Home Tin Tức Bình Luận XHCN và khoảng cách giàu nghèo

XHCN và khoảng cách giàu nghèo PDF Print E-mail
Tác Giả: Nam Nguyên, phóng viên RFA   
Thứ Bảy, 23 Tháng 1 Năm 2010 00:21

Không chỉ giữa nông thôn và thành thị mới có cách biệt thu nhập giàu nghèo.

Ngay tại các đô thị mức tiền lương và thưởng Tết đã thể hiện khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa các khu vực kinh tế, giữa các ngành.

AFP PHOTO
Người lao động nghèo tại công trường xây dựng nhà ở cao cấp tại Hà Nội.

Người mua máy bay

Nếu kể mốc thời gian 1986 đến nay, chặng đường đổi mới ở Việt Nam đã được 24 năm. Một phần tư thế kỷ đã đi qua, kể từ khi Đảng Cộng Sản xác định Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng từ đó xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi mà giới nhà báo gọi là ‘thay đổi đến chóng mặt’.

Nền kinh tế thị trường mang lại nhiều cơ hội làm giàu, hình thành các tầng lớp thượng lưu, trung lưu. Điều này có thể chưa thật chuẩn xác theo quan niệm của các chuyên gia kinh tế, nhưng ít ra người ta thấy được bóng dáng của giai cấp mới trên truyền thông báo chí.

Mấy năm liền các nhà báo liệt kê tốp 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, chọn lọc hơn nữa tốp 10 người giàu nhất. Chuyện đại gia sắm máy bay riêng, xe ô tô loại cực kỳ đắt giá là những chuyện mà độc giả dễ dàng tìm thấy trên báo chí.

Xã hội Việt Nam trong cơn lốc kinh tế thị trường, người nghèo vẫn nghèo và chiếm đa số. Nhưng đã có nhiều người dư dật, giàu vừa vừa đến rất giàu, của nổi chưa kể của chìm của một số đại gia đã ngót nghét con số tỷ USD mỗi vị.

Trong khi đó, có những số liệu cụ thể cho thấy, nông dân làm ruộng ở làng quê miền Bắc có tổng doanh thu đầu người mỗi năm khoảng 1.300.000 đồng, trừ các chi phí đầu vào thực lãi của mỗi nhân khẩu chỉ còn 500 ngàn đồng, nếu chia đều cho 12 tháng mỗi người chỉ có thu nhập 40 ngàn đồng/ tháng.

Chỉ có thể lý giải là người nông dân đã có rất nhiều nghề phụ lúc nông nhàn, họ làm bất kể việc gì đến tay để sinh tồn. Những sự kiện này chúng tôi tìm thấy trong ‘Thư Nông Dân’của nhà báo Nguyễn Quang Thiều đăng trên Vietnam Net cách đây ít lâu.

Chênh lệch giàu nghèo trong một nền kinh tế thị trường là bình thường,  nhưng cứ đến năm hết Tết đến, câu chuyện tiền lương tiền thưởng và khoảng cách chênh lệch lại làm nóng các trang báo mạng.

Ngày 18/1 VietnamNet trong trang Tuần Việt Nam có bài ‘Phân hóa thu nhập từ nhiều góc nhìn’ của nhà báo Trần Trọng Thức. Nhận định trích từ bài viết được chọn là ‘Phát ngôn ấn tượng nhất’:

Cũng có người giàu lên không bằng năng lực cũng chẳng nhờ vào thời cơ, mà nhờ vào các mối quan hệ. Hầu hết các nước kém phát triển, khi quyền lực liên kết với tư bản trong làm ăn thì phân hóa giàu nghèo càng khó giải quyết.”

Người bán hàng rong ngồi an trưa bên cạnh một cửa hàng bán mỹ phẩm sang trọng tại Sài Gòn. AFP Photo.
Người bán hàng rong ngồi an trưa bên cạnh một cửa hàng bán mỹ phẩm sang trọng tại Sài Gòn. AFP Photo.
Bài viết trên Vietnam Net đưa ra sự chênh lệch tiền thưởng Tết dựa vào thông tin của Vụ Lao Động Tiền Lương thuộc Bộ Lao Động, Thương Binh-Xã Hội, theo đó cá nhân được thưởng Tết cao nhất năm nay là 389 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI của TP HCM.

Trong khi đó mức thưởng Tết cao nhất cho lao động trong khối doanh nghiệp dân doanh tại thành phố này là 185 triệu đồng. Ở khối doanh nghiệp nhà nước, mức thưởng Tết cao nhất gần 100 triệu đồng của một doanh nghiệp ở Khánh Hòa.

Kẻ mua xe đạp

Tác giả ghi nhận, thấp nhất năm nay là ở Nam Định, khối doanh nghiệp FDI có mức thưởng Tết cao nhất là 100.000 đồng/người, thấp nhất là 50.000 đồng/người.

Riêng khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng cao nhất lên tới 3,2 triệu đồng, nhưng mức thấp nhất lại chỉ có 30.000 đồng/người. Đây cũng là mức thấp nhất trong cả nước.

Từ những số liệu như thế, nhà báo Trần Trọng Thức nhận định rằng: “sự chênh lệch về tiền thưởng Tết năm nay như vừa nói phản ánh một sự phân hóa thu nhập - phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn”. Ông nhắc lại giai đoạn Việt Nam bước vào đổi mới và sự phân hóa giàu nghèo bắt đầu ló dạng.

Theo nhà báo, lúc ấy không ít người cho rằng hễ một người giàu lên thì ắt phải có một người khác nghèo đi. Lối suy nghĩ hẹp hòi khiến  liên tưởng đến hình ảnh một chiếc bánh phải chia đều cho mọi người.

Nhà báo cho rằng, đó là cách suy nghĩ một thời xa xưa mà hậu quả là người ta nhân danh công bằng để chia đều với nhau sự nghèo khó.

Nhà báo nhận định rằng, ngày nay cách suy nghĩ đã khác, chiếc bánh được chia đều không phải là hình ảnh nói lên sự công bằng trong xã hội nữa mà những người tạo ra một giá trị cao hơn có quyền được hưởng phần bánh nhiều hơn để làm ra chiếc bánh lớn hơn hoặc có thêm chiếc bánh khác.

Sau khi đưa ra sự thay đổi tư duy, bài báo nhìn nhận tình trạng cách biệt thu nhập giữa người giàu và nghèo là điều đương nhiên có trong một xã hội cho phép sự cạnh tranh.

Nhiều nhà kinh tế học khuyên  đừng quá gay gắt với khoảng cách giàu nghèo mà nên quan tâm nhiều hơn đến việc làm cho chất lượng cuộc sống của mọi người trở nên tốt hơn. và “Nên quan tâm đến phần bánh mà người nghèo nhận được là bao nhiêu, chứ không phải là phần bánh họ nhận được bằng bao nhiêu so với phần bánh mà người giàu nhất có được".

Xã hội phân hóa

Đọc bài của Trần Trọng Thức người ta thấy sự khéo léo của người viết, phải mất rất nhiều chữ nghĩa trước khi tác giả đụng vào vấn đề cốt lõi:  

“Liệu có phải việc phân chia chiếc bánh lúc nào cũng công bằng không? Chưa hẳn, vì thiếu gì trường hợp khi chiếc bánh to lên thì một số người không làm mà vẫn có ăn thậm chí còn giành phần nhiều nữa.

Đó là người giàu lên nhờ thời cơ, cũng là làm giàu chính đáng, nhưng khi ấy để rút ngắn khoảng cách với người nghèo thì phải cần đến vai trò điều tiết của thuế má, của luật pháp nghiêm minh và đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội. Mà về điều này thì hình như Việt Nam đang còn kém.”

Bất công xã hội. AFP Photo.
            Bất công xã hội. AFP Photo.
Nhà báo trích dẫn báo cáo gần đây của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) về an sinh xã hội ở Việt Nam.

Theo đó các hộ trong nhóm 20% giàu nhất của Việt Nam nhận được khoảng gần 40% lợi ích an sinh xã hội, trong khi nhóm nghèo nhất chỉ nhận được 7%. Nhóm giàu nhất được hưởng tới 35% trợ cấp giáo dục còn nhóm nghèo nhất chỉ được 15%.

Tác giả nhận định rằng: “ Do Việt Nam chưa làm tốt vấn đề an sinh xã hội cho nên rất cần cảnh báo tình trạng phân hóa này bởi khi sự thiệt thòi quá nhiều nghiêng về  nhóm người nghèo thì rủi ro về mặt xã hội sẽ càng cao.

Trong khi có những người giàu lên không bằng năng lực cũng chẳng nhờ vào thời cơ, mà nhờ vào các mối quan hệ. Hầu hết các nước kém phát triển, khi quyền lực liên kết với tư bản trong làm ăn thì phân hóa giàu nghèo càng khó giải quyết. Về mặt lý thuyết thì quyền lực chính trị là khả năng quyết định ai sẽ nhận được "cái gì" để làm ra được "cái gì" và cho ai được hưởng.”

Đó là một số nhận định trong bài ‘Phân hóa thu nhập từ nhiều góc nhìn’ của nhà báo Trần Trọng Thức do Vietnam Net đưa lên mạng trong chuyên mục Tuần Việt Nam. Mục đọc báo điện tử trong nước hôm nay kết thúc ở đây, Nam Nguyên thân chào quí vị và các bạn