Home Tin Tức Bình Luận Ðồng đô la vẫn là vua

Ðồng đô la vẫn là vua PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Tư, 14 Tháng 10 Năm 2009 20:20

 Tuần rồi, một mẩu tin trên tờ nhật báo The Independent ở Luân Ðôn đã làm đồng đô la sụt giá, vàng lên giá và cả thế giới tài chánh náo loạn.

Sang đến ngày Thứ Năm trước tình trạng đồng tiền của mình tiếp tục tăng giá so với đô la, một loạt các quốc gia từ Trung Quốc qua Nga đến cả Thái Lan và Indonesia hốt hoảng bỏ tiền ra mua đô la. Reuters loan tin là nội trong tuần qua, Nga đã mua đến 4 tỷ đô la và chỉ nội đêm Thứ Tư, Nga đã mua 1.4 tỷ đô la. Và Nga chỉ là một trong sáu ngân hàng trung ương có hành động như vậy.

Hình minh họa. (Hình: GABRIEL BOUYS/AFP/Getty Images)

 Tuần rồi, một mẩu tin trên tờ nhật báo The Independent ở Luân Ðôn đã làm đồng đô la sụt giá, vàng lên giá và cả thế giới tài chánh náo loạn.

Sang đến ngày Thứ Năm trước tình trạng đồng tiền của mình tiếp tục tăng giá so với đô la, một loạt các quốc gia từ Trung Quốc qua Nga đến cả Thái Lan và Indonesia hốt hoảng bỏ tiền ra mua đô la. Reuters loan tin là nội trong tuần qua, Nga đã mua đến 4 tỷ đô la và chỉ nội đêm Thứ Tư, Nga đã mua 1.4 tỷ đô la. Và Nga chỉ là một trong sáu ngân hàng trung ương có hành động như vậy.

Vấn đề theo giải thích của Reuters là vì họ muốn làm cho đồng tiền của họ sụt giá so với đồng đô la để mong hàng hóa của họ có khả năng cạnh tranh. Với mức cầu trên thế giới sụt giảm, nền kinh tế Hoa Kỳ tuy hồi phục nhưng vẫn còn yếu kém, các quốc gia này, vốn trông cậy vào bán hàng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, bị tổn hại nặng nếu đồng bạc họ tăng giá so với đồng đô la.

Vậy câu chuyện khởi đầu ra sao. Ðầu tiên, hôm Thứ Ba, Robert Fisk, một phóng viên của tờ The Independent, một tờ nhật báo đang sa sút ở Anh, tung ra một bài với cái tựa đề giật gân “Sự sụp đổ của đồng đô la” và tiểu đề “Trong một bằng chứng hiển hiện của một trật tự thế giới mới, các quốc gia Ả Rập tung ra những biện pháp bí mật với Trung Quốc, Nga và Pháp để không dùng đồng đô la trong việc mua bán dầu thô”.

Nhưng đọc kỹ bài này thì phải nói là “nói vậy mà không phải vậy”. Website Politico nhận xét là bài báo của ông Fisk đưa ra một cách mơ hồ “các nguồn tin Ả Rập vùng vịnh và các nguồn tin ngân hàng Trung Quốc ở Hồng Kông” cùng với một lời dẫn vu vơ từ “một nhà mại bản ngoại tệ nổi tiếng ở Hồng Kông.” Bài báo không đưa ra tên tuổi một viên chức nào được nói đã tham dự cuộc họp mật của các quốc gia Ả Rập. Bài báo cũng không cho biết cuộc họp đã xảy ra ở đâu. Ngoài việc nói là dự định ngưng dùng đồng đô la để mua bán dầu thô vào năm 2018, bài báo không có bao nhiêu chi tiết rõ rệt.

Mọi người đổ xô vào lục Wikipedia xem ông Fisk là ai thì được biết ông ta là một phóng viên quốc tế thường trú ở Beirut từ hơn 30 năm nay và có được một lô giải thưởng của ngành báo. Ông ta là một trong số rất ít nhà báo đã phỏng vấn Osama bin Laden đến ba lần và ông ta đã từng bày tỏ nghi ngờ là chính phủ Hoa Kỳ có những bí mật chưa tiết lộ về vụ tấn công 11 Tháng Chín. Trong một bức thư gửi các nhà đầu tư, phân tích gia của ngân hàng Royal Bank of Scotland kết luận “Fisk là một phóng viên lão thành của vùng Trung Ðông... ông ta ngày càng có liên hệ với những lý thuyết cực đoan, thành ra đã làm cho câu chuyện khá khó tin.” Dĩ nhiên, câu hỏi vẫn còn được đặt ra là ai đã cung cấp cho ông Fisk tin này và liệu họ có ác ý muốn tấn công đồng đô la hay không.

Và dĩ nhiên trong một bầu không khí mà các nhà mại bản đang nhấp nhổm như ngồi trên lửa, với liên tiếp trong năm nay hết Trung Quốc lại đến Nga và một số viên chức khác công khai nói đến việc tìm một đồng tiền khác thay thế đồng đô la để làm bản vị cho tiền tệ quốc tế, thì dĩ nhiên một bài vu vơ như bài cũng ông Fisk cũng đủ gây chấn động.

Bình thường thì đồng đô la vững như bàn thạch. Nhưng nay đồng đô la đang trong thế yếu với nền kinh tế Hoa Kỳ đang suy thoái, thành ra chỉ một lời đồn đãi trong một bài báo mơ hồ đã tạo hốt hoảng.

Những tĩnh trí lại thì sự thật như tờ The Finantial Times nhận xét “Phải có một cuộc cách mạng mới có thể lật đồng bạc xanh”. Nhận xét rằng tuy ông Lý Tiểu Xuyên, thống đốc Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) cũng như Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đưa ra những lời tuyên bố tỏ ra nghi ngờ về vai trò trữ kim của đồng đô la và đề nghị thay thế đồng này bằng Special Drawing Rights (SDRs) của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nhưng chính Trung Quốc cũng không sử dụng SDRs để thay thế đồng đô la. Họ có thể đơn phương làm vậy nhưng không những không làm, Trung Quốc ngược lại còn tiếp tục đi mua đô la.

Có thể như ông Lý nói, Trung Quốc muốn trong SDRs có thêm các đồng tiền khác ngoài đô la, Euro và yen, chẳng hạn như đồng nguyên của họ. Nhưng nếu muốn làm vậy thì Bắc Kinh phải để cho đồng nguyên hoàn toàn tự do hoán chuyển. Cho đến nay Bắc Kinh vẫn từ chối vì sợ là cũng như đồng đô la, một khi tự do hoán chuyển thì có lúc người ta mua thì cũng có lúc người ta bán và lúc đó thì Trung Quốc sẽ mất tài sản và mất quyền kiểm soát. Và nếu nói SDRs không phải thực sự là một trữ kim thì Trung Quốc có thể chia ra mua thêm các đồng tiền khác như Euro hay yen nhất là khi đây là hai bạn hàng chính của họ. Nhưng Bắc Kinh không làm vậy.

Vấn đề là Trung Quốc hiện được nghĩ là đang giữ khoảng 1,500 tỷ đô la trữ kim, hầu hết là dưới hình thức công khố phiếu của chính phủ Hoa Kỳ, kết quả của một thập niên thặng dư mậu dịch. Dĩ nhiên sự việc là Bắc Kinh nắm giữ một số nợ khổng lồ như vậy khiến Washington gặp khó khăn bởi Washington sẽ cần Bắc Kinh tiếp tục cho vay. Nhưng ngược lại, Bắc Kinh cũng không có lựa chọn nào khác. Bởi nếu bán ra thì họ sẽ làm đồng đô la sụt giá, khiến cho họ bị lỗ một số tiền lớn. Khi tài sản mình nằm trong một đồng tiền, làm cho đồng tiền đó sụt giá chẳng có lợi gì cả.

Vả lại muốn SDRs trở thành trữ kim thì Quỹ Tiền Tệ phải trở thành một ngân hàng trung ương, có những quyết định của một ngân hàng trung ương kể cả việc in ra bao nhiêu chứng phiếu SDRs và cung cấp bao nhiêu SDRs cho mỗi quốc gia. Việc này có nghĩa là cũng như với đồng Euro, các quốc gia tham gia phải từ bỏ khá nhiều quyền kinh tế và tài chánh, một điều mà khó thấy Trung Quốc và các quốc gia tiểu long chấp nhận.

Phải nói là mặc cho những đồn đoán ồn ào, mà một đôi khi có thể có ẩn ý tấn công đồng đô la, cho đến nay, chưa có đồng tiền nào có thể thay thế đô la. Ðã có lúc người ta nói đến đồng Euro nhưng với các nền kinh tế trong khối Euro còn bết bát thì khó ai chấp nhận. Ðồng yen còn yếu hơn thế nữa.

Và vì thế, mặc cho các nhà mại bản, các viên chức thậm thụt, than phiền, tức tối, đồng đô la vẫn là vua.