Home Phiếm Trà Lũ Chuyện phiếm: LÀNG TÔI ĂN TẾT

Chuyện phiếm: LÀNG TÔI ĂN TẾT PDF Print E-mail
Tác Giả: Trà Lũ   
Thứ Bảy, 17 Tháng 1 Năm 2009 00:03
Làng tôi có một nhân vật thần kỳ, từ phương xa mỗi năm mỗi về làng ăn tết. Đó là ông Từ Hoè.

Ngày xưa, cách đây dễ chừng 20 năm, ông là một trong những người khởi xướng lập ra làng, lập ra lệ làng, và sinh hoạt rất hăng say với cả làng. Rồi đùng một cái, người em kết nghĩa của ông từ trại tỵ nạn sang, ông theo chú em đi miền tây. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ làng, mỗi năm mỗi về.

Các cụ còn nhớ người em này chứ. Chú em này khi xưa là chính uỷ VC, Trung tá Từ Hoè bắt được trong một lần hành quân. Ông không bỏ tù chú chính uỷ mà ông cho chú đấu lý tay đôi. Khi thấy chú thấm đòn thì ông thả chú về rừng. Sau 1975, vào tới Saigon, chú mở mắt hoàn toàn. Chú bỏ Đảng. Chú tìm cách cứu ông ra khỏi trại cải tạo rồi cùng ông bàn kế vượt biên. Hai người tới trại, ông được Canada nhận trước, còn chú mãi về sau mới được nhận. Ông và chú em bắt tay nhau lập cuộc đời mới nơi đất khách. Bây giờ thì ai cũng giàu có và ổn định. Sinh sống ở Canada một thời gian, chú và vợ con nhập đạo Công Giáo. Chú mang tên Paul. Paul là tên vị thánh tổ phụ của giáo hội. Thánh Paul ban đầu là người theo đạo Do Thái và ghét đạo Chúa vô cùng. Ông say sưa đi diệt đạo Chúa. Nhưng rồi Chúa đã hiện ra với ông, biến ông từ một kẻ thù cuồng tín trở thành một tông đồ nhiệt thành để giảng đạo Chúa cho các dân ngoại. Chú Paul cũng vậy, xưa chú là một chính ủy khát máu, nay chú là một tông đồ yêu mến Chúa hết lòng, và tận tình giúp đỡ người nghèo. Hiện nay vợ chồng chú trông coi các người vô gia cư ngủ đêm ở nhà thờ, lại còn đứng đầu Hội Bác Ái Vinh Sơn của giáo xứ.

Ông Từ Hoè rất hãnh diện về vợ chồng chú Paul, một điều chú Paul, hai điều chú Paul. Năm nay chú Paul cũng gửi bánh chưng tết làng tôi, y như năm ngoái. Bánh chú gói đúng hương vị cổ truyền Bắc Kỳ, thật là ngon hết sức.

Ông Từ Hoè về làng rất sớm, ngay ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Táo về trời. Theo truyền thống của làng, ông là người chỉ huy bữa ăn ngày tết. Ông thật là tài ba. Năm con nào, ông cho ăn con đó. Năm gà, ông làm món gà, năm heo ông nấu món heo. Trừ có năm con rồng là ông bó tay. Năm nay con trâu, ai cũng đang hồi hộp chờ đợi.

Làng tôi họp nhau vào tối ba mươi, vừa để tiễn năm Chuột, vừa để đón mừng năm Trâu. Mọi khi họp làng đã vui lắm, nay cuối năm có thêm ông Từ Hoè, làng vui khác thường. Đúng là vui như tết. Dân làng hẹn nhau lúc 8 giờ tối. Nơi hội làng là nhà Cụ Chánh, tiên chỉ. Ai đến cũng mang theo lễ vật, vừa để tế tổ, tết cụ Chánh, vừa để ăn chung.

Tôi vừa nói tế tổ, xin được đôi lời về tổ. Làng tôi là một biểu tượng liên tôn đúng ý nghĩa nhất vì dân làng theo đạo Chúa, đạo Phật và đạo Ông Bà. Cứ ngày tết là ông Từ Hoè lập một bàn thờ ở giữa phòng khách, với một bài vị rất lớn ở giữa. Trên bài vị ghi danh ông tổ của mỗi dân làng. Hai bên là hai chậu hoa đào và hoa mai. Đào gốc miền Bắc và mai gốc miền Nam, rôì hai cây đèn cầy mầu đỏ, phía trước bài vị là đĩa trái cây và đĩa bánh chưng bánh tét. Ở giữa là lư hương.

Dân làng đến rất đúng giờ. Tay bắt mặt mừng, vui vẻ qúa chừng. Người cười nói oang oang và vui vẻ nhất làng là ông Từ Hoè. Ông tíu tít ôm chào mọi người. Rồi dân làng vào tiệc. Chủ tiệc là cụ Chánh chủ nhà, còn chủ bếp là ông Từ Hoè. Các cụ có đoán được mâm cỗ tết của làng tôi gồm những món gì không ? Rất cổ truyền VN, các cụ ạ. Không thể ngờ được cái ông Từ Hoè này giỏi như vậy. Mâm cỗ tết có 5 đĩa và 5 bát. Năm đĩa gồm giò chả gà nộm xào. Năm bát gồm bóng, miến, măng, mọc, tần. Món mà mọi người mong chờ là món trâu. Trong khi dân làng ăn miến ăn măng thì ông biến vào bếp. Loáng một cái, ông bưng ra đĩa thịt trâu xào rau cần nóng khói ngùn ngụt. Ôi chao, quê hương của tôi là đây chứ đâu xa. Đĩa cần ta xào thịt này làm tôi nhớ đình đám ngoài Bắc dịp cưới hỏi cuối năm quá chừng. Hỏi ông mua thịt trâu và rau cần ở đâu, ông cười khà khà. Ông bảo các chợ ở Toronto có đủ hết. Khi xưa ông ở Toronto có mấy năm mà ông biết hết, nhớ hết. Các cụ có bao giờ ăn món cần ta xào thịt trâu chưa ? Món này mà xơi với cơm tám nóng thì ngon quên chết. Thịt trâu ăn ngon, mềm và thơm như thịt bò. Ai bảo thịt trâu dai và hoi là nói tầm bậy. Theo sử Canada thì các thổ dân Da Đỏ ngày xưa thường ăn thịt trâu, sách ghi là ‘water buffalo’. Anh John nghe tôi nói đến đây thì anh cười lớn tiếng: Sở dĩ người Da Đỏ thích ăn thịt trâu là vì họ có gốc VN mà. Cái anh chàng John này thật là láu, anh thuộc hết bài bản của tôi.

Cụ Tản Đà ngày xưa nói chí lý vô cùng: Cụ bảo muốn ăn ngon thì cần phải có 3 yếu tố: món ăn phải ngon, chỗ ăn phải ngon, bạn ăn phải ngon. Bữa ăn tối 30 Tết này của làng tôi có đủ ba điều đó. Vui hết biết. Hình như có một vĩ nhân nào đã nói một câu nổi tiếng ‘ Mọi việc quan trọng đều được giải quyết trên bàn ăn’. Tôi nghĩ là đúng như vậy.

Rồi ông chủ bếp Từ Hoè kể chuyện. Rằng hồi xưa sang Canada, ai cũng thấy mình mang tuổi con trâu. Tối ngày đi cầy. Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Làm vất vả như con trâu nhưng may qúa, ai cũng vui vẻ. Nghe đến đây, cô hội viên xứ Huế Cao Xuân lên tiếng hỏi: Thế hồi đó bác làm nghề gì ? Ông Từ Hoè cười hà hà rồi đáp ngay: Tôi làm nghề đứng trên đầu thiên hạ. Tôi lau cửa kiếng ở các cao ốc. Cái nghề đòi bạn phải có sức khoẻ và không biết sợ. Bạn tự cột mình vào giây rồi từ trên nóc cao ốc, bạn thả người xuống từ từ, bạn lau từng chuồng cửa. Bạn đung đưa trong gió. Tôi làm được 9 tháng, mùa xuân mùa hè mùa thu. Mùa đông tuyết bay mù mịt thì được nghỉ ăn thất nghiệp.

Ông ODP cũng cười khà khà rồi cũng kể chuyện đi làm hai nghề trong một ngày: rửa chén ban ngày, và bồi bàn ban tối. Đang khi ông ODP kể chuyện thì ông Từ Hoè lại biến vào bếp. Loáng một cái nữa, ông bưng ra một khay trái cây với phó mát. Các cụ đoán được chúng tôi ăn loại phó mát nào không ? Chính tôi đây cũng chịu. Ông Từ Hoè vẫn giọng hà hà cố hữu: Năm con trâu thì phải ăn phó mát con trâu. Cũng chưa ai hiểu. Xưa nay ai cũng chỉ biết phó mát con bò cười chứ chưa hề nghe phó mát con trâu. Ông nói: Mời cả làng xơi trái cây với phó mát. Năm con trâu thì phải ăn phó mát làm bằng sữa con trâu. Tên nó là Mozzarella, do người Ý làm. Bạn vào các hiệu thực phẩm của người Ý, hỏi mua Mozzarella là bạn có liền. Nó ở dạng viên tròn, mềm, và thơm. Người da trắng ăn nó với bánh mì, với trái cây, với rượu, ngon qúa chừng. Mời các cụ ăn thử mà coi. Tôi phục cái ông Từ Hoè này qúa.

Sang phần uống trà, mọi người đều góp chuyện. Năm con trâu nên ai cũng nói về trâu. Cụ Chánh chủ tiệc hôm nay rất hứng khởi đã bảo rằng trong các con vật, chỉ có con trâu là biết nói. Nó hiểu được tiếng người. Ngày xưa làm ruộng ở miền quê, con trâu hiểu được mệnh lệnh. Muốn nó ngừng kéo cầy thì nói ‘ Ọ’, muốn nó kéo cầy tiếp thì nói ‘Vắt’, rẽ phải thì nói ‘Tắc’, rẽ trái thì nói ‘Rì’. Trâu và người chung sức làm việc. Nhà nông thường âu yếm nói với con trâu:

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. ..


Ta có cơm ăn, con trâu đã đóng góp một phần lớn vào bát cơm này. Trâu là con vật hữu ích mọi mặt, cả khi sống, cả khi chết. Ở miền quê, có ai mang con trâu chết đi chôn bao giờ. Thịt nó, ruột gan nó, chúng ta chôn vào bao tử chúng ta. Da nó chúng ta làm mặt trống, làm giày dép, sừng nó chúng ta làm tù và, làm cúc áo, làm các đồ trang sức. Nói đến đây, cụ Chánh nhấp một ngụm trà rồi cười: Con trâu chăm chỉ làm việc, giúp ích cho nhà nông và hữu ích cho gia đình như vậy, hiểu được tiếng người, giỏi như vậy, thế mà lại bị chê là dốt âm nhạc. Ta có câu nói ‘ Đàn gảy tai trâu’. Cha ông đã nói như vậy tức là có chứng cớ. Lão đây tìm hoài mà chưa hề thấy dấu vết chứng cớ này.

Anh John xin góp ý: Khi xưa, lúc tôi nhìn thấy bức tranh cậu bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo ở giữa cánh đồng thì tôi thích lắm. Bức tranh đã nói lên sự thanh bình và hạnh phúc của nhà nông VN, quê vợ tôi. Nói rồi anh nhìn Chị Ba, con mắt có đuôi rõ ràng. Họ đã lấy nhau mấy chục năm mà còn mùi mẫn thế đó, các cụ ạ.

Chưa hết. Anh John kể tiếp: Tôi đang đọc về các chuyện cổ VN, tôi thấy có chuyện này liên hệ tới con trâu, vậy xin trình làng luôn. Rằng có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm nhưng rất chăm chỉ làm viẹc nên đời sống rất sung túc, nhà ngói cây mít. Nhưng về sau người anh giao du với nhiều bạn xấu nên trở thành nghiện rượu, bài bạc, hút xách. Anh ta hút thuốc phiện càng ngày càng nặng. Anh bắt đầu bán dần cơ nghiệp để lấy tiền mua thuốc hút. Người em ra sức khuyên can mà không ngăn được. Cuối cùng người em nghĩ ra một kế. Buối sáng hôm đó người em đứng trước chuồng trâu rồi gọi trâu ra đi cầy. Anh gọi lớn tiếng mà con trâu không ra. Người anh thấy thế liền bảo: Chú phải mở cửa chuồng trâu thì con trâu mới ra được, chứ cửa đóng kỹ thế kia thì làm sao con trâu chui lọt mà ra. Người em liền thưa: Anh ơi, cơ nghiệp cha mẹ để lại cho anh em ta còn to gấp vạn lần cái cửa chuồng trâu này, thế mà cái cơ nghiệp còn chui lọt gần hết qua cái tẩu thuốc phiện của anh, thì cái cửa chuồng trâu này thấm thía gì mà nó không chui lọt. Người anh nghe vậy, giật mình. Anh ôm người em mà khóc. Rồi từ đó sửa mình, bỏ bạn xấu, bỏ rượu chè cờ bạc hút xách.

Nghe xong, phe các bà hít hà khen anh John sâu sắc, rồi các bà xin ngưng chuyện con trâu. Cụ B.95 xin nghe chuyện thời sự. Đây là công việc thường lệ của anh John. Anh xin nói ngay.

Rằng nổi bật nhất trong năm qua là việc Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội tại Bắc Kinh, rất thành công và đẹp mắt. Ai cũng thán phục cái vĩ đại và tiến bộ của họ. Uy tín đang lên cao như vậy thì đùng một cái, ngành thực phẩm của Trung Quốc rung động: sữa và bánh kẹo của Trung Quốc có chất độc melamine. Tin này hiện còn đang làm lay chuyển thị trường thực phẩm thế giới.

Việc tiếp theo là kinh tế Hoa Kỳ chao đảo. Đầu tháng 10 vừa qua, tổng thống Bush phải ban hành kế hoạch 700 tỷ mỹ kim để cứu nguy đất nước. Việc này có ảnh hưởng lớn tới Canada. Ngày xưa Thủ tướng Trudeau đã nói một câu chí lý: Hoa Kỳ như một anh khổng lồ. Anh chỉ cần hắt hơi một cái là người em láng giềng Canada bị cảm nặng ngay. Chuyện kế tiếp là tháng Mười Một, Hoa Kỳ đã có tổng thống mới. Hy vọng một vận hội mới đang bắt đầu.

Còn đất nước gấm hoa Canada này, giữa tháng Mười có tổng tuyển cử bầu lại quốc hội, và đảng Bảo Thủ đã thắng. Ông Harper tiếp tục làm thủ tướng.

Rồi anh John quay vào Ông ODP xin ông bàn về thời sự VN. Ông bồ chữ này nói ngay: Quê hương chúng ta chả có gì đổi mới trong năm qua. Đất nước vẫn nằm dưới sự cai trị hà khắc của đảng CS, 600 tờ báo trong nước vẫn bị dảng CS bịt mắt và bịt miệng, Hội Nhà Văn vẫn bị nhà nước chỉ đạo, Trung Cộng cướp đất cướp biển mà đảng CSVN vẫn ngậm miệng nín khe. Xin tổ tiên phù hộ chúng con. Xin cụ Hồ Quý Ly phù hộ chúng con.

Nói đến đây rồi ông ODP cười hà hà. Ông bảo đọc sử, ông mê Hồ Quý Ly quá nên ông cầu với cụ là thế. Ông giải thích: Hồ Quý Ly bị mang tiếng là cướp ngôi nhà Trần, nhưng nói cho công bằng, nhà Trần đã đi vào mạt vận. Hồ Quý Ly lên ngôi đã làm được bao nhiêu việc kỳ diệu, trước đó và sau đó chưa hề có vua nào dám làm: Hồ Quý Ly mở kỳ thi tuyển nhân tài, trong bài thi có môn toán pháp, Hồ Qúy Ly phát hành tiền giấy, Hồ Quý Ly lập ra nhà thương chữa bệnh cho dân, Hồ Quý Ly đặt ra nhã nhạc cho dân vui vẻ đình đám. Hồ Quý Ly định quyền sở hữu đất đai, không ai được quyền tư hữu qúa 10 mẫu ruộng. Ông làm vua chỉ một năm rồi nhường ngôi cho con để chứng minh ông không tham quyền cố vị. Tiếc rằng giặc phương Bắc đã tràn xuống đốt phá đất nước chúng ta. Giá mà Hồ Quý Ly còn làm vua thì dân tộc VN đã hùng cường biết chừng nào.

Thấy phe các bà thường không thích chuyện liên hệ tới chính trị mà chỉ thích nghe những chuyện về tình yêu và hạnh phúc, ông Từ Hoè người viễn tây xin đổi đề tài. Ông xin bàn về chuyện thần tiên. Rằng trong các chuyện cổ tích đông tây có rất nhiều chuyện liên hệ tới các bà tiên. Bà tiên là người hay hiện ra cứu người tuyệt vọng. Bà tiên trong các chuyện cổ tây phương đều thuộc giới thần linh, ở bậc cao. Còn bà tiên trong nhiều chuyện cổ VN thì không ở cấp cao, không ở vai bà già, mà ở vai thiếu nữ kiều diễm, và lạ lùng thay, các nàng tiên ai cũng mê con trai VN. Chứng cớ là nàng tiên Giáng Kiều từ trong tranh bước ra đã yêu thày khóa Tú Uyên ở phường Bích Câu, Hà Nội. Hai người lấy nhau rồi đẻ con. Sau bao ngày hạnh phúc ở trần gian, Giáng Kiều và Tú Uyên đã cỡi hạc về trời. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai là nàng tiên Giáng Hương đã yêu quan huyện Từ Thức ở Thanh Hóa. Nàng tiên đã dẫn chàng nhập thiên thai. Chàng ngụp lặn trong hạnh phúc. Nhưng rồi vì nhiều hạnh phúc qúa, chàng thấy ngấy. Chàng nhớ trần gian qúa nên đòi về trần gian, thế là mất luôn Giáng Hương. Chuyện thứ ba cũng là chuyện tình, chàng nông dân nghèo Ngưu Lang lấy được nàng tiên Chức Nữ do số may. Thửơ đó các nàng tiên trên trời ưa xuống trần gian tắm nhờ. Chắc nước ở thiên đình không mát bằng nước ở trần gian. Một buổi kia do duyên may Ngưu Lang bắt gặp Chức Nữ đang tắm lồ lộ trong hồ, chàng bèn giấu biệt đôi cánh và quần áo của tiên nga. Họ nên duyên vợ chồng. Hai người đang sống trong hạnh phúc thì Ngọc Hoàng ra lệnh triệu Chức Nữ về tiên giới. Hai người khóc hết nước mắt. Thương tình, Ngọc hoàng cho đôi trẻ mỗi năm được gặp nhau một tháng, vào tháng bảy mưa ngâu.

Kể đến đây xong, ông Từ Hoè lại cười hà hà rồi hỏi mọi người 2 câu: Chỉ ở VN thì tiên mới hiện ra dưới dạng thiếu nữ xinh đẹp, còn ở các nước khác bao giờ tiên hiện ra cũng dưới dạng bà già. Tại sao? Chỉ có con trai VN mới lấy được tiên làm vợ. Tại sao ?

Chị Ba Biên Hòa lúc này mới lên tiếng. Bữa nay là ngày tết nên Chị Ba vừa cười vừa nói, trông dễ thương làm sao. Chị nói: Sở dĩ tiên chỉ lấy chồng là người VN vì chỉ có liền ông VN đẹp trai và dễ thương mà thôi. Nghe đến đây thì phe liền ông trong làng vỗ tay râm ran và cười rất hả hê sung sướng. Chưa bao giờ Chị Ba gây được tiếng cười lớn như vậy. Chị Ba để cho cả làng cười nói vui sướng xong, rồi xin nói tiếp: Khi cần phải cứu giúp liền ông con trai VN lâm nạn thì tiên hiện ra dưới dạng thiếu nữ xinh đẹp. Còn khi cần phải cứu giúp nạn nhân là liền bà chúng tôi thì tiên bao giờ cũng hiện ra dưới dạng bà già. Chuyện Tấm Cám kể rất rõ là bà tiên hiện ra với cô Tấm chứ không phải cô tiên hiện ra. Chuyện Tấm Cám của ta đã đẻ ra chuyện Cô Gái Lọ Lem Cinderella bên tây. Trong truyện Cinderella thì chỉ có bà tiên chứ không có cô tiên. Các bạn nhớ kỹ nha, bên trời tây chỉ có bà tiên gìa mà thôi.

Hai cô Huế Cao Xuân và Tôn Nữ nghe chuyện tình yêu với tiên thì sung sướng lắm, bèn lên tiếng xin Chị Ba tiếp tục kể nữa. Chị Ba lắc đầu và chuyền trái banh cho chồng. Anh John vui vẻ nhận lời ngay, anh xin kể thay cho vợ: Đây là chuyện cổ của người da trắng bên tây. Rằng có chàng tiều phu kia vào rừng đốn củi. Anh ta đánh mất cái rìu đốn củi nên ngồi khóc hu hu. Bà tiên hiện ra và đầu tiên đưa cho anh cái rìu bằng vàng. Anh ta không dám nhận. Bà lại đưa cho anh cái rìu bàng bạc, anh ta vẫn không dám nhận. Sau cùng bà đưa cho anh cái rìu cũ, anh nhận ngay. Vì anh tiều phu thực thà nên bà tiên cho anh cả 3 cái rìu. Kể đến dây xong, anh John bảo hết truyện và kết luận giống y như vợ: bên tây chỉ có các bà tiên, và bà tiên thì chỉ cứu nguy chứ không hóa thân ra cô tiên và làm vợ người trần gian như ở VN.

Cô Cao Xuân liền phát biểu: Như vậy thì rõ ràng tiên bên tây khác tiên bên đông. Rõ ràng đông là đông, tây là tây, đông tây không bao giờ gặp nhau, đúng như nhà thơ Kipling đã nói khi xưa. Cô Huế này đã lạc đề, làng đang bàn về tình yêu giữa các nàng tiên và trai VN, nay cô nói sang chuyện văn học. Nhưng thôi cũng được đi. Ngày tết vui mà.

Lời phát biểu này đã chạm tới cái kho kiến thức của ông ODP.

Bồ chữ ODP nói ngay: Xưa nay chúng ta đã trích dẫn thiếu sót và hiểu sai cái ý chính của tác giả Rudyard Kipling ( 1865 – 1936 ). Kipling là một thi hào nước Anh đầu tiên được giải Nobel về văn chương. Ông sáng tác một bài thơ dài 100 câu đề cao sự thông cảm giữa hai nếp sống đông phương và tây phương. Bài thơ kể chuyện cuộc đấu gươm giữa một tù trưởng A Phú Hãn và một quân nhân người Anh. Cuộc đấu kết thúc với màn hai đấu thủ bỏ gươm vì cảm phục nhau.

Câu thơ mà cô Cao Xuân vừa trích dẫn là câu đầu của bài thơ mang tên ‘ The Ballad of East and West ’ ( Bài Hành Đông Tây ):

Oh, East is East, West is West, and never the twain shall meet,
Till Earth and Sky stand presently at God’s great Judgement Seat,
But there is neither East nor West, Border, nor Breed, nor Birth,
When two strong men stand face to face,
Tho’ they come from ends of the earth !


Nhà thơ Anh Vũ đã dịch như sau:

Mãi mãi Đông Tây còn khác biệt
Đến phút giây Phán Xét sau cùng
Nhưng hảo hán, trận tiền, đối mặt
Thì xá gì nguồn cội Tây Đông !


Nghe đến đây thì ông H.O. cắt ngang: Một biểu tượng Đông Tây giao hòa với nhau tuyệt vời nhất chính là mối tình giữa anh John với Chị Ba Biên Hoà trong làng chúng ta đây, không cần gì phải tìm trong thơ Kipling, phải không ạ? Ông H.O. chưa nói hết câu thì cả làng đã vỗ tay râm ran. Anh chị nhìn nhau trìu mến, dễ thương hết sức.

Mọi người đang vỗ tay thì Cụ Chánh xem đồng hồ rồi vội đứng lên. Cụ báo tin sắp sang năm mới. Cụ xin mọi người chuẩn bị làm lễ giao thừa và tế tổ. Cụ đã mua sẵn một cái trống và một cái chiêng nhỏ. Cụ xin ông Từ Hoè đánh trống và ông ODP gõ chiêng. Dân làng đều kính cẩn đến trước bàn thờ. Đèn nến được thắp lên. Đèn điện trong nhà được vặn nhỏ xuống. Ai cũng cầm một cây hương. Cụ Chánh khăn đống áo dài làm chủ lễ. Sau khi niệm hương, cụ đọc lời cầu khấn với hồn thiêng sông núi và tiên tổ cả làng. Lời cụ trầm trầm giữa khói hương nghi ngút. Cụ xin cho đất nước VN thoát ách CS, người dân được ấm no, đất nước được thanh bình thịnh vượng. Cụ xin cho dân làng được thân tâm an lạc và đoàn kết thương yêu nhau. Cụ ngưng lại và mời mỗi người đến trước bàn thờ niệm hương và cầu khấn thêm.

Tôi thấy cụ B.95 và Chị Ba nước mắt hạnh phúc rưng rưng.

Khi buổi lễ chấm dứt, đồng hồ chỉ 12 giờ 30 sáng Mồng Một.

Mọi người quay vào nhau, xiết tay nhau và chúc nhau những lời thân ái nhất..

Một bình trà nóng và thơm ngát được mang ra mời mọi người. Giữa bầu không khí tinh khôi đầu năm, Cụ Chánh nhấp trà rồi nói chậm rải: Được tụ họp vui vẻ như thế này, anh em chúng ta thật là có phúc, đại phúc. Vừa rồi khi lão niệm hương trước bàn thờ, lão nhớ tới quê hương, và chợt nhớ tới hai câu thơ của học giả Hà Thượng Nhân sinh quán ngoài Bắc:

Saigon, Saigon, không là quê hương
Mà sao mình nhớ, mà sao mình thương


Và rồi ý mấy vần thơ của thi sĩ Huệ Thu:

Ta còn bánh tét, còn dưa muối
Còn bánh chưng xanh miếng mứt gừng
Ta có Việt Nam trên đất khách
Tự nhiên lòng bỗng thấy rưng rưng.


Đúng, ta có Việt Nam trên đất khách, thế còn Việt Nam trên đất mẹ thì sao đây ?

Kính chúc các cụ Năm Mới mọi phước lành.

TRÀ LŨ

ĐẦY TIẾNG CƯỜI - ĐẦY KIẾN THỨC

Nhà Xuất Bản HOA LƯ hân hạnh giới thiệu
2 sách mới của Nhà Văn TRÀ LŨ, tác phẩm thứ 11 và 12 vừa phát hành:

MIỀN ĐẤT AN LẠC
Những chuyện vui tươi dí dỏm nhất trong mấy năm qua và

500 CHUYỆN CƯỜI
những chuyện tiếu lâm đông tây kim cổ chọn lọc,
khác với 300 Chuyện Cười đã xuất bản năm 2001

Giá sách và bưu phí mỗi cuốn:

- gửi trong Canada: 25 Gia kim ( hay 23 Mỹ kim)
- gửi từ Canada sang Hoa Kỳ: 28 Gia kim ( hay 26 Mỹ kim)
- gửi từ Canada đi các nước khác: 33 Gia kim ( hay 30 Mỹ kim)

Ngân phiếu xin đề: TRÀ LŨ, 113 Kennedy Ave, Toronto, Ontario M6S 2X8 Canada
Đây là món quà trang nhã và đẹp nhất mừng Năm Mới để tặng thân nhân và bằng hữu. Xin cho chúng tôi tên và địa chỉ.