Home Phiếm Các Tác Giả Vẫn chưa hết chuyện… mông

Vẫn chưa hết chuyện… mông PDF Print E-mail
Tác Giả: SE sưu tầm   
Thứ Sáu, 03 Tháng 2 Năm 2012 09:32

Nguyên lý vũ trụ, vạn vật cũng vậy, cứ đến đoạn giữa, tức là trung điểm là phát sinh ra tứ phía.

Hôm nay Mồng Ba Tết, bởi thế theo cổ nhân, những gì mình làm, nghĩ hay nói vào ngày đầu năm mới này đều ảnh hưởng đến sự thành, bại hay vui, buồn trọn năm. Tôi vốn cũng có máu mê tín dị đoan - vả lại, “có kiêng có lành”, đâu chết thằng Tây nào - nên tôi đã chọn cái MÔNG để làm chủ đề khai bút cho năm Rồng này mặc dù trong năm cũ tôi cũng đã hai lần hầu chuyện quí độc giả về cái bàn tọa. Tôi tin rằng mông là một biểu tượng của sự may mắn.

Mông mang lại phúc lợi

Lý do: - Trước hết vì vị trí của bộ mông: Giữa cơ thể. Theo đạo Trung Dung (tiếng Anh: “The Happy Medium” hay “The Moderate Road”) của Nho học, đó là thế trung hòa. Tốt lắm, vì như vậy tức không thái quá mà cũng không bất cập. Nguyên lý vũ trụ, vạn vật cũng vậy, cứ đến đoạn giữa, tức là trung điểm là phát sinh ra tứ phía. Khổng Tử khi nói về đạo Trung Dung, có để lại một câu thời danh: “Kỳ thơ thủy ngôn nhất lý; trung tán vi vạn sự” - tạm dịch là: Lúc đầu nói về nguyên lý, đến đoạn giữa thì phân giải ra muôn vật.
- Sau nữa, sách Luận Lý ở bên Tàu cũng còn giải thích, cái đầu vì ở trên cao nhất, thành ra được sánh với trời (Thiên); bàn chân ở thấp nhất nên được ví là đất (Địa); trong khi đó mông ở giữa, bởi thế được gọi là người (nhân). Chẳng thế mà thành ngữ đã có câu “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa” để chỉ một sự cân xứng tuyệt vời hoặc đấy là 3 yếu tố quyết định sự thành bại ở đời. Thế nhưng, theo Mạnh Tử, “thiên thời bất như địa lợi - địa lợi bất như nhân hòa”, nghĩa là, “thuận cơ trời không bằng địa lợi; được địa lợi không bằng được lòng người”. Nói xa, nói gần cuối cùng cũng phải nói là phần “ở giữa” là quan trọng hơn cả. Mà mông ở giữa thì đúng là ám chỉ sự ưu thế rồi. Đầu năm mà vớ được… cái mông thì cứ gọi là may mắn cả năm; thịnh vượng, an khang vừa hưởng vừa vứt đi cũng không hết.
- Về đường gia đạo, mông đem lại sự hạnh phúc, an lạc và tạo nên sự “thuận vợ, thuận chồng - tát biển Đông cũng cạn”. Bởi thế ca dao mới có câu:
Cái mông em trắng lại tròn,
Để cho ai gối đã mòn một bên.
Gối chăn, gối chiếu không êm,
Gối lụa không mềm bằng gối mông em.

Theo niềm tin dân gian, vào đêm Giao Thừa, chồng mà gối đầu lên mông vợ thì phải biết, hên hết ý. Đầu năm sinh trai, cuối năm đẻ gái. Thế nhưng phải thực hành việc “gối mông” này vào đúng “nửa đêm, giờ Tí, canh ba” thì mới chắc ăn.
Ngược lại, nếu thiếu nữ nào chưa có gia đình mà chịu khó… chổng mông trong đêm trừ tịch thì theo Tướng Mệnh Học, bảo đảm trong năm mới sẽ có chồng - mà chồng “ngon” nữa là đàng khác. Cổ nhân Việt Nam xưa đã chỉ mánh cho các cô gái muộn màng đường tình duyên:
Đi đâu mà chẳng lấy chồng,
Người ta lấy hết, chổng mông mà gào;
Gào rằng, đất hỡi, trời ơi,
Sao không bố thí cho tôi chút chồng!

Như đời nhà Đường bên Trung Hoa, có người con gái lỡ thời cúi đầu chổng mông trong vườn hoa với ý cầu trời, không phải xin cho mưa thuận gió hòa, nhưng nàng cầu xin được một đức ông chồng. Chợt lúc đó thi sĩ Thôi Hộ vô tình đi ngang, thấy cảnh lạ, bèn đứng lại, cảm xúc mạnh mẽ: “Lại càng mê mẩn tâm thần - Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra”. Chỉ một lần gặp nhau như vậy mà ngờ đâu nhà thơ đã trở thành “tống mệnh phù” với cô nàng - nghĩa là hai người đã nên duyên nên phận với nhau, sống hạnh phúc cho tới khi răng long, đầu bạc, đít teo.
- Mông chỉ sự thủy chung: Một nhạc sĩ Việt Nam sau thời tiền chiến đã viết một bài ca để ca ngợi lòng thủy chung của người con gái đối với người yêu của mình qua việc tặng trâm gài đầu: “Cái trâm em cài để tặng cho anh đó”.
Trâm là một vật dụng được làm có thể bằng kim loại nhưng thời xưa thường bằng gỗ hay bằng ngà… để các cô gái tới tuổi “cập kê” vừa để cài tóc cho gọn ghẽ vừa để làm đẹp. Vì trâm là vật “thân thiết” với cơ thể nên người con gái một khi tặng trâm cho một người con trai nào đó thì ý thiếu nữ này ngầm muốn gửi gấm vĩnh viễn thân phận của mình cho người yêu.
Những năm gần đây, lời hát trên đã được đổi thành: “Cái mông em tròn là để tặng cho anh đó”. Dĩ nhiên “lời thề” với mông làm chứng tích còn “độc” hơn so với cái trâm rất nhiều, nhất là người con trai nào cũng thích.

Mông “phản động”

Thế nhưng, ở đời không có gì gọi là tuyệt đối, trái lại nếu không nằm trong đạo Trung Dung thì cũng trôi trong thái cực hay nói theo ngôn ngữ thời đại, ấy là “phản động”. Đầu năm mới nên cẩn thận để tránh quẻ xui này.
Ở những phần trên, kẻ hèn này đã hơn một lần xác nhận mông là một chủ điểm, một đối tượng bắt mắt. Mạn phép nhắc lại, theo kết quả thăm dò ý kiến của viện Gallup, đa số đàn ông khi gặp một phụ nữ xa lạ trên đường phố thì mông chính là “target” (mục tiêu) mà họ “chiếu tướng” đầu tiên. Theo tâm lý học, từ cảm xúc đến hành động vốn chỉ là một tích tắc hay một sợi tơ. Không thiếu gì những nhân vật lẫy lừng chỉ vì hệ lụy này mà thân bại danh liệt. Thấy “cái mông em tròn” mà đưa tay đi một đường lả lướt trên “ngọn núi” đó thì, một là ăn cái tát nổ đom đóm của chủ nhân; hai là bị tù tội vì bị kết án xúc phạm hay quấy nhiễu tình dục.

Thường thì lãnh đủ cả hai thứ.

Sự sờ hay mó này, ngôn ngữ ngày nay gọi là “bốc hốt”. Hai từ “bốc” và “hốt” chỉ hai hành động hoàn toàn khác nhau. Người “bốc” thường dùng cả hai bàn tay mà lấy một vật lên, thí dụ bốc bùn, bốc đất. “Hốt” lại phải sử dụng vật dụng, thường là cái xẻng. Thế nhưng “bốc”, “hốt” khi được ghép đi chung với nhau, lại chỉ một hành động sàm sỡ, cố tình đụng chạm thô bạo và nham nhở đến cơ thể - phần nhiều vào mông hay ngực - của phụ nữ.
Không thiếu những cảnh “cười ra nước mắt” hoặc “oan ôi Thị Kính” vẫn xẩy đến, nhất là lại thường diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước nhiều cặp mắt, chẳng hạn trên xe buýt hay đang đứng xếp hàng. Một thiếu phụ sồn sồn thấy chồng mình cứ thỉnh thoảng lại liếc vào bộ mông tròn trịa của của một phụ nữ đứng đàng trước, bà bèn cố tình đập nhẹ vào mông của “con mẹ” ấy. Chủ nhân của bộ mông lập tức quay lại thì phản ứng tự nhiên là “bốp” vào bộ mặt của “thằng cha” đứng sát mình hơn cả.
Trong các hộp đêm thoát y vũ, bộ mông của các “nghệ nhân” đều phơi ra đó như thể mời gọi, nhưng khách chỉ được quyền tha hồ nhìn, miễn sờ nếu không muốn bị các “khỉ đột” cho ăn no đòn rồi tống cổ ra khỏi “thiên đàng hạ giới”.
Ngoài các bãi biển, cả một rừng mông phơi phới khoe sắc, khoe màu, khoe hương, khoe “nụ cười” mà chỉ có mỗi sợi dây mỏng manh của cái “G-String” canh phòng, thế nhưng “phe ta” cứ mặc sức “rửa mắt” bao nhiêu cũng được, nhưng này, chớ dại dột mà nghe lời khuyên của cụ Nguyễn Công Trứ: “Ở đời muôn sự của chung…” nhé. Lũ mông đít trong các trường hợp kể trên đây, “ngoài thì… lép nhép, mỉm cười - mà trong nham hiểm giết người không dao”. Chúng toàn là một bọn “phản động”!

Những người mông lớn, sống lâu

Thứ Hai, ngày 23-01-2012 vừa qua, kết quả một cuộc nghiên cứu của các chuyên gia Đan Mạch (Denmark) đã cho biết là “mỡ ở bộ mông có thể mang lại cho bạn thêm vài năm sống”. Họ xác nhận chắc như đinh đóng cột rằng: “Trong khi mỡ ở bụng làm gia tăng nguy cơ cho tim, bệnh suy tim, nhưng mỡ ở hông, bắp vế và mông thì ngược lại, giúp sống thọ hơn”.
Cuộc nghiên cứu này đã được thực hiện nơi 26.625 đàn ông và phụ nữ ở lứa tuổi 50-64.
Nữ khảo cứu gia Tina Landsvig Berentzen thuộc viện “Institut for Sygdomsforebyggelse” (Viện Ngăn Ngừa Bệnh Tim) ở Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, đã tuyên bố với thông tấn xã NTB: “Bạn có thể sống lâu hơn nếu bạn có nhiều mỡ ở mông, nhưng ít mỡ đi ở quanh bụng”.
Các chi tiết của công cuộc nghiên cứu này vừa được phổ biến trên tạp chí y học PLOS One - hay viết bằng tiếng Đan Mạch trên trang mạng Videnskap.dk.
Bác sĩ Joran Hjelmesaeth nhân dịp này cũng đã phát biểu cảm nghĩ: “Tin này là một nguồn an ủi lớn lao cho phái nữ vốn họ vẫn nghĩ là họ có mông khổng lồ và bắp đùi bự. Nhìn từ viễn tượng lành mạnh, mỡ ở những nơi này không gây tai hại, trái lại mang đặc tính bảo vệ”.
Riêng kẻ hèn này thì nhận thấy ông trời vẫn… bất công. Phụ nữ thường làm khổ bọn đàn ông vì bộ mông vĩ đại của họ; vậy mà trời còn khiến mỡ ở mông họ không những bất hại mà còn tăng tuổi thọ cho họ nữa”.

Mông và Tướng Mệnh Học

Ca dao Việt Nam xác quyết: “Trông mặt mà bắt hình dong - Con lợn có béo, cỗ lòng mới ngon”. Bởi thế trong Tướng Mệnh Học vẫn có những chương dậy về cách quan sát mông mà đoán vận mệnh và tâm lý của chủ nhân. Thí dụ: “Bủng người tươi đít”. Thành ngữ này tương tự câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. “Gỗ tốt” là chính hình, bản chất; trong khi “nước sơn” chỉ là dung mạo, vẻ bên ngoài. “Tươi đít” là phẩm chất thật sự, còn “bủng người” là dung mạo theo mắt tục. Khoa này vì thế giải thích: “Thân phận con người chịu ảnh hưởng chi phối của sự thực xã hội (réalité sociale) và của sự thực lịch sử (réalité historique).
Sách “Cổ Kim Hội Thông Tướng Nhân Thuật” ghi nhiều tướng không con, trong số đó có dấu hiệu: “Đôi mông quá lép”. Ngược lại, tướng đông con, đẻ dễ cũng có nhiều điểm, trong số đó có sự kiện: “Cặp mông lớn”.

Theo tướng số, một nữ nhân tốt tướng cần có đôi mông tròn (càng giống của cố nữ tài tử Marilyn Monroe thì càng… đắt giá!) tương xứng với thân hình gọi là “yêu viên bối hậu”. Nhưng nếu cặp mông mà to “vượt chỉ tiêu” thì nữ nhân lại thuộc “tuýp” người hà tiện, “chảnh”, “ưa tranh giành, hung dữ và khoái cãi cọ”.
Nếu đôi mông “khiêm nhượng” quá lại khiến đôi chân trở nên vô lực; chủ nhân không thể sung sướng, an nhàn.
Mông lý tưởng được mô tả là “bình mãn”, nghĩa là không cong tớn lên giống đít bọ ngựa (ngựa trời). Nếu đít cong thì đa tiện dâm. Đít nhọn hay hẹp cũng dâm chết bỏ!
Về mầu sắc của mông: Mông của con giai nên có sắc đen, nếu trắng hếu thì tính tình lẩm cẩm như đàn bà. Con gái, mông càng trắng tươi càng tốt, càng nhiều nữ tính; nếu có màu đen đen thì tính tình lại giống… đực rựa.
Sách “Tướng Lý Đại Đoàn” tóm tắt về mông đít như sau:
- “Sưu nhân vô điến, đa học thiểu thành nhất sinh, khốn đốn” (Người gầy mà không mông thì dù có học nhiều cũng chẳng thành công, chỉ khốn quẫn mà thôi).
- “Phi nhân vô điến, hữu phu vô tử cô độc, cùng khốn” (Người mập mà thiếu đít, tuy có chồng nhưng không con, cô đơn cùng tận).
Theo các nhà tâm lý ngày nay thì:
- Phụ nữ có cặp mông nhỏ: Tính tình dị thường, nhiều tư tưởng, phán đoán sắc bén, nhưng về mục luyến ái thì “lúc hừng hực như lửa; khi lại vô cảm như băng”, tuy có tiền vào nhiều nhưng tiền lại “ra như nước”.
- Phụ nữ đôi mông tổ chảng: Tính tình độ lượng, mạnh mẽ luyến ái, có tài vận về của ăn, của để.
Dựa vào những dữ kiện trên đây, nay ta có thể đổi câu: “Lấy vợ xem tông” thành “… xem mông” - “lấy chồng xem giống” thành “… xem… dế”.