Tự do ngôn luận và oanh kích tự do |
Tác Giả: Nguyễn-Xuân Nghĩa | ||||
Thứ Ba, 18 Tháng 9 Năm 2012 06:26 | ||||
Miệng lưỡi chính khách còn dẻo hơn luật gia Bill Clinton về định nghĩa của “quan hệ tình dục”! Lãnh đạo Hoa Kỳ tập trung vào một hồ sơ được mấy phút? Có những ngày mà thời sự của địa cầu xoay như chong chóng. Chỉ theo dõi thôi đã chóng mặt. Nếu lại phải theo dõi để kịp thời ứng phó, thì đó là nỗi khó của lãnh đạo Hoa Kỳ! Tính đến cuối tuần, phong trào chống Mỹ nổ ra trong bạo động tại 13 thành phố, từ Bắc Phi qua Nam Á, là Casablanca của Maroc, Tunis của Tunisia, Benghazi và thủ đô Tripoli của xứ Libya, Cairo của Egypt, Khartoum của Sudan, Tripoli của Lebanon, Gaza City và Rafah trên Dải Gaza, Aman của Jordan, Sannan của Yemen, Baghdad của Iraq, Dhaka của Bangladesh. Ở nhiều nơi khác, dân Hồi Giáo cũng biểu tình dù chưa có cảnh đốt nhà hôi của, từ Tây qua Ðông là tại Basra, Bagdhad, Maysan và Wasit của Iraq, Kuweit City của Kuweit, Doha của Qatar, Tehran của Iran, Karachi của Pakistan, Kuala Lumpur của Malaysia, Jakarta của Indonesia, Paris của Pháp và vài thành phố khác của Úc. Trong khi ấy, đã có dấu hiệu bất ổn tại cả chục địa điểm khác như Nouakchott của Mauritania, Abuja của Nigeria, Lusaka của Zambia, Bujumbura của Burundi, hay Mumbai, Delhi, Hyderabad và Chennai của Ấn Ðộ và Cebu của Philippines... Người viết điểm danh khói lửa như vậy mà biết là còn sót vì theo không kịp! Có phải là Mỹ bị tai vạ trúng đầu vì một cuốn phim thực hiện tại Hoa Kỳ, có nội dung bài xích Hồi Giáo với trình độ nghệ thuật hạng Z trên bảng điểm A-B-C? Câu trả lời là “Chưa chắc!” Vì cuốn phim có tên mỉa mai là “Innocence of Muslims” (sự Vô tội của người Hồi Giáo) xuất hiện từ mùng một Tháng Bảy mà chẳng ai thèm để mắt. Thế rồi, mùng tám Tháng Chín, nhân vật Sheikh Khalid Abdullah thuộc hệ phái Salafist tại Ai Cập lại giới thiệu cuốn phim với phụ đề trên truyền hình, từ đó phong trào chống Mỹ nổi lên rầm rầm. Xin nhắc lại, sau “Mùa Xuân Á Rập” tại Ai Cập, phe Hồi Giáo thắng lớn và lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo MB đắc cử tổng thống trong khi đảng Al Nour của hệ phái Salafist còn cực đoan hơn thì vẫn ngồi ghế đẩu bên lề. Phe Salafist bèn dùng cuốn phim lấy trớn cho đấu tranh chính trị, chủ yếu là với chính quyền của Tổng Thống Mohammad Moursi thuộc lực lượng MB. Từ tiết lộ của phe Salafist trên truyền hình Ai Cập về cuốn phim Mỹ, quần chúng Hồi Giáo mới nổi điên và kết luận về âm mưu báng bổ Hồi Giáo của Hoa Kỳ. Nhân đó, xin nhắc lại một chuyện khác về quyền tự do ngôn luận tại Mỹ. Năm 1996, họa sĩ Anh gốc Nigeria là Chris Olifi vẽ chân dung rất lớn của Ðức Mẹ Ðồng Trinh, có tên là “Black Madonna”. Ðức Mẹ da đen khoác áo xanh, chung quanh trét phân voi và nhiều mảnh dán tục tĩu. Xin đừng kỳ thị, trét phân voi là phong cách nghệ thuật của Nigeria. Cách đây đúng 13 năm, Tháng Chín 1999, tác phẩm hội họa ấy được đem qua triển lãm tại Viện Brooklyn ở thành phố New York. Khi ấy Thị Trưởng Rudolph Giuliani muốn ngăn cản việc một viện bảo tàng được ngân sách công quyền tài trợ lại trưng bày một bức họa ông gọi là “bệnh hoạn và đáng tởm”. Ông thất bại vì một phán quyết của tòa án: Ðấy là xâm phạm quyền tự do ngôn luận! Dĩ nhiên là người Công Giáo có biểu phản đối và cánh tả thì kịch liệt bênh vực quyền tự do sáng tác! Tuần tới, người ta sẽ gặp chuyện phẫn nộ khác với phim “The Master”. Thiên hạ tha hồ điểm phim, bán báo và bình loạn, chứ Hoa Kỳ không có bộ Thông tin Văn hóa mà cũng chẳng chấp nhận chế độ kiểm duyệt. Việc dân Mỹ đốt cờ Mỹ, gọi lãnh đạo là Phát xít hay Hitler, là những quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ. Lãnh đạo cứ thế mà hành xử. Nhưng hành xử thế nào mà để bốn người bị giết tại Libya, kể cả Ðại Sứ Christopher Stevens, một nhà ngoại giao tử tế đã sát cánh cùng dân Libya trong cuộc đấu tranh lật đô chế độ Muammar Ghadafi năm ngoái? Ông bị hạ sát trong Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi vào ngày 11 Tháng Chín sau tám tiếng đồng hồ lẩn trốn và bặt tin. Về địa điểm, sau khi chế độ Muammar Ghadafi bị tiêu diệt năm ngoái, Benghazi là nơi thiếu an ninh vì là đất tung hoành của nhiều lực lượng nổi dậy, trong đó có các thị tộc lẫn tổ chức khủng bố xưng danh “Thánh Chiến” và thân Al-Qaeda. Về thời điểm thì từ trung tuần Tháng Năm, Benghazi liên tiếp bị bốn vụ khủng bố có bàn tay của “Thánh Chiến” và các nhóm đặc công mà báo chí cấp tiến hiền khô gọi là “dân quân”. Then chốt nhất là hôm 11 Tháng Chín, ngày kỷ niệm vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ năm 2001. Vì sao Ðại Sứ Stevens lại có mặt trong khuôn viên tạm bợ và khó phòng thủ của tòa tổng lãnh sự tại Benghazi vào ngày “nhạy cảm” đó? Chúng ta phải chờ cuộc điều tra của nhà chức trách và điều trần của Quốc Hội. Nhưng như mọi khi, tranh luận lại om sòm bùng nổ tại Hoa Kỳ. Trong khi các cơ sở của Mỹ như sứ quán, trường học hoặc nhà hàng bị tấn công khắp nơi. Giới quan sát vụ Benghazi thì đoán là quân khủng bố chuẩn bị ra tay từ trước và nhân làn sóng biểu tình mà mở ra nhiều đợt tấn công trong nửa ngày liền. Làm sao các đặc công biết được là sẽ có biểu tình? Và có sự hiện diện của đại sứ Hoa Kỳ lẫn căn hầm ẩn trú trong lãnh sự quán, để ào ạt tấn công qua ba đợt với trung liên, súng phóng lựu và hỏa tiễn cầm tay? Ngược với quan điểm của Bộ Ngoại Giao được Tòa Bạch Cung bênh vực, rằng mọi sự xuất phát từ cuốn phim, Lữ đoàn “Tháng Hai 17”, một lực lượng chống Gaddafi được Mỹ yểm trợ tại Benghazi, cho biết họ có báo trước về nguy cơ khủng bố vào dịp 9-11. Tiết lộ ấy càng gây tranh luận. Và đổ lỗi về nguyên nhân cùng trách nhiệm. Có cả chục mâu thuẫn trong cách giải thích về vụ ám sát tại Benghazi, xin miễn nói ra vì giấy báo có hạn. Nhưng đấy chỉ là loại biến cố bất ngờ và thách đố khả năng ứng phó lẫn đởm lược và cá tánh của lãnh đạo. Vả lại, nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ còn nhiều bài toán nan giải hơn. Sau khi can thiệp vào Libya và thả võ khí cho các nhóm nổi dậy chống Gaddafi, Hoa Kỳ gặt hái hậu quả bất lường tại Benghazi. Nhưng dù bốn nhân viên ngoại giao đã tử nạn, nạn nuôi ong tay áo ở Libya chỉ là bài toán nhỏ. Chuyện lớn hơn nằm tại Syria, nơi cả vạn thường dân bị tàn sát từ cả năm nay mà Hoa Kỳ vẫn né. Nhân quyền, dân chủ hay “Mùa Xuân Á Rập” đâu rồi? Chuyện lớn hơn cả Syria là Ai Cập, hay Iran. Tại Ai Cập, chế độ mới muốn chứng tỏ hai điều trái ngược: 1. Họ là loại văn minh chứ không quá khích như bọn Salafist, nhưng 2. hết thân Mỹ và sẽ xét lại việc hòa giải với Israel. Nền tảng ổn định Trung Ðông của Hoa Kỳ từ năm 1978 đang lung lay vì thế liên kết giữa Ai Cập với Israel bị đe dọa. Kết quả bi hài là chính trường Mỹ tranh luận về lập trường của tổng thống sau khi đi quyên tiền tranh cử tại Las Vegas: “Ai Cập không là đồng minh mà cũng chẳng là kẻ thù!” Ai Cập hết là đồng minh mà lại được viện trợ một tỷ rưỡi và đang xin xóa nợ một tỷ? Người ta bèn cãi cọ về định nghĩa của chữ “đồng minh ngoài NATO”. Miệng lưỡi chính khách còn dẻo hơn luật gia Bill Clinton về định nghĩa của “quan hệ tình dục”! Vụ tranh luận càng làm nổi bật lập trường dị biệt giữa Israel và Hoa Kỳ về cách ứng xử với mối nguy từ Iran. Tổng thống Mỹ không có thời giờ gặp Thủ Tướng Binaymin Netanyahu vào cuối tháng này nhân kỳ họp của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Lại bận đi quyên tiền tranh cử? Trong khi ấy, lính Mỹ vẫn bị lực lượng Taliban phục kích và hạ sát tại Afghanistan. Tại Iraq, chính quyền của Thủ Tướng Nouri al-Malaki theo xu hướng Shite và thân Iran thì tuyên án tử hình một lãnh tụ Sunni thân Mỹ, Phó Tổng Thống Tareq al Hashemi. Bạo động bùng nổ tại Iraq từ mươi ngày qua khiến hơn trăm người thiệt mạng. Chuyện không đáng nói vì bề nào Hoa Kỳ cũng sẽ rút khỏi các vùng lửa đạn Hồi Giáo này? Vì sao dân Mỹ đã đổ máu cho nền dân chủ của thiên hạ, đã cứu dân Hồi Giáo từ vùng Balkan qua Afghanistan rồi Iraq và từ hơn ba năm nay, Tổng Thống Obama đã phân trần tứ phương mà Hoa Kỳ vẫn bị chống đối? Ðáng nói hơn vậy, lãnh đạo Hoa Kỳ dành được bao nhiêu phút cho ngần ấy hồ sơ tóe lửa vì những hiềm khích nghi ngờ tích lũy từ đã lâu? Và sau đó, dành mấy ngày để giải thích linh tinh về chuyện bất lường?
|