Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Phụ nữ Mỹ trên chiến trường Việt (I)

Phụ nữ Mỹ trên chiến trường Việt (I) PDF Print E-mail
Tác Giả: Uyển Mai - Lược dịch và tổng hợp   
Thứ Bảy, 18 Tháng 12 Năm 2010 12:16

 Những phụ nữ Hoa Kỳ có mặt trên chiến trường Việt Nam đã cống hiến những ngày tháng thanh xuân của đời mình cho tổ quốc và chịu mọi hiểm nguy không kém nam giới.

Từ trước tới nay khi nói tới người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam người ta thường nói nhiều tới đàn ông và hầu như không bao giờ nhắc tới phụ nữ. Sự thật thì phụ nữ Hoa Kỳ đã đóng góp, dù không nhiều, nhưng là một vai trò tế nhị không kém cần thiết trên chiến trường.

Theo tài liệu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, từ năm 1962 đến 1973, có khoảng 7 ngàn 500 phụ nữ Mỹ ở Việt Nam phục vụ cho quân đội. Thế nhưng những cuộc khảo sát khác cho thấy con số này là nhiều hơn, 33 ngàn, có thể đến 55 ngàn. Sự chênh lệch số liệu ấy cho thấy phụ nữ thường bị bỏ quên dù chính họ cũng phải làm việc cật lực và chịu đựng mọi hiểm nguy trên chiến trận không kém nam giới.

Phụ nữ Mỹ ở Việt Nam, ngoại trừ một số ít làm việc trong các văn phòng, 90 phần trăm làm công tác điều dưỡng, y tá. Lúc đó, tất cả các binh chủng (nhiều nhất là Army - Bộ binh) thường đến những trường dạy nghề y tá để kêu gọi. Học sinh nào đồng ý tham gia quân đội sẽ được trả tiền lương tháng trước khi nhận nhiệm sở, và như thế những ai thuộc thành phần lao động không được cha mẹ trợ giúp sẽ khỏi phải mượn nợ hay kiếm việc làm thêm để trả tiền ăn tiền học.

Hầu như các nữ y tá đến “Nam” không được chuẩn bị đầy đủ. Có đến 60 phần trăm chưa tới 2 năm kinh nghiệm, chưa kể rất nhiều người chỉ qua vỏn vẹn 6 tháng học nghề. Trên mặt trận, người y tá quân đội (military nurse) thường làm việc 12 giờ mỗi ngày, 6 ngày một tuần. Khi có nổ súng, có thương binh, ca trực 12 tiếng lập tức trở thành ca 24, hay 36 giờ liền.

Ngoài ra sự mệt nhọc về thể xác, các nữ y tá còn phải đối đầu với nhiều thử thách khác. Thử thách lớn nhất là những căng thẳng tinh thần và mâu thuẫn tâm lý. Cô Susan O’Neil từng sống trong tâm trạng dằn vặt như thế:

    “Các chàng trai được huấn luyện - và kỳ vọng - sẽ giết kẻ thù. Còn chúng tôi được huấn luyện và kỳ vọng sẽ cứu giúp bất kỳ ai bước vào ngưỡng cửa bệnh viện, ngay cả trong trường hợp đó chính là kẻ thù. Những thanh niên ấy sống với mặc cảm là kẻ giết người, còn chúng tôi, sống với mặc cảm là kẻ sống sót. Quanh họ là máu và cái chết mà họ phải trực diện đương đầu, còn chúng tôi đối mặt từng ngày với sự hấp hối, rên xiết của những người đàn ông, đàn bà, trẻ em được trực thăng thả xuống từ một thế giới xa lạ.”

Những phụ nữ Hoa Kỳ có mặt trên chiến trường Việt Nam đã cống hiến những ngày tháng thanh xuân của đời mình cho tổ quốc và chịu mọi hiểm nguy không kém nam giới. Đến khi trở về nước, họ cũng chịu những ám ảnh kinh hoàng. Những phụ nữ ấy - nhiều người đã qua đời, những người còn lại đang bước vào tuổi 60 - đã sống, đã nghĩ, đã cảm thấy những gì về cuộc chiến được coi là dài nhất lịch sử Hoa Kỳ?

Đáng buồn thay, trong một thời gian dài, rất nhiều người cảm thấy quá bối rối chao đảo đến mức chỉ có thể chọn thái độ giữ im lặng, Cherie Rankin tâm sự:

    “Thế là mình trở về. Và mọi người cứ hỏi, “Thấy sao hả?” Phải trả lời sao đây? Làm sao nói cho họ hiểu được đó là những trải nghiệm tuyệt vời nhất nhưng cũng kinh khủng nhất đời mình? Ý của mình là mình thấy không thể nào làm người khác hiểu được những ngày sống ở đó thật ra là như thế nào. Vậy là mình im luôn…”

Chiến tranh Việt Nam cũng được dựng thành phim. Nhưng những bộ phim nổi tiếng như Green Berets, Taxi Driver's, Apocalypse Now, Platoon, Rambo... đều chỉ toàn đàn ông. Rất hiếm phim như Purple Hearts có được bóng dáng đàn bà. Việt Nam được mô tả như một vùng đất không có đàn bà, vì làm sao những con người liễu yếu ấy có thể sống và làm việc ở một nơi quá phức tạp, quá bẩn thỉu, quá gay gắt như chiến trường Việt Nam. Đó là một trong những lý do chính khiến phụ nữ Mỹ trên chiến trường Việt, cho tới nay, vẫn vắng bóng trong các câu chuyện, sách vở, phim ảnh, và trong sự hiểu biết của hầu hết mọi người.

 

Đội nữ y tá không quân Mỹ (Việt Nam, 1960) Nguồn: usmilitariaforum.com

Bài viết này mong mỏi giới thiệu cùng bạn đọc một vài điểm nổi bật trong cuộc sống, tâm tình, suy tư của những phụ nữ ấy, những con người hoàn toàn xa lạ với Việt Nam nhưng đã từng có lúc chia xẻ vui buồn, gian nguy, tang tóc với mảnh đất Nam Việt một thời chinh chiến.

Giữa hai cuộc chiến

Để có thể hiểu được lý do tại sao các thiếu nữ Hoa Kỳ bằng lòng từ bỏ cuộc sống yên ổn nơi quê nhà, dấn thân vào một nơi xa xôi nguy hiểm như Việt Nam ta cần nhìn tới khuynh hướng giáo dục trẻ em ở Mỹ những năm 1960, đó là có sự phân biệt phái tính khá rõ nét. Trong khi các cậu bé chạy ngoài sân chơi baseball, các cô bé ở trong nhà chơi nấu nướng với các con búp bê.

Từ rất nhỏ, các cô đã được dạy biết thương yêu và quan tâm tới người khác. Khi lớn lên, các cô thường nhìn mình trong vai trò người mẹ, người chị, người em gái, người bạn hơn là một cá nhân tách biệt và độc lập. Rất nhiều thiếu nữ chọn nghề y tá để thỏa mãn tâm tình làm mẹ, làm bạn của mình. Rồi khi xảy ra chiến tranh Việt Nam, nghĩ đến các anh, em trai, bạn trai xa nhà đang cần đến sự chăm sóc, các cô thấy mình không thể làm ngơ, thấy mình cần đến nơi để tiếp sức với họ. Cô Cherie Rankin hồi tưởng:

    “Khi em trai tôi gia nhập Marine Corps và muốn đến Nam tôi lo ghê lắm. Tôi thật không hiểu tại sao nó lại muốn đến đó để phải giết người. Chúng tôi lớn lên được dạy biết quý sinh mạng và tôn trọng mạng sống người khác. Tôi tự bảo: “Nếu mình là đàn ông đó hả, mình sẽ chẳng bao giờ làm cái chuyện đó đâu, đến nơi chỉ để bóp cò súng hay sao.” Thế nhưng càng nghĩ về chiến tranh tôi lại càng nghĩ tới thằng em và thấy thực sự muốn giúp nó. Tôi biết chiến tranh là sai lầm nhưng vần không tài nào gạt khỏi ý nghĩ là có những người con trai như em tôi đang ở đó - những gã con trai lớn lên với đồng ruộng và mê món bánh táo, những gã con trai chỉ biết tuân lịnh không hề thắc mắc. Tôi không ủng hộ chiến tranh nhưng tôi muốn ủng hộ những người con trai ấy. Vậy tôi phải làm sao đây”

Không phải cô gái nào đến Việt Nam cũng đều mang ý nguyện muốn giúp đỡ như Cherie. Nhiều người tình nguyện phục vụ chỉ vì đã lỡ lãnh lương quân đội, hay muốn tiến thân trong quân đội. Có cô “ra trận” chỉ để chứng tỏ mình, hay đơn giản hơn, để được cảm giác mạnh, hay nghĩ mình sẽ được một chuyến du lịch Á châu, v.v… Dù thế nào đi nữa, khi đến thực nơi, đụng thực chuyện, hầu hết đều bị “vỡ mặt”, hiểu ra rằng chiến trường “Nam” hoàn toàn không giống trong phim ảnh, càng không giống bất kỳ trại lính Mỹ nào họ đã từng phục vụ trước đó.

Lilly Adams đến Củ Chi và muốn làm việc tại tuyến đầu tiếp nhận thương binh. Cô đã từng làm việc trong trạm cứu cấp của Ford Ord và thấy thích. Thế nhưng, tại phòng cấp cứu của “Nam” thì hoàn toàn khác:

    “Tôi nghe tiếng máy bay trực thăng đáp xuống rồi 2 cái cáng được khiêng vào. Một người bị mất cả 2 chân từ hông trở xuống, a double amp (amputee), xương và thịt da lòng thòng đỏ lòm lòm như tảng thịt trên quầy. Tôi đứng sững, toàn thân đông cứng. Nhưng các người khác lập tức lao vào việc. Các bác sĩ, y tá tíu tít làm không ngơi tay. Một người cắt quân phục, người khác truyền nước biển, người nữa hỏi tên, chức vụ, số quân... Đủ thứ việc được làm trong cùng một lúc.

    Thế rồi 2, 3 cái cáng khác vào tiếp. Tôi vẫn chưa hoàn hồn, còn muốn phát khóc vì nghĩ sao mình lại tệ hại đến vậy, “What's wrong with you” tôi tự mắng mình. Đột nhiên, tiếng người bác sĩ vang lên: “Có ai giữ dùm cái đầu coi?” Ai cũng bận tay hết. Ông ta lại la lên: “Cần người giữ cho cái đầu đây!” Và tôi bước tới vì biết đó chính là việc của mình. Kể từ lúc ấy, tôi có thể gượng dậy và làm việc.”

Đối diện với những cảnh tượng kinh hoàng từng ngày từng giờ như thế, những thiếu nữ hồn nhiên chẳng mấy chốc thấy mình phải tập trở nên lạnh lùng nếu muốn còn sống, còn làm việc. Cô Mary Stout xót xa nhớ lại:

    “Rất nhanh, tôi hiểu ra rằng phải biết chặt đứt mọi cảm xúc trước những người mang thương tích quá nặng. Vậy mà, vẫn không sao làm được. Như người lính lái cái APC kia, tiểu đội của anh ta trúng mìn bẫy . Mìn nổ, chỉ mình anh sống sót nhưng bị phỏng rất nặng. Chúng tôi biết anh sẽ chết. Chúng tôi đợi anh chết. Giường của anh nằm ngay trước bàn giấy của tôi - người bị thương nặng nhất luôn luôn được đặt cạnh bàn y tá - Tôi nhìn anh, cảm giác bất lực ngập lòng. Tôi biết không thể đưa anh đi vì anh sẽ bị sốc. Tôi chỉ biết im lặng nhìn anh chìm trong hôn mê. Mặc cảm tội lỗi nặng trĩu. Cả đến lúc về nước tôi vẫn nghĩ tới người lính ấy, vẫn thấy mình thật có lỗi vì đã không làm được gì cho anh.”

Với những ai như Eunice Splawn, lương tâm nghề nghiệp có khi là trở ngại lớn, thậm chí đưa thẳng đến cái chết.

    “Hai ngày đầu của trận Tet Offensive (Tết Mậu Thân), chúng tôi làm việc 30 tiếng không chợp mắt. Một đêm kia, đám y tá chúng tôi phải đi đến bệnh viện. Khu vực hoàn toàn bất ổn, súng nổ khắp nơi, hỏa pháo và mọc-chê rải khắp. Vài cô chạy trước. Khi đến gần trạm chỉ huy, có tiếng một người lính hô to: “Dừng lại! Ai đó?”Một cô trả lời: “Chúng tôi là y tá. Chúng tôi đến bệnh viện.” Tôi nghe cô ấy nói rất rõ nhưng người lính thì không.

    Chắc chắn là không vì khi tôi vừa đi ngang qua anh ta thì một tiếng ầm vang như sấm nổ - dù giữa tiếng còi hụ, tiếng súng đì đùng tôi vẫn nghe được tiếng lách cách mở chốt an toàn khẩu M-16. Tôi đứng sững như trời trồng. Thật chậm, tôi quay lại nói: “Chúng tôi là y tá. Chúng tôi đang trên đường đến bệnh viện.” Rồi một giọng nho nhỏ cất lên, “Okay, ma’am.” Tôi hiểu người lính cũng như tôi, cũng đang lạnh người vì sợ. Chỉ nhích thêm chút nữa anh đã giết lầm đồng đội.”

Cô y tá Judy Jenkins thì không bị hoảng vía đến thế nhưng bị dũa thê thảm vì quá tận tụy, quá chu đáo.

    “Ráng tạo ra một chút hạnh phúc trong chiến tranh là điều không thực tế chút nào. Như cái dạo Giáng Sinh đó, cứ nghĩ tới mấy người lính gác mà thương. Trong khi mình pạc ti pạc tủng trong này, họ cô đơn lạnh lẽo ngoài kia. Thế là mình kiếm bộ đồ Santa Claus mặc vô, mang theo kẹo bánh thuốc lá. Nhờ một người lái xe jeep chở vòng vòng để đến mọi trạm gác đưa quà cho mấy ảnh.

    Ngày hôm sau, ông chỉ huy trưởng biết chuyện lập tức nổi trận lôi đình. Ổng kêu mình lên, đem quân luật ra đọc, còn bảo: “Cô có biết cô tự biến thành đích nhắm cho địch không. Mặc lông trắng lôm lốp mà dám trèo lên vọng gác. Bộ cô khùng rồi sao? Tôi chưa bao giờ thấy ai khùng như cô!”

Hầu hết các nữ y tá đến Nam đều đã từng ra ngoài mặt trận, từng ở bên cạnh những người trai cầm súng chiến đấu như người bạn, người em gái ân cần. Thế nhưng trong họ còn có bản năng người mẹ. Người mẹ ấy mở lòng ra với mọi trẻ nhỏ, dù đó là những đứa trẻ khác màu da, chủng tộc. Cô Jill Mishkel kể:

    “Có lúc trẻ con vào đông lắm. Một bé gái, chúng tôi đặt tên là Lee An (Lý Anh), mắc bịnh não úng thủy, một garbage-can baby, bởi vì mẹ nó chẳng biết làm sao với đứa con mắc bịnh này. Một người lính GI đã thấy bé trong đống rác và bồng về. Chúng tôi đặt ống chuyền dịch từ óc đem xuống thận. Bé khá hơn. Chúng tôi nghĩ mình cứu được bé. Nhưng rồi bé bịnh trở lại và chết.”

Trung uý Martha F. Green (Việt Nam, 1968-9) Nguồn: butlerc.tripod.com


Còn những đứa bé của Eunice Splawn tuy không chết nhưng vẫn làm cô nặng lòng.

    “Chúng tôi có một cô bé mặt bị trúng miểng pháo. Những vết thương chảy nước bốc mùi hôi thối không sao lành được. Một mắt em bị mù còn mắt kia cũng không thấy rõ. Em bị các trẻ khác xa lánh. Tôi phải tắm rửa và đút thức ăn cho em. Em chẳng hiểu tôi nói gì, nhưng em hiểu giọng tôi vỗ về, tay tôi vuốt ve. Hễ tôi đi săn sóc những đứa trẻ khác thì em lại khóc và giơ tay với.

    Thế rồi đến ngày tôi đưa em ra máy bay để trở về làng của em. Tôi dắt tay em. Chúng tôi đứng chờ máy bay đậu lại. Tôi phải bịt tai em vì tiếng động cơ làm em sợ. Cuối cùng, tôi cũng đưa em lên được trực thăng. Tôi quay lưng bước thẳng, cố không nghe thấy tiếng em khóc đòi tôi quay lại. Tim bạn như vỡ ra trước những đứa bé như thế. Nhìn vào mặt các em bạn sẽ thấy chiến tranh thực sự là thế nào.”

Cứ như thế, những cô gái hồn nhiên của đồng quê Mỹ thấy mình bị dằng xé giữa 2 cuộc chiến, một bên ngoài ì ầm súng và bom, một bên trong lặng lẽ nước mắt và chịu đựng.

“Chúng tôi là đàn bà, chúng tôi không thể chiến đấu nhưng vẫn có thể bị chết dễ dàng không khác đàn ông. Chỉ khác một điều, chúng tôi không thể bắn trả lại. Vậy làm sao đây khi chúng tôi cũng biết căm giận, cũng biết sợ hãi? Chỉ còn cách nuốt nó vào trong, ấn nó thật sâu vào trong. Chúng tôi còn việc phải làm, mà việc đó lại là chăm sóc người khác, nên chúng tôi không thể để cho mình căm giận hay sợ hãi. Cũng như không thể để mình đau khổ.” (Judy Jenkins)

Sex – Cái không thể nói không

Đa số nữ y tá Mỹ đến Việt Nam là những cô gái trẻ, có khi rất trẻ. Không ai bảo cho các cô biết cái gì sẽ chờ đón họ ở Nam. Ở đó không chỉ có đạn, bom và mìn bẫy; không chỉ có lửa, máu và bùn. Ở đó còn có một thứ hiểm nguy khác, đặc biệt nguy hiểm cho đàn bà, đó là đàn ông và nhu cầu tình dục của đàn ông. Chiến trường luôn luôn là nơi có quá nhiều đàn ông, quá ít đàn bà. Sex - đàn ông không có nó, thèm khát nó, bỏ tiền để mua nó; đàn bà, ngược lại, không muốn nó cũng không được.

Cô Micki Voisar, một tiếp viên hàng không quân đội, phải tập quen và biết cách ứng phó với những tấn công tình dục.

    “Tôi thường xuyên thấy cánh đàn ông thủ dâm trên máy bay. Nhớ lúc mới tới, một cô bạn nói nhỏ: “Khi thấy một gã GI đang ngủ, chớ bao giờ kéo chăn của hắn ra nghen.” Có khi họ trét ketchup lên băng vệ sinh phụ nữ để ở giữa lối đi rồi chờ xem chúng tôi phản ứng ra sao. Có khi họ giả bộ bị kẹt trong dây an toàn, hay khi họ hỏi xin cái gối và nếu mình với lên lấy họ liền thọc tay ngay vào váy... Bọn tôi phải thật cẩn thận khi làm bất cứ cái gì.”

Rất nhanh, các cô thấy ra mình trở thành một thứ hấp dẫn, có khi là của cải để bị chiếm hữu. Cô Eunice Splawn kể:

    “Đa số bác sĩ đến Việt Nam, ít ra là ở Đà Nẵng, đều đem theo nhiều thật nhiều thuốc ngừa thai. Mà mấy tay bác sĩ có cái rất chướng là coi bọn y tá tụi này đương nhiên thuộc về mấy ổng. Như có lần, mình đến thăm một tiểu đoàn Marines. Có mấy tay lính trẻ - trẻ măng như con nít vậy đó - đã lấy gỗ vụn dựng thành cái club house rất xinh. Tụi này đồng ý ở lại một đêm để khánh thành cái nhà với họ. Vậy mà khi trở về, một trong mấy ông đốc tờ cự mình: “Mấy cô làm cái gì ở đó vậy hả? Tụi nó phải tự kiếm gái đi chứ. Bọn này phải có phần riêng của bọn này chứ.”

Quả đúng là hoa lạc giữa rừng gươm. Những đóa hoa mong manh làm sao có thể tránh bị những lưỡi gươm sắc lẽm cứa nát. Trường lớp dạy các cô phải biết giữ gìn danh giá nhưng thực tế lại dạy cho họ những điều ngược lại. Penni Evans được Hội Chữ Thập Đỏ huấn luyện 2 tuần. Cô còn được dạy về tác phong một nữ quân nhân cần có. Phải biết mình là đại diện của Red Cross dù trong hay ngoài công tác, phải ra dáng phụ nữ đứng đắn, không được chửi thề, không được dan díu với nam quân nhân. Các cô phải là biểu tượng trong sáng không chút nhục cảm. Các cô có thể là mẹ, là em gái, là cô hàng xóm gì gì cũng được nhưng tuyệt đối không được tò tí lăng nhăng. Thế nhưng chỉ sau một thời gian đến Nam, Penni thật sự bị sốc: “Then the whole fact that we supposed to be hookers!” Người ta còn bảo cô: “Nurses do it for free, but the Red Cross girls charge.”

TNữ y tá Red Cross “Donut Dollies” Hoa Kỳ bên chiếc trực thăng 1-9 CAV
Nguồn: OntheNet

Đây thật là chuyện nhức đầu. Các cô sẽ phải phản ứng sao đây khi đàn ông nổi hứng bất tử và làm bậy? Chuyện này đã từng xảy ra với Cherie Rankin. Một ngày kia khi đang đi bộ trên đường về trại một xe truck dừng lại bên Cherie. Thường bận để cho an toàn và đỡ buồn các cô đi đâu cũng đi hai người, nhưng lần này Cherie chỉ có một mình.


    “Cái này mới tréo ngoe đây, tụi mình có nghĩa vụ phải tỏ ra dễ thương với cánh đàn ông - lỡ mình là người phụ nữ (Mỹ) đầu tiên họ gặp trên chiến trường thì sao. Nên tụi mình lúc nào cũng phải tỏ ra thân thiện. Thế rồi khi xe đậu lại, và người lính lái xe hỏi có muốn đi nhờ không, linh tính bảo mình: “Đừng! Đừng có lên.” nhưng con người nghề nghiệp lại nói: “Coi kìa, vậy thì mày đến Nam làm gì hả?” Thế là trái với cảm tính, mình nói OK. Thật là sai lầm to lớn…

    Trong xe có hai người lính, họ bảo mình ngồi giữa. Xe vừa lái đi thì người ngồi cạnh bắt đầu giở trò. Tay anh ta mò loạn cả lên, ngược lên trên trong áo, cả vào quần lót. Mình vừa cắn vừa la. Người lính lái xe tỏ vẻ lo ngại. Nhưng cả hai đều nói cái gì đó đại khái như: “Coi kìa, cô làm cái này hoài mà. Cô cho không mấy ông sĩ quan mà. Bộ muốn tính tiền bọn này sao đây?” Còn mình thì cứ nói: “Dừng lại. Tôi không phải vậy. Dừng lại ngay!” Mình cố giữ bình tĩnh và khuyên can nhưng rút cục vẫn phải nạt to: “Nếu anh không lấy cái bàn tay khốn khiếp này ra thì tôi sẽ hét thật to và sẽ báo cáo lên cấp trên. Bị ở đây là quá tệ hại rồi, bộ muốn thêm điểm xấu nữa hay sao!”

    Người lính lái xe dường như thấy ra mình không phải là loại “đó” nên cuối cùng đã dừng xe lại. Nhưng mình phải bò ngang qua người lính kia và bị mò mẫm thêm một tăng nữa trước khi thoát được ra ngoài.

Thế rồi Cherie có báo cáo không?

    “Mình thấy thiệt khó xử quá. Nói cho ngay mình hiểu tại sao mấy người đó coi mình như vậy. Chắc họ nghĩ: “Đàn bà ngon lành như rứa mà lại chạy lung tung ở cái xứ khỉ khô như ri thì để làm gì? Để làm tiền chứ làm gì.” Người ta nói nhiều lắm về đám y tá Red Cross tụi mình - bất cứ gã con trai nào cũng từng tuyên bố ít nhất đã “đụng” một lần. Mình không biết có phụ nữ Mỹ nào ở đây làm cái nghề đó hay không, nhưng đã có người lính cầm tiền trong tay, bước tới trước mặt mình, nói: “Ê, tính giá b’ nhiu?” Thực ra mình biết có vài cô cũng lung tung lộn xộn ghê lắm làm cả đám bị mang tiếng luôn.

    Nhưng nói đi cũng nên nói lại, mấy người lính ấy xét cho cùng chỉ là những thanh niên bị kéo ra khỏi quê nhà, gia đình và bị thảy vào một cuộc chiến nhày nhụa chẳng ai thèm ngó ngàng tới, rồi bị buộc phải cầm súng tiến lên mà chẳng hiểu gì hết. Mình biết tại sao họ lại đối xử với cánh đàn bà tụi mình như thế. Nên thay vì tức giận, mình lại thấy thông cảm…”

Thật ra, không phải lúc nào các cô cũng đụng phải cảnh “nóng bỏng” khó chịu như Cherie đã từng, nhưng vì là những cô gái round-eyed ít ỏi nên ngoài giờ làm việc các cô còn phải cố chiều lòng đám lính tráng đàn ông để giúp họ tìm quên; đó có thể là nhảy múa khi đôi chân đã mỏi rã, hay chơi bài khi cặp mặt chỉ muốn híp lại ngủ… Tuy nhiên, những đòi hỏi vô lối ấy, may thay, chỉ xảy ra trong cảnh nhàn cư vi; còn trên chiến trường, trong công việc, khi cái sống cái chết chỉ trong tơ tóc, các cô luôn luôn được các chàng đặc biệt trân trọng. Jeanne Christie bồi hồi nhắc đến những ngày “lots of work and lots of fun” của cô:

    “Nếu may mắn tụi mình có thể đến thăm 8 đơn vị trong một ngày. Để đến từng đơn vị, tụi mình phải đi bằng ghe, xe jeep, xe tải, máy bay, và thích nhất, bằng trực thăng. Dù đi bằng bất cứ phương tiện nào, bọn con gái cũng được săn sóc dữ lắm. Mấy ảnh rất chăm chút và sẵn sàng bảo vệ tụi mình. Tụi mình chẳng bao giờ lo bị họ lợi dụng hoàn cảnh để làm chuyện bậy bạ. Nhiều khi tụi mình còn cười thật to, làm mấy ảnh cũng cười theo. Đang tứ bề nguy nan mà cười thì điên quá hả. Nhưng có vậy họ mới lên tinh thần, mới tiếp tục được.”

Ham muốn tình dục của đàn ông dù thô bạo hay nhẹ nhàng, xét cho cùng, vẫn bắt nguồn từ mong ước được có người đàn bà bên cạnh. Còn phụ nữ thì hạnh phúc khi thấy mình đem lại hạnh phúc cho người đàn ông. Vì thế, dù có khi bị xem thường, thậm chí xúc phạm, các cô gái Mỹ trên chiến trường Việt vẫn dành cho những chàng trai đồng đội một tâm tình tha thiết, mến thương:

“Tôi cảm thấy họ cần đến tôi. Họ cần tôi để thấy vui sống hơn. Tôi thấy có người thực sự cần đến mình, và đó chính là lý do giữ tôi lại Việt Nam.” (Judy Jenkins)

(Còn tiếp)

 
Chú thích

APC - Armored Personnel Carrier - Xe có bánh dây xích dùng để chở các toán lính Bộ binh và tiếp liệu, thường gắn súng máy nòng 5 ly.
GI - Government Issue hay General Issue, cả hai đều chỉ những vật dụng thông thường của quân đội. Dùng để chỉ người lính Mỹ.
Purple Hearts movie (1984) - Bác sĩ Hải quân Don Jardian đã có hôn thê và một phòng mạch tương lai ở Mỹ nhưng vẫn đầu quân đến Việt Nam. Tại đây anh phải đương đầu với cuộc chiến khốc liệt và cả với bọn đầu nậu tiếp liệu thuốc men. Giữa những xung đột khó có giải pháp rõ ràng, Don yêu Deborah Solomon, một nữ y tá cùng đơn vị.
Round-eyed - Mắt to, ám chỉ người Âu Mỹ – Các nữ quân nhân Hoa Kỳ thường được gọi thân mật là “round-eyed girls”
Nguồn trích dẫn - Số liệu, nhân vật và đoản văn trong bài được trích dẫn và lược dịch từ: “A Piece of My Heart - Câu chuyện của 26 phụ nữ Mỹ từng phục vụ tại Việt Nam” (1985 - Soạn giả Keith Walker); “In The Combat Zone - Chuyện kể của 20 phụ nữ Mỹ ở Việt Nam” (1987- Soạn giả Kathryn Marshall); và “Don’t Mean Nothing - Những truyện ngắn về Việt Nam” (2001- Tác giả Susan O’Neill)