Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Trận đánh của Tiểu Ðoàn 344 Ðịa Phương Quân tại Hoài Ðức

Trận đánh của Tiểu Ðoàn 344 Ðịa Phương Quân tại Hoài Ðức PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phi Ô   
Thứ Hai, 19 Tháng 4 Năm 2010 10:46
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do trước những cuộc xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt

được thế giới cộng sản hỗ trợ tối đa vào những ngày cuối cuộc chiến, các chiến sĩ Ðịa Phương Quân của QLVNCH đã chiến đấu rất anh dũng cho dù phương tiện rất thiếu thốn.
Nay nhân 35 năm nhìn lại cuộc chiến, chúng ta không thể nào không nhắc tới những người lính Ðịa Phương Quân của QLVNCH.
Bài viết dưới đây là một phần trong bài viết “Lui Binh” của cựu Ðại Úy Tiểu Ðoàn Trưởng/ÐPQ chi khu Hoài Ðức Lê Phi Ô.
 
Diễn tiến:
Tiểu Ðoàn Trưởng (X) đang hoạch định điều quân cùng các đại đội trưởng
Tiểu Ðoàn 344/ÐP đang dưỡng quân thì được lệnh khẩn cấp nhảy vào xã Vỏ Ðắt (Hoài Ðức) để tăng cường phòng thủ.
- Ngày N+1: Tiểu đoàn được convoa đưa đến xã Gia Rây (thuộc Long Khánh) phía Nam Chi Khu Hoài Ðức hơn 30 cây số. Từ đây, tiểu đoàn được trực thăng vận đổ quân xuống ấp Chính Tâm 3 nằm trên tỉnh lộ 333 cách Chi Khu về hướng Nam 6 cây số đường chim bay (không nhớ rõ ngày).

Tiểu Ðoàn 344/ÐP với quân số tham chiến trên 500 người do Ðại Úy Lê Phi Ô, tiểu đoàn trưởng, chỉ huy. Ngày đầu và hai ngày kế tiếp tương đối yên tĩnh nhưng Cộng quân đã áp sát chi khu hơn 1,000 thước và chưa có đụng độ lớn... Có lẽ kinh nghiệm thất bại với trận trước tháng 12, 1974 nên Cộng quân rất dè dặt. Hơn nữa, cuộc trực thăng vận mà Cộng quân chưa nắm vững được tình hình lực lượng tăng viện của ta, tôi biết chắc là bọn chúng sẽ bám sát để điều nghiên. Vì thế, tôi bung rộng các toán lục soát, đặt nhiều tiền đồn ngoài xa để kịp thời phát hiện địch.

- Ngày N+3: Lúc 8 giờ tối, tiểu đoàn được lệnh rút bỏ các nơi đóng quân hiện tại và kéo về gần chi khu, càng gần càng tốt. Hôm sau tôi mới biết là thị xã Gia Rây, nơi bãi bốc trực thăng, 3 ngày trước đã bị Cộng quân chiếm.

- Ngày N+4: Tiểu Ðoàn 344/ÐP đang tiến về hướng chi khu lúc 9 giờ sáng thì chạm địch nhưng không mạnh, trước mặt là đồi đá cao độ 40 thước nằm cạnh suối Chết (suối Chết chảy ngang TL.333 phía Nam CK 2 cây số). Ðến trưa, tiểu đoàn tiến sát chân đồi và bằng mọi giá phải chiếm ngọn đồi vì nó là cao điểm duy nhất. Tôi ra lênh cho 3 đại đội tấn công lên đồi bằng 3 hướng Nam, Tây và Ðông... hướng Bắc là hỏa tập tiên liệu mà tôi đã gởi cho Pháo Binh. Ðịch chống trả yếu ớt vì có lẽ đây là toán tiền sát của địch, độ một trung đội.

Tiểu đoàn khẩn cấp tổ chức phòng thủ, trên đỉnh là BCH Tiểu Ðoàn cùng ÐÐ Chỉ Huy & Yểm Trợ, do Trung Úy Hy làm đại đội trưởng; vòng nhì dưới chân đồi là Ðại Ðội 3/334 với Trung Úy Vương, đại đội trưởng, chỉ huy; và Ðại Ðội 2/334 với sự chỉ huy của đại đội trưởng là Trung Úy Quảng, gốc Thủy Quân Lục Chiến, cùng đại đội phó là Thiếu Úy Ngọc, gốc Biệt Ðộng Quân; Ðại Ðội 1/334 của Ðại Úy Trương Kim, đại đội trưởng, chiếm con suối về hướng Bắc đồi đá, cách chân đồi 300 thước; còn Ðại Ðội 4/334 với Ðại Úy Nguyễn Châu Luyện, đại đội trưởng, đã chiếm ngọn đồi nhỏ hướng Ðông, cách tiểu đoàn 400 thước. Hướng Tây và Nam chỉ đặt các toán tiền đồn vì thiếu quân số, hơn nữa hướng Nam vách đá dựng đứng, hướng Tây là vùng đất trũng nước và có nhiều gai tre.

- Ngày N+5: Chi khu bị pháo kích nặng đến chiều thì bộ binh địch bắt đầu tấn công... Súng nổ suốt đêm, tôi không liên lạc được với chi khu, thỉnh thoảng vẫn gọi cầm chừng nhưng... vẫn im lặng vô tuyến. Ðến sáng thì tiểu đoàn bị địch pháo, chỉ bị thiệt hại nhẹ.

- Ngày N+6: Giao tranh tại cứ điểm chi khu vẫn ác liệt và Tiểu Ðoàn 3/43 của SÐ18 BB cũng bị tấn công... đến gần trưa thì qua đài tiếp vận tại núi Chứa Chan, nằm gần quốc lộ 1 (thuộc Long Khánh) có lệnh của Tiểu Khu là Tiểu Ðoàn 344/ÐP phải khẩn cấp cứu viện vì chi khu sắp bị tràn ngập.

Tôi chia tiểu đoàn ra làm 2 cánh: Cánh B gồm 2 đại đội, 1/334 của Ðại Úy Trương Kim cùng Ðại Ðội 4/334 của Ðại Úy Nguyễn Châu Luyện, kiêm XLTV Tiểu Ðoàn Phó, được tăng cường một khẩu SKZ 57 ly, chỉ huy tiến bên trái TL.333, mục tiêu là vườn cao su nhỏ cạnh phi trường L19 để bắt tay với Tiểu Ðoàn 3/43/ SÐ18BB của Thiếu Tá Nguyễn Văn Dư, và sau khi bắt tay được với đơn vị bạn thì 2 đại đội này sẽ đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thiếu Tá Dư đánh vào mặt sau của chi khu. Cánh A do tôi chỉ huy gồm ÐÐ Chỉ Huy&Yểm Trợ, ÐÐ. 2/344 và ÐÐ. 3/344 tiến bên phải TL.333 và đánh vào mặt Nam chi khu.

Cánh B phải đội pháo và phá chốt địch rất gay go nên đến 8 giờ tối mới bắt tay được với quân bạn. Cánh A trải quân xong, một đại đội vượt suối chiếm bờ phía Bắc rồi dàn quân chờ, đại đội tiếp theo bắt đầu vượt suối và dàn hàng ngang với đại đội trước phía phải. BCH Tiểu Ðoàn và ÐÐ Chỉ Huy&Yểm Trợ giữ mặt sau. Theo kế hoạch thì sau khi dàn quân xong, Tiểu Ðoàn 344/ÐP và Tiểu Ðoàn 3/43 BB cùng tiến về chi khu, đánh tập hậu để giải vây cho chi khu.

Chốt địch dày đặc nên khó tiến nhanh. Ðến hừng sáng thì kho xăng của chi khu bốc cháy dữ dội, những phuy xăng 200 lít bay bổng lên trời và nổ tung thành trái cầu lửa phủ chụp xuống... Bỗng nhiên, tiếng súng từ chi khu thưa dần và chỉ còn lẻ tẻ. Vì mất hẳn liên lạc nên tôi không biết tình trạng chi khu hiện như thế nào!?

Trước mặt chúng tôi độ vài trăm thước là cả một trung đoàn địch, mỗi 10 thước tiến tới là phải đào hố cá nhân để tránh pháo, VC dùng cả súng phòng không 37 ly bắn vào đội hình của ta. Tôi chận một toán người chạy loạn lại gồm một chị và hai đàn ông, trong hai người đàn ông thì một người là anh nghĩa quân tôi biết mặt. Anh ta là nhân viên truyền tin của chi khu, và cho hay chi khu đã bị địch tràn ngập lúc gần sáng, Thiếu Tá Xinh, chi khu trưởng, đã thoát được ra ngoài.

Tôi cố gắng liên lạc với Thiếu Tá Xinh, với Thiếu Tá Khánh, tiểu đoàn trưởng TÐ 369/ÐP (phòng thủ bên trong chi khu) và cả trung đội Pháo Binh nhưng... tất cả vẫn im lặng vô tuyến. Lại chận được vài người lính với áo quần tơi tả nhưng vẫn còn súng đạn, trong đó có Thượng Sĩ Hóa thuộc Ban 2 Chi Khu. Anh Hóa mếu máo, “Hết rồi đại úy ơi!... hết rồi!” Chi khu đã mất! Bạn bè tôi... những người đã quen biết và cũng đã cùng nhau chiến đấu bây giờ họ ra sao?! Tôi nghe tim mình nhói đau và đó là ngày 20 tháng 3, 1975.

Quyết định thật nhanh, tôi cho cánh A lùi lại ngọn đồi, tổ chức phòng thủ chặt chẽ, đào thêm hố cá nhân,... Mỗi người phải đào từ 2 đến 3 hố để dễ dàng di động, tránh nằm một chỗ cố định. Ðến 5 giờ chiều thì chận được một nhóm dân từ phía Nam đi lên vì đã mấy ngày họ trốn trong rừng nay nghe êm tiến súng, ngỡ VC rút nên định trở về nhà. Trong toán này còn có một chị vợ lính bảo VC đàng sau chúng tôi đông lắm và đang đào hầm. Chị đưa chúng tôi một mảnh giấy do VC viết với nét chữ vội, sai cả chính tả. VC bảo chúng tôi muốn sống phải đầu hàng chúng, v.v... Ðầu hàng địch ư? Binh thư trong trường Bộ Binh Thủ Ðức đâu có tiết này!

Việt Cộng bắt đầu pháo chúng tôi để thăm dò. Tôi tìm cách liên lạc với 2 đại đội cánh B nhưng không được. Ðến mờ tối, tôi ra lịnh tất cả để nguyên lều trại, cả võng cũng không được tháo ra, cho gài tối đa mìn claymore và lựu đạn, chọn một tiểu đội tình nguyện ở lại, sẽ đi sau khi có lịnh. Ðạn súng cối 81 ly còn khoảng 40 quả, tôi cho bắn hết vào đội hình địch với mục đích cho bọn chúng biết là lính vẫn còn có mặt. Bắn xong, tôi cho chôn bàn tiếp hậu, chỉ vác theo nòng cho nhẹ và lần lượt trườn xuống đồi.

Trời tối đen như mực nên VC khó phát hiện chúng tôi bỏ đồi... Chúng tôi rút theo hướng Tây, nơi vùng đất trũng nhiều gai tre. Ði được hơn một cây số thì tôi cho lịnh tiểu đội còn lại rút theo.

Lúc 12 giờ đêm, nơi đồi đá, chỗ đóng quân vừa bỏ có tiếng mìn claymore nổ và những tiếng nổ nhỏ tiếp theo có lẻ là lưu đạn. Rồi ngay sau đó, tiếng súng nổ vang cả một góc rừng xen lẫn tiếng hét la rừng rú... Ngưng một lúc lại mìn nổ, lại súng nổ và tiếng la hét... Chúng tôi ngạc nhiên, gọi xác nhận các đơn vị của tôi thì không ai chạm súng cả. Rồi lại tiếng hò hết xung phong vang lên, tiếng lựu đạn và mìn lại nổ... gần một tiếng sau mới im bặt.

Tôi nghĩ có lẽ bọn Việt Cộng bị nghi binh, mò lên đồi lọt vào kế “không thành,” vướng lựu đạn và mìn, chúng ngỡ là lính Quốc Gia còn đóng nên mở cuộc tấn công. Nhưng sao lại có nhiều đợt súng nổ, bắn nhau và hò hét xung phong như vậy? Có lẽ bọn chúng nhiều cánh, muốn lập công nên ào ạt... ngộ nhận bắn nhau? Vậy cũng tốt thôi! Bọn mầy chết càng nhiều càng có lợi cho ta. Cũng lúc này, nơi Tiểu Ðoàn 3/43 BB súng nổ dữ dội, cánh B của tôi cũng ở đó. Tôi cố gắng gọi liên tục nhưng không có tiếng trả lời, chỉ nghe tiếng súng từng chập vang rền! Tôi cho lịnh rút xa hơn nữa khoảng một cây số, chờ trời sáng.

Lui binh:
- Ngày N+7: Tôi chưa có ý định di tản chiến thuật mà phải nán ở lại với hy vọng là sẽ đón được các đơn vị và cá nhân của phe ta bị thất lạc... nên rải mỏng quân hàng ngang để đón họ. Xung quanh tôi với bán kính gần 100 cây số không có bạn, phía Bắc bên kia sông La Ngà là huyện Ðịnh Quán thuộc Long Khánh đã mất về tay địch mấy tuần trước; sau lưng tôi là các ấp Chính Tâm, Gia Huynh, Gia Rây cũng đã lọt về tay địch; hướng Ðông thì rừng bạt ngàn kéo dài đến tỉnh Bình Thuận; hướng Tây thì cũng rừng núi trùng điệp hàng trăm cây số đến Long Khánh. Ðường về căn cứ 6 trên quốc lộ I thuộc ranh giới giữa Long Khánh và Bình Tuy gần 80 cây số đường rừng tính theo đường chim bay.

Ðến lúc gần tối, tôi đón được 20 người dân là thân nhân của lính gồm đàn bà, trẻ con và đàn ông lớn tuổi, trong đó có một anh Nghĩa Quân, được biết là VC đã hoàn toàn làm chủ quận Hoài Ðức và một số lính của ta bị VC bắt trói tay đang ngồi giữa sân chợ.

Tôi thật sự đau đớn!!... vì quân lỵ Hoài Ðức, nhứt là khu chợ, nơi mà tôi đã sống liên tiếp 7 năm ở đó. Bạn bè của tôi, anh em chiến sĩ của tôi, cả những người dân buôn bán ở chợ, tôi đều quen biết và thân như bà con... nay tất cả đã rơi vào tay giặc! Mắt tôi cay cay nhưng phải cố nén vì... tôi không được quyền khóc, nhứt là lúc này. Ðồng bào, quân nhân các cấp do tôi chỉ huy họ đang nhìn vào tôi với hy vọng là tôi sẽ đưa được họ về chốn an bình.

Suốt đêm đó để đánh lạc hướng địch, tôi lấy hướng chính Tây 4,800 ly giác, hướng tỉnh Long Khánh, tiến quân đến 2 giờ sáng thì đến gần sông La Ngà cách khá xa nơi vùng địch chiếm, rồi tôi đổi hướng Ðông Nam 2,400 ly giác và điểm đến là căn cứ 6 trên quốc lộ I, xa hàng trăm cây số đường rừng.

- Ngày N+8: Gần sáng, cánh quân của tôi vượt ngang tỉnh lộ 333 thuộc khu vực ấp Chính Tâm 2, cách xa quân lỵ Hòa Ðức về hướng Nam hơn 10 cây số. Từng toán vượt quan đường thật nhanh, đi thêm một tiếng nữa, chúng tôi gặp một con suối cạn, cố đào để lấy nước, ăn uống qua loa xong chúng tôi vội vã lên đường. Ði đến chiều, chúng tôi gặp đường rầy xe lửa ga Trảng Táo hoang phế với vài toa tàu và nhà ga bị, cỏ, dây leo gần che kín.

Nơi đây là khu hoạt động tự do của VC vì đường rầy xe lửa bị bỏ hoang từ lâu. Tôi thận trọng chia đoàn quân làm hai cánh để khi hữu sự dễ tiếp ứng nhau. Ði thêm một đoạn nữa, chúng tôi phát hiện địch quân phía trước mặt. Tôi liền cho dàn đội hình sẵn sàng chiến đấu. Một toán quân với đồng bào, tôi cho lui lại phía sau cùng dặn dò những điểm tập trung và hướng ra quốc lộ I trong trường hợp bị thất lạc nhau. Thật tình, trong trường hợp di tản chiến thuật nầy, vì muốn bảo vệ sinh mạng của những người dân, tôi cố tránh né giao chiến với địch, nhưng... bọn VC đã nhìn thấy chúng tôi nên bắt buộc chúng tôi phải nổ súng và xung phong.

Ðạn nổ vang cả một góc rừng. Mấy tên VC núp bên trên chiếc xe truck (hình như là Molotova) bị bắn gục ngay loạt đạn đầu. Trên xe chở đầy các thùng gỗ có lẽ là lương thực hay võ khí gì đó vì trời sắp tối nên không nhìn thấy rõ, chúng tôi chỉ lấy một khẩu K.54 cùng túi xách tài liệu và bắt đầu vừa bắn vừa chạy. Mười lăm phút sau đã đi được một đoạn khá xa nhưng trời quá tối nên phải dừng lại lấy phương hướng.

Chúng tôi dùng những vỏ cây mục có lân tinh tỏa ra rất sáng, mỗi người cắm vào sau ba-lô của mình để người đi sau nhìn thấy mà đi theo. Ði tiếp tục đến nửa đêm thì dừng lại và liên lạc với toán lính với 20 đồng bào. Khoảng 5 giờ sáng thì chúng tôi gặp nhau nơi một con suối bề ngang rộng độ 4 thước. Tôi ra lịnh cho ÐÐ 2/344 của Trung Úy Quãng đi trước vì tay này là Thủy Quân Lục Chiến với Thiếu Úy Ngọc, đại đội phó (gốc BÐQ), tiếp theo là số 20 đồng bào xen kẽ với trung đội sau cùng. Tôi và ÐÐ 3/334 của Trung Úy Vương đi cánh quân sau để chận khi địch muốn tập hậu.

- Ngày N+9: Lúc 6 giờ sáng, tất cả chuẩn bị lên đường. Tôi cho lấy phương giác chính hướng Nam 3,200 ly giác để ra căn cứ 2 thuộc tỉnh Long Khánh và cũng để đánh lạc hướng địch (Căn cứ 6 thì quá xa cách chúng tôi khoảng 70 cây số, căn cứ 2 còn cách chúng tôi khoảng 20 cây số đường chim bay).

Vừa di chuyển được 15 phút thì cánh quân đi đầu chạm địch và bọn VC bỏ chạy. Ðây là tổ cảnh giới của địch, như vậy... chúng tôi đã bị lộ. Tôi cho lịnh phóng nhanh về phía trước vì nghĩ thế nào cũng bị địch truy kích. Ðúng như dự đoán, cánh quân đi sau chận hậu của chúng tôi đã bị địch theo kịp và cuộc giao tranh dữ dội xảy ra...

Ðịch và ta lẫn lộn nhau, nhiều người thay băng đạn không kịp phải dùng cả đá và cây đánh nhau với địch. Hai tên VC đang đè Binh I Nên để giựt chiếc ba-lô, anh này cởi bỏ ba-lô cho VC và phóng nhanh. Thấy tôi nhào tới, anh Nên la lớn, “Alpha, chạy nhanh lên...” Và “ầm”... một tiếng nổ lớn phát ra, hai tên Việt Cộng và chiếc ba-lô banh xác. Binh I Nên rất lanh trí, lúc cởi bỏ ba-lô khi bọn chúng giành giựt, đã không quên rút chốt một trái lựu đạn tặng thêm cho bọn chúng trong đó.

Bọn VC không bắn mà chỉ lo giựt ba-lô có lẽ vì bọn chúng hết đạn hoặc thay băng đạn không kịp, hoặc vì quá ham cái ba-lô của lính Quốc Gia. Bọn VC rất thích võng ny-lon, poncho và nhứt là poncho-light của chúng ta.

Ðám Cộng phỉ lại tràn tới. Chúng tôi vừa bắn vừa lui dần. Thấy bọn chúng đông quá, khi ngang một con suối sâu, tôi cho đoạn chiến và nương theo con suối, cố chạy về hướng Căn Cứ 2 thật nhanh. Bọn VC vẫn tiếp tục truy kích chúng tôi và những tên VC bám sát đều bị bắn hạ. Vài tên chạy về phía tôi... tên gần nhứt cách tôi hơn 10 thước đã bị anh cận vệ tôi bắn hạ; hai tên khác vội nép vào thân cây, bắn xối xả... tôi ném một quả lựu đạn về phía bọn chúng và phóng thật nhanh.

Trung Úy Vương, ÐÐT ÐD3/344 bị thương, ngực anh thấm máu nhưng chắc không nặng vì tôi thấy anh vẫn chạy được. Tuy chạy nhưng vài mười thước là anh dừng lại bắn trả để yểm trợ cho đồng đội còn kẹt lại phía sau.

Trong tình trạng di tản chiến thuật có cả đồng bào đi theo như thế này, hơn nữa đạn dược thiếu hụt trầm trọng, không có yểm trợ, không có quân bạn, và xung quanh chúng tôi toàn là rừng tiếp rừng. Nếu không thoát ra khỏi đây thật nhanh mà phải tiếp tục giao chiến với địch thì chúng tôi sẽ hết đạn.

Tôi chia toán quân cản hậu thành nhiều Tổ Tam Tam chế, gom góp lựu đạn của các quân nhân khác để cho các Tổ Tam nảy sử dụng... vì lựu đạn làm cho địch khó phát hiện ra ta và ta chỉ bắn khi bất khả kháng và thật chắc ăn mới bắn, hoặc khi địch quá gần. Tôi chưa bao giờ tham dự trận đánh nào kiểu này cả vì trong khi địch bắn xối xả thì ta chỉ nổ súng lẻ tẻ theo lối bắn tỉa (sniper) nhưng lại gây thiệt hại nhiều cho chúng làm bọn chúng phải chùn bước. Và thừa những lúc như vậy, chúng tôi chia nhau từng toán tiếp tục lui dần.

Chúng tôi tiếp tục đánh kiểu này làm Việt Cộng không đoán được đội hình và hướng đi của quân ta như thế nào nên chúng bắt đầu pháo. Trong rừng bị pháo rất nguy hiểm vì đạn pháo có thể chạm vào nhánh cây và nổ chụp từ trên cao xuống. Nhưng quả tình chúng không biết rõ hướng di chuyển của chúng tôi nên chỉ đoán mò mà bắn chận... đạn nổ rải rác cách quân mình cả trăm thước.

Lũ Việt Cộng bắt đầu khựng lại. Ðêm trước bị chúng tôi đánh bất ngờ. Suốt ngày hôm nay bọn chúng tính nuốt gọn bọn tôi nhưng... “mắc xương,” bị thương vong rất nhiều vì lựu đạn mà không nhìn thấy lính Cộng Hòa đâu cả! Lựu đạn sau khi rút chốt và buông thìa cho nó kích quả phải 6 hoặc 7 giây sau mới phát nổ, khi chúng tôi buông thìa rồi đếm thầm đến tiếng thứ 2 hoặc 3 mới ném nên lựu đạn vừa chạm đất hay chưa kịp chạm đất thì phát nổ, và cái màn bắn tỉa bá phát bá trúng này đã làm bọn chúng phải chùn bước, không dám bám gắt.

Tôi ra lịnh rút thật nhanh. Vài người quá yếu sức, trong đó có tôi, dìu nhau tiếp tục di chuyển. Tiếng súng không còn bắn theo nữa, có lẽ VC mất dấu chúng tôi. Chúng tôi vừa đi vừa chạy. Khoảng 4 giờ chiều, đoàn người di tản bỗng khựng lại, phía trước báo: “Có người!...” Tôi bèn dàn quân thật nhanh để sẵn sàng trận đánh cuối cùng. Ðúng! Là trận cuối cùng vì đạn dược người có người không. Tất cả đều mệt lả, không sức đâu mà... chạy!

Âm thoại viên báo cho tôi biết là phía trước gặp một người dân bắt cá ở một con suối. Họ bảo ở đây thuộc Căn Cứ 2, dân đã di tản nên còn lại vài trăm người, và căn cứ vẫn còn lính... Từ đây ra đó chỉ hơn một cây số. Không có nỗi mừng vui nào bằng, lính tráng bắt đầu nhốn nháo bất chấp lịnh lạc, từng toán ùa lên phía trước... Tiếng hét ra lịnh của tôi giờ đây lạc lõng và... tôi cũng chạy theo.

Một dòng suối trong xanh sâu tới ngực, anh em ùa xuống uống và múc nước. Tôi lấy bi-dong định múc nước thì mới biết một viên đạn trược ngang làm bi-dong bị bể một đường dài không biết từ lúc nào. Nhờ nước mát, mọi người thấy khỏe lại. Tôi cẩn thận cho một toán tiền sát và người đánh cá đi trước dẫn đầu. Ðoàn người còn lại đi sau với khoảng cách 200 thước. Mười lăm phút sau, chúng tôi đã thấy lá cờ Vàng 3 Sọc Ðỏ tung bay trên nóc đồn, bóng một vài người dân di chuyển trên đường... Lại một màn hỗn loạn không ngăn kịp, không còn hàng lối gì nữa cả. Anh em ùa ra đường như một đàn vịt... tôi và anh cận vệ là hai người ra đến đường (QL.1) sau cùng. Ðồng bào chạy đến xem chúng tôi rất đông, có cả vài anh lính của Căn Cứ 2. Tôi theo mấy quân nhân này vào căn cứ gặp Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng để xin nhờ máy gọi về Trung Tâm Hành Quân TK Bình Tuy báo tin chúng tôi đã ra tới được Căn Cứ 2.
Tôi nhận được lịnh là ngày mai sẽ có trực thăng bốc chúng tôi về Tiểu Khu Bình Tuy.