Home Tin Tức Bình Luận Quốc Sỉ và Quốc Thể

Quốc Sỉ và Quốc Thể PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Tư, 18 Tháng 2 Năm 2009 09:00

Hôm thứ tư ngày 5 tháng 11-2008, William J. Kole, một người Mỹ hiện là văn phòng trưởng hãng thông tấn AP tại thành phố Vienne, nước Áo đã nhận được một cái hôn trên xe bus của một thiếu nữ không quen biết, khi người này nhận ra ông là người Mỹ. Đó là ngày tại Hoa Kỳ, ông Barack Obama, một người Mỹ gốc Phi Châu vừa đắc cử Tổng Thống. Hình ảnh của nước Mỹ đã làm xúc động thế giới và người Mỹ đã được thương yêu tôn trọng vào thời điểm ấy. Một vài đồng nghiệp của ông ở Ai Cập và Jordan cũng được chào đón như thế vì Hoa Kỳ trong giây phút ấy là một quốc gia dân chủ, không có kỳ thị chủng tộc, và ai là người Mỹ cũng được thơm lây.

Sau những phút huy hoàng ấy, ông William J. Kole cũng không giấu giếm kể lại, vì ông là người Mỹ, có những ngày ông bị chất vấn, khinh bỉ, xa lánh như thế nào khi thế giới biết về vụ Mỹ hành hạ tù nhân ở Guantanamo, khi Mỹ công nhận độc lập của Kosovo làm bất bình những người Serbia hay về những chính sách của nước Mỹ làm phật lòng quốc gia này hay dân tộc khác trên thế giới. Ông Kole đã dạy con đừng nói tiếng Anh quá lớn khi xuống tàu điện, đừng đội mũ lưỡi trai, mặc quần jean hay đi dày tennis, nhất là tránh chuyện đi một mình để có thể gặp một nhóm người bài Mỹ nào đó trên một con đường vắng. Không như quan niệm rằng người Mỹ lúc nào cũng ngon lành được đón tiếp vì đồng đô la, ông Kole tiết lộ ở Serbia ông nhận ông là người Đức, ở Thổ Nhĩ kỳ ông nói ông là người Pháp và ở Áo, ai hỏi thì ông nói ông là người Hòa Lan, “khi dơi, khi chuột” vì ông nói được ba ngoại ngữ trôi chảy. Như vậy, người Mỹ cũng đôi khi cảm thấy xấu hổ vì hình ảnh của nước Mỹ, nếu không, ông đã nói: “OK! Tao là người Mỹ đây, có sao không?”

Vào tháng 4-2008, tại Hà Nội hàng nghìn người đổ về khu triển lãm Giảng Võ trong ngày lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản. Nước Nhật đã chở sang đây ba cây hoa Anh Đào lớn và trình diễn các tiết mục văn hóa truyền thống của Nhật Bản, nhưng người Hà Nội đã đáp lễ với phong cách “văn hóa Việt Nam” bằng cách chen lấn nhau vặt lá, ngắt hoa, bẻ cành, tàn sát ba cây hoa Anh Đào không thương tiếc khiến người Nhật ngẩn ngơ mà người Việt có lương tri cũng phải xấu hổ. Nếu “người Hà Nội” biết rằng người Mỹ đã cư xử như thế nào với 3,750 cây hoa Anh Đào đã hiện diện trên bờ Tidal Basin gần 100 năm nay hẳn phải hổ thẹn về hai chữ “dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến” mà họ thường nói ở đầu môi.

Sau vụ này, nếu bạn là người Việt Nam đang ở Nhật, nơi người Nhật đã tỏ sự khinh bỉ các giới chức trong chính phủ Việt Nam ăn hối lộ ngay trên công trình Nhật đang giúp, hay hết thẩy nhân viên Vietnam Airlines bay đến Nhật đều buôn lậu, bạn sẽ nói mình là người Thái lan. Nếu ở Nam Phi, nơi có nhân viên tòa Đại Sứ Việt Nam buôn lậu sừng tê giác, bạn sẽ nhận mình là người Tàu. Nếu bạn đang ở Nam Dương, nơi có các cô gái đứng trong chậu cá, bạn sẽ nhận mình là người Miên. Hy vọng là bạn sẽ thành thạo vài thứ tiếng Đông Nam Á để “tránh miểng” trong những trường hợp như thế, mà không phải ú ớ khi có người hỏi dồn bạn một vài câu bằng tiếng Thái, Tàu hay Nam Dương.

Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, Ngô Quang Kiệt trong bài phát biểu ngày 20-09-2008 đã nói rằng: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét…”. Đây là lời tố cáo sắc bén nhắm vào chế độ Cộng sản. Người nước ngoài đã nhìn ông như thế nào để ông cảm thấy “nhột nhạt” khi người ta biết ông là người Việt. Lời nói này đã bị chính quyền Cộng Sản cắt xén một cách ác ý để lên án, nhưng phải chăng lúc nào chúng ta cũng phải hãnh diện về đất nước của mình. Dân biểu Cao Quang Ánh, dù là một người Mỹ gốc Việt, ông vẫn có quyền lên án những điều xấu xa đang xẩy ra trên quê hương của ông. Thật là lố bịch và kém hiểu biết khi Đại sứ Việt Cộng tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, đã chỉ trích dân biểu Cao Quang Ánh, qua đài BBC, bằng lối nói ví von: “Dù cho ông Obama có làm đến tổng thống thì ông ấy vẫn là người gốc Kenya”. Nghĩa là vì là người Việt ông Dân Biểu họ Cao không có quyền nói đụng chạm đến Việt Nam, cũng như Tổng Thống Barack Obama đã là gốc Kenya thì cái gì thuộc về Kenya đều tốt đẹp cả.

Thật ra bạn không có trách nhiệm gì về đường lối ngoại giao của một quốc gia hay cái xấu của nhà cầm quyền, thậm chí là những điều sai trái đáng lên án của một số người cùng chung một quốc gia với bạn, nhưng thán phục hay khinh bỉ, kỳ thị một đất nước nào, đó là quyền của tất cả mọi người. Điều này chỉ cần thể hiện qua ánh mắt hay cử chỉ của người đối diện, cũng đủ làm đau lòng chúng ta. Cái nhìn của quan thuế Nhật vào thời điểm này cũng dành cho người Việt đến Nhật như thế.

Người Cộng Sản thường hay nhầm lẫn hay cố ý “đánh lận con đen” khi cứ một mực lên án những người phê bình chính thể Cộng Sản tại Việt Nam là “chống lại tổ quốc, chống lại đồng bào”. Họ đã gian lận khi bán món hàng Cộng Sản kèm theo với chuyện giành độc lập, nay lại nhập nhằng chế độ Cộng Sản đồng nghĩa với tổ quốc Việt Nam.

Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Dân Biểu Cao Quang Ánh hay cả với chúng ta đều có thể phê phán đất nước của mình, đó không phải là “chống lại tổ quốc” mà vì mối nhục quốc thể. Và nếu ai cũng vì quốc thể, ai cũng muốn làm điều tốt để không ai có thể phê phán hay làm nhục đất nước mình, hay đánh giá đất nước sau lưng mình thì đất nước ấy hẳn phải tốt đẹp nghìn lần. Không có quốc sỉ thì làm sao giữ được quốc thể!

Phần tôi, là người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ, tôi phải làm sao đây khi có bao nhiêu người bản xứ và người ngoại quốc nhìn vào, từ trên đường phố, trong tiệm ăn, lối lái xe trên đường, cách ăn nói, cư xử, y phục, vì thật tình tôi không bao giờ muốn nhận vơ tôi là người Đại Hàn, Thái Lan hay Cao Miên.