Home Phiếm Gã Siêu Bệnh Đờn Ông 1: Nổ

Bệnh Đờn Ông 1: Nổ PDF Print E-mail
Tác Giả: Gã Siêu   
Chúa Nhật, 22 Tháng 3 Năm 2009 14:11

Từ ngàn xưa và cho tới ngày hôm nay, phe đờn ông con giai vốn được bàn dân thiên hạ gọi là phái khỏe. Mà họ khỏe thực. Vừa bước vào tuổi mới lớn, các cơ bắp liền nổi lên cuồn cuộn, đúng với vóc dáng vai u thịt bắp. Họ ăn không biết no, như các cụ ta đã bảo :

- Nam thực như hổ, nữ thực như miu, có nghĩa là đàn ông con giai ăn như hùm, còn đờn bà con gái thì ăn như mèo.

Cũng vì cái sức khỏe trời cho ấy, mà cánh đờn ông con giai thường phải cáng đáng những công việc nặng nhọc, đòi buộc phải mạnh mẽ và dũng cảm. Cũng vì cái sức khỏe trời cho ấy, mà cánh đờn ông con giai thường là chỗ dựa cho phe đờn bà con gái, vốn được bàn dân thiên hạ gọi là phái yếu. Bởi vì có yếu thì mới cần dựa, chứ khỏe thì cần quái gì mà phải dựa với dẫm.

Có một bà vào lứa tuổi sồn sồn đã tâm sự vụn “mí” gã như sau :

- Những ngày nghỉ cuối tuần, mình mong anh ấy ở nhà để mình tìm thấy một bờ vai tựa đầu, thế mà anh ấy cứ đi biền biệt, ăn nhậu và bài bạc với đám bè bạn chiến hữu, mãi tới sáng thứ hai mới thò mặt về, thử hỏi còn nhờ cậy được cái chi ?

Hơn thế nữa, phe đờn ông con giai còn là mục tiêu cho quí bà quí cô phô bày vẻ đẹp của mình. Chả lẽ ngồi trang điểm suốt cả mấy tiếng đồng hồ, để rồi cuối cùng thở dài ngao ngán :

- Chỉ mình tôi nhìn tôi trong gương thôi ư ?

Mấy hôm nay đọc báo, gã đã ghi lại một câu “ranh ngôn” như thế này :

- Thượng đế chẳng phải là một Đấng hoàn hảo, mười phân vẹn mười, bởi vì người ta đã phải lập ra biết bao nhiêu mỹ viện nhằm tu sửa phần nào tác phẩm do Ngài tạo nên và quí bà quí cô cũng đã tốn biết bao nhiêu tiền bạc, thời giờ và công sức để hoàn thiện cái vẻ đẹp và Ngài đã phú ban cho.

Chính vì luôn nghĩ mình là phải khỏe, nắm ưu thế và giữ một vai trò quan trọng, mà có tới 99% cánh đời ông con giai đều mắc phải chứng bệnh “sĩ” và chứng bệnh “nổ”. Vậy thế nào là bệnh “sĩ” và thế nào là bệnh “nổ” ?

Trước khi đi sâu vào hai chứng bệnh này, gã xin kể lại câu chuyện về “con chó đá” :

Tại làng kia có một gia đình gồm hai bố con. Ông bố thì chí thú làm ăn và luôn hòa nhã vui vẻ với mọi người. Còn cậu con giai thì chuyên cần học hành, dùi mài kinh sử, mơ ước có một ngày ra giúp dân giúp nước. Ai nấy đều kính nể và quí mến gia đình này.

Ngày nọ, ông bố đi ngang qua ngôi đình làng thì tượng con chó bằng đá trước cổng bỗng đứng lên và vẫy đuôi chào. Ông bố bèn hỏi :

- Tại sao vậy ?

Con chó đá trả lời :

- Vì gia đình ông ăn ở tốt lành với bà con lối xóm, nên thiên đình đã quyết định khoa thi này con ông sẽ đỗ trạng nguyên.

Thế nhưng, cũng kể từ ngày hay tin ấy, hai bố con đã thay đổi hẳn nếp sống và cách cư xử của mình. Ông bố thì hà hiếp dân chúng và lúc nào miệng cũng la lối :

- Ta là bố quan lớn.

Còn cậu con giai thì sinh ra rượu chè, cờ bạc và hút sách. Trong cơn say, cậu con giai luôn mồm lảm nhảm :

- Ta là trạng nguyên khóa này. Ta là trạng nguyên...


Rồi cũng một ngày nọ, ông bố lại đi ngang qua ngôi đình làng, lần này thì con chó đá đứng yên bất động vì nó chỉ là một pho tượng. Ngạc nhiên, ông bố bèn hỏi :

- Tại sao vậy ?

Con chó đá bèn trả lời bằng một giọng thiểu não :

- Vì bố con ông ăn ở thất đức, nên thiên đình đã quyết định gạch tên con ông trong kỳ thi này.

Và quả thực trong cuộc thi năm ấy, cậu con trai đã rớt cái ạch và trượt vỏ chuối te tua.

Riêng phần mình, gã nhận thấy hai bố con gia đình này quả là đại biểu xứng đáng cho những kẻ mắc chứng bệnh sĩ và nổ mãn tính, như tục ngữ đã bảo :

- Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.

Gã không phải là một nhà ngôn ngữ học, nên đành phải ngồi mở sách vở ra mà tra cứu và tìm hiểu. Theo “Tự điển Việt Nam” của Lê văn Đức, thì :

- Sĩ là người học trò và từ đó cũng ám chỉ là người tài giỏi. Còn diện là cái bản mặt, chẳng hạn như khi nói : bạch diện thư sinh. Và như thế, sĩ diện là thể diện của người học trò, đồng thời cũng ám chỉ danh dự bên ngoài của một con người.

Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đã biết trong xã hội Việt Nam thời xưa, kẻ sĩ được mọi người kính nể và trọng vọng. Chẳng thế mà Nguyễn công Trứ đã ca tụng :

Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên.

Hai câu trên được diễn dịch như sau :

- Tước có năm bậc là công hầu bá tử nam thì sĩ đều được liệt vào trong đó. Dân có bốn nghề là sĩ nông công thương thì sĩ được đứng hàng đầu.

Tuy nhiên, con nhà bình dân nghèo túng, đôi lúc cũng đã mỉa mai nhạo cười :

Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông,
Nhất nông nhì sĩ.

Hay như :

Ai ơi chớ lấy học trò,
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.

Giữ lấy cái sĩ diện, cái danh dự của mình là điều tốt, bởi vì nếu không còn sĩ diện, nếu không còn danh dự thì thà rằng chết quách đi cho rồi.

Tuy nhiên, nếu nó đi tới chỗ thái quá thì sẽ trở thành chứng “sĩ diện hão” hay gọi một cách vắn tắt là “bệnh sĩ”.

Bệnh sĩ là một chứng ung thư não, hay nói cách khác, trong óc có những khối u. Một nữ ký giả trên báo Phụ nữ Chủ nhật đã đưa ra những phát hiện” lâm sàng” của chứng bệnh này như sau :

- Có những ông chẳng có vai trò gì cả, thế mà cũng cứ tưởng tượng ra một vai trò rất rõ rệt, rất quan trọng cho mình. Có những ông rất giỏi khâu nịnh nọt và luồn cúi cấp trên, nhưng đối với cấp dưới thì vẫn oai, vẫn oách như thường. Có những ông ở cơ quan thì sợ từ cô thư ký trở lên, nhưng về nhà thì luôn hét ra lửa đối với vợ con. Ngược lai, có những ông ở nhà thì rất ư là sợ vợ, nhưng ra đường hoặc đến chỗ đông người thì cứ phải chứng tỏ mình là...gia trưởng, là lãnh đạo!!!

Tú xương cũng đã diễn tả về tác phong của những ông này như sau :

Vuốt râu nịnh vợ con bu nó,
Quắc mắt khinh đời cá bộ anh.

Sách “Cổ học tinh hoa” có kể lại mẩu chuyện về “vợ chồng người nước Tề” như sau :

Người nước Tề có hai vợ, vợ cả và vợ lẽ. Ngày ngày chồng cứ sáng ra đi, tối đến mới về, mà hôm nào về cũng no say phè phỡn. Hai vợ thường hỏi :

Đi ăn với ai, mà đi luôn thế ?

Anh ta nói :

- Ta đi ăn toàn với những bậc giàu có, sang trọng cả.

Một hôm, vợ cả bảo vợ lẽ :

- Chồng ta chơi bời toàn với nhưng bậc giàu sang, mà sao không thấy một người giàu sang nào đến chơi nhà nhỉ ? Ta thử dò xem chồng ta đi những đâu và chơi với những ai ?

Hôm sau, vợ cả dậy sớm, lẻn đi theo chồng. Đi cùng làng này, xóm khác, chẳng thấy một người nào đứng lại nói chuyện với chồng mình cả. Khi đi đến phía đông ngoài thành, thấy có đám cất mả, người ta đang tế lễ ăn uống, thì đánh thoáng một cái, đã thấy chồng lật đật lại đấy, xin những cơm thừa canh cặn, ăn lấy ăn để. Ăn xong lại ngong ngóng đi chỗ khác…

Bấy giờ chị ta mới rõ cái cách chồng ngày ngày no say là thế, tủi thẹn vô cùng, ngậm ngùi trở về, kể chuyện cho vợ bé nghe, rồi than rằng :

- Chồng là người trông cậy suốt đời, ai ngờ chị em mình lại gặp phải một người chồng đê mạt quá đến như thế!

Nói đoạn, hai người ngồi trông nhau ở giữa sân sụt sùi khóc. Ngay lúc ấy, anh chồng ngất ngưởng ở đâu về, vẫn ra bộ làm kiêu với hai vợ như những hôm trước.

Ôi! Đem con mắt tinh đời mà coi, thì ngày nay những kẻ cầu công danh phú quí hồ dễ không mấy kẻ mà ở nhà vợ cả vợ lẽ không thẹn không tủi, không ngấm ngầm khóc với nhau như hai vợ người nước Tề này!

Kết thúc câu chuyện, tác giả đã đưa ra một lời bàn như sau :

Lấy đức, lấy tài, lấy học thức, đường đường chính chính mà được công danh phú quí thì còn gì bằng. Nhưng nịnh nọt, luồn cúi, làm những việc đê hạ, mất cả phẩm giá con người, để chen chúc vào đám công danh, để cầu lấy chút phú quí, thì tưởng không còn gì đáng khinh hơn.

Thế mà đến lúc được công danh phú quí, lại còn vác mặt làm cao, ra dáng hách dịch, thiên hạ người ta biết ra, thì còn ai cho vào đâu nữa. Tưởng rằng khuất một người để đè nén muôn nghìn người, nhưng dù người ta có e lệ bề ngoài, trong bụng người ta cũng không sao trọng được.

Thày Mạnh Tử đặt ra câu chuyện người nước Tề này, thật là phơi bày được cái xấu xa của những kẻ quen thói cầu công danh phú quí “hôn dạ khất ai, kiêu nhân bạch nhật”, đêm khuya van lạy, ban ngày vênh váo khinh người vào những thời buổi mạt tục vậy.

Tuy nhiên nếu bệnh sĩ, một chứng ung thư não, có bướu trong óc, như vừa trình bày, được phát triển tới thời kỳ di căn, Và nếu nó di căn ra tới mồm tới miệng, thì biến chứng và trở thành bệnh nổ.

Bệnh nổ nơi phe đờn ông con giai thường dễ nhận thấy hơn cả nơi bàn tiệc. Bởi vì lúc bấy giờ, rượu là như một chất kích thích, làm cho miệng họ ngứa, khiến mồm họ văng ra đủ thứ ngôn từ đao to búa lớn. Chả thế mà các cụ đã bảo :

- Rượu vào lời ra.

Tệ hơn nữa, những thứ ngôn từ đao to búa lớn này lại chẳng êm tai chút nào :

- Tửu nhập tâm, như hổ nhập lâm. Có nghĩa là rượu một khi đã thấm vào lục phủ ngũ tạng, thì như cọp dữ giữa rừng.

- Tủu nhập tâm, như cẩu cuồng tọa thị. Có nghĩa là rượu một khi đã thấm vào tâm can tì phế, thì như chó điên cắn càn ngoài chợ.

Cũng nữ ký giả kia trên báo Phụ nữ Chủ nhật đã đưa ra những phát hiện lâm sàng như sau :

“Không có gì cũng nổ, mà có một chút xíu thì nổ đến văng cả miểng, nhất là khi họ nhậu lai rai với nhau...Chuyện đông tây kim cổ, từ vi mô đến vĩ mô, lãnh vực nào mấy ông cũng có vẻ thông thạo, uyên bác cả. Càng nổ lại càng hăng.

Gặp dân tay mơ không có kinh nghiệm, thì rất dễ là nạn nhân của mấy ông.

Càng nổ nhiều lại càng tỏ rõ những lỗ hổng về kiến thức. Người ta nói “thùng rỗng kêu to” mà. Nếu chỉ dừng lại ở bàn nhậu, thì sự nổ ấy chẳng tác hại nhiều lắm.

Nhưng có ông lại nổ cả trong công việc nước, thế mới khổ. Có ông với một chút chức quyền và một chút chuyên môn lại cứ hay khoái “sáng kiến, tối kiến”, can thiệp thô bạo vào những lãnh vực chuyên môn khác mà ông chẳng thạo, “ý kiến ý cò” chỉ đạo tham mưu, thể nghiệm thể nghiếc, bắt người khác phải vắt chân lên cổ mà chạy, chẳng cần biết thiệt hại do mình gây ra như thế nào. Mà có biết đi nữa thì cũng “lý gio lý trấu”, tại-bởi-vì khách quan này nọ, cùng lắm là...rút kinh nghiệm cho lần sau.”

Quả là :

- Đã dốt thì lại hay nói chữ!!!

Đúng như vị nữ ký giả kia đã nhận xét : chứng bệnh nổ không phải chỉ xuất hiện nơi bàn tiệc. Trái lại, theo gã nghĩ chứng bệnh ấy luôn liên tục phát triển ở mọi nơi và trong mọi lúc ngay giữa lòng cuộc đời.

Hồi còn bé, lúc đang học nội trú, thằng bạn đã đưa tặng cho gã tấm “cạc vi dít” của bố nó. Trong tấm cạc này, gã đọc thấy như sau :

Ông Nguyễn văn Mỗ.
Nhân viên Phủ Tổng thống.

Mắt gã mở tròn xoe đầy khinh ngạc. Và tự đáy lòng, gã quả tình đã “khẩu phục tâm phụ” ông bố kia...quá chời, đâu phải như bố mình, suốt đời chân lấm tay bùn, làm bạn với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, dân nhà nông chính hiệu con nai vàng.

Gã đem câu chuyện này kể lại với một vị đờn anh. Vì đờn anh này bèn ôm bụng cười sằng sặc, rồi ngoác miệng ra mà phán :

- Ố là là. Ố là là. Có chi mà ghê gớm vậy. Ông ta đích thị chỉ là một nhân viên tắm ngựa cho tổng thống mà thôi.

Số là thời bấy giờ, Tổng thống Ngô đình Diệm hình như thích cưỡi ngựa thì phải. Ấy vậy cho nên người ta mới nuôi ngựa trong dinh Độc lập. Chính mắt gã đã nhìn thấy những con ngựa vừa cao, vừa to lại vừa khỏe...vào những buổi chiều thứ năm, khi đi dạo ngang qua hàng rào của dinh.

Té ra ông bố kia chỉ là kẻ phụ trách quét chuồng ngựa trong dinh Độc lập, nhưng trên tấm cạc và trong đời thường vẫn hãnh diện vì mình là nhân viên phủ tổng thống. Ai không biết cội nguồn, gốc gác thì chỉ có nước phục sát đất mà thôi.

Riêng đối với ông bố kia, bằng đó cũng đã đủ để ông rất lấy làm hãnh diện. Ông có thể huýt sáo và nghêu ngao :

- Hãy ngước mặt nhìn đời...

Rồi coi trời bằng vung với nửa con mắt.

Nếu gã không lầm, thì chứng bệnh nổ hiện đang chiếu cố và tấn công mạnh mẽ phe đờn ông con giai, mang nhãn hiệu trình tòa là…Việt kiều.

Đúc kết từ những cuộc điều tra âm thầm, cũng như những cuộc thăm dò dư luận công khai, gã đã rút ra một kinh nghiệm sống sượng như sau :

- Thiên hạ càng mù tịt về dĩ vãng của mình, thì mình lại càng dễ nổ...mà đã nổ, thì phải nổ lớn, nổ vô tư, nổ hung hăng con bọ sít cho đáng đồng tiền bát gạo.

Sau khi đã luồn lách và mánh mung chui ra khỏi cái quê hương rách nát tả tơi, khó thương này và được định cư ở đất nước thứ hai, hay thứ ba chi đó, tức là đã hết cơn bĩ cực tới thời thái lai, thì cánh đờn ông liền nổ ngay lập tức, chẳng “oong đơ” trì hoãn chi hết.

Ngày xưa mình chỉ là anh binh nhì “đơ giem cùi bắp”, thì bây giờ phải vỗ ngực tự xưng là sĩ quan Biệt động, sĩ quan Nhảy dù...Toàn là những binh chủng thứ dữ không à. Đã khoe thì phải kheo cho đến nơi đến chốn, chứ ai lại thèm bảo mình là địa phương quân , là nghĩa quân hay là lính ma lính kiểng.

Ngày xưa mình chỉ là anh lao công bệnh viện, chuyên môn đi hốt và đốt những bông gạc, rác rưởi nhà thương, thì bây giờ phải tự phong lên làm bác sĩ cho nó oai và cho nó oách. Ai rỗi hơi đâu mà đi sưu tra lý lịch của mình. Chỉ hơi sượng sùng một tí khi đụng mặt những thằng bạn thân thuở nào mà thôi.

Sau khi định cư được vài năm và cuộc sống tương đối đã có phần ổn định, thì bèn làm mọi cách để quên đi cái gốc gác “annammít” của mình. Ra đường, nếu gặp đồng hương đồng hao, thì luôn mồm luôn miệng :

- Hai...Bai...

Còn gặp dân Mẽo chính gốc Huê kỳ, dân Ăng lê chính tông nước Anh hay dân Phú lãng sa chính hiệu Pháp quốc, thì liền cúi xuống lí nhí bảo mình :

- Tôi là người Nhật.

Hay :

- Tôi là người Đại hàn...

Rõ thật :

- Nhận vơ lấy vợ thằng Nhân,
Nó cho bát bún, nó vần cả đêm!

Thì ra :

- Thấy người sang, bắt quàng làm họ.

Xin tạm quên đi cái gốc gác, cội nguồn :

- Tôi là người Việt Nam.

Khi trở về quê hương và thăm lại những người thân quen, thì bệnh nổ lại càng tăng thêm phần trầm trọng của nó. Bởi vì người bên ni làm sao biết được kẻ bên nớ “làm nghề nghiệp gì cùng mê tính xấu nào ?”

Trước hết là nổ trong cung cách tiêu xài. Có những người ở bên nớ vừa ăn lương thất nghiệp và vừa tìm việc làm chui ở nhà để kiếm thêm tí tiền còm. Có những người ở bên nớ phải đi vay mượn khả dĩ dằn túi một mớ. Với xấp đô la trong tay, thì suốt những ngày ở Việt Nam, họ mặc sức tiêu xài, mua sắm như muốn chứng tỏ với mọi người thân quen rằng :

- Ta rất thành công ở bên nớ và tiền bạc chỉ là chuyện nhỏ. Mai mốt có phải kéo cày để trả nợ, thì...hạ hồi phân giải. Còn bây giờ phải chơi trội cái đã.

Tiếp đến là nổ trong lời nói. Mới đi được mấy năm, chẳng biết ở bên nớ học được mấy tiếng Ăng lê, hay chỉ toàn nói với thiên hạ bằng tay, “English by hand”, thế mà về Việt Nam, mở mồm mở miệng ra toàn những “pao” với “mai” :

- Con cá này nặng mấy pao ?

- Từ đây lên thành phố là bao nhiêu mai nhỉ ?

Thật tội nghiệp cho đám bà con nhà quê cứ ngẩn tò te, chẳng biết pao với mai là cái đí gì sốt.

Ngoài ra là nổ trong việc ăn uống. Thứ gì của đất nước cũng bị chê là thiếu tiêu chuẩn, thiếu chất lượng, không đảm bảo vệ sinh. Cho con uống sữa thì phải là thứ sữa nhập từ bên nớ. Khi uống bia, nếu là dân Việt kiều Úc, thì phải chọn bia Foster, theo đúng phong cách Úc.

Ngày xưa, khi ở Việt Nam thì đớp thịt chó như điên, còn bây giờ nếu ai lỡ mời thịt chó thì chối nguây nguẩy :

- Em chả...Em chả...

Rồi lại còn cao giọng mà lên lớp :

- Ăn thịt chó là...dân man di mọi rợ.

Nhiều lúc nghe qua, gã cũng nóng gáy muốn chửi thầm trong bụng cho một chặp :

- Tiên sư anh nhé. Anh cũng “Mít đặc”, mà tôi cũng “Mít đặc”. Chửa chi mà anh đã quay lại khinh bỉ chính cái nôi đã nuôi anh khôn lớn.

Sau cùng là nổ trong việc phét lác. Ở bên nớ, đi hầu bàn hay rửa bát cho thiên hạ, thì về bên ni bèn tự xưng là chủ nhà hàng. Ở bên nớ, đi quét dọn thư viện, thì về bên ni bèn tự phong là quản thủ thư viện. Con cái mới học được một tí chữ, thì đã vội khoe đứa nào cũng giỏi, đứa nào cũng nhất...coi thiên hạ chẳng có ký lô nào sốt. Rồi còn trăm ngàn sự lỉnh kỉnh khác nữa.

Để kết luận, gã xin ghi lại một mẩu chuyện nữa, cũng trích từ sách “Cổ học tinh hoa”. Chuyện rằng :

Án Tử làm tướng nước Tề, một hôm đi việc quan. Có tên đánh xe theo hầu.

Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cây dù, tay cầm dây cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc.

Lúc chồng về nhà, nàng xin bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi :

- Tại làm sao ?

Nàng nói :

- Án tử người gầy thấp, bé nhỏ làm đến tướng nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông vẫn khiêm nhường như chưa bằng ai. Chớ như chàng cao lớn đẫy đà, chỉ mới làm được một tên đánh xe tầm thường hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng nữa. Nên thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi.

Từ hôm ấy, tên đánh xe bỏ được cái bộ vênh váo, chừa được cái tính nông nổi. Án tử thấy thế, lấy làm lạ bèn hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại. Án tử bèn cất cho làm đại phu.

Lời bàn của câu chuyện trên cũng đáng cho gã suy gẫm :
Tên đánh xe của Án tử thực là sang vì vợ, nhờ được người vợ giỏi, biết lấy cái địa vị hèn hạ, cái dáng bộ ngông nghênh của chồng làm xấu hổ, mà sửa được tâm tính chồng và thành được thân danh cho chồng.

Tiếc thay, ở đời bây giờ có biết bao nhiêu kẻ chỉ là đầy tớ người ta, mà đã vênh váo lên mặt, nghênh ngang tự đắc như tên đánh xe, mà lại không có được những người vợ như người vợ tên đánh xe để khuyên răn chồng, làm cho chồng biết tự sỉ mà phấn chí tu tỉnh cho ra người.

Trước khi chia tay, một lần nữa gã bèn long trọng kêu gọi phe đờn bà con gái hãy vùng lên kể tội cánh đờn ông con giai.

Bài kể tội xin cứ vô tư gửi về cho cụ chủ nhiệm. Và khi thấy nó xuất hiện trên báo, thì chắc chắn là...có thưởng đấy nhé.