơi, quần tôi dính đầy máu của người lính nghĩa quân. Tôi may mắn thoát chết (lần 1). Ngày đó nếu tôi bị thương thì vô phương cứu chữa vì tất cả bệnh viện và dân Huế đều đã di tản. Riêng người lính nghĩa quân bị bắn bể đầu gối nhờ có gia đình chở bằng gọ (ghe đi biển) vô Đà Nẵng. Ba hôm sau, gia đình của anh ấy trở lại Huế, gặp tôi, nói là "nó chưa tỉnh, còn mê man vì mất nhiều máu!" Tôi nghĩ nếu không có gia đình, anh lính nghĩa quân khó mà sống. Từ ngày nầy trở đi tình hình chiến sự ở quận Phú Thứ diễn biến thay đổi từng giờ, từng phút, dân chúng xôn xao di tản. Chiều ngày 24/3/1975, khoảng 3,4 giờ, tôi đang đứng với vài người lính nói về tình hình chiến sự thì Đ/U Thuận ngừng xe honda và gọi tôi lại nói "anh sẵn sàng con cái chờ lệnh tôi". Tôi đoán có chuyện quan trọng xảy ra, chắc là di tản, vì ông Đ/U từ bộ chỉ huy tỉnh về. Tôi tập họp tất cả lính lại và nói với anh em nấu cơm 2 phần, 1 phần ăn, 1 phần mang theo đi hành quân. Một anh lính CSDC mếu máo "tình hình như vầy mà đi hành quân gì nữa, thiếu úy!" Tôi không muốn nói lệnh rút lui. Đang ăn chừng nửa bữa cơm thì nghe tiếng súng nổ như trận chiến lớn đang xảy ra ở quận. Nhìn về phía quận thấy bụi, khói bay mù mit. Máy truyền tin trên bộ chỉ huy CSQG quận thông báo "gỡ máy, các cuộc tự lo liệu lấy!" Một đoàn người chạy qua chỗ đóng quân của tôi, chạy bộ có, chạy honda có, mạnh ai nấy chạy, hướng về phía Huế. Chừng 5 phút sau thấy Duyệt trên chiếc honda, Duyệt ngừng lại, tôi nhảy lên ngồi phía sau Duyệt. Cả bộ chỉ huy quận chạy, dẫn đầu là Đ/U Thuận trên xe honda, Đ/U nói "ghé nhà tui". Tôi nghĩ chắc có kế hoạch gì để bàn bạc ở đó. Tất cả đến nhà Đ/U ở đường Phan Bội Châu (hay Phan Châu Trinh gì đó) gần chợ Đông Ba. Đ/U phán "tao có 2 con gà, đứa nào bắt nấu cháo, tao muốn ngủ một đêm cho đã. Đ/U lấy vài quả lựu đạn cất ở mái nhà xuống, tôi xin 1 quả (sau khi rời Học viện, đây là lần đầu tiên tôi cầm lựu đạn). Khoảng nữa giờ sau, một CSĐB từ ngoài đi vô nói "Đại úy, tất cả di tản hết rồi! mình phải đi, sợ sẽ không kịp". Đại úy nói "thằng nào muốn đi thì đi, tao muốn ngủ một đêm ở đây cái đã". Tôi ra ngoài, nhìn dọc theo con đường, hai bên phố, thấy nổi da gà, rợn người! Nhìn mút con đường không một bóng người, thật vắng lặng! Ngoài đường và hai bên phố la liệt những đồ đạc trong nhà tuôn ra để chở đi di tản, nhưng cuối cùng đem theo không được phải bỏ lại để chạy thoát thân. Ngổn ngang từ cái bàn ủi, đồng hồ, bàn máy chữ đến giường tủ, TV, xe đạp, Honda... Trở vô nhà tôi nói với Duyệt "chắc mình phải dọt Duyệt ơi, người ta đi hết cả rồi". Duyệt và tôi dọt trên chiếc Honda, qua cầu Trường Tiền, đường vắng lặng nhưng hai đứa cũng chạy lại BCH Tỉnh coi sao. Khoảng 10 phút sau tới Bộ chỉ huy Tỉnh thấy đèn sáng choang nhưng không một bóng người! Phòng truyền tin đang cháy (chắc đốt tài liệu!) Đoạn đường từ cầu Trường Tiền tới Thuận An (lớn chừng 4 làn xe chạy, dài khoảng 13km, tôi đoán như vậy) đen nghẹt người. Đủ các sắc lính, địa phương quân, sư đoàn 1, biệt động quân, thiết giáp, thủy quân lục chiến... di chuyển trong hổn loạn không có ai chỉ huy. Hỏa châu sáng rực, có súng trong tay, ai thích thì cứ bắn, súng nổ vang trời. Xe hơi, xe jeep chạy chậm thì bị thiết giáp tông xuống ruộng! Đi được chừng nửa tiếng, tôi thấy trung úy Thìn, trưởng ban nhân viên, và thiếu tá Ngôn (nay ở Massachuset), chỉ huy phó CSQG tỉnh Thừa Thiên, đang lái chiếc xe jeep cảnh sát hướng về Thuận An. Khi tôi và Duyệt tới Thuận An thì thấy ở đây là một biển người với nhiều xe cơ giới. Thiếu tá Đích, chủ sự phòng hành quân Tỉnh đang ngồi dưới đất với nhiều CSDC ngồi chung quanh. Sau đó tôi thấy đại úy Thuận trên xe honda ngừng ở đầu cầu nơi tàu cập bến. Mọi người chờ tàu để di tản về Đà Nẵng. Như bạn biết, từ bờ bên đây vượt qua phá Tam Giang khoảng chừng 400-450m (bây giờ tôi không hình dung ra được bao nhiêu), khi tới bờ bên kia, đi xuyên qua dãy cát chừng 500m là tới bãi biển. Đi lên phía Bắc, cách một cửa biển (chỗ phá Tam Giang thông ra biển) là quận Hương Điền, nơi có bộ chỉ huy tiền phương của thủy quân lục chiến, về phía Nam là cửa Tư Hiền. Sáng ngày 25/3/1975, khoảng 9-10 giờ, một chiếc tàu hải quân, loại tàu đổ bộ từ ngoài chạy vào cửa biển đi vô phá Tam Giang chừng 500m rồi dừng lại ngoài khơi giữa phá Tam Giang. Súng trên bờ bắn bổng như mưa! Tôi nghĩ có thể vì không an toàn nên tàu dừng lại ngoài khơi mà không cập bến đón ai. Có vài người gần đó bơi ra tàu và được vớt. Sau đó tàu chạy trở ra biển lại. Lúc nầy trên bờ bắt đầu hổn loạn, VC pháo kích. có toán lính còn đủ súng, họ bắn vào toán lính khác để giành ghe xuồng mong vượt phá Tam Giang. Có toán lính khác đông hơn, bắn lại toán lính nầy để cướp phương tiện vượt sông. Xác chết nổi lềnh bềnh trên sông! Ở gần đó, tôi tìm được 2 thùng phuy rỗng kết lại với ý định vượt sông. Tôi, Duyệt, 1 trung úy trưởng cuộc cảnh sát ở hồ Tịnh Tâm, Huế (ông trung úy Dân nầy rất hiền, gia đình mẫu mực, tôi và Duyệt thỉnh thoảng ghé thăm ông ở nhà, hỏi vài ý kiến trong công việc), một trung sĩ sư đoàn 1 khoảng 20 tuổi ở gần nhà Duyệt, và 1 lính biệt động quân xin theo. Phao ra gần 1/3 sông, 2 thùng phuy nổi cao trên mặt sông, gió thổi mạnh đẩy phao đi dọc theo sông chứ không theo hướng qua bờ bên kia. Trong 5 người, tôi nghĩ chỉ có tôi là biết bơi giỏi. Duyệt quá kiệt sức, tôi thì cũng quá mệt (vì gần 2 tuần không ăn ngủ được). Duyệt nói với tôi vài lần "Bảo ơi, tao mệt quá rồi, chắc tao buông tay quá!) Tôi nói "mầy chỉ ôm phao thôi, đừng bơi." Năm người mà chỉ có mình tôi đạp chân đẩy phao đi, còn 4 người kia thì im lìm quá, tôi hơi lo. Gió thổi mạnh và lạnh. Tôi thấy có một chiếc xuồng câu nhỏ, trên xuồng có một em gái nhỏ khoảng 13-14 tuổi chèo qua. Ý định tôi là cho Duyệt lên xuồng, khả năng tôi có thể bơi vào bờ một mình không khó lắm. Nhưng tên lính BĐQ đã nhảy lên trước, tôi chụp chiếc xuồng lại, tên lính BĐQ dùng cây dầm chèo đập mạnh vào tay tôi, tôi chụp khẩu súng ru lô trên bè định bắn tên BĐQ để cứu Duyệt. Ông trung úy CS chụp tay tôi lại và lắc đầu, tên BĐQ thoát chết. Chừng 10 phút sau, một chiếc ghe cào cá chạy gần tới chỗ bè chúng tôi khoảng 50-60m thì bị tắt máy. Tôi vội vàng bỏ bè bơi lại ghe cào, lên được ghe, tôi nói với chủ ghe "xin ông cứu giùm 4 người, họ sắp chết đuối, bao nhiêu tiền chúng tôi sẽ trả." Ông chủ ghe đồng ý, nhưng sau khi ông quay máy ghe chạy được, ông bẻ bánh lái cho ghe chạy thẳng dọc theo
4
sông. Tôi nhảy vào giành tay lái với ông, ông buông tay ga, giành tay lái với tôi. Tay ga buông nên máy chạy nhỏ lại như sắp tắt, ông buông tay lái, chụp tay ga, tôi bẻ tay lái chạy về hướng bè nhưng máy tắt. Tôi chạy ra đầu mũi ghe lấy cây sào đưa cho thằng lính sư đoàn 1 nắm và kéo bè lại gần ghe. Ông trung úy CS leo lên ghe trước, lính sư đoàn 1 đạp bè để lấy thế leo lên ghe, chiếc bè chòng chành muốn lật úp. Khẩu súng ru lô, khẩu súng M18 và chiếc áo của tôi với khoảng 150.000 đồng (hai cái măng-đa nhà gởi ra và tiền lương mới lãnh) trong đó rơi xuống biển. Chiếc áo chưa chìm hẳn, tôi định chụp chiếc áo, nhưng lúc đó Duyệt hụt tay chới với, tôi chụp được tay Duyệt và rất khó khăn để kéo Duyệt lên ghe. Sự việc xảy ra trong chớp mắt! Duyệt nằm trên ghe như bất tỉnh, người tím bầm, tất cả mọi nơi trên thân thể Duyệt, từng thớ thịt giật giật. Chủ ghe cũng để ghe chạy dọc theo sông mà không đưa chúng tôi vào bờ. Ông sợ bị giết khi ghe cặp bến. Cuối cùng ông cặp vào bờ nơi ít người. Tôi kéo Duyệt lên bờ, để nằm trên bãi cát, lúc nầy khoảng 3-4 giờ chiều, có ánh nắng, cơ thể Duyệt ấm dần lên và tỉnh lại nhưng còn yếu lắm. Tôi lượm được một quần lính trên bãi biển, trong túi có đúng 32.000 đồng, quần rộng quá, mặc không vừa! Tôi lượm được một bi đông rồi đưa cho lính sư đoàn 1 "mầy đi vô xóm nhà xin nước uống." Tôi trở lại chỗ Duyệt nằm. Vài phút sau VC bắt đầu pháo kích oằm...oằm...chừng 10 quả rất gần, tôi thấy rõ cát văng lên ngọn cây. Tên lính sư đoàn 1 hớt hải chạy ra, quăng mất bình nước rồi. Độ 1-2 phút sau tôi nghe rõ tiếng depart của pháo (chắc là pháo 130 ly, tôi đếm 1,2,3...tới khoảng 22, 23 là đạn pháo "hú" rồi rớt gần tôi, rồi nổ. Sau vài lần như vậy, tôi học được chút kinh nghiệm. Sau khi đạn pháo rớt xuống và nổ xong, tôi chụp tay Duyệt kéo lên và chạy. Trong khi chạy tôi nghe tiếng depart của pháo, tôi đếm 1,2,3 tới 17,18 tôi đè Duyệt nằm xuống với tôi, rồi tiếng đạn pháo hú bay qua vai qua đầu rồi nổ. (Sau nầy nhớ lại, tôi nghĩ có một ơn trên nào đó đã dạy tôi chạy để thoát khỏi vùng pháo, lần đầu tiên bị pháo và không ai dạy tôi điều nầy.) Trong cơn nguy kịch, con người tự nhiên sáng suốt, chống chỏi để thoát ra cái chết. Chúng tôi chạy về phía Bắc, cuối dãy đất cát. VC pháo theo dính đuôi. Mỗi lần đạn nổ là tiếng kêu la thảm khốc vang lên. Trên đường chạy, xác người nhuộm máu nằm ngỗn ngang, quờ quạng. Đề lô VC chắc phải ở đâu đây! Tôi móc trong túi ra 32.000 đồng, tôi nói với 3 người còn lại "không biết mình có chạy chung được không, mỗi người giữ 8.000$, tôi cũng giữ 8.000$, nếu lạc nhau thì có ít tiền trong túi." Đạn pháo bay qua đầu, nổ liên hồi thật gần. Chúng tôi không có chỗ ẩn núp, chỉ nằm trên bãi cát . Đạn pháo nổ gần đến nổi cát bụi bay rớt trên người chúng tôi. Tôi nghĩ chắc không thoát được cái chết, rồi tôi không còn nghĩ tới tiếng pháo nổ, tiếng la cầu cứu thảm khốc nữa. Tự nhiên trong đầu tôi hiện ra hình ảnh từng người thân trong gia đình mà nước mắt rưng rưng. Duyệt thì như người không hồn, chỉ cử động khi tôi kéo tay đứng dậy chạy và đè nằm xuống. Có sống trong hoàn cảnh gần kề cái chết thì mới thấy và hiểu được. Tôi cố gắng nắm tay Duyệt đứng lên chạy ra khỏi vùng pháo, trở ngược lại phía Nam của bờ biển. Phía sau tôi, người lính sư đoàn 1 vẫn còn theo, ông trung úy CS thì đi ngã nào rồi không thấy. Tôi hỏi lính sư đoàn "bao lương khô tao đưa cho mầy đâu rồi?" nó nhìn lại trên vai nói "hổng biết". Tôi sững sờ, hơn 24 giò qua chưa có thứ gì vô bụng, nước thì hầu như cũng không. Tôi đẩy Duyệt nằm xuống, tôi vừa đi vừa bò trở lại đường 5
đã đi qua và tôi tìm lại được bao lương khô. (Bao lương khô nầy tôi đã chuẩn bị từ ngày còn ở cuộc, phòng khi di tản- 3 ngày lương khô + 1 bộ đồ civil.) Khi trời sụp tối, khoảng 6-7 giờ thì hết pháo. Nhóm chỉ còn Duyệt, tôi và lính sư đoàn 1. Đêm xuống, chúng tôi lạnh, đói, vài người lính cho chúng tôi đồ để mặc ,đồ quá rộng, nhưng có còn hơn không. Thật cảm động khi có gia đình đang còn nằm trong hầm núp, ló đầu ra, cho chúng tôi vài củ khoai nấu còn nóng. Tôi quá đói nhưng chỉ ăn được củ khoai nhỏ rồi không ăn được nữa. Duyệt lúc nầy con mắt có vẽ linh hoạt chút đỉnh. Tôi thấy có vài người đi bộ ra bãi biển, tôi nói với lính sư đoàn 1 "mình theo họ, may ra thoát khỏi vùng pháo." Tôi, Duyệt và lính sư đoàn 1 ra hướng bãi biển, chui vào một căn nhà bỏ trống nằm nghĩ. Khoảng 6 giờ sáng, VC bắt đầu pháo kích trở lại, chỗ chiều hôm qua, may là chúng tôi đã di tản ra ngoài nầy. Đêm vắng lặng, tiếng pháo rơi thật gần như là uy hiếp tinh thần chúng tôi, nhưng lúc nầy cũng bớt nguy hiểm. Lính sư đoàn 1 bắt đàu đọc kinh cầu nguyện, lúc đầu còn nhỏ, sau đó đọc lớn, chắc nhà kế bên cũng nghe. Tôi sợ nhưng mà tức cười. Từ chỗ vùng bị pháo, nhiều người hớt hải chạy về phía chúng tôi để ra bờ biển. Trời bắt đầu sáng tỏ, tôi, Duyệt và lính sư đoàn 1 đi ra bờ biển, lúc nầy Duyệt tự đi, chạy, tôi không cần nắm tay Duyệt nữa. Các bạn nào đã coi phim "The longest day" , cảnh quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie, hãy hình dung bây giờ bãi biển Thuận An giống như vậy đó. Hàng mấy cây số người là người đen kịt. Trên bãi biển thì súng đạn, lựu đạn ngỗn ngang. Mọi người dừng ở đây chờ tàu hải quân để di tản. Ở đây chờ vài giờ đồng hồ. Duyệt và tôi đi bộ dọc theo bờ biển về hướng Nam cửa Tư Hiền. Có một số người đi về hướng nầy bị thủy quân lục chiến bắn, họ chạy ngược trở lại! Trời buổi sáng hơi âm u, gió mạnh, sóng lớn. Lính sư đoàn 1 đi đường nào và lúc nào tôi không biết, bây giờ chỉ còn tôi và Duyệt. Khoảng 10-11 giờ trưa, 2 chiếc tàu hải quân thuộc loại đổ bộ, từ ngoài chạy thẳng vào bãi biển cách chỗ tôi và Duyệt chừng 1 cây số . Tôi la lên "Duyệt, tàu tới!" " Đông quá!" vừa nói Duyệt vừa lắc đầu. "Mình chờ tàu lâu rồi, mình cứ tới đi, nếu không được thì thôi." Tôi lôi Duyệt đi, 2 thằng cùng chạy về hướng 2 chiếc tàu. Đến nơi, cảnh hải hùng xảy ra. Trên tàu đủ sắc lính bắn nhau loạn xạ. Xác người gục trên tàu, trên bãi biển. Người đông như kiến, thiết giáp chạy đụng, cán qua xác người không thương tiếc. Tôi nghĩ tàu nầy vô để đón thủy quân lục chiến nhưng nhiều sắc lính khác lên chiếm tàu, nên khi TQLC đuổi họ không xuống, TQLC bắn tất cả những người trên tàu. Có người nhảy xuống biển không kịp! Xác người nổi lềnh bềnh chung quanh tàu! Tôi và Duyệt đứng nhìn. "Ê Duyệt, nhìn kìa" và Duyệt ngó theo tay tôi chỉ. Một cô gái khoảng 25-27 tuổi chỉ mặc có cái áo ngực lỏng lẽo, xệ xuống, với chiếc quần nhỏ ướt đẫm gần như trần truồng, không ai chú ý để nhìn trong cảnh chết chóc nầy. Duyệt nhìn rồi quay lại tôi, cười méo mó! Có biết đâu đó là nụ cười cuối đời của Duyệt! Rồi súng, lựu đạn, pháo nổ vang tứ phía, bụi khói bay mù mịt. Tôi không biết ai bắn, lính hay VC, bắn từ phía nào! Cách chừng khoảng 4-5m là không thấy được nhau, thật là hổn loạn. Với phản xạ tự nhiên, tôi nằm xuống cát. Chừng bớt tiếng súng và tiếng pháo thì Duyệt đâu rổi?! Chắc trong lúc hoảng sợ, Duyệt chạy lạc đi đâu đó, lẫn trong rừng người! Từ bây giờ tôi không còn thấy Duyệt nữa ! Nhìn thấy chiếc tàu đổ bộ đâm đầu vô bãi biển, tôi lội xuống nước với chút ít hy vọng lên tàu. Nhưng muốn đụng tới hông tàu, phải bơi vượt qua hàng lớp người nghẹt cứng
6
chừng 5-6m. Bỗng một người đạp lên vai tôi , tay với lên nắm mạn tàu nhưng cũng không lên tàu được, vì từ mặt nước đến boong tàu quá cao. Tôi bị đạp chìm xuống nước, tức thì nhiều người trám lại chỗ tôi làm tôi ngoi lên không được! Thật hải hùng! Tôi bị ngộp. Với sức mạnh còn lại, tôi vùng vẫy ngoi lên. Kinh khiếp quá! Tôi trở lên bãi biển lại và đứng nhìn. Xác chết và người xen lẫn nhau dày đặc trên mặt biển! Có người máu me đầy mặt vì sóng đánh bạt đầu trúng vô thân tàu. Tôi thấy không có ai bơi ra phía sau đuôi tàu vì quá xa, tôi nhìn để lượng sức mình vì có những con sóng cao khoảng 2m. Nếu bơi ra mà lên tàu không được liệu còn sức để bơi vô bờ không? Cuối cùng tôi quyết định bơi ra, may mấn là sau đuôi tàu có một cái thang làm bằng những thanh sắt tròn gắn vô thành tàu. Lên tới tầng trên tàu, phía ngoài phòng lái, tôi kiệt sức nằm sấp xuống. Một lính TQLC cầm súng M16 đuổi tất cả, dù là TQLC đi nữa cũng phải xuống sàn tàu ở tầng dưới. Tên lính TQLC thấy tôi nằm sấp, tay chân co giật, run lẫy bẫy vì lạnh nên không đuổi. Một lúc sau tôi hồi tỉnh và cũng bị đuổi xuống sàn tàu. Sàn tàu lúc nầy đã trống người. Tôi chỉ có cái quần đùi trên người, vội lượm một nón sắt của TQLC chụp lên đầu. Tôi nói lớn tiếng với một TQLC đang đứng gần đó "mầy ra đuổi mấy thằng kia xuống!" Tên lính nầy tức thì làm theo lệnh tôi. Chắc có lẽ tôi nói giọng miền Nam, nên nó nghĩ tôi là TQLC (lúc bình thường chắc tôi không có ý nghĩ như vầy.) Tiếp theo đó là vài trăm TQLC kéo lên tàu. Tôi thấy trong đó có ông thiếu tá được vây xung quanh bởi 3-4 ông đại úy, trung úy với súng ngắn trong tay đưa lên trời, giống như đàn ong bảo vệ ong chúa. Tôi còn nhớ rất rõ có ông đại úy cầm ru lô mạ trắng sáng lấp lánh. Người cứ dồn vô, dồn vô đông nghẹt. Tôi bị dồn vô cuối vách tàu chỗ cái thang bằng sắt để lên tầng trên nơi có phòng lái và chỉ huy. Người đông đến nổi một TQLC bị xỉu. Tôi bồng lính TQLC nầy và bước lên cầu thang. Lính TQLC tầng trên cho tôi lên mà không đuổi xuống. Tôi để anh lính bị xỉu xuống, thấy bảng tên "Thành" trên áo anh với hai màu đỏ trắng, tôi biết đây là tiểu đoàn 2 Thần Tiển, pháo binh TQLC (vì ngày xưa anh tôi là tiểu đoàn trưởng, khi lữ đoàn 147 TQLC đóng ở Mỹ Chánh, tôi có ở Mỹ Chánh 2 tuần.) Tôi cởi chiếc áo TQLC của anh lính ra rồi mặc vào mình (nếu không làm như vậy, tôi đã bị TQLC bắn chết, thật chẳng đặng đừng!) (Bấy giờ tôi là TQLC rồi đó!) Tôi đang lom khom thì "oằm!" một trái hỏa tiển bắn ngay vào chỗ dưới cầu thang tôi đứng lúc nảy. Tôi văng ra phía sau vài mét và không biết gì nữa. Chừng tỉnh lại, tôi rờ rẫm quanh mình, may quá, mình không có bị thương! Nếu tôi chậm chừng 20-30 giây đồng hồ là tôi tan xác rồi!(tôi thoát chết lần 2) Từ lúc nầy tôi ngồi sau hai cột sắt tròn với vài TQLC để nhìn trận chiến. Người lên tàu đông quá, tàu bị mắc cạn lui ra biển không đươc. Tôi thấy chiếc tàu thứ hai de đuôi tàu vào, quăng qua hai sợi dây thừng mong kéo tàu chúng tôi ra. Nhưng "oằm!", chiếc tàu thứ hai bị hỏa tiển bắn bốc khói phía đuôi vì thế tàu nầy chạy thẳng luôn! Lúc nầy tầng trên tàu đen nghẹt người. Lính TQLC bắn lên bờ. Trên bờ bắn xuống tàu! "Oằm!" 4-5 TQLC chết, số khác vào thay chỗ. Có chỗ ẩn núp nhưng họ không núp, cứ đứng trơ ra đó mà bắn. Tốp nầy lại chết thì tốp khác thay vào, quả thật họ coi cái chết nhẹ như lông hồng! Một anh lính TQLC lớn con ngồi phía trước tôi khoảng một cái với tay : "ê, ê, thằng nào có băng cho tao cái." Tôi thấy ruột anh ta lòi ra, anh cố nhét vô rồi băng lại. (Khi tôi xuống tàu thì anh nầy bất động, chắc là chết rồi!) Một bàn chân phía sau thò tới ngay đầu gối tôi - thấy không động đậy - tôi nhìn ra phía sau - một lính TQLC bị bắn mất nữa cái đầu - óc của anh văng lên vai phải của tôi ! Trên tàu đen nghẹt người mà súng, hỏa tiển từ bãi biển cứ bắn lên tàu (không biết của VC hay của lính mình) Vài người lính 7
leo xuống tầng dưới phía trong tàu. Khoảng nữa giờ sau tiếng súng im hẳn. Tôi nhìn quanh, khoảng 30-40 TQLC chết nằm ngổn ngang - bây giờ chỉ còn mình tôi- Tôi leo xuống tầng dưới trong tàu gặp 5 TQLC còn sống. Tất cả chúng tôi chỉ có quần đùi trên người. Sàn tàu cũng như trên giường sắt chồng đôi của thủy thủ, nơi nào cũng là người bị thương và chết! Một TQLC dùng súng colt bắn vào đầu một TQLC khác bị thương đang nằm chờ chết. Tôi kéo tất cả hộc tủ trong tàu ra để mong tìm được cái gì đó để mặc, nhưng chỉ tìm thấy toàn cờ và... cờ! Tôi lượm một áo blouson loại mặc đi diễn hành - cũ kỷ và dơ bẩn - chắc là nùi giẻ - để mặc cho đở lạnh. Năm người lính cùng tôi bước ra sàn tàu phía ngoài. Thật hải hùng! Cửa bàn tàu hạ xuống, xác chết đầy rẫy! Chỗ cầu thang có vách tàu nơi tôi đứng lúc trước, vách bị lõm vô một lổ tròn chừng hai người ôm, còn cầu thang bị uốn cong lại ! Tôi nhìn thấy cái áo cảnh sát dã chiến có bảng tên "Đích" (tôi nghĩ là của thiếu tá Đích, chủ sự phòng hành quân tỉnh), sau nầy có người nói ông bị bắn trên tàu nầy. Trong "bãi xác người " nầy, có người chưa chết, tay chân còn quờ quạng! Chúng tôi phải bước qua xác để đi, khi lên bãi biển thì cũng vây. Chúng tôi đi về hướng Bắc để trở lại bờ biển Thuận An, đi qua mấy xe thiết giáp bị hư hại nằm trên bờ biển. Lúc nầy chúng tôi có khoảng 11-12 người, những người kia là ai, nhập vô hồi nào tôi cũng không biết. Đi chừng 500m thì gặp VC, lần đầu tiên tôi gặp lính chính quy cộng sản. "Đến giờ nầy mà chúng mầy còn muốn chống cự hả?" Một người trong nhóm chúng tôi nói "không phải chúng tôi bắn, có mấy lính bị thương ở xe thiết giáp bắn ." Toán VC khoảng 15-20 người, tên đi đầu cầm K54, có tên mang máy truyền tin trên đầu antenne có nhiều cọng thép dẹp xòe ra như cái dĩa, lần đầu tiên tôi thấy nên hơi ngộ. Chúng tôi đang đi trong hàng một, thằng chỉ huy nói lớn "chúng mầy quỳ xuống", do dự một chút, tất cả chúng tôi quỳ xuống. Một VC mang súng trung liên có nồi đạn tròn đen nằm xuống, họng súng hướng về chúng tôi. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi "thôi rồi, chúng nó bắn mình rồi!" Ngay lúc đó, từ hàng cây trong xóm, xuất hiện một ông già mặc quần đen, áo bà ba trắng cầm nón lá vẫy gọi, vì vậy mấy tên VC không còn chông súng vô chúng tôi nữa. Sau đó một tốp du kích dẫn chúng tôi vào khu tập trung tù binh, lúc nầy trời ngã về chiều. (Tôi thoát chết lần thứ ba.) Cùng với nhiều tù binh khác bị dẫn đi, tôi lần lừa đi chậm lại rồi trốn chui vào một nhà dân. Thật không may, tôi gặp đứa con gái ở xã tôi,(ngày xưa tôi đã nghi cô ta là VC nằm vùng) cô ta nhận ra tôi. Nói vài câu, cô ta bỏ đi, khoảng 30 giây sau, một tên cán bộ VC xuất hiện, tên nầy đang giảng chính trị cho tôi thì một tên khác vào nói gì đó với anh ta; anh ta đi ra, tôi dzọt và chui vào một nhà dân khác (nhà trống, dân đã di tản). Lạ lùng! Nhà nhỏ mà đông nghẹt, hầu hết là lính sư đoàn 1 trốn ở đây. Có người còn tiền, họ hùn nhau mướn gọ đi đường biển về Đà Nẵng. Họ lấy tiền từ những người lính chết trận vừa mới lãnh lương. Tôi không có một cắc! Trời rạng sáng, tôi đi theo đường mòn dọc theo làng và bờ sông, vừa đi vừa để ý tránh né tụi VC. Tôi thấy có chiếc đò chở nhiều khách, tôi xin quá giang trở lại Huế. Dọc theo bờ tôi thấy có nhiều cán binh VC xuống sông giặt quần áo. Có người nói Huế bị chiếm hôm qua, 26/3/1975. Tôi trở lại nhà Duyệt, gia đình đã di tản vô Đà Nẳng chưa về. Huế còn vắng người. Tôi đi tắm và gội đầu 8-9 lần thì tóc tôi mới có bọt xà bông sau một tuần không tắm. Tôi tìm được bộ đồ cảnh sát màu xám của tôi, lột hết phù hiệu, bảng tên, để mặc. Những ngày kế tiếp là những ngày đói tả tơi, không tiền, không gạo, không tất cả! 8
Ở phường có 6 VC tiếp thu, 4 nam, 2 nữ. Một trong hai cô khoảng 23-25 tuổi, sắc đẹp tựa "trăng mờ" thường sang gặp tôi lân la nói chuyện cho vui. Sau một tuần, mọi người trong xóm dần dần hồi cư. Lúc ấy muốn có 3 kg gạo cho mỗi đầu người trong gia đình, phải xuất trình tờ khai gia đình và chỉ lảnh gạo một lần duy nhất. Riêng tôi không có tờ khai gia đình nhưng cô ta giúp tôi lảnh bốn lần gạo, mỗi lần 6kg, mà không phải sắp hàng theo thứ tự. Dư gạo, tôi đem ra chợ bán mua thức ăn (trời sanh voi, sanh cỏ mà!). Vài gia đình trong xóm thấy vậy, lại gặp tôi, nhờ tôi nói với cô ta cho họ lảnh gạo sớm, vì chờ theo thứ tự đã 3,4 ngày rồi mà chưa được lảnh. Đó có phải là tình cảm của cô cán bộ VC giành cho trưởng cuộc cảnh sát? Tôi ở được một tuần lễ thì gia đình Duyệt trở về nhà. Tôi gom đồ đạc, giừơng, quần áo... tất cả cái gì bán được tôi đều bán. Tôi đi xe ôm ra quốc lộ 1, quá giang xe hàng vô Đà Nẵng. Rồi lại đi bộ, đi xe... dọc theo quốc lộ 1 nhiều xác lính nằm chết đã khô, có xác nằm trên đường, xe chạy qua chạy lại cán đứt làm đôi! Từ Đà Nẵng về tới Sài Gòn tất cả cầu, cống, lớn nhỏ đều bị giựt sập, chỉ còn cầu Phan Thiết và cầu Sài Gòn mà thôi! Nếu có một quận lỵ nào mà hai đầu là hai cầu bị giựt sập, khoảng đường đó tôi được đi xe vì an ninh còn tốt. Ngoài khu vực nầy hay ra xa nữa không ai dám chạy xe - tài xế có thể bị giết để giựt xe - Trên đường đi nhiều đoàn molotova, năm ba chiếc hoặc bảy tám chiếc, chỉ có tài xế, không có chở lính. Trên xe thấy có nhiều thùng, chấc là VC tải đạn, quân nhu. Trên đường mạnh ai nấy đi, không ai hỏi ai, chỉ khi nào gần tới quận lỵ, tôi mới hỏi thăm phía trước có trạm không. Tôi sợ nhất là những "ông" mặc đồ civil, mặt còn búng ra sữa, tay mang băng đỏ, cầm súng muốn bắn ai thì bắn! Người ta gọi họ là cách mạng 30, tôi phải tìm cách lẩn tránh. Tới Trảng Lớn, tôi đang đi bộ, thấy một người quen quen đi phía trước, tôi vội kêu “Nghiệp, Nghiệp!" Đúng rồi! Là Nguyễn kế Nghiệp ( Nghiệp cà lăm) Nghiệp chạy trước tôi gần một tháng, nhưng bị bắt lại ở dọc đường, bị học tập. Tôi cùng Nghiệp vô Sài Gòn, đi về ngã đường Hồng Thập Tự - Cao Thắng - Bàn Cờ. Nghiệp hỏi tôi nhiều lần "gần tới chưa?" Đúng 9 giờ 30 tối ngày 30/4/1975 tôi được may mắn trở về với gia đình ở Sài Gòn. Tới nhà, tôi đập tay vô cửa sắt nhà đang đóng, thấy Má tôi ngồi phía trong nhìn sửng mà không ra mở cửa. Cô em gái tôi chạy ra mở cửa sắt, cầm tay tôi bóp mạnh ( chắc coi có phải là tôi không, hay là ma đó!) Sau nầy Má tôi nói là cả tháng không có tin tức của tôi, mà miền Trung thì di tản hết, Má tôi ngồi thấy tôi mà không ra mở cửa vì tưởng là do nghĩ tới tôi nhiều quá nên trong đầu hiện ra hình bóng của tôi mà thôi. Lúc đó gia đình nghĩ là tôi mất tích rồi! Đêm đó, tôi và Nghiệp được ăn bữa cơm nóng và no, được uống cà phê sữa. Tôi còn một phần ăn cuối cùng từ ngày hôm qua, gia đình mở bọc nylong ra, phần ăn đã thiu hết rồi. Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng, uống cà phê, tôi xin Má tôi một ít tiền giúp Nghiệp về quê. Tôi muốn về Mỹ Tho thăm vợ nhưng Má tôi nói an ninh còn hổn loạn lắm, vài hôm hãy về. Tôi nghe lời Má mà lòng nóng rang. Tôi biết vợ tôi trông tin tôi dữ lắm. Tôi vượt qua gần một ngàn cây số, đâu có sao đâu. ( Ngày 26/3/1975, Huế thất thủ, tôi ở lại Huế khoảng một tuần, sau đó đi lần về tới Sài Gòn đúng 9 giờ 30 tối 30/4/1975, vậy là tôi đi từ Huế về Sài Gòn mất khoảng 25-27 ngày!) Hôm sau tôi quá giang xe hàng về thăm vợ, vợ tôi dạy ở trường trung học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho. Gặp lại, cả hai chúng tôi nước mắt tuôn trào. 9
Sự huyền nhiệm nào đó đã cứu mạng tôi tới đôi ba lần, tôi đã thoát ra cái chết để được trở về với gia đình, vợ con. Lúc đó con tôi còn nằm trong bụng mẹ. Khi tôi vào tù cải tạo, con tôi được 19 ngày tuổi. Tôi biết tôi viết văn không lưu loát, nhưng đây là tất cả tâm tư, tình cảm mà tôi gởi gấm vào. Trong khi viết hồi ký nầy, tôi đã khóc bao lần. Người ta thường nói già hay mủi lòng, dễ khóc, phải không bạn? Rồi K6 chúng ta còn được bao nhiêu lần họp mặt nữa? Và lần họp mặt cuối cùng, chúng ta còn bao nhiêu bạn tới!? Thời gian quá âm thầm lặng lẽ trôi, đôi khi chúng ta không biết tới. Nhưng thời gian còn dữ dội hơn trận cuồng phong, nó cuốn đi tất cả, và hủy diệt bất cứ cái gì trên thế gian nầy. Đã 36 năm qua, lương tâm tôi vẫn ray rứt, và tận đáy lòng tôi vẫn còn một câu hỏi: "Hai thằng bạn, một thằng ở đây, còn một thằng biệt tăm, đó có phải là lỗi của tôi không?” Mùa Hè 2011 K6 Lê thanh Bảo
|