Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Câu chuyện trên đồi Charlie

Câu chuyện trên đồi Charlie PDF Print E-mail
Tác Giả: Giao Chỉ, San Jose 2006   
Thứ Hai, 25 Tháng 10 Năm 2010 11:14

    Một câu chuyện thời Mùa Hè Đỏ Lửa 1972  và bài hát "Người ở lại Charlie" phổ biến trước 75 của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh qua giọng hát Thanh Tuyền.

    Charlie là tên của một trong các ngọn đồi lần lượt mang tên Alpha, Beta, Charlie,... vùng Kontum.

   
    Tại Việt Nam cuối mùa Xuân 1972, tình hình chiến sự ngày thêm khốc liệt. Hiệp Định Paris hội họp căng thẳng. Trận mùa hè đỏ lửa bắt đầu. Địch quân đưa chính quy vào mặt trận quân khu II trên chiến trường Cao Nguyên tại Tân Cảnh, nơi đồn trú Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư đoàn 22.

 
      Trung Tá
  Nguyễn Đình Bảo
    Tổng Tham Mưu cho tăng phái Lữ Đoàn II Nhảy dù của Đại Tá Trần Quốc Lịch đóng tại căn cứ Võ Định. Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù mang huy hiệu “song kiếm trấn ải” vào chiếm đóng ngọn đồi quyết tử Charlie. Bốn đại đội chia ra chiếm giữ các cao điểm. Địch quân cấp sư đoàn với các đơn vị pháo và phòng không bắt đầu khai hỏa. Pháo 130 ly và đại bác 122 ly. Mỗi ngày trên một ngàn trái. 600 lính mũ đỏ gồng mình chịu pháo chờ địch tấn công.

    Trận địa pháo của địch khởi sự mãnh liệt từ 1 tháng 4-1972.

    Đồi Charlie được gọi là căn cứ C2 trong suốt gần 2 tuần lễ kịch chiến đã lãnh trên 10 ngàn quả đại bác. Nhảy Dù, Không Quân và Pháo Binh của ta phản ứng mãnh liệt, xác định la liệt trận địa và tràn vào cả các phòng tuyến của mũ đỏ.

    Cộng quân quyết tâm dứt điểm Charlie bằng mọi giá. Lấy quân số của hai trung đoàn tràn ngập một tiểu đoàn. Sáu trăm chiến binh Nhảy Dù của Tiểu Đoàn 11 chỉ còn một số nhỏ thoát khỏi trận địa. Phần lớn bị hy sinh và nằm lại đồi Charlie cùng với Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Đình Bảo. Có các chiến sĩ Nhảy Dù cả tháng sau mới băng rừng về trình diện.

    Tháng 5-1972, cảm thương người anh hùng mũ đỏ, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết bài ca “Người Ở Lại Charlie” do Nhật Trường trình bày trên Đài Phát Thanh Quân Đội đã làm cho cả hậu phương Sài Gòn phải nhỏ lệ.

    Bây giờ 34 năm sau, trên đồi Foothill trong hí viện của trường đại học ở Los Gatos, California, ban hợp ca tuổi trẻ của đại đội C2 Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương cất tiếng hát bài ca cho người ở lại Charlie. Lời ca cuối cùng là giọng đơn ca của chiến sĩ dù Đoàn Phương Hải, người lính mũ đỏ còn lại của tiểu đoàn 11. Người về từ Charlie. Lúc đó là chiều Chủ Nhật 17 tháng 12-2006 tại Hoa Kỳ.

    Và sau cùng bộ quân phục Nhảy Dù của Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Đình Bảo tặng cho Pháo Binh Dù Bùi Đức Lạc hiện còn để trong Viện Bảo Tàng Việt Nam tại San Jose.

    Có người hỏi, sau trận Charlie, số phận Tiểu Đoàn 11 ra sao. Xin trả lời. Trong quân sử Việt Nam có nhiều trận lừng lẫy cấp tiểu đoàn. Trong đó có hai trận do Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù tham dự.

    Tại Charlie, Tiểu Đoàn 11 Dù mất 4 đại đội và hy sinh tiểu đoàn trưởng. Đổi lại Sư Đoàn 320 quả đấm thép của Bắc Việt hy sinh quân số hơn 1 trung đoàn. Phần còn lại của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù được tập trung về hậu cứ và bổ xung quân số, huấn luyện cấp tốc tháng 5-1972 đặc biệt về chiến thuật dùng hỏa tiễn TOW đánh chiến xa.

    Tháng 6, tiểu đoàn tái tổ chức lại lên đường tham dự trận tái chiếm Quảng Trị. Chỉ riêng ngày 1 tháng 6-1972, tiểu đoàn song kiếm trấn ải với 2 số 1 đã hạ được 26 chiến xa địch trên trận chiến bên bờ sông Mỹ Chánh. Đó là trận lừng danh lần thứ hai của tiểu đoàn 11 Nhảy Dù.

    Bây giờ, nếu các bạn đi chợ trời San Jose chợt thấy có ông già đứng nhìn đống áo nhà binh cũ, dáng điệu suy tư, có thể đây là một cựu chiến binh đã về từ Charlie hay đã từng diệt tăng ở phòng tuyến Mỹ Chánh. Đó là những anh hùng ở bên cạnh chúng ta. Một cái bắt tay, bạn sẽ thấy gần hơn với lịch sử. Và nếu hỏi chuyện, lịch sử sẽ trả lời.

San Jose 2006 

          Xin mời bạn vào link:

          http://vuvu.mobi/watch-video/nguoi-o-lai-charlie/FAebo3laIgk/