Home Phiếm Các Tác Giả Chơi Dại (Phiếm Lão Ngáo)

Chơi Dại (Phiếm Lão Ngáo) PDF Print E-mail
Tác Giả: Thành Văn   
Thứ Sáu, 03 Tháng 2 Năm 2012 08:14

Có ngày hối không kịp. Đừng có mà chơi dại. Nghe, mấy cha?


Mùa Xuân lại sắp qua. Chỉ còn chưa tới nửa tháng nữa lại đến Hè. Ngày xưa, những ngày này thường là những ngày chộn rộn nhất, háo hức nhất. Nếu là năm thi chuyển cấp thì là lúc đang phải khổ sở vật lộn với bài vở, để chuẩn bị lều chõng đi thi. Mấy năm trời dùi mài kinh sử, trông vào có lúc ấy, những khoảnh khắc phù du trong phòng thi. Quả tim run rẩy cứ co thắt lại từng hồi trước những con mắt của các ông thày giám thị. Một là vinh quang, hai là đời tàn. Những hẹn hò mắt tím mắt xanh tạm thời xếp lại cất vô hộc bàn. Tất cả cho mùa thi, tất cả vì tương lai. Đỗ thì sau này làm ông này bà nọ. Rớt, cứ quân trường mà trực chỉ, mà gân cổ lên ca bài “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Hay ngậm ngùi ngâm câu: “Rớt Tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con” Rồi chia tay, rồi ngậm ngùi, rồi hò hẹn. Những ngày Hè rộn tiếng ve kêu. Những sân trường vắng hoe, rực rỡ đỏ tươi màu hoa phượng.

Bây giờ, ngồi trong gian phòng khách, nhìn qua lớp kính trong suốt của khung cửa sổ, thấy thảm cỏ đã xanh đều, điểm lấm tấm những bông hoa dại màu vàng. Những bông hoa màu sắc cũng tươi tắn, nhưng vẫn bị coi là hoa dại, chỉ vì người ta không muốn nó mọc lên giữa một thảm cỏ xanh mượt mịn màng. Những cọng cỏ màu xanh bằng những que tăm, đều đặn, ẻo lả và khó tính, đứng sát bên nhau. Những cọng cỏ, nếu đứng một mình đâu đó, chỉ là những tế bào thực vật vô duyên, vô vị. Nhưng đứng cạnh nhau, sát vào nhau, dựa hơi nhau để tạo thành tấm thảm tự nhiên cho con người làm đẹp cái khoảng trống nền đất bên ngoài căn nhà họ ở. Chỉ có vậy thôi, mà bỗng dưng được cưng chiều, được chăm sóc, chẳng khác gì ở một nơi nào đó người ta chăm sóc những đứa con.

Khi con người văn minh, cây cỏ cũng sướng lây, chim muông, súc vật cũng được bảo vệ cho cái quyền được sống. Những thân cây cành lá khẳng khiu, xương xẩu, đen đúa ảm đạm trong những ngày Đông giá buốt, nay đã phủ kín những chiếc lá xanh.

Những cơn mưa nhẹ mùa Xuân đã bắt đầu đổi tính đổi nết để bắt đầu thành những trận mưa giông. Những chương trình truyền hình thỉnh thoảng lại hiện ra tấm bản đồ tiểu bang thu nhỏ ở một góc màn ảnh với giòng chữ chạy dưới chân “T- Storm warning…” Cái trật tự của thiên nhiên đôi khi cũng rối loạn, gây tai họa cho con người. Chỉ đôi khi thôi, còn thì thường thường là một sự hòa nhịp tuyệt hảo. Mùa Hè nóng dẫy phải được an ủi bằng những con mưa trút nước. Cây cối sinh sôi trong mùa Xuân, trưởng thành trong mùa Hạ. Những trận mưa rào ầm ì sấm sét đem u-rê của trời tưới lên cây cỏ. Một trật tự tuyệt vời. Chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra một trận bão hung hãn, lâu lâu một vài cơn nước lụt, vài chục chiếc xe hơi ngập nước. Lâu lắm mới có người chết đuối. Chỉ có thế, con người đã kêu rêu than trách bà mẹ Thiên Nhiên rồi.

Con số người ta chết vì thiên tai hàng năm đem so với số người chết vì tai nạn xe hơi chỉ riêng ở Mỹ thôi cũng đã thua xa. Nhiều lắm cũng chỉ bằng con số những nạn nhân bỏ mạng hàng năm vì cái thói phóng nhanh vượt ẩu ởû cái xứ Việt Nam nhỏ xíu kia thôi.

Thiên nhiên thì thế. Thiên nhiên chỉ vô tình, lỡ gây họa cho người. Thiên nhiên đâu có lấy chuyện giết người làm vui.
                                           

Mấy tháng mùa Xuân lại sắp sửa qua đi. Mùa Xuân của thiên nhiên là mùa sinh sôi nẩy nở. Nhưng mùa Xuân năm nay con người có nhiều chuyện không vui. Một cuộc chiến tranh vừa giải thoát một dân tộc. Thì cứ coi là như vậy đi. Người ta có bằng lòng để được cứu hay không lại là một chuyện. Nhưng rõ ràng là một chế độ độc tài sắt máu vừa bị xóa bỏ. Vui cho ai, và buồn cho ai? Cuộc tranh chấp nào mà chẳng có kẻ hơn người thiệt. Chẳng ai nhận mình hơn. Ai cũng than mình thiệt. Cho nên cuộc chơi này vừa chấm dứt người ta đã gầy ra cuộc chơi mới. Tất cả chỉ vì miếng ăn.

Nếu con người ta khôn ngoan hơn, đừng quá ích kỷ, cái gì cũng muốn vơ về mình, thì có lẽ giờ đây, với sự tiến bộ rực rỡ của nền khoa học kỹ thuật, chắc đã chẳng còn ai chết đói. Nếu ở nơi này người ta lo lắng tìm đủ mọi phương cách để bớt đi được mươi cân trọng lượng thân thể, thì ở nơi khác con người còn ăn cả côn trùng củ dại.

Tôi vừa được đọc một bản tin ngắn, theo đó Bộ Quốc Phòng Mỹ tiết lộ: Nga và Trung Cộng ngấm ngầm bán vũ khí và kỹ thuật cho các quốc gia khủng bố trong vùng Trung Đông để những quốc gia này sản xuất vũ khí hạt nhân, hóa học và vi trùng.

Mục tiêu mà các quốc gia khủng bố này nhắm tới là Mỹ, tất nhiên.

Ai cũng biết hai quốc gia khổng lồ này từng có thời là kẻ thù không đội trời chung với Mỹ. Cái tiền thân của nước Nga ngày nay, nước Liên Sô một thời vĩ đại của các quốc gia Cộng sản đã thua đau, chết thảm trong cuộc chiến tranh lạnh. Cái chủ nghĩa không tưởng một thời giống như loại thuốc gây ảo giác cực mạnh khiến ngài Tổng bí thư Krutzchev của họ dám ngang nhiên cởi giầy đập rầm rầm lên bàn hội nghị ở một tổ chức quốc tế uy tín nhất là Liên Hiệp Quốc. Rút cuộc chỉ thực tế mới chứng minh được ai đúng, ai sai. Nhưng cái chuyện “ai thắng ai” thì chẳng dễ gì người ta nhìn nhận. Người ta không chịu nhìn nhận vì người ta còn váng vất chưa qua khỏi cơn say ảo giác.

Còn nước Trung Cộng, vốn thoát thai từ một thân thể bạc nhược, bị lân bang biếm nhẽ gọi là “Đông Á Bệnh Phu”, sau một thời gian dài sống trong ảo giác cường quốc của thứ chủ nghĩa không tưởng kia, nay chỉ nhờ chút tàn dư của thứ “Chủ nghĩa Tư bản thối tha đang dẫy chết” mà có được ngày hôm nay thì lại đang rơi vào một cơn mộng mị mới; giấc mơ bá chủ toàn cầu. 
                                         
                                                            

 Mao & Tổng bí thư Krutzchev

Anh khổng lồ này khi bắt đầu ý thức được rằng mình cũng thuộc loại to con lớn xác như ai, anh bèn đi đến một hệ luận: “Nếu Mỹ là sen đầm quốc tế được, tại sao Trung Quốc lại không?”

Câu hỏi tự nhiên logic quá đi chứ. Câu hỏi mới nghe qua chẳng có gì sai. Nhưng thực tế, để trả lời được câu hỏi đó, vấn đề lại hoàn toàn không đơn giản. Không phải chỉ cần đặt câu hỏi: “Nếu Mỹ có thể trở thành cường quốc số một được thì tại sao Nga và Trung Cộng lại không?”

Có thể người ta đã quên nghĩ đến việc phải trả lời mộât câu hỏi thứ hai: “Do đâu mà Mỹ có được như ngày nay?” Để trả lời câu hỏi đó, không thể bỏ qua, không soát xét đến cái nền tảng của nền văn minh Mỹ. Người ta cứ ngơ đi cái nền tảng đó. Bởi khi tìm hiểu ra, họ sẽ thấy cái giấc mơ trở thành sen đầm quốc tế như Mỹ sẽ khó khăn muôn vàn, không dễ gì đạt được trong tương lai xa cả trăm năm nữa, chứ khoan nói đến tương lai gần trước mắt.

Nhưng tại sao họ vẫn cứ làm? Chung qui chũng chỉ vì miếng ăn thôi. Ông bà ta có câu:

Miếng ăn là miếng tồi tàn

(Nhưng) Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.

Hơn nữa các quốc gia kia, Nga và Trung Cộng họ ghen với sự hùng mạnh của Mỹ, nhất là sau cuộc chiến thắng nhanh chóng của Mỹ trong chiến dịch giải phóng Iraq khỏi ách thống trị của chế độ độc tài Saddam Hussein.

Nhưng những suy nghĩ của các anh khổng lồ kia hình như chỉ có một chiều. Mỹ ở vị trí cao hơn các anh làm các anh tức khí. Các anh không chịu được. Các anh chỉ muốn kéo gã khổng lồ xuống cho ngang tầm mình. Rồi sau đó, thừa thắng xông lên, đạp Mỹ xuống, để các anh ngoi lên dành ngôi bá chủ. Ở đời này, người ta chuộng lối suy nghĩ kiểu đó. Kẻ thù cao hơn ta, ta phải kéo nó xuống. Cái nỗ lực chủ quan đó đã quên bẵng một thực tế khách quan: Địch nó đâu có yếu xìu để cho ta kéo xuống. Cái chủ quan của “tên đế quốc đầu sỏ” này là: luôn luôn luyện tập củng cố sức mạnh của hắn để lúc nào hắn cũng ở trên các anh, luôn luôn lúc nào cũng đi trước các anh một bước.

Đánh Mỹ trên mặt trận công khai không được, các anh chơi bẩn, chơi trò xúi trẻ ăn cứt gà. Bán kỹ thuật chế tạo vũ khí nguyên tử, hóa học, vi trùng cho các nước Hồi giáo cực đoan, chắc cả hai anh; anh khổng lồ mạt vận lẫn anh Đông Á bệnh phu đều có một suy nghĩ giống nhau là mượn tay các anh nhóc hung hăng để nếu không diệt được gã không lồ Yankee, thì cũng làm cho gã sất bất sang bang, để các anh rảnh tay tiến lên dành ngôi bá chủ. Trai cò tranh nhau, ngư ông hưởng lợi. Diệu kế.

Các anh thò cánh tay lông lá ra vuốt ve mấy anh nhóc hung hăng cỡ Lybia, Iran, Bắc Hàn và tổ chức Al Qaeda. Xúi đám trẻ này ôm bom nguyên tử, bom hóa học, bom vi trùng lao vào nước Mỹ. Các anh kỳ vọng ở đám đàn em này sẽ thực hiện được những màn ngoạn mục hơn cú “Nine- One One”, để cho Mỹ thê thảm lê lết, tàn tạ đi. Cho các anh nhờ. Sau đó các anh nhảy vào thay Mỹ vơ vét tài nguyên của đám tay sai. Lũ khố rách áo ôm cỡ Bắc Hàn thì sai làm sát thủ. Ôi! Giấc mơ tuyệt vời.

Nhưng mà, các anh quả là cạn nghĩ. Cuộc đời nó đâu có đơn giản như ý nghĩ một chiều của các anh.

Các anh quên rằng một khi Mỹ nó đã biết được cái trò chơi bẩn của các anh tất nhiên nó phải nghiên cứu chuẩn bị từ khuya phương cách đối phó rồi. Chưa kể các anh đã có hồi nào tính toán đến cái hệ quả của các cuộc chiến tranh vượt ra khỏi phạm vi chiến tranh qui ước chưa?

Này nhé, trong chiến tranh qui ước; nghĩa là các cuộc chiến từng xảy ra từ trước đến nay. Các bên đối thủ chỉ sử dụng các loại vũ khí bom đạn thường. Cho dù có được điều khiển bằng tia sáng Laser chăng nữa, thì vẫn còn là vũ khí qui ước. Trong cuộc chiến kiểu này, chủ đích của mỗi bên là “ta sống địch chết”. Và kết quả là đúng như thế cho bên nào thắng trận.

Tiến lên một bước, chiến tranh nguyên tử. Đây chỉ nói đến cuộc chiến tranh nguyên tử còn hạn chế; chỉ mới có một vài nước chọi nhau thôi, chứ chưa lôi kéo cả thế giới vào cuộc. Kết quả là gì? Địch chết, ta cũng ngất ngư. Tầm ảnh hưởng của chất phóng xạï đâu có dễ gì hạn chế vào một vùng, một nước.

Sau cùng, chiến tranh hóa học và chiến tranh vi trùng; nhất là chiến tranh vi trùng. Nếu một cuộc chiến kiểu này xảy ra. Kết quả thường là địch chết, ta cũng chết luôn. Hoặc có khi còn tệ hại hơn, địch sống nhăn nhờ có kỹ thuật ngăn chặn, và nền y khoa tân tiến, nên nhiều cơ hội sống sót hơn. Còn ta, nếu chỉ biết thả vi trùng ra, mà không có đủ thầy đủ thuốc đủ kỹ thuật để ngăn chặn khống chế nó khi cần. Dân chúng nghèo đói ăn ở kém vệ sinh, bạ đâu cũng nhổ, thì kết quả thường có “ép-phê ngược”. Hãy cứ nhìn vào một trận dịch SARS sơ sơ vừa qua là người ta có thể hình dung ra ngay nếu xảy ra một trận chiến vi trùng thì quốc gia nào chết trước.

Bây giờ hãy cứ giả dụ như những suy nghĩ của hai anh đúng một phần đi. Mỹ bị đánh sụm, khi đó cái đám nhóc tì hung hăng kia nó có thần phục các anh không? Còn lâu! Lúc đó ai cấm chúng nó suy nghĩ thế này: “Đế quốc Mỹ to lớn hùng mạnh, hung ác thế mà ông còn đánh gục được, thì ngôi bá chủ sao lại phải giao về tay các anh. Nhờ các anh tí.” Kết quả là chỉ ít lâu sau phần thế giới chưa bị tiêu diệt đang “ngất ngư con tàu đi” sẽ theo Lybia, Syria, Al Qaeda, Bắc Hàn ráo trọi. Có đâu đến phiên Nga Tầu làm sen đầm quốc tế. Chỉ e đến lúc đó, toàn thể phụ nữ Nga Tầu gì cũng như phụ nữ thế giới bước ra khỏi nhà là phải che mặt ráo trọi. Tưởng tượng ra cảnh đó thấy mất sướng!
                                                                                            

Cho nên cứ bảo các ông lãnh đạo các cường quốc ấy khôn. Chả chắc! Con người ta khôn là phải biết thời biết thế. Thời của anh Nga đã hết. Thời của anh Trung Cộng coi bộ còn lâu lắm mới tới. Ở đời người ta nói “Khôn cũng chết, dại cũng chết. Biết thì sống.”

Hai anh Nga Tầu đang cứ tưởng mình khôn lắm. Các anh muốn chơi trò tháu cáy. Dụng kế “Trai cò tranh nhau, ngư ông hưởng lợi”. Các anh tưởng mình khôn, nhưng thực ra các anh đang chơi dại. Mỹ họ giầu, họ mạnh là nhờ nền dân chủ lâu đời và nhiều thứ khác nữa. Các anh muốn bằng Mỹ, muốn hơn Mỹ con đường khôn ngoan nhất là đẩy mạnh dân chủ trong nước, cải tiến dân sinh. Hễ dân giầu thì nước mạnh. Lúc đó muốn tranh dành với ai thì tranh. Còn bây giờ đem bán ba cái món đồ chơi nguy hiểm cho bọn trẻ con ương bướng mất dạy. Có ngày hối không kịp. Đừng có mà chơi dại. Nghe, mấy cha?