Hà Nội đón Castro ‘như anh em ruột thịt’ |
Tác Giả: BBC | |||||
Thứ Hai, 09 Tháng 7 Năm 2012 09:03 | |||||
“Chúng tôi đón đồng chí Raul và các đồng chí Cuba cùng đi như đón những người anh em ruột thịt đi xa mới về,”
Tổng Bí thư Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã dành cho Chủ tịch Raul Castro những lời lẽ hữu nghị tại buổi chiêu đãi ở Trung tâm Hội nghị quốc tế vào tối Chủ nhật ngày 8/7. “Chúng tôi đón đồng chí Raul và các đồng chí Cuba cùng đi như đón những người anh em ruột thịt đi xa mới về,” ông Trọng phát biểu trong một diễn ngôn được truyền thông Việt Nam loan tải rộng rãi. Buổi chiêu đãi các vị khách đến từ Cuba còn có sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trọng mô tả các đồng chí Cuba của ông là ‘những những người bạn chí nghĩa, chí tình, cùng chung lý tưởng, cùng chung chiến hào, luôn đồng hành bên cạnh nhân dân Việt Nam... bất chấp những biến động của lịch sử’. “Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và rất khâm phục những nỗ lực phi thường của nhân dân Cuba, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Cuba quang vinh, đã đương đầu và từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách do chính sách bao vây cấm vận, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và thiên tai liên tiếp gây ra,” ông Trọng ca ngợi. Ông cũng khẳng định với ông Raul Castro về ‘tình đoàn kết và sự ủng hộ trước sau như một của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam’ đối với ‘sự nghiệp chính nghĩa’của Cuba. Trước đó, Tổng bí thư Trọng cũng là người đại diện phía Việt Nam đón Raul Castro tại lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch nước. Trong cuộc hội đàm ngay sau đó tại trụ sở của Ban chấp hành Trung ương Đảng, ông Trọng đảm bảo với người đồng nhiệm Cuba rằng nhân dân Việt Nam sẽ ‘tiếp tục kiên trì’ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Marx - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Lãnh đạo hai đảng nhất trí đẩy mạnh trao đổi lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin. Một nội dung quan trọng trong các buổi tiếp xúc của Chủ tịch Raul Castro với các lãnh đạo Việt Nam là tìm hiểu về sự chuyển đổi của Việt Nam sang mô hình kinh tế thị trường với các yếu tố của chủ nghĩa tư bản. Ông Castro đã ‘đánh giá cao’ công cuộc ‘đổi mới’ của Việt Nam. Ông thừa nhận đó là ‘kinh nghiệm quý’ đối với Cuba trong giai đoạn nước này đang tiến hành ‘cập nhật’ mô hình kinh tế-xã hội. Về phần mình, Tổng bí thư Trọng đã ca ngợi công cuộc ‘cập nhật’ kinh tế này của Cuba. Trong chuyến thăm Cuba cách đây ba tháng, ông Trọng đã nói với phía Cuba rằng nước này đang trải qua các cải cách kinh tế giống như của Việt Nam vào những năm 1980 mà ông mô tả là đã đem lại ‘những thay đổi hết sức tích cực’ cho Việt Nam. Tại buổi hội đàm cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chia sẻ với Chủ tịch Castro những kinh nghiệm trong quá trình ‘đổi mới’ của Việt Nam. Ông Castro nói với ông Dũng rằng kết quả những cải cách của Việt Nam là ‘nguồn cổ vũ, động viên to lớn’ đối với Cuba để thực hiện những thay đổi của mình, theo Thông tấn xã Việt Nam. Phía Cuba cũng đề nghị Việt Nam giúp đỡ trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trồng cây lương thực và cây công nghiệp. Ông Castro cũng nói với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi hội kiến giữa hai ông rằng Cuba muốn học hỏi kinh nghiệm điều hành kinh tế-xã hội. Việt Nam hiện là một đối tác kinh tế quan trọng của Cuba, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Kim ng̣ạch thương mại song phương đạt 250 triệu đô la trong năm 2010 và 274 triệu đô la trong năm 2011, theo số lệu thống kê chính thức của Việt Nam. Việt Nam còn là nhà cung cấp chính cho Cuba về gạo, một trong các loại lương thực chính trên đảo quốc này. Một nguồn tin ngoại giao Việt Nam giấu tên nói với hãng tin Pháp AFP rằng hai bên sẽ không ký bất cứ thỏa thuận cụ thể nào trong chuyến thăm lần này của ông Castro. Trong chuyến thăm trước đó đến Bắc Kinh, Chủ tịch Cuba đã được giới chức Trung Quốc hứa hẹn viện trợ tài chính và cung cấp các khoản tín dụng không lãi suất để giúp đỡ Cuba trong các lĩnh vực công nghệ và y tế. Cũng theo nhà ngoại giao này thì chuyến thăm của Castro có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì nó giúp củng cố mối quan hệ đồng minh chính trị và ý thức hệ truyền thống trong bối cảnh Hà Nội và Bắc Kinh đang có va chạm về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
|