Trẻ và Già |
Tác Giả: Gã Siêu | |
Thứ Sáu, 24 Tháng 4 Năm 2009 15:38 | |
Trong mục sổ tay của 1 tuần báo, gã lượm được một mẩu tin như sau : - Kể từ nay, chính phủ sẽ không bổ nhiệm người làm thứ trưởng và những chức vụ tương đương quá 55 tuổi. Khi đọc thông báo trên do thủ tướng vừa ký ngày 18 tháng 4, một công chức nói với người viết : dễ có đến 20% số mang cấp hàm thứ trưởng sẽ ra đi vì tuổi không còn đúng với tiêu chuẩn… Mẩu tin này cũng khiến cho gã phải sờ vào gáy mình và nhận ra rằng : - Sống lâu lên lão làng, cứ cái điệu này thì mình cũng sắp được …ra ngũ, về nhà đuổi gà và trồng hoa. Chẳng biết nên vui hay nên buồn. Gã nhớ lại hồi đầu mình còn để chỏm, hình như có đọc trong sách Quốc âm Giáo khoa thư bài học về một câu đố : - Con gì sáng nó đi bốn chân, trưa nó đi hai chân và chiều nó đi ba chân ? Xin thưa : - Đó chính là con người. Thuở còn nhỏ, chúng ta bò lê bò la bằng cả hai tay lẫn hai chân, vị chi là bốn. Lớn lên, chúng ta đứng thẳng và mạnh mẽ bước tới. Còn khi về già, chúng ta phải chống thêm một chiếc gậy nữa là ba. Các cụ ta ngày xưa đã ngán ngẩm mà bảo : - Âm thầm ngày tháng trôi qua, Đúng thế, chẳng ai có thể cản được những bước chân âm thầm của thời gian. Cứ nhìn vào xấp nhỏ, lớn lên như thổi, gã bèn nghiệm ra gánh nặng tuổi đời đang đè xuống đôi vai còm cõi của gã và dấu ấn thời gian đã in đậm trên khuôn mặt gã. Cách đây không lâu, một cô bé Việt kiều hớn hở đến thăm gã. Phối kiểm lại bộ nhớ, gã thấy được rằng : khi khăn gói quả mướp theo thày bu xuống tàu đi vượt biên, cô bé này còn đang ở lứa tuổi “babilắc”, suốt ngày chơi ô quan và nhày cò cò ở sân nhà gã, thậm chí còn anh dũng mặc quần đùi đi móc cua ngoài đồng về cho chị nấu riêu, thế mà giờ đây đang độ đào tơ trổ mã, đẹp như một cô tiên, giống hệt một bài thơ cổ đã diễn tả : - Hồng hồng tuyết tuyết, Ngay như chính bản thân gã cũng vậy. Bốn mươi năm được coi là đỉnh cao cuộc đời, rồi sau đó bắt đầu đi xuống ở triền núi bên kia. Tới cái mốc này, mắt gã bỗng mơ huyền, phải vội vã ra tiệm cắt ngay một chiếc kính lão, để khỏi trông gà hóa quốc. Rồi từ đó, lục phủ ngũ tạng bắt đầu rệu rạo. Nhất là khi đã bước vào tuổi “ngũ tuần”, thì sức kéo bị giảm sút một bậc, làm việc lâu một xíu là cảm thấy mệt mỏi, uể oải liền tù tì ngay à. Nhớ hồi còn trẻ, ngồi đánh máy chữ lọc cọc suốt tám chín tiếng đồng hồ mà chẳng hề hấn, sứt mẻ chi cả, thậm chí có những lúc gấp rút, làm ngày không đủ phải tranh thủ làm cả ban đêm mà vẫn cứ phom phom và hăng tiết vịt. Chứ bây giờ, khi đã có tí tuổi, gõ máy dù là máy vi tính, chỉ một lúc là liền nhức nhối từ đầu ngón tay cho đến tận…lái tim. Rồi ăn chẳng biết ngon, ngủ thì cứ mơ mơ màng màng. Sức kéo giảm sút đã đành, mà tuổi năm mươi còn là khởi điểm cho đủ mọi thứ bệnh hoạn. Nào cao huyết áp, nào nhồi máu cơ tim, nào tai biến mạch máu não, nào loét bao tử, nào đái…đường. Bản án tử hình dường như đã được treo lơ lửng trên đầu quí cụ thượng thọ ngũ tuần. Nghĩ vậy, nên cứ bình tĩnh mà run. Vì thế, hôm rồi gã bèn phải gồng mình đi khám lại toàn bộ đồ lòng, từ tim gan cho chí đến đến phèo phổi. Qua siêu âm, người ta cho biết gã hiện có hai viên sạn nhỏ nằm ở trong thận. Ông bác sĩ thuộc vào hàng chịu chơi bèn phán : - Vì chúng còn bé tẹo tèo teo, nên chưa cần phải mổ hay bắn biếc chi cả, chỉ cần uống thuốc, uống nước, vận động và nhất là…cười nhiều. Vì thế, trong mấy tháng nay, gã đành phải ép mình ép xác mà dùng thuốc, dùng nước và tập thể dục thẩm mĩ để giữ…eo. Bởi vì lúc này cái eo của gã xem chừng liên tục phát triển theo kích thước của cái eo con…bò. Rồi lúc nào cũng phải vén môi lên mà cười. Vui cũng cuời mà buồn cũng cười, thiếu điều bị liệt vào hạng người…cõi trên. Thế mà chẳng biết đến bao giờ mới tống khứ được hai cái của nợ ấy ra. Từ những điều gã vừa cà kê dê ngỗng, thì khác biệt thứ nhất giữa già và trẻ là khác biệt về ngoại hình, về sức khỏe. Trẻ thì mạnh, già thì yếu. Đó là lẽ đương nhiên, qui luật của muôn đời kia mờ. Trừ ra một vài trường hợp ngoại lệ mà chúng ta vốn gọi là những cụ… già gân, như Nguyễn công Trứ đã viết : - Càng già càng dẻo càng dai. Bình thường, tuổi già là một nhà thương, tiếp nhận đủ mọi thứ bệnh. Hơn nữa, nếu nửa đầu cuộc đời, chúng ta xài theo kiểu “xả láng sáng về sớm”, như lời hô hào : - Chơi xuân kẻo hết xuân đi, Chắc hẳn nửa sau cuộc đời, chúng ta sẽ phải trả giá bằng những bệnh tật và đớn đau của mình. Sự giảm sút về sức khỏe phần xác, thường kéo theo sự giảm sút về tâm lý và sự xơ cứng về tinh thần. Kinh nghiệm của những bậc tiền bối cho hay : - Năm mươi tuổi thì ta chán đời, còn sáu mươi tuổi thì đời chán ta. Tuổi già vốn dĩ là một gánh nặng cho bản thân cũng như cho người khác. Tuổi già giống như phiên chợ chiều, vắng tanh vắng ngắt. Hay như con sư tử già chỉ là trò cười cho đám chó con. Từ đó, người già đánh mất sụ hăng say nhiệt tình, để rồi buông xuôi, mặc cho ‘’con tạo xoay vẫn đến đâu’’ hay phó mặc cho lũ cháu đàn con : - Già thì mọi sự mọi hèn Khác biệt thứ hai giữa già và trẻ là khác biệt về kinh nghiệm, về vốn sống được tích lũy từ lòng cuộc đời. Trong phạm vi này, người trẻ chưa có được bao nhiêu, đang khi đó với bề dày của năm tháng, người già đã gom góp được rất nhiều. Vì thế, người trẻ thường hay bồng bột, xốc nổi và… phổi bò, như tục ngữ cũng đã bảo : - Khôn đâu tới trẻ, khẻo đâu tới già. Và đôi lúc người ta đã gọi : - Tuổi trẻ là tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Với những kinh ngiệm được tích lũy suốt dọc dòng thời gian, tuổi già thường khôn ngoan và thâm trầm, giống như cây càng già thì gỗ càng tốt, giống như gừng và quế, càng già thì lại càng cay, hay như tục ngữ cũng đã nói : - Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Do số vốn sống phong phú ấy, nên đã nảy sinh ra một khác biệt thứ ba giữa già và trẻ, đó là người già thường thích quay nhìn dĩ vãng và sống bằng những hoài niệm, còn người trẻ thường thích hướng tới tương lai và sống bằng những ước mơ. Người già thì quay lại phía sau, còn người trẻ thì bước tới phía trước. Thực vậy, mấy ông bạn già lâu ngày gặp mặt nhau, khề khà bên chén rượu nồng hay bên tách trà đậm, chắc chắn các cụ sẽ gợi nhớ và sống lại cái thuở huy hoàng vang bóng của mình : - Ngày ấy mình thế này… chúng ta thế nọ… chứ không như bây giờ, chẳng ra cái thể thống nào cả. Trong khi đó, bọn trẻ ngồi đấu láo với nhau thì thao thao bất tuyệt về những dự tính đang được ươm mơ. Nào là làm cái này, nào là làm cái kia… Chính do sự khác biệt này, nhiều lúc đã xảy ra những bất đồng, những lục đục, những chống đối trong gia đình giữa già và trẻ, giữa cha mẹ với con cái. Hồi xưa, có lần thằng bạn gã đang năn nỉ ỉ ôi, xin mẹ tí tiền còm để mua sách hay làm cái chi đó, thì ông bố bước vào. Chợt nghe thấy tiền, ông bố bèn mở miệng phang ngay cho cậu ấm một bài ‘’luân lý cơ bản’’ : - Ngày xưa tao phải tiết kiệm từng trang giấy, từng giọt mực… ngày xưa tao thế này… ngày xưa tao thế kia… ngày xưa tao thế nọ… Điệp khúc ‘’ngày xưa ấy’’ không biết đã được ông bố ca đi ca lại biết bao nhiêu lần. Cứ nhìn cái bản mặt nhăn nhó của thằng bạn như là sắp bị ‘’Tào tháo’’ rượt, gã thấy nó hậm hực mà nói chẳng nên lời, vì sợ bị mắng, nên đành phải nhủ thầm trong bụng rằng : - Biết rồi, khổ lắm, nói mãi, bố ơi. Cũng từ điểm khác biệt đằng trước và đằng sau, tương lai và dĩ vãng, nên người trẻ thường dám liều, dám chấp nhận cái mới để rồi khắc phục và làm chủ lấy nó, như chúng ta thường bảo : - Đâu cần thanh niên có, Phải chăng đây chính là yếu tố quan trọng làm thành ‘’chất trẻ’’ nơi một người… Trong khi đó, tuổi già thường ngại di chuyển, ngại thay đổi, an phận với những cái đã có. Ấy là gã chưa nói đến những cụ thích ngủ quên trên chiến thắng và vinh quang một thời của mình. Vì vậy, thiên hạ vốn thường bảo : - Một người bị coi là già kể từ lúc người ấy hết dám… liều. Nếu cứ ngồi kể tội và điểm mặt những khác biệt giữa già và trẻ, thì có lẽ nói mãi, nói hoài cũng chẳng bao giờ hết, chi bằng bây giờ hay thử đi tìm một dung hòa, một mô hình lý tưởng để cùng chung sống hòa bình ‘’mí nhau’’. Theo gã, mỗi tuổi đều có nét duyên ngầm của riêng mình. Buổi bình minh có vẻ đẹp của bình minh và lúc hoàng hôn có vẻ đẹp của hoàng hôn. Chồi non, có sức quyến rũ của chồi non và trái chín có sức quyến rũ của trái chín. Về người già và người trẻ, chúng ta có thể diễn tả như Nguyễn Du : - Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười. Tuy nhiên cuộc sống vốn thường có những ngịch lý, những ngược đời và những chuyện chéo cẳng ngỗng của nó, như G. B. Shaw đã viết : - Có lắm người không khi nào trẻ và vài kẻ không bao giờ già. Thực vậy, có lắm người không bao giờ trẻ. Nói cách khác, họ đã đánh mất tuổi trẻ khi mái đầu còn xanh. Họ là những kẻ tuổi đời chưa được bao nhiêu, thân xác còn phơi phới, thế nhưng tâm hồn họ đã già cỗi và tàn úa. Họ thiếu mất chất trẻ và chất lửa trong con người. Có nghĩa là họ không dám liều, không dám chấp nhận cái mới và đối đầu với những đổi thay. Họ bằng lòng với số phận của mình và lúc nào cũng chỉ xin cho được hai chữ…bình an. Họ không còn sự hăng say nhiệt thành, trái lại chỉ sống lửng lơ như con cá vàng, mặc dù bề ngoài họ rất oai phong bệ vệ và sức khỏe tràn trề. Chính vì thế thiên hạ vốn thường gọi họ là những … ông cụ non. Tiếp đến là có vài kẻ không bao giờ già. Dĩ nhiên ở đây gã không bàn tới một vài người vì ảnh hưởng của một loại bệnh đặc thù nào đó, khiến cho họ, dù đã ba mươi mí, những thân xác họ mới chỉ là một đứa trẻ lên sáu, lên bảy như báo chí đã đăng tải cách đây không lâu. Gã cũng không bàn tới một vài cụ vì ham vui và thích của lạ mà thiên hạ vốn thường gọi là chơi…..trống bỏi. Những cụ đầu đã bạc, răng đã long mà vẫn còn đèo bồng vợ nọ con kia, chỉ vì sợ cảnh cô đơn : - Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Gã chỉ xin nói đến các cụ tuy đã già mà thực sự vẫn còn trẻ. Vậy các cụ ấy là ai ? Các cụ ấy được diễn tả là những người “nhân lão tâm bất lão”. Ngoại hình các cụ tuy già, nghĩa là tóc các cụ đã bạc, răng các cụ đã long, da các cụ đã nhăn nheo và tay chân các cụ đã lỏng lẻo. Thế nhưng, tâm hồn các cụ vẫn còn trẻ chứ chưa già, nghĩa là các cụ vẵn hăng hái nhiệt thành, dám chấp nhận cái mới và dám đương đầu với những thay đổi…. Chất trẻ vẫn lưu thông trong máu huyết, trong thân thể già nua của các cụ và lửa vẫn bừng cháy trong con tim đau ốm của các cụ. Tuy nhiên, số người nhân lão tâm bất lão như thế này, hẳn không nhiều lắm. Có một thời ở Sàigòn thiên hạ đã gọi nhạc sĩ Phạm Duy là một híppi già. Sở dĩ như vậy, vì tuổi đời đã đè nặng trên vai ông. Ngay từ hồi gã còn là một thằng bé mặc quần thủng đũng, thì những bài hát của ông đã được phổ biến sâu rộng. Thế nhưng, tâm hồn và tư tưởng của ông vẫn còn trẻ. Ông không phải chỉ viết về tuổi trẻ, mà hơn thế nữa, từng lời ca, từng khuông nhạc của ông đều thoát ra chất trẻ, làm cho người trẻ say mê và thiên hạ đã không ngần ngại tặng cho ông cái biệt danh là híppi già. Ngày nay, khắp mọi nơi người ta đều hô hào phải trẻ hóa lãnh vực này, trẻ hóa lãnh vực kia và nhất là phải trẻ hóa cấp lãnh đạo. Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật viết : “Chuyện sẽ không xa lạ một khi nước Nga có thủ tướng 36 tuổi hay là Việt Nam thời gian không xa có những nhà lãnh đạo, những chính khách lứa tuổi 30-40, nếu như công nghệ trẻ hóa, không chỉ là hạn mức tuổi tác mà thực sự là cả một quá trình chuẩn bị nhân tài, ươm trồng, vun bón”. Mẹ chồng nàng dâu, như hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ. Cũng vậy, luôn có một vực thẳm ngăn cách giữa già và trẻ, giữa trẻ và già. Trẻ chê già là cổ hủ, lỗi thời và…. khó tính. Gìa chê trẻ là thiếu kinh nghiệm, xốc nổi, ngu đần theo kiểu : trứng mà đòi khôn hơn rận. Tuy nhiên, theo gã nghĩ : - Trẻ phải kính trọng già và học hỏi nơi gìa vốn sống và kinh nghiệm. Còn già thì hãy tìm hiểu, cảm thông và nâng đỡ cho trẻ. Có lẽ gã bèn phải mượn lời khuyên sau đây và Alfred de Vigny như một kết luận : - Bạn ơi, một đời sống vĩ đại là gì ? Nếu không phải là một ý tưởng của tuổi trẻ được tuổi già thực hiện. Kết luận như thế, chẳng hiểu gã đã lên mặt dạy đời hay chưa ?
|