Home Tin Tức Bình Luận Hoan hô ‘Ông Tổng Thống!’

Hoan hô ‘Ông Tổng Thống!’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Hai, 12 Tháng 10 Năm 2009 12:09

Không phải vì Tổng Thống Obama mới được trao giả Nobel Hòa Bình mà chúng tôi vội vã viết bài suy tôn!

 Liên tiếp mấy tuần nay, giới chính trị gia và lãnh tụ các tổ chức thuộc phe Cộng Hòa và bảo thủ lại được một cơ hội bằng vàng để tấn công Obama vì một đoạn phim chiếu cảnh học sinh tại trường tiểu học Bernice Young tại thành phố Burlington tiểu bang New Jersey đồng ca một bài hát có nội dung hoan hô tổng thống. Bài hát nhan đề là “Dear Leader”, có thể dịch là “Lãnh Tụ Mến Yêu” theo kiểu Bắc Hàn hay Việt Cộng cũng được, nhưng chữ lãnh tụ ở các nước này, nghĩa đã xấu đi nhiều, không như chữ Leader ở đây. Bài hát nhắc đến tên Barack Hussein Obama nhiều lần và đoạn cuối có các câu: “Chào tổng thống, chúng ta vinh danh ông hôm nay. Vì những thành đạt của ông, chúng ta đồng thanh hoan hô. Hoan hô tổng thống, ông là nhất. Người da đen đầu tiên lãnh đạo đất nước này” (Tôi không muốn dịch chữ Mr. President ra Ngài Tổng Thống theo ngôn ngữ ngoại giao “nịnh bợ” trong nước).

Ðoạn phim này không phải phát xuất từ Phủ Tổng Thống (Tòa Bạch Ốc) hay Nha Chiến Tranh Tâm Lý Việt Nam thời Trung Tá Nguyễn Văn Châu. Ðoạn phim này được quay khi tác giả cuốn sách nhi đồng có tựa “Tôi là Barack Obama,” Charisse Carney-Nunes đến thăm trường Bernice Young vào Tháng Ba năm nay.

Thế nhưng không hiểu sao cuốn phim lại được phổ biến trên YouTube nhiều tháng sau đó, làm cho các tay viết mạng (blogger) của đảng Cộng Hòa liên tiếp lên tiếng phản đối. Michelle Malkin kết luận: “Thôi rồi học đọc, học viết, học toán; bây giờ là hát vè, cách mạng và cực đoan.” Tucker Carlson trên đài tin tức Fox, một đài của phe bảo thủ, gọi đoạn phim là một “thứ Khờ Me đỏ thuần túy.” Riêng chủ tịch đảng Cộng Hòa toàn quốc thì gọi nó là, “loại tuyên truyền ta chỉ thấy ở nước Nga của Stalin và Bắc Hàn của Kim Chính Nhật Ðệ II.”

Thế thì xuất xứ của bài “Hoan hô Ông tổng thống” này là thế nào? Giám đốc học khu của trường Bernice Young cho biết bài hát do một giáo viên viết cho học sinh sinh hoạt nhân “tháng lịch sử của người da đen”, và trong bầu không khí “phấn khởi toàn quốc khi nước Mỹ có vị tổng thống Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên.”

Lời của bài hát cũng đã được gởi về nhà cho cha mẹ duyệt trước khi cho con mình tham gia vào dàn đồng ca.

Thế thì chắc đây không phải là âm mưu của Tòa Bạch Ốc như giáo sư chính trị học Richard Harris từ Ðại Học Rutgers đã nhận định về chuyện này, “nhồi sọ là một nỗ lực liên tục và có hệ thống nhằm phục vụ một chiến lược... một chương trình được hoạch định hay quản trị bởi một tổ chức hay chính quyền.”

Ðối với chúng ta, những người đã bỏ nước ra đi vì không chấp nhận các trò độc tài toàn trị trong đó có màn đánh bóng tô hồng thậm chí thần thánh hóa lãnh tụ trong chế độ Cộng Sản, mọi nỗ lực xưng tụng lãnh tụ được cho là bày trò bởi “ban tuyên huấn” Tòa Bạch Ốc thời nay chắc chắn là khó tin. Chỉ có những quốc gia mà dân trí thấp mới có chuyện thần thánh hóa lãnh tụ như ngày xưa các bộ lạc quỳ sụp trước các vị phù thủy biết nuốt lửa hay chặt dao vào mình không chảy máu hoặc biết thư ếm. Chúng ta cũng biết thời Cộng Sản thời chống Mỹ, thần tượng Hồ Chí Minh được lên bàn thờ thay cho Ông Bà Tổ Tiên, và tất cả văn nghệ sĩ như loại Tố Hữu, Hoài Thanh đều được khuyến khích hay bị lôi cuốn vì quyền lợi, ngay cả như Phạm Tuyên con của học giả Phạm Quỳnh đã bị Việt Cộng xử tử, vẫn lớn họng suy tôn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, để kết luận bằng những câu khẩu hiệu: “Việt Nam-Hồ Chí Minh Muôn Năm! Muôn Năm!” hay “Từ làng Sen đã tỏa làn hương thơm ngát. Buông mát tên thanh bạch Hồ Chí Minh!”

Sinh sống ở cái xứ dân chủ và tự do thông tin này ngót nghét cũng đã gần 35 năm, cộng đồng Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản đã có dịp chứng kiến sự sụp đổ của khá nhiều “thần tượng,” đã trưởng thành hơn để không cần tìm một lãnh tụ làm “ánh sáng soi đường”, huống gì một dân tộc như Hoa Kỳ đã có một nền dân chủ hơn 300 năm nay.

Ngày nay chúng ta đã tiến những bước dài trong việc loại bỏ dần những thần tượng hay lãnh tụ một thời, trong lịch sử loài người hay trong một đời người. Chắc các bạn cũng nhớ tới những tháng ngày tuổi trẻ, mê mệt với những thần tượng khác nhau, người thì một cô ca sĩ, kẻ thì một ông thầy ông cha hay một lãnh tụ đảng phái nào đó. Càng được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin và càng “già” đi, chúng ta càng giảm bớt những huyễn hoặc về nhiều dạng thần tượng và lãnh tụ khác nhau. Sự trưởng thành này có lẽ không chỉ đến từ những kinh nghiệm trong cuộc sống mà còn đến từ sự độc lập hơn trong cuộc sống, khả năng đánh giá nguồn thông tin và cả sự gần gũi, không như cuộc sống của thần tượng bị bưng bít, xa rời, che phủ như thời kỳ bộ lạc hay như trong các nước nghèo đói, bán khai hay độc tài.

Ngày nay, ngay như ở Việt Nam, dù đảng hay Bộ Chính Trị có mở chiến dịch hay ép buộc toàn dân thần tượng hóa một nhân vật nào đó, cũng không ai công nhận và mê muội như ngày trước nữa.

Theo đúng luật của Hoa Kỳ thì tất cả những hành động quay phim chụp hình sinh hoạt trong trường có học sinh cho mục đích phổ biến công cộng đều cần phải có sự chấp thuận của phụ huynh và quý vị phụ huynh đã đồng ý về việc này. Cũng phải hiểu rằng bài hát này được sáng tác trong bối cảnh “tháng lịch sử của người da đen”.

Thế nhưng với tinh thần “business” của xứ Mỹ, đảng Cộng Hòa đã tận dụng khai thác vụ này. Họ đã gởi một email tới các ủng hộ viên tố cáo đoạn phim trên là chủ nghĩa cuồng tín. Cũng được đi, nhưng sau đó lại lợi dụng sự xúc động này để kêu gọi mọi người gởi tiền về đóng góp cho quỹ tranh cử của đảng. Trong lá điện thư này, chủ tịch đảng Cộng Hòa viết, “Hãy xem đoạn phim trẻ em hát lời ca ngợi Barack Obama mà giáo viên đã dạy cho các em học sinh, xin chia sẻ chuyện này với bạn bè, gia đình, hàng xóm và bất kỳ ai mà bạn nghĩ có thể quan tâm về việc này. Rồi đóng góp 10, 25, 50 hay 100 đô để ủng hộ nỗ lực của đảng Cộng Hòa trong việc đấu tranh chống thứ tuyên truyền khuynh tả này và bầu nhiều cho ứng viên Cộng Hòa vào năm tới và các năm kế tiếp.” Thật là tử tế nhân nghĩa, lo cho dân, cho nước.

Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, từ lâu đã có nạn chụp mũ Cộng Sản, nôm na là “liệng nón cối”, nhưng từ ngày nước Mỹ có một ông tổng thống da đen đầu tiên, chúng ta lại thấy nhiều chuyện chụp mũ khác như là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng Sản, lấy của người giàu đem phát cho người nghèo trong vụ cải tổ bảo hiểm y tế toàn dân. Bây giờ lại từ một bài hát trẻ con ở một ngôi trường tiểu học xa xôi nào đó bên miền Ðông mà người ta làm như chuyện tày trời, ví von ông Obama với ông Kim Chính Nhật.

Có chuyện gì mà ầm ĩ lên thế! Các ông thực lòng yêu nước hay yêu đảng? Chơi nhau như thế thì nặng tay hơn cả đối với kẻ thù.