Vậy thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Nhu làm sao hiểu nổi Mỹ, để hiểu rằng chính trị đối với chính trị gia Mỹ, nhất là chính sách đối ngoại chỉ là " vấn đề của cái áo mặc ngoài ".
Vấn Đề Của Cái Áo Mặc Ngoài Trích trong " Việt Nam Ba Mươi Năm Khói Lửa " của GS. Cao Thế Dung Từ trang 553 =>560 .................................................................................................................. Đã từ lâu, Cố vấn Ngô Đình Nhu âm thầm hoạch định một đường đi mới, một là để thoát khỏi gọng kìm của Hoa Kỳ, đi với Pháp để cân bằng với một vai trò tích cực nào đó của Pháp mà tư thế của Pháp ngày càng thân hữu đối với Bắc Kinh. Với áp lực gia tăng của Hoa Kỳ, có lẽ đó là con đường mà ông Ngô Đình Nhu phải thỏa hiệp, " không còn một lựa chọn nào khác hơn ". | TT Ngô Đình Diệm | Từ năm 1960, Chính phủ Ngô Đình Diệm đã thất bại về nội chính, nhất là đối với các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài và các đảng phái quốc gia. Đây là nhược điểm, một thế yếu nếu chủ trương thỏa hiệp với Cộng sản của ông Nhu thành đạt và chắc chắn Cộng sản vẩn chiếm ưu thế. các đảng phái yêu nước chân chính như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Dân Xã Đảng, Duy Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng mặc nhiên bị chính quyền Ngô Đình Diệm đặt ra ngoài vòng pháp luật cho nên chủ trương thỏa hiệp với Cộng sản nếu là sự thật thì quả là nghịch lý, nếu không muốn nói là bội phản. Riêng Việt Nam Quốc Dân Đảng, từ ngay 2 năm đầu, từ lúc ông Diệm vừa về nước, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã âm thầm ủng hộ ông, một cách tích cực nhất là Miền Trung, Tỉnh trưởng đầu tiên ở Quảng Ngãi sau khi tiếp thu từ Việt Minh là một cán bộ VN QDĐ. Quảng Nam cũng như vậy. Hầu hết chính quyền xã ấp và quận từ 1954 đến năm 1956 đều do Việt Nam Quốc Dân Đảng Miền Trung đảm trách. Tổng Trưởng Quốc Phòng vào giai đoạn cam go nhất của những năm đầu đều là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng như Lê Ngọc Chấn (Trần Trung Dung, VNQDĐ nhưng đã bỏ Đảng sau khi tham chính gia nhập đảng Cần Lao Nhân Vị ). Vào năm 1954-1955, phong trào chống Cộng và ủng hộ Ngô Đình Diệm lên rất cao ở Nam Ngãi và Bình Định lại do Việt Nam Quốc Dân Đảng ở đây chủ trương. Theo một cán bộ VNQDĐ thì lúc ấy "ở Miền Trung có hàng ngàn cán bộ không cần làm việc có tiền lương nhiều, chỉ mong sao đủ sống đạm bạc hoạt động chống Cộng là họ thỏa chí ". Theo một tác giả khác, " Quốc Dân Đảng Miền Trung lúc đầu ủng hộ ông Diệm tích cực. Họ lên án Tướng Nguyễn Văn Hinh và ủng hộ ông Diệm. Họ đã có cán bộ giử chức vị Tỉnh trưởng và Quận trưởng ở hai tỉnh lớn Nam Ngãi. Phong trào tố Cộng, ly khai Cộng sản, xé Đảng kỳ Cộng sản bắt đầu tháng 10-1954 do họ tiên khởi phát động ở Quảng Nam rồi sau mới lan ra toàn quốc ". Éo le, năm 1957, phong trào tố Cộng lại quay ngược tố cán bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng là Cộng sản. Đấy cũng là chủ trương của cán bộ Cộng sản nằm vùng ngay ờ đầu não Bộ Thông Tin của Trần Chánh Thành.
Cuối cùng, tháng 3-1955, Quốc Dân Đảng Miền Trung ly khai, rút ra chiến khu Quế Sơn, Tiên Phước, Duy Xuyên cầm súng chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuối năm 1956, ý thức rõ nguy cơ Cộng sản, Việt Nam Quốc Dân Đảng về hợp tác với chính quyền Ngô Đình Diệm qua một buổi lễ long trọng ở Hội An với 2000 Nghĩa Binh võ trang đầy đủ song chỉ ít lâu sau lại bị phân tán, bị bắt cầm tù và nhiều người mất tích hoặc lúc được trả về sau ngày Cách mạng 1-11-1963 thì đã tàn phế.
Vụ Chính quyền Ngô Đình Diệm thủ tiêu Vũ Tam Anh và Nguyễn Bão Toàn là một vết nhơ không thể nào gột rửa. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã làm mất hẳn tiềm lực quốc gia rất mạnh ở Miền Trung, Miền Tây và Miền Đông.Nội chính thì như thế, tuy nhiên về ngoại giao, có thể nói, cho đến năm 1962, chính phủ Ngô Đình diệm đã đạt được nhiều thắng lợi, trỗi vượt hơn Hà Nội rất nhiều.
Thủ tướng U Nu đang là một chính khách hàng đầu của Á Châu, này 11.11. 1956 ông đến Sài Gòn thăm viếng chính thức. Tổng Thống Ngô Đình Diệm lần lượt viếng thăm các quốc gia Á Châu như Ấn Độ, Thái Lan, Đại Hàn, Đài Loan, ở đâu ông cũng thành công rực rỡ. Ngày 04.04.1957, Tổng Thống Ngô Đình Diệm chính thức viếng thăm Hoa Kỳ, Tổng Thống Eisenhower ra tận phi trường Andrew nghênh đón, một biến cố hiếm có. TT Eisenhower lại cùng Tổng Thống Diệm ngồi trên xe mui trần đi qua đại lộ Pennsylvania, có thể nói, cuộc đón tiếp rất huy hoàng. Tổng Thống Diệm đến Quốc Hội Hoa Kỳ đọc diễn văn trước Lưỡng Viện họp chung, được hoan hô nồng nhiệt TT Eisenhower gọi ông Diệm là người của " phép lạ " ( miracle man ). Các chính khách lớn của thế giới lần lượt đến thăm Nam Việt Nam như Tổng Thống Đại Hàn Lý Thừa Vãn, Cựu Thủ tướng Pháp Antoine Pinay, Phó TT Trần Thành Trung Hoa Dân Quốc, Thái Tử Shianouk Quốc Trưởng Cao Miên. Ngày 18.03.1959, Tổng Thống Ấn Độ Prasad đến Sài Gòn thăm Tổng Thống Ngô Đình Diệm trước rồi mới ra Hà Nội thăm Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Tổng Thống Prasad từ ngôn ngữ đến thái độ đều tỏ ra kính trọng TT Ngô Đình Diệm.
Thành công đáng kể và đây là đòn nặng đánh thẳng vào bộ phận đầu não chế độ Hà Nội là những lời phát biểu của Phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại Hội Nghị 14 nước về Lào đã được đặc biệt chú ý, nhất là đối với phái đoàn Trung Quốc trước sau vẫn coi Việt Nam Cộng Hòa như một nhà nước có tiếng nói chính đáng.
Một thành công khác đã đưa Việt Nam Cộng Hòa đến một ưu thế về pháp lý tấn công Hà Nội đó là bản báo cáo đặc biệt của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến gửi cho 2 nước đồng Chủ Tịch Liên Sô và Anh Quốc ngày 02.06.1962.
Bản Báo Cáo của Ủy Hội Quốc Tế do Ủy Ban Pháp Lý ( Legal Committê ) đã gây một tiếng vang lớn tại Liên Hiệp Quốc. Hà Nội chỉ có thể chống trả một cách tiêu cực và hoàn toàn bất lợi cho chính phủ Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh và Cộng Sản VN mải miết chạy theo Mác Lê, chưa đủ, mải miết theo cả Mao Trạch Đông với " chân lý " mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh thường ca tụng : " Có súng thì hẳn có thể tạo ra Đảng " và rằng " súng của Đảng Cộng sản Liên Sô đã tạo nên một nước xã hội chủ nghĩa ".
Từ " chân lý " ấy, Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Cộng Sản VN say mê tiến lên chủ nghĩa xã hội gắn liền với bạo lực và chiến tranh, không cần biết phong trào giải Thực và trào lưu thế giới có thể đem lại độc lập cho nước nhà mà không cần đổ máu, hoặc đổ máu ít như Nam Dương hay nhanh chóng như Algerie.
Sau chiến tranh Cao Ly, Trung Hoa Đỏ đã " thấm đòn ", nên chiến tranh không còn là vạn năng, Mao Trạch Đông trở thành tay lái súng thì Chủ Tịch Hồ Chí Minh lại thừa kế Mao, coi chiến tranh là vạn năng và lãnh súng của Mao trả bằng xương máu đồng bào qua Hội Nghị Genève 1954 ( và kể cả Hòa Đàm Paris 1973 ).
Thực tế, trong suốt 60 năm hoạt động, Đảng Cộng Sản VN không hiểu rõ bài học của Mác Lê và Mao Trạch Đông. Lê Nin nói : " Bạo Lực Cách Mạng chỉ là một thủ đoạn cần thiết " Lê Nin dạy Hồ Chí Minh như thế song một đằng là thủ đoạn cần thiết thì Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Cộng Sản VN lại coi là cứu cánh. Miền Nam Việt Nam chưa lúc nào có cơ hội tốt đẹp như năm 1957 -1958 để đi vào thế giới thứ ba không liên kết mà Thủ Tướng Ấn Độ Nerhu thúc đẩy. Chuyến viếng thăm SàiGòn của Thủ Tướng Miến Điện U Nu và Tổng Thống Ấn Độ Prasad đã mở một con đường rộng đẹp cho Việt Nam đi vào một chân trời mới, song Nam Việt Nam đã " lỡ " làm một tiền đồn của Thế Giới Tự Do, những nỗ lực tách rời áp lực Mỹ, bước ra khỏi quỹ đạo của Mỹ năm 1960-1963 đã đem đến cái chết thê thảm của anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Việc đời đã biến đổi, cái áo mang nhãn hiệu Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ đã mặc được 8 năm, bắt đầu không còn hợp thời trang, không ăn ảnh, không còn phù hợp với ánh sáng đèn màu của bối cảnh chính trị mới, nên " phép lạ Ngô Đình Diệm " đã sụp đổ.
Vấn đề thanh toán nợ nần với lá bài Ngô Đình Diệm chỉ còn là ngày tháng. Trong tình thế như vậy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Bào đệ Ngô Đình Nhu lại đi ngược với chiến lược Mỹ, khi thuyết Domino còn là yếu huyệt của chính sách Mỹ ở Đông Nam Á thì lẽ tự nhiên số phận của hai ông đã được định đoạt. Có người sống ở Mỹ trên 15 năm, sống trong lòng xã hội Mỹ, từ những năm ăn ở ngay trong " campus " đại học Mỹ cho đến những ngày đi làm sở Mỹ, người ấy vẫn đi đến kết luận : càng ở Mỹ lâu năm càng không hiểu Mỹ. Vậy thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Nhu làm sao hiểu nổi Mỹ, để hiểu rằng chính trị đối với chính trị gia Mỹ, nhất là chính sách đối ngoại chỉ là " vấn đề của cái áo mặc ngoài ". Song chắc chắn Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã hiểu thế nào là áp lực Mỹ và thế nào là thân phận dân tộc khi dân tộc chia lìa. Từ một chổ được tuyên dương như một người của phép lạ Á Châu cho đến khi bị gán nhãn hiệu là " bạo chúa " đã không bao xa, chỉ gang tấc. Đó là tình trạng của những năm 1962-1963 mà báo chí Mỹ đã dành cho Tổng Thống Diệm và chế độ Đệ I Việt Nam Cộng Hòa.
Số phận của chế độ Ngô Đình Diệm đã được trù tính theo cùng với trào lưu mới của nhóm Tân Biên Cương qua John Kennedy với " bộ máy điện tử " Mc Namara. Đó là thảm kịch chung của dân tộc nhược tiểu dưới sức ép của cường lực. Trước khi mất về tay Thực Dân Tây Phương, Việt Nam phải trực diện với sức ép lớn 20 lần hơn, mạnh hơn 100 lần từ phương Bắc. Tuy " thân cô thế cô ", ta vẫn không phải cúi đầu cam chịu thân phận nhược tiểu mà vẫn ngang nhiên một cõi Đại Việt, ấy là vì tổ phụ Việt Nam đã triệt để theo con đường " dĩ nhu thắng cương " để né qua một bên với phương châm rõ rệt " tránh voi chẳng hổ mặt nào ", rồi lấy dân tộc làm gốc, lấy khoan giản an lạc làm nền. Nhờ vậy mà ta tồn tại. Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đều đi ngược lại chính lược mềm mỏng khôn khéo của tiền nhân.
|