Home Tin Tức Bình Luận Ðiểm qua về tình hình người Việt hải ngoại trên thế giới (tiếp theo và hết)

Ðiểm qua về tình hình người Việt hải ngoại trên thế giới (tiếp theo và hết) PDF Print E-mail
Thứ Hai, 08 Tháng 2 Năm 2010 17:56
4 - Lãnh vực công quyền

 
 Cuộc đi bộ vì tự do tôn giáo cho Việt Nam tại Fountain Valley ở California, một trong các sinh hoạt cộng đồng của người Việt hải ngoại, ngày 24 tháng 1, năm 2010. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Người Việt đã tham gia khá đông đảo trong chính quyền các quốc gia sở tại. Trước hết là các chức vụ dân cử. Tại Mỹ, người đầu tiên được bầu vào chức vụ Dân Biểu Liên bang Hoa kỳ, đó là Joseph Cao Quang Ánh đại diện tại thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana. Còn có hai dân biểu cấp tiểu bang, đó là Trần Thái Văn ở California và Hubert Võ ở Texas. Về chức vụ nghị viên cấp thành phố, thì có đến mấy chục vị đã được bầu là đại diện dân cử tại Mỹ, Anh Quốc, Canada và Úc Châu.

Còn về chức vụ trong ngành hành pháp cấp Liên Bang ở Mỹ, thì đã có nhiều người được bổ nhiệm làm phụ tá bộ trưởng như Tiến Sĩ Ðinh Việt tại Bộ Tư Pháp, hay làm việc tại Tòa Bạch Ốc của tổng thống Hoa kỳ như Phạm Ðức Trung Kiên, Vũ Bảo Kỳ, Phạm Thư Ðăng v.v... Một nhân vật có thể coi là nổi bật nhất trong năm 2009 vừa qua, đó là Bác Sĩ Philipp Rosler, bộ trưởng Y Tế của chánh phủ Cộng Hòa Liên Bang Ðức. Ông sinh năm 1973 tại Sóc Trăng, được cha mẹ nuôi người Ðức đưa ra khỏi Việt Nam khi mới có hơn 1 tuổi, mà nhờ có năng khiếu thiên bẩm, nên đã hấp thụ được một nền giáo dục tuyệt hảo tại nước Ðức và đã gặt hái được một thành công rực rỡ, dù mới chỉ ở vào tuổi ngoài 30.

Riêng về ngành Tư Pháp ở Mỹ, thì đã có đến cả chục vị được tuyển chọn vào ngạch thẩm phán cấp tiểu bang cũng như cấp liên bang.

Nói chung thì thế hệ thứ hai đã hội nhập khá sâu sắc vào với dòng chính của xã hội Âu Mỹ, trong lãnh vực công quyền cũng như trong môi trường hàn lâm đại học. Và cứ theo cái đà tiến bộ hiện nay, thì trong tương lai không xa nữa, lớp con cháu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba sẽ mỗi ngày càng tiến xa hơn nữa trong bậc thang xã hội của các quốc gia, mà cha ông của chúng đã chọn lựa làm “quê hương thứ hai,” thêm vào với quê hương nguyên thủy là nước Việt Nam vậy.


5 - Lãnh vực sinh hoạt cộng đồng

Khối người tỵ nạn, nhất là các “thuyền nhân” (boat people), khi vượt thoát khỏi đất nước quê hương vào các thập niên 1970-80, trong các điều kiện hết sức nguy hiểm và khắc nghiệt bi thảm, thì được cộng đồng quốc tế rất mực thương cảm và đã mở rộng bàn tay để tiếp đón với tất cả lòng nhân đạo chân thật. Và người tỵ nạn đã góp phần cộng tác với những cơ quan thiện nguyện cứu trợ tại các trại, bằng cách tổ chức những ban trật tự, ban giáo dục hướng dẫn thanh thiếu niên, mở các lớp học sinh ngữ, dạy nghề, v.v... để giúp bà con chuẩn bị định cư tại một nước thứ ba. Thành ra tổ chức sinh hoạt cộng đồng đã khởi sự ngay từ hồi các thuyền nhân mới đặt chân tới trại tạm trú. Và rồi lần hồi khi đã tạm ổn định nơi đất nước định cư, thì bà con lại tự động tổ chức các sinh hoạt cộng đồng và tương trợ lẫn nhau, kẻ đến trước tìm mọi cách để giúp đỡ dẫn dắt lớp người đến sau. Với tinh thần liên đới và tương trợ cao độ như vậy, nên giữa bà con với nhau càng có thêm sự gắn bó thông cảm tốt đẹp. Và việc này cũng đã tạo được mối thiện cảm của các cơ quan xã hội và tổ chức thiện nguyện tại quốc gia đón nhận người tỵ nạn đến định cư.

Lần hồi các hội ái hữu được thành lập để quy tụ những bà con đồng hương từ một địa phương ở quê nhà, những bạn học sinh cùng trường, những cựu quân nhân cùng một binh chủng hay cùng một đơn vị v.v... Việc thành lập và điều hành các hội đoàn như vậy thật là đơn giản, dễ dàng tại những quốc gia dân chủ tự do, vì đó là thuộc về khu vực xã hội dân sự, vốn là một khu vực nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, mà thường được gọi là “những tổ chức phi chính phủ” (NGO = Non-governmental organisations). Những hội đoàn này chỉ phải đăng ký với cơ quan nhà nước khi cần xin được công nhận là có“tính cách bất vụ lợi” (non-profit) và do đó được hưởng quy chế “miễn thuế” (tax-exempt).

Tại một số địa phương lại còn tổ chức thành một cơ cấu lấy danh xưng là “Ban Ðại Diện Cộng Ðồng” với thành phần ban điều hành được tuyển chọn qua một cuộc bầu cử tại địa phương, tương tự như cuộc bầu cử một cơ quan “dân cử,” với hình thức coi giống như là một cơ quan công quyền thuộc khu vực nhà nước. Về thực chất, thì các “tổ chức cộng đồng” này chỉ là một thứ hội đoàn, hiệp hội tư nhân mà thôi, chứ không hề là một thành phần nào trong guồng máy của chánh quyền địa phương. Nhưng có lẽ vì quá chú trọng đến khía cạnh “tranh đấu chính trị” chống lại “sự xâm nhập của nhà nước cộng sản vốn chủ trương tìm mọi cách khống chế người Việt ở hải ngoại,” cho nên đã xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng trong sinh hoạt nội bộ của các tổ chức cộng đồng này, khiến gây thêm chia rẽ, phân hóa giữa các thành viên của cộng đồng. Ðiển hình có nơi lại xuất hiện đến 2-3 tổ chức, mà đều tự nhận là “Ban Ðại Diện Cộng Ðồng” cả, và chẳng ai lại còn nhường nhịn lẫn nhau nữa. Tình trạng bế tắc này rõ rệt là điều đáng quan ngại, vì nó đã gây ra hậu quả bất lợi là làm mất cái hòa khí trong nội bộ, làm tê liệt đời sống của tập thể cộng đồng. Mặt tiêu cực như thế cần phải được mau chóng khắc phục chấn chỉnh, chứ không thể cứ để kéo dài mãi mãi được.


6 - Sinh hoạt tôn giáo

Nói chung thì tại các nước tự do dân chủ, người di dân tỵ nạn là tín đồ của các tôn giáo chính ở Việt Nam như Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Cao Ðài, Hòa Hảo đều có điều kiện dễ dàng thuận lợi để mà tổ chức quy tụ lại với nhau, hầu cùng theo đuổi những sinh hoạt tâm linh theo giáo huấn của tôn giáo mình. Riêng tại các nước Âu Mỹ, thì các tín đồ Công Giáo và Tin Lành Việt Nam dễ dàng hội nhập với tổ chức và sinh hoạt của các đồng đạo với mình, vì đã có sẵn cơ sở thờ phượng là thánh đường và nền nếp sinh hoạt đã có sẵn của địa phương. Còn đối với tín đồ Phật Giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo, thì phải tự đứng ra lo liệu về mọi phương diện, từ cơ sở vật chất như ngôi chùa, thánh thất, trụ sở hội họp cho đến lề lối sinh hoạt đem từ Việt Nam tới, tất cả đều phải do mình cáng đáng lấy hết. Bởi lẽ tại địa phương, chưa hề có sẵn một tổ chức nào tương tự như mình. Tuy vậy, rồi lần hồi sinh hoạt tôn giáo cũng được phát triển, để mọi tín đồ đều có sự thuận lợi tổ chức những cơ sở cần thiết cho các hoạt động tâm linh của riêng tôn giáo mình.

Ðiểm đặc sắc là tại các nhà thờ, các chùa, thánh thất,... thì luôn luôn tổ chức được các trường dạy Việt ngữ cho con em vào ngày cuối tuần. Ðây là một sự đóng góp rất quan trọng của các tổ chức tôn giáo trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam cho thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt hải ngoại. Kèm theo là việc tổ chức những hội đoàn thanh thiếu niên như gia đình Phật tử, Ðoàn Thiếu nhi Thánh thể v.v... để giúp giới trẻ có cơ hội được đào tạo sinh hoạt tập thể lành mạnh, tiến bộ cả về đức dục và trí dục. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến những hoạt động từ thiện nhân đạo do các tín đồ xướng xuất và thực hiện, cụ thể như quyên góp thực phẩm, tiền bạc, vật dụng để giúp cứu trợ nạn nhân thiên tai bão lụt, giúp người bị bệnh phong cùi, v.v... Qua những sinh hoạt văn hóa xã hội và nhân đạo từ thiện như vậy, tôn giáo càng thêm thân thiết gắn bó với từng gia đình trong số các tín đồ của mình. Nhờ vậy mà nếp sinh hoạt cộng đồng càng thêm phấn khởi, an vui và bền vững.


7 - Sinh hoạt của người Việt tại Ðông Âu

Số người Việt cư ngụ tại nước Nga và các nước Ðông Âu được ước lượng vào khoảng 4-500 ngàn. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau, chứ không phải đa số là dân tỵ nạn như là tại các nước Âu Mỹ. Vì Việt Nam có quan hệ gắn bó chặt chẽ với khối xã hội chủ nghĩa, do Liên Xô lãnh đạo từ thời kỳ chiến tranh lạnh, nhất là sau năm 1954 cho tới khi Liên Xô giải thể vào cuối năm 1991, nên người Việt dễ dàng tìm được cơ hội làm ăn tại các quốc gia này khi nền kinh tế thị trường cho phép các sáng kiến tư nhân được tự do thi thố, sau khi chế độ kinh tế tập trung do nhà nước chỉ huy bị bãi bỏ.

Một số các chuyên viên Việt Nam vốn được du học tại các nước này ngay từ cuối thập niên 1950, nên họ thông thạo ngôn ngữ và văn hóa, cũng như có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn khá cao. Vì thế họ dễ dàng hội nhập được với xã hội các nước này, và tìm được công việc làm ăn phù hợp với khả năng chuyên môn của mình. Tiếp theo là lớp người từng “đi lao động hợp tác” vào hồi giữa thập niên 1980, thì sau khi bức tường Berlin sụp đổ, họ xin tiếp tục ở lại và phần đông cũng tạo dựng được một cuộc sống tương đối ổn định, thoải mái. Còn thành phần thứ ba là những người nhập cư sau năm 1991 với chiếu khán du lịch, rồi tìm cách hợp thức hóa như là người di dân. Còn một thành phần khác nữa, đó là người di dân “bất hợp pháp.”

Vì lý do tại chính những quốc gia “cựu cộng sản” này, tình hình kinh tế xã hội cũng chưa được ổn định lắm, nên còn nhiều kẽ hở để những người năng nổ tháo vát như người Việt mình có thể xoay xở tìm cách làm ăn thế nào mà có lợi nhất cho mình. Cho nên đa số người Việt sinh sống bằng nghề kinh doanh buôn bán, nhiều hơn là dịch vụ kinh doanh sản xuất. Do đó mà hay gặp những khó khăn, đụng chạm phát sinh từ sự cạnh tranh thương mại với người dân bản xứ, cũng như với các sắc dân di trú khác, và cả với chính đồng hương của mình nữa. Sự đụng chạm này nhiều khi khá căng thẳng, nặng nề, có khi đưa tới những vụ thanh toán đẫm máu giữa các phe đối nghịch. Thêm vào đó còn có sự tham dự của các nhân viên sứ quán, vì lý do chính trị cũng có, nhưng vì lý do quyền lợi riêng tư cá nhân thì nhiều hơn. Nhân viên sứ quán này thường khai thác “chỗ yếu của các thân chủ của mình” là họ cần sự “che chở, bênh đỡ” trước sự kiểm soát của cơ quan cảnh sát địa phương đối với những vụ làm ăn khuất tất của họ, để mà trục lợi riêng cho bản thân và tập thể của mình.

Lại nữa số di dân đến các nước Ðông Âu này hầu hết là dân từ miền Bắc Việt Nam, nên đã quen thuộc với lối sống của người dân dưới chế độ cộng sản. Mà lại họ bó buộc phải giao tiếp với cơ sở ngoại giao của nhà nước cộng sản Việt Nam, nên họ phải tìm cách đối phó thế nào cho khỏi thiệt thòi đến quyền lợi thiết thân của mình. Nói khác đi là “phải duy trì cái lối sống hai mặt,” luôn che giấu cái ý nghĩ đích thực của mình, để mong có thể tồn tại được. Nói ngắn gọn là tình hình của người Việt ở Ðông Âu hiện nay vẫn còn nhiều bất trắc đến độ phức tạp, mà chưa thấy có được một lối thoát thỏa đáng nào cho cái vấn nạn khúc mắc này.

* * *

Trên đây chỉ là một số nhận định rất sơ lược và khái quát về tình hình của số đông người Việt hải ngoại tại một số nước ở Âu Mỹ và Australia. Bài này cũng không đề cập đến số khá đông người Việt (có thể lên tới con số cả triệu người) hiện cư ngụ tại các quốc gia láng giềng ở Á Châu như Cambodia, Lào Thái Lan, Trung Quốc, Ðài Loan, Ðại Hàn, Nhật Bản, Hongkong, Singapore, Phi Luật Tân... Tác giả hy vọng sẽ có điều kiện tham khảo, nghiên cứu chi tiết hơn nữa, để có thể trình bày đầy đủ, gọn gàng hơn về đề tài rộng lớn này với quý bạn đọc trong một dịp khác vậy.

California, tháng 2, năm 2010