Home Tin Tức Bình Luận Bịt miệng lịch sử?

Bịt miệng lịch sử? PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Năm, 22 Tháng 10 Năm 2009 07:51

Sau 30.4.1975 nhiều người Việt ở miền Nam thường nhắc đi nhắc lại câu nói sau đây của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được coi như là một thứ chân lý: "Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm!"

Điều đáng tiếc là khi dạy người khác như vậy, chính ông Thiệu lại không biết “nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm” và “Đồng Minh” làm, cứ hành động theo cảm tính và sự suy nghĩ nông cạn của mình, để miền Nam bị mất một cách quá tức tưởi! Ngay cả khi Kissinger qua Trung Quốc “bàn giao” miền Nam cho Mao Trạch Đông, ông cũng không hề “ngửi thấy” được gì hết!

Một số người cho rằng miền Nam mất là do Mỹ bỏ. Nhưng vấn đề được đặt ra là tại sao Mỹ không bỏ Đài Loan hay Đại Hàn mà bỏ VNCH? Nghe đoạn băng ghi lại cuộc nói chuyện giữa Tổng Thống Nixon và Cố Vấn Kissinger vào ngày 3.8.1972, chúng ta mới hiểu được các nhà lãnh đạo Mỹ đã nghĩ như thế nào khi quyết định bỏ miền Nam. Tất cả có thể được rút gọn lại trong một chữ mà Kissinger đã dùng: “Incompetence” (Sự bất lực)!

Thật ra, hai chữ “Corruption and Incompetence” đã được người Mỹ dùng khá nhiều trong các bài nhận định về cơ cấu chính quyền miền Nam.

VNCH có một quân đội rất thiện chiến và anh dũng, có tinh thần chống cộng rất cao, được trang bị bằng những võ khí tối tân..., nhưng lại có một cấp lãnh đạo quốc gia quá yếu kém về cả chính trị lẫn quân sự, nên đã để mất miền Nam. Trong loạt bài kéo dài tới đây, chúng tôi sẽ nói rõ từng vụ việc, từ vụ giết Phạm Ngọc Thảo, dùng Huỳnh Văn Trọng nói chuyện với MTGPMN rồi bỏ rơi Huỳnh Văn Trọng khi CIA khám phá ra... Có nhiều người cần biết những sự thật này thì cũng nên cho biết.

Trong bài trước chúng tôi đã đưa ra những tài liệu với nhiều chi tiết chứng minh Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu và Sư Đoàn 5 do ông chỉ huy là lực lượng chính được CIA dùng để lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đưa miền Nam vào những ngày đen tối. Có thể nói, không có Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu và Sư Đoàn 5, CIA không thể tổ chức được cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963.

LẤY NÓN CỐI ÚP LỊCH SỬ

Người Việt có câu tục ngữ “Lấy thúng úp voi”, tức cố che giấu một chuyện không thể che giấu được. Ca dao cũng có câu:

Cha đời lấy thúng úp voi,

Úp qua, úp lại cũng lòi cái đuôi.

Mặc dầu vậy, hiện nay có nhiều người còn hành động khôi hài hơn, đó là “lấy nón cối úp lịch sử” hay “lấy nón cối úp sự thật”!

Trong 34 năm qua, thỉnh thoảng Bộ Ngoại Giao và cơ quan CIA của Mỹ đã cho giải mã dần những tài liệu mật liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, số tài liệu này hiện nay đã lên đến trên nữa triệu trang. Ngoài ra, các cuộc khảo cứu của các học giả và các sử gia cũng đã khám phá ra rất nhiều sự kiện lịch sử mới liên quan đến cuộc chiến này. Những tài liệu đó đã giúp chúng ta nhìn lại lịch sử cuộc chiến Việt Nam một cách chính xác hơn.

Tuy nhiên, nhiều người không chịu nghiên cứu, không đọc tài liệu, cứ suy nghĩ và lập luận theo cảm tính và cảm tình cá nhân, bất chấp lịch sử đã thật sự diễn biến như thế nào.

Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng cuộc chiến Việt Nam là “những chương bi thảm” đối với cả VNCH lẫn đảng CSVN, vì thế cả hai bên đều rất ghét sự thật lịch sử, và cả hai bên đều chủ trương phải viết lịch sử “theo lề đường bên phải” để che đậy những sai lầm và bảo vệ những huyền thoại đã được tạo ra. Đảng CSVN còn đưa cả huyền thoại vào sách giáo khoa để đánh lừa giới trẻ!

Ngày 24.7.2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg về các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN). Mục đích chính của quyết định này là ngăn chận các nhà nghiên cứu nói lên các quan điểm của mình liên quan đến các vấn đề “nhạy cảm”, bị coi là không phù hợp với quan điểm của chế độ. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15.9.2009.

Điều 2 của quyết định quy định rằng các ý kiến phản biện, "không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ". Điều 4 yêu cầu "rà soát lại các tổ chức KH&CN do cá nhân đã thành lập để hướng dẫn đăng ký lại hoạt động".

Để chống lại quyết định “bịt miệng” này, Viện Nghiên Cứu Phát Triển (Institutes of Development Studies, viết tắt là IDS), đã quyết định “tự giải thể” và một số cá nhân trong tập thể này đã đưa ra những lời phát biểu chống đối quyết định 97.

Hôm 14.10.2009, Văn Phòng Chính Phủ đã họp và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu xử lý "những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân" thuộc IDS. Văn Phòng này cho rằng Viện ISD đã nhận tiền của nước ngoài và có hoạt động chống đối Nhà nước".

Ở hải ngoại, tuy không có “Đảng lãnh đạo và Nhà Nước quản lý”, không có công an nhân dân... như ở trong nước, nhưng một số người, nhất là nhóm tự coi mình là “công an nhân dân chống cộng”, lúc nào cũng đòi hỏi các nhà chính trị và các cơ quan truyền thông Việt ngữ phải “đi theo lề đường bên phải”, không được nói hay viết những gì bị họ coi là “không có lợi cho việc chống cộng” hay “không có lợi cho VNCH”..., mặc dầu đó là những sự thật không thể chối cãi được. Nói một cách khác, họ muốn áp dụng tại hải ngoại một chế độ rập khuôn như chế độ toàn trị ở trong nước, một chế độ mà gần như ngày nào họ cũng đưa lên Internet hàng ngàn bài để chửi rủa đủ 36 kiểu!

Ở trong nước, những ai bất tuân, sẽ bị nhà cầm quyền dùng bạo lực để “bịt miệng”. Đây là một hình thức răn đe, ngăn cản không cho các nhà đấu tranh vượt ra khỏi “lề đường bên phải”. Tuy nhiên, bất chấp những sự răn đe, nhiều nhà đấu tranh vẫn tiếp tục nói lên lẽ phải, nói lên sự thật, bênh vực cho công lý, tranh đấu cho tự do dân chủ.

Ở hải ngoại, nhóm “công an nhân dân chống cộng” không thể xử dụng bạo lực như nhà cầm quyền CSVN, vì đây là nước Mỹ chứ không phải VNCH nối dài. Họ cũng không đủ khả năng để phản biện theo phương pháp khoa học. Thường họ chỉ nêu lên những phản biện vớ vẫn như: Tài liệu do CIA giải mã hay tác giả (như Liên Thành) công bố là tài liệu giả, đáng nghi ngờ... Tại sao nó có được những tài liệu đó? Không lẻ khi ra khỏi nước công an để cho nó mang đi hay sao? Làm sao nó có thể nhớ đúng từng chi tiết như vậy, v.v. Nhưng biện pháp phản biện cố hữu vẫn là NÓN CỐI! Cứ cãi không lại là tung NÓN CỐI.

Nhìn lại, chúng ta thấy những nỗ lực của nhà cầm quyền CSVN cũng như NHÓM SỢ SỰ THẬT ở hải ngoại đều là những nỗ lực vô vọng. Tài liệu lịch sử được tàng trử trong các thư viện và văn khố trên khắp thế giới, dù có nhập cảng hàng ngàn tấn nón cối của Việt Cộng còn lại, cũng không thể phủ lấp được. Vã lại, những người muốn che giấu sự thật cần biết rằng khoảng 10 hay 20 năm nữa, khi thế hệ của chiến tranh Việt Nam qua đi, BẠO LỰC và NÓN CỐI sẽ không còn, lúc đó ai sẽ nối tiếp “sự nghiệp” bịt miệng lịch sử của họ?

Ngày nay, hệ thống mạng lưới toàn cầu đã đi tới được những nơi hẻo lánh nhất của trái đất. Do đó, tin tức không còn bị thu nhỏ ở từng địa phương. Một bài được phóng lên từ Loan Lý, Thừa Thiên, hay từ Westminster, California, chỉ vài phút sau đã đến được với cộng đồng người Việt và cơ quan truyền thông Việt ngữ trên khắp thế giới. Công an nhân dân ở Lăng Cô hay công an chống cộng ở Bolsa không còn có thể bịt miệng được.

Émile François Zola nói: “La vérité est en marche, rien ne peut plus l’arrêter”. Sự thật đang tiến bước, không có gì có thể làm cho nó ngưng lại được.

Còn đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe nhấn mạnh: “Tôi thích một sự thật có hại hơn một sự sai lầm có lợi. Sự thật chữa được cái hại nó có thể gây ra.”

Nhà thơ Nguyễn Tài Năng có bài thơ “Lấy thúng úp voi” như sau:

Trùm voi bằng thúng được đâu

Voi to thúng nhỏ hở đầu lòi đuôi

Chớ hòng lấy thúng úp voi,

Xấu mà che đậy cũng lòi xấu ra.

Chi bằng em cứ thật-thà

Lỗi thì nhận lỗi rồi ta sửa mình.

“THÙ LAO” LÀM ĐẢO CHÁNH

Sau khi bài “Kẻ phản bội” được phổ biến, nhiều người đã gọi điện thoại cho chúng tôi yêu cầu làm sáng tỏ về số tiền mà CIA đã trả cho nhóm làm đảo chánh. Chúng tôi xin nói rõ:

Số tiền 3.000.000 đồng (42.000 USD) được Lucien Conein đưa cho Tướng Trần Văn Đôn được chia như thế nào, Tướng Trần Văn Đôn đã ghi rõ trong Phiếu Đệ Trình ngày 14.8.1971 (xem phụ đính của cuốn Việt Nam Nhân Chứng), như: Tướng Trần Thiện Khiêm 500.000$, Tướng Tôn Thất Đính 600.000$, Tướng Lê Nguyên Khang 100.000$, Tướng Nguyễn Văn Thiệu 50.000$, Đại Tá Trần Ngọc Huyến 100.000$, Thiếu Tá Phan Hòa Hiệp 100.000$ và Đại Úy Đào Ngọc Diệp 100.000$. Tổng Cộng 1.550.000$. Số còn lại là 1.450.000$ được chia riêng cho các tướng Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Hữu Có, Trần Ngọc Tám, Nguyễn Khánh và Đỗ Cao Trí.

Tướng Trần Văn Đôn gọi số tiền này là “thù lao các đơn vị trong ngày cách mạng 1.11.1963”.

Không thể dựa vào sự phân chia số tiền “thù lao” nói trên để xét định ai “có công” lớn, ai “có công” nhỏ trong việc làm đảo chánh lật đổ và giết ông Diệm, vì ngoài số tiền “thù lao” này ra, các tướng lãnh đạo cuộc đảo chánh và những người liên hệ đã được lãnh một số thù lao khác nữa.

Tài liệu "Check-List of Possible U.S. Actions in Case of Coup," (Danh sách về những hành động Hoa Kỳ có thể làm trong trường hợp có đảo chánh) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 25.10.963 cho biết như sau về số tiền cung cấp cho nhóm đảo chánh:

“Mendenhall also compiles a set of options the Kennedy administration can take in support of a coup aimed at the Diem government. Note that he mentions providing money or other "inducements" to Vietnamese to join in the plot. The CIA would actually provide $42,000 to the coup plotters during the coup itself (other amounts in support are not known)”.

Xin tạm dịch:

“Mendenhall cũng đã hoàn thành một danh sách về những sự lựa chọn mà chính quyền Kennedy có thể thực hiện để yểm trợ cho một cuộc đảo chánh nhằm lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Cần lưu ý ông ta có đề cập đến vấn đề cung cấp tiền bạc hay “các sự xui khiến” (inducements) khác cho người Việt Nam tham dự vào âm mưu. Hiện tại, CIA phải cung cấp 42.000 USD cho những người âm mưu đảo chánh trong thời gian cuộc đảo chánh xẩy ra (những số tiền yểm trợ khác không được biết).”

(JFKL: Roger Hilsman Papers, Country File, box 4, folder: Vietnam 10/6/63-10/31/63)

Ngoài ra, vài ngày trước cuộc đảo chánh, Đại Sứ Lodge đã đề nghị Washington xử dụng một số tiền khác của CIA để đấm mõm (buy off) sự chống đối ngấm ngầm.

Sau đó, trong công điện gởi cho Đại Sứ Cabot Lodge ngày 30.10.1963, tức trước đảo chánh một ngày, ông McGeorge Bundy, Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Kennedy, đã viết:

“Về phần những lời yêu cầu của các tướng, họ có thể cần tiền vào giờ chót để mua chuộc những kẻ chống đối ngấm ngầm. Trong phạm vi mà những số tiền đó có thể được chuyển một cách kín đáo, tôi tin rằng chúng ta có thể cung cấp cho họ miễn là chúng ta được thuyết phục rằng cuộc đảo chánh đã được dự trù sẽ được tổ chức một cách hoàn hảo để có cơ may thành công.”

(FRUS 1961 – 1963, Volume IV, tr. 487).

Với những tài liệu được tiết lộ đã dẫn, chúng ta có thể tin rằng số tiền CIA đã cung cấp cho nhóm tướng lãnh làm đảo chánh chắc chăn lớn hơn số tiền “thù lao” nói trên nhiều, nhưng không thể biết được số tiền đó là bao nhiêu vì CIA đã xử dụng qũy mật, không ghi vào sổ sách nên không thể biết rõ được. Ngay trong tài liệu cũng đã ghi rõ “những số tiền yểm trợ khác không được biết”.

(FRUSS 1964 – 1968, Volum I, tr. 381).

TRANH NHAU “CHIẾN LỢI PHẨM”

Sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, ông Võ Văn Hải, chánh văn phòng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, có làm ngay một báo cáo cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạnh về tài sản của chính phủ Ngô Đình Diệm còn lại trong Dinh Gia Long. Sáng ngày 3.11.1963, Tướng Dương Văn Minh đã ký giấy ra lệnh cho Đại Úy Đặng Văn Hoa, chánh văn phòng của Tướng Đôn, đến Dinh Gia Long gặp ông Võ Văn Hải và ông Quách Tòng Đức, Đổng Lý Văn Phòng Phủ Tổng Thống, để nhận hồ sơ và tiền bạc còn lại trong Phủ Tổng Thống. Ông Võ Văn Hải đã bàn giao cho Đại Úy Đặng Văn Hoa 2.390.000$ và 6.297 USD trước sự chứng kiến của ông Quách Tòng Đức.

Theo Tướng Trần Văn Đôn, số tiền 2.390.000$ ông đã dùng để chi tiêu các việc cần thiết và “giúp đỡ các anh em binh sĩ” (?). Còn số tiền 6.297 USD, ông đã đưa cho Tướng Dương Văn Minh 6.000 USD, số còn lại ông giao cho Tướng Trần Thiện Khiêm khi Tướng Khiêm đi công tác Đại Hàn vào cuối tháng 12 năm 1963.

(Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chứng, Xuân Thu, California 1989, tr. 242).

Một nguồn tin nói rằng Tổng Thống Diệm có gởi ở dòng Chúa Cứu Thế 10.000.000$ Việt Nam thuộc quỹ mật của Phủ Tổng Tống. Số tiền này được gởi với mục đích khi có chính biến, có thể dùng để tạm thời nuôi Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống và Lực Lượng Đặc Biệt. Tướng Dương Văn Minh liền cho Tướng Trần Văn Minh đến lấy lại. Khi nhận tiền, Tướng Trần Văn Minh có làm biên nhận đàng hoàng.

Nhưng Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, lúc đó là Tư Lệnh Phó Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, cho biết ông Võ Văn Hải có kể lại với ông rằng ông Diệm cho ông biết khi về hưu ông sẽ về Huế sống với bà cụ cố. Nếu cụ cố chết sẽ vào tu ở Dòng Chúa Cứu Thế. Vì thế, lương và phụ cấp của cụ đều gởi cho cha Toán là quản lý của nhà Dòng. Số tiền đã gởi cho cha Toán là hai triệu tám trăm ngàn (hay ba triệu, ông không còn nhớ rõ). Sau cuộc đảo chánh, theo lời khai của ông Võ Văn Hải, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã cho Tướng Trần Văn Minh đến gặp cha Toán để lấy, vì Tướng Trần Văn Minh là người Công Giáo và có quen biết với cha Toán.

Sau khi giao số tiền cho Tướng Trần Văn Minh, cha Toán sợ bị liên lụy nên đã lên Tây Ninh rối trốn qua Cambodia, từ đó ông đi qua Pháp.

(Nguyễn Hữu Duệ, Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, San Diego, California, 2003, tr. 21 – 22).

Số tiền này cũng không được nộp vào ngân khố. Không biết các tướng đã chia chác với nhau như thế nào.

Ngày 26.5.1964, Đại Sứ Cabot Lodge có gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ một văn thư, trong đó có đoạn trình như sau:

“Tướng Khánh nói với tôi ngày 25 tháng 5 rằng khi ông Diệm bị bắn ông ta có trong tay một cái cặp chứa một triệu đô la ‘loại tiền lớn nhất’. Khánh nói rằng Tướng Minh đã lấy cái cặp đó và chưa bao giờ giao nộp. Khánh nói thêm rằng cũng trong thời gian đó, Tướng Minh đã chiếm đoạt 40 kg vàng thoi.

“Tôi khuyên Khánh không nên công bố chuyện đó ra cho dân chúng biết để khỏi làm giảm sự tin tưởng của dân chúng ở đó vào các tướng lãnh. Ông ta hy vọng Tướng Minh sẽ ra đi một cách thầm lặng.”

(I advised General Khanh not to make this public lest it shake public confidence here in all generals. He hope that General Minh will make his exit quietly.)

(FRUSS 1964 – 1968, Volum I, tr. 381)

THƯỢNG CẤP KHEN RỒI NGUYỀN RỦA

Tướng Trần Văn Đôn kể lại lúc 4 giờ chiều ngày 3.1.1963, khi Tướng Đôn và Tướng Kim đến Toà Đại Sứ Mỹ báo cáo kết quả của cuộc đảo chánh, Đại Sứ Cabot Lodge ra đón từ ngoài đường và nói bằng tiếng Pháp:

“C’est formidable! C’est magnifique!”

Tạm dịch:

Thật phi thường! Thật tuyệt với!

(Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chứng, Xuân Thu, California, Hoa Kỳ 1989, tr. 288).

Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, khi tình hình miền Nam suy sụp, Tổng Thống Johson đã lên tiếng nguyền rủa quyết định của nhóm đảo chánh và các tay sai.

Trong một cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, cho biết vào ngày 1.2.1966, Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã nói chuyện bằng điện thoại với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCathy như sau:

Johnson: ... But they started with me on Diem, you remember.

McCathy: Yeah.

Johnson: [That] he was corrupt and he ought to be killed. So we killed him. We all got together AND GOT A GODDAM BUNCH OF THUGS and we went in and assassinated him. Now, we've really had no political stability since then.

Xin tạm dịch:

Johnson: ... Nhưng ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm.

MacCarthy: Có chứ.

Johnson: (Rằng) ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau VÀ XỬ DỤNG MỘT BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ ĐÁNG NGUYỀN RỦA để hạ sát ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.”

“Bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” mà Tổng Thống Johnson nói ở đây là những ai?

Theo công điện ngày 27.8.963 của Trạm CIA Sài Gòn gởi CIA trung ương, Ủy Ban các Tướng Lãnh (Committee of Generals) tổ chức đảo chánh do Tương Dương Văn Minh cầm đầu gồm các tướng sau sau đây: Trần Thiện Khiêm, Lê Văn Kim, Nguyễn Khánh và Nguyễn Ngọc Lễ. Các tướng này đã họp và quyết định cuộc đảo chánh sẽ xẩy ra trong vòng một tuần lễ. Tướng Trần Văn Đôn cũng là một thành viên của Ủy Ban, nhưng không đến họp vì bị theo dõi. Tướng Trần Tử Oai không phải là thành viên của Ủy Ban, nhưng đồng ý hợp tác.

(FRUSS 1961 – 1963, Volume III, tr.653 – 654)

Tướng Trần Văn Đôn cho biết các sĩ quan sau đây đã nằm trong nhóm đứng ra tổ chức đảo chánh: Trung Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng Trần Văn Đôn, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Thiếu Tướng Nguyễn Khánh, Thiếu Tướng Lê Văn Kim, Thiếu Tướng Trần Văn Minh, Thiếu Tướng Phạm Xuân Chiểu, Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Thiếu Tướng Đỗ Cao Trí, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tá Đỗ Mậu, Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Đại Tá Nguyễn Văn Quan, Đại Tá Nguyễn Hữu Có, Đại Tá Trần Ngọc Huyến và Đại Tá Nguyễn Khương.

Trong thực tế, những người sau đây đã tham gia trực tiếp vào cuộc đảo chánh: Trung Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng Trần Văn Đôn, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, Thiếu Tướng Lê Văn Kim, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tá Đỗ Mậu..., và sau đó Tướng Nguyễn Khánh nhảy vào nối tiếp.

LÀM MẤT CHỦ QUYỀN QUỐC GIA

Chúng tôi nhắc lại, trong công điện gởi cho Bộ Ngoại Giao lúc 2 giờ chiều ngày 7.9.1963, Đại Sứ Cabot Lodge có kể lại lời ông Ngô Đình Nhu đã nói với ông như sau:

“Tôi báo động về những gì sẽ xẩy ra trong Quân Lực. Nếu tôi ra đi, Quân Lực sẽ nắm chính quyền. Bọn cóc nhái của CIA và USIS này sẽ phá hoại nỗ lực chiến tranh.”

“I am alarmed by what's going on in the Armed Forces. If I leave, the Armed Forces will take over the government. 'Ces grenouillards' (which I translate as "these schemers" or 'these contrivers') of the CIA and USIS will sabotage the war effort.”

(FRUS, Volume IV, tr. 131. Document 72).

Sau đó, trong công điện gởi Bộ Ngoại Giao lúc 6 giờ 39 phút chiều 29.10.1963, Đại Sừ Lodge trình rằng chiều 25.10.1963, ông Trần Trung Dung, cựu Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng, đã nói với viên chức CIA rằng ông được biết các tướng lãnh dự định làm đảo chánh trong vòng 10 ngày. Theo ông biết các tướng lãnh không tiếp xúc với các nhà lãnh đạo dân sự. Ông ta bày tỏ một vài sự quan tâm về khả năng và ý định của các Tướng Lãnh:

“Ông ta coi đa số các Tướng Lãnh không gì khác lơn là các trung sĩ được Pháp huấn luyện trong quân phục Tướng Lãnh”

(He consider majority of Generals no more than French trained sergeants in Generals’ uniforms)

(FRUS, Volume IV, tr. 457 – 458. Document 229).

Những lời tiên đoán này đã trở thành hiện thực! Khả năng qúa yếu kém của các tướng được CIA thuê làm đảo chánh đã làm miền Nam suy sụp một cách nhanh chóng. Trong cuốn hồi ký “In Retrospect” xuất bản năm 1995, ông McNamara, Bộ Trưởng Quốc Phòng, có ghi lại như sau:

“Miền Nam bây giờ thiếu hẳn bất cứ truyền thống đoàn kết quốc gia nào. Thay vào đó, những sự hận thù tôn giáo, các phe phái chính trị, cảnh sát tham nhũng xâu xé nhau, và chưa hết, sự bành trướng của chiến tranh du kích quấy rối được người láng giềng miền Bắc yểm trợ... Chỉ trong vòng có 90 ngày của chính quyền Johnson mà thay đổi đến hai chính phủ, và rồi trong vòng chín tháng kế tiếp đã có đến bốn chính phủ”.

(Robert S. McNamara, sách đã dẫn, tr. 100 – 101)

Tháng 12 năm 1963, ông McNamara đã đến Sài Gòn nghiên cứu tình hình. Theo tờ New York Times, ông mô tả tình hình của miền Nam là "Laden with gloom" (Nặng trỉu bóng đen)!

Từ một tình trạng suy sụp như vậy, người Mỹ đã nhảy vào và nắm luôn chủ quyền tại miền Nam.

Trong tác phẩm “President Kennedy, Profile of Power”, sử gia Richard Reeves đã ghi lại tình trạng tại miền Nam sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ và các tướng lãnh Việt Nam lên nằm chính quyền như sau:

“Người Mỹ, vì các mục tiêu thực tế, đã cai quản đất nước. Các tướng lãnh Việt Nam cười trước các máy quay phim, nhưng lo lắng và chờ đợi tiền và chỉ thị từ Washington, thủ đô mới của miền Nam Việt Nam. Họ chờ đợi những mệnh lệnh mà ông Diệm từ chối, sẵn sàng bắt đầu công việc thắng cuộc chiến!”

(Richard Reeves, President Kennedy, Profile of Power, Touchstone, New York 1994, tr. 651).

Cũng có nhận định tương tự, trong cuốn “The Vietnam War, 1945 - 1990”, Marilin B. Young nói rằng ông Diệm đã làm hỏng chính sách của Hoa Kỳ về phương diện chiến thuật nên được Hoa Kỳ thay thế bằng một nhóm tướng lãnh. Khác với ông Diệm, họ lệ thuộc vào Hoa Kỳ và vì thế sẵn sàng theo những lời cố vấn của Hoa Kỳ không cần tranh luận.

(Marilin B. Young, The Vietnam War, 1945 - 1990, HarperCollins, New York, 1991, tr. 104).

Một số tài liệu được dẫn chứng nói trên cũng đủ cho thấy một số sĩ quan cao cấp của VNCH đã nhận chỉ thị và tiền từ CIA để làm “cách mạng” với hậu quả là làm mất chủ quyền quốc gia, đưa đất nước vào những ngày đen tối và sau đó làm mất miền Nam. Không lẽ ngày nay chúng ta phải “suy tôn” và “tưởng niệm” những người như thế sao?

Lữ Giang

(Ngày 19.10.2009)